Kinh doanh vàng miếng dần kém hấp dẫn?

Việc BIDV vừa được NHNN cho phép chấm dứt hoạt động kinh doanh mua bán vàng miếng tại 9 điểm cùng với các doanh nghiệp kinh doanh vàng khác gần đây đẩy mạnh sản phẩm trang sức cho thấy kinh doanh vàng miếng đã giảm đi sự hấp dẫn.

Vàng miếng đã không còn hấp dẫn với trong mắt người dân

Mới đây, NHNN đã có công văn cho phép Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) được chấm dứt hoạt động kinh doanh mua bán vàng miếng tại các địa điểm được phép kinh doanh mua bán vàng miếng. Đại diện BIDV sau đó cũng đã lên tiếng là không phải chấm dứt tất cả các điểm kinh doanh vàng miếng của ngân hàng mà chỉ có cắt giảm 9 điểm gồm các chi nhánh: Cao Bằng, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Lào Cai, Bắc Cạn, Tuyên Quang, Yên Bái và Hà Giang.

Lý giải về động thái này của BIDV, một chuyên gia về vàng cho biết, có thể kinh doanh vàng miếng không còn hấp dẫn khi nhu cầu vàng trong nước đang rất yếu. Trong khi 9 điểm kinh doanh vàng miếng của BIDV chấm dứt kinh doanh thời điểm này đều là các điểm kinh doanh nằm tại các tỉnh miền núi, nơi điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn nên nhu cầu vàng miếng chắc chắn còn thấp hơn nhiều.

"Nhu cầu vàng trong nước giảm rất mạnh trong mấy năm gần đây. Nguyên nhân một phần do Nghị định 24 đi vào cuộc sống đã kiểm soát chặt chẽ hơn đối với hoạt động kinh doanh vàng. Song nguyên nhân chủ yếu do nền kinh tế tăng trưởng ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp khiến nhu cầu nắm giữ vàng của người dân giảm mạnh", vị chuyên gia này cho biết.

Đồng quan điểm này, TS. Nguyễn Trí Hiếu – Chuyên gia tài chính – ngân hàng cho rằng, người dân thường có xu hướng nắm giữ vàng để tích lũy và bảo toàn giá trị mỗi khi nền kinh tế gặp nhiều khóa khăn, lạm phát tăng cao. Tuy nhiên, mấy năm gần đây, kinh tế trong nước tăng trưởng ổn định, lạm phát ở mức thấp khiến cho việc nắm giữ vàng không có lợi bằng nắm giữ tiền đồng, bởi lãi suất tiết kiệm bằng VND hiện vẫn đang ở mức khá hấp dẫn, trong khi các ngân hàng đã không còn được huy động vàng, thậm chí người có vàng phải trả phí để ngân hàng giữ hộ.

Một biểu hiện rõ nét nhất cho thấy hiện người dân khá thờ ở với vàng là mấy năm nay đã không còn tái xuất hiện cảnh người dân đổ xô đi mua vàng mỗi khi giá vàng biến động, vì thế giá vàng trong nước cũng chỉ biến động trong biên độ khá nhỏ ngay cả trong thời điểm giá vàng thế giới biến động mạnh.

Tuy nhiên, kinh doanh vàng trang sức vẫn còn đất sống và vàng trang sức đang có dấu hiệu lấn át vàng miếng. Điều này cũng có thể nhìn thấy rõ khi các sản phẩm trang sức liên tục được các doanh nghiệp kinh doanh vàng giới thiệu ra thị trường.

Tranh thủ “Ngày của mẹ” để tạo sự chú ý và thu hút khách mua hàng, ngày 13/5/2018, Tập đoàn vàng bạc đá quý DOJI đã giới thiệu tới khách hàng bộ sưu tập gắn đá Ruby “Vòng tay yêu thương” và bộ sưu tập gắn đá Cẩm thạch “Ánh dương rạng rỡ” dành riêng cho Mẹ trong dịp đặc biệt này.

Cùng với đó, bộ sưu tập “Vòng tay yêu thương”, trang sức chất liệu vàng 14K, 18K gắn đá Ruby tự nhiên có thiết kế ấn tượng với họa tiết uốn lượn.

Vào giữa tháng 4 vừa qua, Công ty vàng bạc đá quý Bảo Tín Minh Châu (BTMC) cũng đã giới thiệu nhãn hàng Forever One - là nhãn hàng chuyên về kim cương tự nhiên, kim cương phong cách của BTMC.

Điểm đặc biệt, mặc dù là sản phẩm trang sức kim cương nhưng BTMC đã ra mắt tới 9 sản phẩm và dành cho mọi lứa tuổi và giá cũng từ bình dân tới cao cấp 2 triệu đồng đến 440 triệu đồng/sản phẩm.

Có thể kể ra một số bộ sưu tập trang sức kim cương của BTMC khá bình dân như bộ “I Diamond – Tôi là kim cương” dành cho nhu cầu trang sức chữ cái đính kim cương, đối tượng khách hàng từ 15 – 35 tuổi. Khách hàng là những người trẻ, cá tính, hiện đại phong cách, khoảng giá thành từ 2 – 15 triệu đồng.

Bộ sưu tập “Dancing Forever – Vũ điệu vĩnh cửu” dành cho nhu cầu trang sức kim cương tặng cho “một nửa” mà bạn muốn gắn bó cả đời. Giá khoảng từ 3,5 triệu – 50 triệu đồng.

Ngoài ra, các doanh nghiệp kinh doanh vàng khác như PNJ, BTJ, SBJ..., cũng đã đưa ra nhiều mẫu mã trang sức hấp dẫn khách hàng.

Nhu cầu vàng trang sức đang tăng trở lại

Khi được hỏi về so sánh doanh thu giữa vàng miếng và vàng trang sức thì các doanh nghiệp kinh doanh vàng đều từ chối trả lời. Tuy nhiên, trao đổi với thoibaonganhang.vn, đại diện Công ty Bảo Tín Minh Châu cho biết, gần đây xu hướng mua vàng trang sức của người dân là chủ yếu. “Vàng trang sức hiện nay vẫn được doanh nghiệp bán nhiều hơn. Chẳng hạn như Chủ Nhật vừa qua, 13/5 là Ngày của mẹ nên doanh số bán ra gấp đôi so với Chủ Nhật tuần trước và chủ yếu là khách hàng mua vàng trang sức làm quà tặng mẹ”, đại diện BTMC chia sẻ.

Đại diện một doanh nghiệp kinh doanh vàng khác cho biết, đúng là lượng vàng trang sức bán ra gần đây tốt hơn nên doanh nghiệp cũng phải không ngừng đưa ra các mẫu mã, sản phẩm hấp dẫn phục vụ khách hàng.

Chưa kể, thời gian qua vàng miếng SJC thường có giá cao hơn các thương hiệu vàng khác, thậm chí hơn cả vàng trang sức (khi đã trừ đi công chế tác) nên vàng miếng càng giảm đi sự hấp dẫn với khách hàng. Đặc biệt, nếu mua vàng miếng thì chỉ cất vào tủ, trong khi vàng trang sức có thể sử dụng đeo vào dịp lễ, tết, làm quà tặng..., và mua - bán cũng dễ dàng.

Nhìn nhận trước hiện tượng trên, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng việc "các doanh nghiệp kinh doanh vàng phát triển vàng trang sức là một xu hướng tích cực”.

Đức Nghiêm

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/kinh-doanh-vang-mieng-dan-kem-hap-dan-75754.html