Kinh nghiệm cánh tài xế về những nguy cơ biến xe cưới thành xe tang

Vụ xe đón dâu gặp tai nạn thảm khốc tại Quảng Nam khiến 13 người chết đã biến ngày vui thành ngày đại tang. Điều đáng nói, có hàng chục vụ tai nạn liên quan đến xe đón dâu như vậy. Nguy cơ xe cưới biến thành xe tang đã trở thành nỗi ám ảnh của không ít hộ gia đình.

Hiện trường xe đón dâu gặp tai nạn thảm khốc làm 17 người thương vong. Ngày cưới của cô dâu thành ngày để tang chồng.

Anh Trần Minh Thành, ngụ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tài xế chạy xe hợp đồng gần 20 năm, phân tích vụ tai nạn xe đón dâu ở Quảng Nam như sau: Quãng đường từ Quảng Trị đến Bình Định dài hơn 450km phải mất khoảng 7 giờ chạy xe. Tài xế chạy 4 tiếng là phải nghỉ ngơi, nhưng xe đón dâu chỉ có 1 tài xế nên không thay phiên nghĩ được. "Quốc lộ 1A, lưu lượng xe lớn, tài xế không chạy thường xuyên trên tuyến này, không chạy đêm chuyên nghiệp như chúng tôi, nên nguy cơ xảy ra tai nạn là điều báo trước”.

Tài xế Trần Minh Thành chạy xe dịch vụ, cưới hỏi gần 20 năm, có khá nhiều kinh nghiệm khi gặp sự cố.

Tài xế Lê Hoàng Hùng (Trà Vinh) cho biết, khi đi quãng đường dài trên 300km, tài xế cần nắm vững tuyến đường mình đang chạy để kịp xử lý tình huống. “Bản thân tôi thường chạy tuyến Trà Vinh-Sài Gòn, biết rõ đoạn nào cong hẹp, có cầu hay dốc cua nguy hiểm... nên rất tự tin. Tuy nhiên, khi chạy dịch vụ hay cưới xin, tôi phải đi tuyến theo yêu cầu của gia chủ nên thường không được tự tin lắm. Tôi nghĩ anh tài xế đón dâu cũng gặp khó khăn này”.

Tài xế xe khách Lê Hoàng Hùng cho rằng, có sự khác nhau giữa tài xế chạy tuyến cố định với tài xế chạy dịch vụ.

Làm nghề cho thuê xe dịch vụ hơn 15 năm, anh Nguyễn Văn Hiếu,(quận 1, TP.HCM) đưa ra 5 nguy cơ có thể biến xe đám cưới thành xe đám tang như sau:

Thứ nhất, tài xế xe đón dâu thường không chuyên nghiệp như tài xế các tuyến cố định, nên việc chạy đêm và xử lý tình huống bất ngờ sẽ kém hơn. Mặt khác, không ít gia đình thuê xe tự lái đi đón dâu, trường hợp này không quen xe, không quen đường, nguy cơ xảy ra tai nạn cao hơn.

Thứ hai, chạy xe cưới luôn bị áp lực phải đúng giờ đón dâu nên vô tình tạo nên áp lực cho tài xế là chỉ biết cắm đầu chạy cho kịp giờ làm lễ. Trong khi đó, tài xế chạy các loại xe khác có thể dừng lại nghỉ nếu thấy mệt và buồn ngủ, vì họ không buộc phải đến nơi đúng giờ.

Thứ ba, chạy xe cưới chỉ có 1 tài (các xe khác thường có 2 tài thay nhau). Xe đám cưới thường có tâm lý đi thành đoàn cho đẹp, để quay phim chụp hình nên những xe đón dâu cứ mải mê bám đuổi nhau, dẫn đến thiếu quan sát tình huống xung quanh.

Thứ tư, tài xế chạy xe cưới có tâm lý việc cưới xin là quan trọng nên nếu cảnh sát giao thông có “hỏi thăm” thì lấy lý do là chạy kịp giờ đón dâu, thế là vô tư bon bon trên đường mà không sợ phạt.

Thứ năm, khi đi đám cưới, tài xế được gia chủ mời dùng tiệc với gia đình, nếu không làm chủ mình, sử dụng rượu bia, sau đó tham gia giao thông thì cũng rất dễ gặp tai nạn.

Anh Nguyễn Văn Hiếu chia sẻ nguy cơ xe cưới thành xe tang và cách phòng ngừa với PV Báo Lao Động.

Từ những nguy cơ trên, anh Hiếu đưa ra lời khuyên: Với khoảng cách đường đi đón dâu trên 400km, gia đình nên sử dùng xe khách, tàu hỏa, máy bay. Trong trường hợp thuê xe dịch vụ chạy xuyên đêm thì nên thuê thêm 1 tài phụ, nếu chỉ thuê 1 tài thì nên đi vào ban ngày, đêm đến nghỉ ngơi, hôm sau đi tiếp. Điều này có thể làm tăng chí phí cho gia chủ, nhưng đổi lại là sự an toàn cho cả gia đình. Mặc khác, "khi thuê xe nên chọn những doanh nghiệp uy tín, có đội ngũ tài xế chuyên nghiệp và đội xe an toàn. Hạn chế thuê xe cá nhân, hộ kinh doanh vận tải tự phát, không được cấp phép của các cơ quan chức năng”.

Văn Huân

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/giao-thong/kinh-nghiem-canh-tai-xe-ve-nhung-nguy-co-bien-xe-cuoi-thanh-xe-tang-622190.ldo