Kinh nghiệm các nước trong phòng, chống dịch tả lợn châu Phi

Xin giới thiệu cùng bạn đọc kinh nghiệm của các nước trong công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi (DTLCP).

Lực lượng chức năng tỉnh Bắc Kạn thiêu hủy số lợn chết do dịch tả châu Phi nhằm ngăn dịch bệnh lây lan. Ảnh: Hoàng Giang

Lực lượng chức năng tỉnh Bắc Kạn thiêu hủy số lợn chết do dịch tả châu Phi nhằm ngăn dịch bệnh lây lan. Ảnh: Hoàng Giang

Theo khuyến cáo của Tổ chức Thú y thế giới (OIE) và Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp quốc (FAO), để phòng, chống DTLCP, cần tiêu hủy đàn lợn có kết quả xét nghiệm dương tính với DTLCP bằng phương pháp chôn sâu 3-4m, đồng thời bổ sung hóa chất sát trùng, vôi củ, vôi bột…

Tại Trung Quốc, nghiên cứu dịch tễ của 68 ổ dịch đã chỉ ra 3 nguyên nhân chính làm dịch bệnh DTLCP lây lan, bao gồm: 46% là do phương tiện vận chuyển và do con người không thực hiện vệ sinh, phun thuốc khử trùng tiêu độc; 34% do sử dụng thức ăn thừa; 19% là do vận chuyển lợn sống và các sản phẩm của lợn giữa các vùng.

Để ngăn chặn dịch bệnh, quốc gia này đã thiết lập vùng dịch với bán kính 3km và vùng đệm xung quanh vùng dịch 10km. Tạm dừng vận chuyển lợn sống, đóng cửa các chợ buôn bán lợn sống ở các tỉnh có dịch và tỉnh xung quanh liền kề với tỉnh có dịch, đồng thời đẩy mạnh việc vận chuyển thịt lợn thay vì vận chuyển lợn sống giữa các tỉnh. Thực hiện cấm sử dụng thức ăn dư thừa cho lợn và tăng cường các biện pháp an toàn sinh học tại các cơ sở chăn nuôi lợn.

Tại Ba Lan, nghiên cứu cho thấy, có đến 74% trường hợp bệnh DTLCP xâm nhiễm vào các trại chăn nuôi lợn của nước này là do chưa kiểm soát chặt chẽ, thực hiện quy trình sát trùng người và phương tiện vào các trang trại chăn nuôi lợn và do sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt.

Tại Mông Co, để phòng chống DTLCP, nước này hạn chế vận chuyển, kể cả hạn chế việc đi lại của con người trong vùng dịch trong khoảng thời gian từ 14-28 ngày.

Còn tại Thái Lan, ngay sau khi DTLCP bùng phát ở Trung Quốc, nước này đã ngay lập tức triển khai các biện pháp nghiêm ngặt, không để “lọt lưới” đối với bất kỳ sản phẩm nào có nguồn gốc từ thịt lợn mà du khách mang theo tới Thái Lan, đặc biệt là du khách từ các nước đã có DTLCP. Theo đó, Thái Lan tăng cường chó nghiệp vụ để phát hiện kiểm soát đường biên giới với các nước láng giềng và các cảng hàng không quốc tế để kiểm tra các sản phẩm từ thịt lợn nhập lậu. Đồng thời, triển khai lấy mẫu ngẫu nhiên đối với sản phẩm thịt lợn nhập khẩu để giám sát dịch bệnh...

Các poster tuyên truyền về việc cấm và sẽ phạt nặng đối với hành vi đem theo sản phẩm từ thịt lợn đã được triển khai tại các cảng hàng không. Chó nghiệp vụ được huy động để kiểm soát kỹ hành lý của hành khách nhập cảnh vào nước này, đặc biệt là lượng khách du lịch rất đông đảo đến từ Trung Quốc. Bên cạnh đó, Thái Lan cũng đã tăng cường các biện pháp lấy mẫu, phân tích để sàng lọc và phát hiện virus DTLCP đối với các trang trại chăn nuôi cũng như các sản phẩm từ lợn, nhất là sản phẩm nhập khẩu... Đến thời điểm này, các biện pháp này vẫn đang được Chính phủ Thái Lan triển khai nghiêm ngặt.

Các biện pháp ngăn chặn DTLCP tương tự cũng đã được triển khai tại Đài Loan (Trung Quốc). Đặc biệt, với du khách đến từ Trung Quốc, Đài Loan bắt buộc kiểm tra 100% hành lý xách tay và tăng mức phạt đối với các trường hợp không khai báo có mang sản phẩm từ thịt heo lên tới 6.486 USD...

P.V (tổng hợp)

Nguồn KTNT: http://kinhtenongthon.vn/kinh-nghiem-cac-nuoc-trong-phong-chong-dich-ta-lon-chau-phi-post26295.html