Kinh ngạc lối kịch 'y như đời thường'

Giữa thời khắc sân khấu đóng cửa vì đại dịch Covid-19, đạo diễn trẻ Hà Nguyên Long đã vượt qua nhiều tên tuổi để nhận danh hiệu 'Nghệ sĩ tích cực trong năm'.

Vở kịch 'Những đối thoại thường nhật' với những tình tiết đời thường tự nhiên như không phải diễn.

Vở kịch 'Những đối thoại thường nhật' với những tình tiết đời thường tự nhiên như không phải diễn.

Mới đây, Hanoi Grapevine’s Finest đã vinh danh đạo diễn sân khấu và thiết kế phối cảnh Hà Nguyên Long - ghi nhận những cống hiến của anh trong giai đoạn dịch Covid-19 đầy khó khăn vừa qua.

Kịch nghệ mới - cho người trẻ

Hanoi Grapevine’s Finest được khởi xướng và tổ chức bởi Hanoi Grapevine - kênh thông tin và quảng bá nghệ thuật - văn hóa Việt Nam. Tiếp nối thành công của các năm trước, và sau hai năm gián đoạn các hoạt động văn hóa nghệ thuật vì đại dịch Covid-19, Hanoi Grapevine’s Finest 2022 trở lại nhằm tôn vinh nghệ sĩ, và dự án nghệ thuật có ảnh hưởng tích cực tới cộng đồng.

Khác với hai năm trước, Hanoi Grapevine tập trung vào những nhân tố mới nổi bật, những con người vẫn bền bỉ, bất chấp khó khăn và trở ngại, hiện thực hóa các dự án nghệ thuật mang tới công chúng với nhiều dạng thức tiếp cận khác nhau.

Nghệ sĩ được chọn lọc đưa vào danh sách đề cử ở Hanoi Grapevine’s Finest được ưu tiên cho những nghệ sĩ trẻ không quá 35 tuổi. Họ hoạt động tích cực, trình bày tác phẩm và tham gia những dự án, sự kiện tiêu biểu có ý nghĩa nghệ thuật, giáo dục, phát triển và lan tỏa.

Hà Nguyên Long đã vượt qua 23 nghệ sĩ khác để được vinh danh “Nghệ sĩ tích cực trong năm”. Nhưng hơn hết, qua những dự án nghệ thuật, đạo diễn 9X này đã mở ra cánh cửa sân khấu mới để mọi người hiểu nhau hơn.

Suốt mấy năm thế giới trùm trong màn đêm của đại dịch Covid-19, các sân khấu phải đóng cửa, nhiều nghệ sĩ bỏ nghề. Về nước đúng thời điểm dịch bệnh phức tạp nhất, Hà Nguyên Long vẫn tạo ra những bất ngờ khi dàn dựng 2 vở diễn thuộc 2 dự án nghệ thuật dài hơi.

Một là “Năm dài trong kịch” với mong muốn tạo ra lớp khán giả mới cho sân khấu nói chung, thông qua việc tăng cường chia sẻ với khán giả. Sản phẩm đầu tiên của dự án là vở “Oresteia” của nhà viết kịch Aeschylus.

Dự án thứ hai liên quan đến nghệ thuật truyền thống, với mục đích tái tạo năng lượng và phát triển ngôn ngữ nghệ thuật, vốn cổ của cha ông. Tất cả đều hướng tới một mục tiêu, là xây dựng một cộng đồng thưởng thức và thực hành nghệ thuật biểu diễn kịch nghệ mới mẻ cho các bạn trẻ.

Là con của một họa sĩ nổi tiếng ở Hà Nội, Hà Nguyên Long theo học Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam và trở thành họa sĩ. Nhưng Long lại thích cảm giác được nhìn thấy con người hay vật thể đặt trong một không gian nói chung.

Hội họa đặt con người và vật thể trong không gian ánh sáng tĩnh, trong khi kịch thiên về không gian động. Bởi vậy, Long không chỉ thích hội họa, mà còn thích sân khấu.

