Kinh nghiệm áp dụng thành công công cụ lý chất lượng tại hải sản Hiệp Anh

Nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, Công ty TNHH Chế biến hải sản Hiệp Anh đã áp dụng chương trình quản lý chất lượng tiên tiến trong sơ chế, chế biến và kinh doanh thủy sản.

Các chương trình quản lý chất lượng tiên tiến như GMP/SSOP, HACCP, ISO 22000, ISO 9001… đã và đang được rất nhiều doanh nghiệp áp dụng trong hoạt động sản xuất, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm và phòng ngừa nguy cơ mất an toàn thực phẩm.

Công ty TNHH Chế biến hải sản Hiệp Anh tại Huyện Tĩnh Gia – Tỉnh Thanh Hóa là doanh nghiệp chuyên chế biến các sản phẩm nước mắm, mắm tôm, sứa, hải sản khô các loại. Nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, từ năm 2013 công ty đã áp dụng chương trình quản lý chất lượng tiên tiến trong sơ chế, chế biến và kinh doanh thủy sản.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Trên địa bàn tỉnh có tới 81 cơ sở sơ chế, chế biến thủy sản quy mô doanh nghiệp và hàng nghìn cơ sở nhỏ lẻ và các hộ gia đình. Tuy nhiên, trong số đó mới chỉ có khoảng 30 cơ sở chế biến thủy sản quy mô doanh nghiệp có áp dụng các chương trình quản lý chất lượng (HACCP, ISO 22000, GMP/SSOP…) vào sản xuất, kinh doanh và Công ty TNHH Chế biến hải sản Hiệp Anh là một trong số đó.

Để có nguồn nguyên liệu ổn định, công ty đã liên kết và hỗ trợ cho 100 ngư dân ở hai xã Hải Hòa và Hải Ninh trên địa bàn vay vốn đầu tư mua sắm ngư lưới cụ và thu mua sản phẩm của ngư dân khai thác để chế biến. Bà Lê Thị Liễu, Giám đốc Công ty TNHH Chế biến hải sản Hiệp Anh, cho biết: Việc áp dụng các chương trình quản lý chất lượng tiên tiến, như: GMP/SSOP, HACCP, ISO 22000… giúp cho công ty quản trị chặt chẽ hơn, các khâu trong quy trình hoạt động sản xuất đều được kiểm soát nghiêm ngăt, vì thế chất lượng sản phẩm ngày càng ổn định hơn. Chương trình quản lý chất lượng giúp công ty giảm thiểu các chi phí cho việc phân tích, lấy mẫu và những thiệt hại nếu sản phẩm không đạt yêu cầu.

Ngoài ra, công ty đã ký kết được hợp đồng cung cấp sản phẩm nước mắm, mắm tôm cho các chuỗi siêu thị, cửa hàng thực phẩm an toàn trên địa bàn trong và ngoài tỉnh. Công ty đã xuất bán hàng nghìn lít nước mắm và mắm tôm hàng năm, doanh thu mỗi năm lên tới 10 tỷ đồng.

Qua thực tế các mô hình sản xuất, chế biến hải sản đảm bảo an toàn ở Tĩnh Gia cho thấy, việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo các tiêu chuẩn sản phẩm giúp các cơ sở chế biến có cơ hội mở rộng thị trường tiêu thụ. Tuy nhiên số doanh nghiệp, cơ sở chế biến đảm bảo các yêu cầu này ở Tĩnh Gia còn quá ít. Trong số 200 doanh nghiệp, cơ sở chế biến thủy hải sản ở Tĩnh Gia chỉ có 10 doanh nghiệp, cơ sở đáp ứng được các tiêu chí về tem nhãn, xuất xứ hàng hóa, xây dựng thương hiệu. Số còn lại đều sản xuất, chế biến theo kiểu không nguồn gốc xuất xứ, bán theo lô theo cân, không có giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh thực phẩm, tiêu thụ sản phẩm bấp bênh. Thông qua áp dụng chương trình quản lý chất lượng trong sơ chế, chế biến thực phẩm, các Công ty có thể chứng minh rằng sản phẩm được kiểm soát chất lượng và bảo đảm an toàn thực phẩm, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.

Hà My

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/kinh-nghiem-ap-dung-thanh-cong-cong-cu-ly-chat-luong-tai-che-bien-hai-san-hiep-anh-d167290.html