Kinh doanh vật tư nông nghiệp: Rà soát, quản lý chặt

6 tháng đầu năm 2018, ngành nông nghiệp Hà Nội đã thực hiện đợt rà soát, kiểm tra về chất lượng vật tư và an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản. Tuy nhiên, công tác quản lý vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn, do phần lớn các cơ sở đều nhỏ lẻ, chưa có sự đánh giá chất lượng giữa các mặt hàng bảo đảm và trôi nổi trên thị trường.

Khó kiểm tra đơn vị cung cấp vật tư nông nghiệp

Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, từ đầu năm đến nay, các đơn vị của Sở đã thực hiện rà soát, thống kê các cơ sở thuộc thẩm quyền quản lý, lập danh sách được 18.140 cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông, lâm, thủy sản.

Siết chặt quản lý chất lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Ảnh: IT

Từ đầu năm đến nay, các đơn vị của Sở NN&PTNT Hà Nội đã thực hiện kiểm tra 89 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản, phát hiện 42 cơ sở vi phạm với lỗi chủ yếu: Không rõ nguồn gốc xuất xứ; người sản xuất, kinh doanh không có giấy khám sức khỏe, xác nhận kiến thức; không bảo đảm điều kiện bảo quản, vận chuyển... Tổng số tiền phạt hơn 400 triệu đồng.

Chánh Thanh tra Sở NN&PTNT Hà Nội Phạm Khắc Diến cho biết: Hiện nay, việc quản lý vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm vẫn khó khăn do các cơ sở sản xuất kinh doanh nhiều nhưng nhỏ lẻ, nằm trong khu dân cư. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng vi phạm trong lĩnh vực vật tư nông nghiệp còn nhiều là do hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phục vụ quản lý vật tư nông nghiệp chưa đầy đủ và tính khả thi chưa cao; năng lực quản lý nhà nước còn hạn chế; công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, đấu tranh phòng, chống tội phạm và sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương chưa chủ động, thiếu quyết liệt, còn có nơi buông lỏng quản lý.

Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Thanh Oai Đỗ Thị Kim Dung cho biết: Toàn huyện hiện có gần 8.000 hộ kinh doanh thực phẩm, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật. Có số lượng cơ sở lớn nhưng nhiều cửa hàng kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, phân bón chỉ hoạt động theo mùa vụ. Trong khi lực lượng làm công tác thanh tra chuyên ngành mỏng nên việc kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất gặp khó khăn. Việc phối hợp giữa các ngành trong kiểm tra, xử lý tổ chức, cá nhân kinh doanh vật tư nông nghiệp vi phạm chưa chặt chẽ, nên rất khó kiểm soát chất lượng sản phẩm, nhất là đối với cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ tại các địa phương.

Tăng cường thanh, kiểm tra đột xuất

Về quản lý chất lượng an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội Trần Mạnh Giang cho biết, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đa số có quy mô nhỏ lẻ, phân tán, phân phối qua nhiều khâu trung gian, nguồn lực cho phát triển còn hạn chế, trình độ quản lý thấp, liên kết sản xuất, tiêu thụ còn lỏng lẻo, chưa quan tâm nhiều đến các tiêu chuẩn, quy chuẩn.

Về khó khăn ở cơ sở khi thực hiện quản lý an toàn thực phẩm, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Thanh Oai Đỗ Thị Kim Dung cho biết, hiện nay, kinh phí triển khai an toàn thực phẩm tại cấp quận, huyện, xã còn khó khăn, chưa đáp ứng nhiệm vụ được giao; ý thức chấp hành pháp luật về quản lý chất lượng an toàn thực phẩm và trách nhiệm của một số người sản xuất, kinh doanh thực phẩm đối với cộng đồng chưa cao; còn tình trạng người sản xuất, kinh doanh chạy theo lợi nhuận trước mắt và việc xử lý vi phạm một số nơi còn nương nhẹ, chưa kiên quyết...

Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm, thời gian tới, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, Sở yêu cầu các đơn vị thường xuyên cập nhật, cung cấp danh sách kết quả xếp loại (A, B, C), chuỗi sản phẩm sản xuất, tiêu thụ sản phẩm an toàn được xác nhận trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết. Các đơn vị của Sở tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đột xuất, kiểm nghiệm, giám sát hậu kiểm việc thực hiện các quy định của pháp luật về chất lượng, an toàn thực phẩm nông nghiệp.

San Nguyễn

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/dia-chi-xanh/kinh-doanh-vat-tu-nong-nghiep-ra-soat-quan-ly-chat-904424.html