Đó là câu trả lời vì sao Hà Nguyên Long sang Pháp học Đại học Nghệ thuật và Kỹ thuật Paris chuyên ngành thiết kế không gian. Chàng trai trẻ muốn học những thứ phụ trợ tốt nhất cho công việc đạo diễn. Tại nơi đất khách, Long nhìn thấy rõ hơn di sản văn hóa của dân tộc. Từ đó đã thôi thúc nghệ sĩ sáng tạo trên nền nghệ thuật truyền thống.

Kịch sân khấu - sống trong đời thường

“Công chúng sẽ là những người đầu tiên thụ hưởng thành quả do chính họ tạo ra. Bởi vậy, tôi cố gắng vận dụng một cách linh hoạt những gì đã học ở Pháp vào công việc của mình tại Việt Nam. Làm sao để cánh cửa sân khấu mở ra một cách dễ dàng hơn, để những giá trị thu nhận được từ kịch nghệ có thể mang lại điều gì đó cho nghệ thuật kịch Việt Nam”. Đạo diễn Hà Nguyên Long

“Sơn Hậu - Beyond The Mountain” là vở diễn lấy cảm hứng từ vở tuồng truyền thống cùng tên - “Sơn Hậu” do Nguyễn Quốc Hoàng Anh (đạo diễn, nhạc sĩ trình diễn nhạc điện trong vở diễn) và Hà Nguyên Long (đạo diễn nghệ thuật).

Năm 2020, vở tuồng này được mang ra biểu diễn tại sân chơi của khu tập thể Văn Chương - một khu tập thể lâu đời tại Hà Nội. Không gian dường như chật chội với những thiết bị âm thanh, đèn đóm, dây điện nhưng vở diễn gây thích thú và tò mò cho cư dân ngay từ những ngày ê-kíp tập luyện.

Có người mang máng nhận ra bóng dáng vở tuồng họ đã từng xem trước đây, có người lạ lẫm hoàn toàn với nội dung bởi thường bỏ qua mọi vở tuồng, chèo họ thấy khi chuyển kênh TV... Nhưng lần này thì khác, hầu như những cư dân đã đến đều ngồi lại tới cuối.

Cái giữ họ ở lại tới cuối buổi là sự sống động với diễn xuất đậm chất tuồng, xen giữa là 2 phần trình diễn Hip hop lạ mắt, thú vị, gây tò mò trên nền âm thanh điện tử tô thêm sự kỳ bí, song không kém phần mới mẻ. Những gì tưởng chừng nhàm chán, xa lạ, già cỗi nay xuất hiện đầy ấn tượng ngay tại sân chơi trẻ con, tại khu chung cư nơi họ sinh sống.

Cũng trong thời gian này, Hà Nguyên Long dàn dựng vở kịch Hy Lạp Oresteia của Aeschylus theo cách hoàn toàn mới lạ - là đọc kịch trong không gian nghệ thuật Manzi. Năm 2021, Long dàn dựng Antigone - Âm mù, một phiên bản vô cùng độc đáo cho trình chiếu online thời các nhà hát phải đóng cửa.

Mới đây, “Những đối thoại thường nhật” – một vở kịch do Long đạo diễn, đã khiến khán giả trẻ đến chật kín khán phòng XplusX Studio. Khán giả kinh ngạc trước một lối kịch “y như đời thường”, từ nấu ăn, quét dọn, nói chuyện cho đến… đi ngủ.

“Những câu chuyện đời thường được đem vào kịch. Ở một số thời điểm, vở kịch có thể tạo cho người xem cảm giác nó không có ý nghĩa hay mục đích và không kể câu chuyện nào. Những cuộc đối thoại nhẹ nhàng và hài hước, đôi khi khiến nhân vật trở nên lạc lõng”, Hà Nguyên Long cho biết.

Xem kịch, khán giả ngửi thấy mùi xào nấu, thấy đủ các vị chua, cay, mặn, ngọt trên sân khấu. Xem kịch, nhưng cảm giác như người xem đang theo dõi cuộc sống rất thường nhật của hàng xóm, và bất giác nhận ra cuộc sống của chính mình.

Đó là cánh cửa của kịch, nhưng đúng hơn là cánh cửa cuộc sống. Hà Nguyên Long muốn mở ra một cánh cửa sân khấu mới, để khán giả - chúng ta – mọi người hiểu nhau hơn.

Trần Hòa

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/kinh-ngac-loi-kich-y-nhu-doi-thuong-post600794.html