Kinh hãi tấn công bằng axít

Những vụ tấn công bằng axít luôn là nỗi ám ảnh kinh hoàng đối với các nạn nhân. Dù mức án khá nghiêm khắc nhưng nhiều người vẫn cố tình dùng đòn thù tàn độc này

Ngày 15-5, Cơ quan CSĐT Công an quận Bình Tân (TP HCM) cho biết đang điều tra vụ tấn công bằng axít vừa xảy ra trên địa bàn khiến bà Đỗ Thị L. bị phỏng nặng toàn bộ khuôn mặt, thân, hai tay và chân. Hiện bà L. đang được điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy.

Tiếng kêu cứu thảm thiết

Nằm trên giường bệnh, mắt bà L. ngấn nước vì vết thương rỉ máu khắp người. Thỉnh thoảng, bà L. lại chép miệng, chớp mắt nhờ cô cháu gái đút nước, đắp khăn do mấy hôm nay bà sốt liên tục. Gần 2 tuần điều trị, bà L. không thể chợp mắt vì cứ nhích người là vết thương bong tróc khiến bà đau đớn toàn thân.

Cháu gái bà L. nghẹn ngào: "Dì tôi có tội tình gì mà gã đàn ông đó lại gây ra cảnh này. Mấy hôm nay dì sốt liên tục, không thể ăn, chỉ nằm một chỗ như vậy, có người thân vào thăm là dì lại khóc do đau đớn và tủi thân".

Con trai bà L., anh Trịnh Hoàng Tâm (SN 1993) kể mẹ anh mở quán nhậu nhỏ trên đường Ngô Ý Linh (phường An Lạc, quận Bình Tân, TP HCM), quán chủ yếu phục vụ người quen và một số ít khách vãng lai. Trong những người khách hay đến quán có ông L.Q.T (ngụ phường 16, quận 8, TP HCM), yêu đơn phương bà L..

Chiều tối 25-4, ông T. đến quán uống bia rồi cãi nhau với bà L.. Khoảng 7 giờ 30 phút ngày 26-4, trong lúc bà L. đang ngủ, ông T. đến quán đem theo can nhựa bên trong chứa 2 lít chất lỏng, xông vào mở cửa phòng rồi tạt can hóa chất này lên người bà L..

Bà L. kêu cứu, gia đình đưa bà L. đi bệnh viện và đến Công an phường An Lạc (quận Bình Tân) trình báo sự việc. Ông T. bị công an mời lên làm việc nhưng sau đó cho về.

Đến nay, chị Đ.N.N (ngụ xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi, TP HCM) vẫn không thể quên những ám ảnh mà chị phải gánh chịu. Lần nào nói chuyện với bác sĩ khi tái khám, chị cũng khóc. Chị bị kẻ lạ mặt tấn công khi đang đi mua đồ cưới. Đến nay, những vết sẹo trên khuôn mặt luôn là nỗi ám ảnh khiến chị luôn mặc cảm, khó hòa nhập cuộc sống.

Bà L. đang được điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy với vết phỏng toàn thân

Bà L. đang được điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy với vết phỏng toàn thân

Cần cơ chế xử lý đặc biệt

Theo luật sư Nguyễn Thành Công (Công ty Đông Phương Luật), hiện nay các loại axít với độ sát thương cao có thể dễ dàng mua ở nhiều nơi hoặc người phạm tội có thể lấy axít từ nhiều nguồn khác nhau. Việc mua bán hóa chất dễ dàng nên một số người đã dùng để đánh đòn thù, khiến người bị tạt axít phải gánh chịu hậu quả nặng nề suốt đời.

"Theo Bộ Luật Hình sự (BLHS) năm 2015, sau khi gây án nếu không quá đặc biệt nghiêm trọng thì cơ quan điều tra phải xác định tỉ lệ thương tật, nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm mới bị khởi tố, bắt giam và trong thời gian này, người phạm tội có thể được áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú. Tuy nhiên, hành vi tạt axít là quá dã man và chỉ cần xác định đối tượng thì có thể khởi tố vụ án, việc này được quy định bằng luật" - luật sư Nguyễn Thành Công nói.

Cụ thể, BLHS năm 2015 đã quy định hành vi dùng axít sunfuric (H2SO4) hoặc hóa chất nguy hiểm gây thương tích hoặc tổn hại cho sức khỏe của người khác là một trong những tình tiết để định khung hình phạt thuộc khoản 1 điều 134 BLHS 2015 về tội "Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác". Có thể hiểu ngắn gọn hễ có hành vi tạt axít là đã phạm tội "Cố ý gây thương tích" mà không cần phải tạo thành thương tích nặng. Như vậy, hành vi được thực hiện gây thương tích mà sử dụng axít là đủ cấu thành tội phạm.

"Trường hợp một số nơi sau khi xác định được hung thủ nhưng chưa khởi tố, tạm giam đã gây bức xúc cho gia đình nạn nhân. Vì vậy cần có cơ chế áp dụng riêng cho loại tội phạm đặc biệt này. Cụ thể, ngay sau khi xảy ra vụ án, nếu xác định đúng đối tượng gây án cần tạm giữ để có biện pháp bảo vệ nạn nhân, gia đình. Ai dám chắc rằng cho kẻ gây án về sẽ không tiếp tục phạm tội hoặc bỏ trốn?" - luật sư Nguyễn Thành Công nói.

Vấn đề quản lý axít đã có Luật Hóa chất (ban hành năm 2007), Nghị định 108/2008/NĐ-CP của Chính phủ, Thông tư 28/2010/TT-BCT của Bộ Công Thương. Như vậy, hiện nay, quy định về quản lý sử dụng axít đã đầy đủ. "Tuy nhiên, những văn bản trên chưa được thực hiện đồng bộ trên thực tế. Thực tiễn nhìn nhận rất nhiều vụ án, đối tượng sử dụng axít gây thương tích cho người khác đã phải chịu chế tài nghiêm khắc trước pháp luật nhưng những đối tượng cung cấp axít thì dường như vẫn ngoài vòng pháp luật. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần tích cực phối hợp và phải truy đến cùng, xem xét trách nhiệm hình sự những đối tượng cung cấp axít trái quy định" - luật sư Nguyễn Thành Công nói thêm.

Nên áp dụng hình phạt tử hình

Luật sư Lê Nguyễn Quỳnh Thi (Đoàn Luật sư TP HCM) cho rằng nạn tạt axít trong nhiều năm qua luôn là nỗi bức xúc của dư luận cũng như những người tham gia tố tụng. "Nạn nhân của những vụ tạt axít phải gánh chịu nỗi đau cả đời người, có những người vì quá đau buồn, mặc cảm mà sống khép kín, không dám giao lưu với ai. Thiết nghĩ, đối với những vụ tạt axít gây hậu quả nghiêm trọng thì phải có mức án nghiêm khắc; nếu hậu quả chết người và đặc biệt nghiêm trọng thì cần phải áp dụng khung hình phạt cao nhất là tử hình".

Bài và ảnh: HẠNH NGUYÊN

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/phap-luat/kinh-hai-tan-cong-bang-axit-20200515205906459.htm