Kinh nghiệm dân vận khéo ở Bắc Hà

Các mô hình dân vận khéo trên địa bàn huyện Bắc Hà đã và đang góp phần vận động người dân thay đổi tư duy, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, đem lại thu nhập cao hơn.

Mô hình mới giúp nâng cao thu nhập

Những ngày đầu tháng 9, chị Lù Thị Tươi ở thôn Na Lo, xã Tà Chải lại cùng chị em trong thôn ra những tràn ruộng bậc thang thu hoạch hạt nếp dẻo thơm mang về làm cốm. Năm nay, huyện Bắc Hà tổ chức Lễ hội “Hương cốm Cao nguyên trắng” thu hút đông du khách tới tham quan, trải nghiệm. Mỗi kg cốm gói lá dong xanh mướt bán ra thị trường có giá 150 nghìn đồng. Từ một nghề truyền thống lâu đời, làm cốm đã trở thành nghề giúp bà con Na Lo có thêm thu nhập. Đặc biệt, Tổ hợp tác sản xuất cốm Na Lo ra đời giúp việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm tốt hơn.

Chị Lù Thị Tươi, Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất cốm Na Lo cho biết: Giá cốm năm nay cao hơn năm trước nên bà con phấn khởi lắm. Thôn Na Lo có hơn 100 hộ, trong đó hơn 30 hộ làm cốm. Từ năm 2021 đến nay, có gần chục hộ sản xuất cốm tham gia tổ hợp tác, thu nhập bình quân 15 - 20 triệu đồng/hộ. Năm 2021, tổ hợp tác bán ra thị trường gần 8 tấn cốm, năm nay từ đầu vụ đã bán hơn 1 tấn.

Rời Tà Chải, chúng tôi sang xã Na Hối tham quan mô hình trồng rau ngũ gia bì do Hội Nông dân huyện Bắc Hà hỗ trợ thực hiện. Trong khu vườn xanh mướt ở thôn Na Áng A, chị Vàng Thị Cơi, dân tộc Tày đang tất bật chăm sóc vườn rau ngũ gia bì. Chị Vàng Thị Cơi tươi cười nói: Đây là khu vườn mận tam hoa, trước đây gia đình chỉ trồng vài luống rau, không mang lại nhiều giá trị kinh tế. Từ đầu năm 2022, gia đình được Hội Nông dân huyện Bắc Hà hỗ trợ giống rau ngũ gia bì và hướng dẫn chăm sóc. Đây là loại rau mới rất được ưa chuộng, giá bán 40 nghìn đồng/kg. Từ tháng 3 đến nay, vườn rau ngũ gia bì rộng 1.000 m2 của gia đình cho thu nhập khoảng 1,5 - 2 triệu đồng/tháng.

Anh Nguyễn Văn Linh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Na Hối cho biết: Từ đầu năm 2022, xã Na Hối được Hội Nông dân huyện Bắc Hà hỗ trợ thực hiện mô hình trồng rau ngũ gia bì với tổng diện tích 1 ha ở 3 thôn: Na Áng A, Na Áng B, Sín Chải. So với những loại rau khác, rau ngũ gia bì có giá trị kinh tế cao hơn, phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu Bắc Hà, trồng 1 lần có thể cho thu hoạch lâu dài. Ngoài mô hình này, xã Na Hối còn trồng cây ăn quả ôn đới như lê, mận, đào Pháp; ngô ngọt, cây dược liệu… giúp người dân giảm nghèo bền vững.

Cán bộ Hội Nông dân xã Na Hối hướng dẫn người dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn.

Hiệu quả “Dân vận khéo” trong phát triển kinh tế

Theo thông tin từ Ban Dân vận huyện Bắc Hà, không chỉ ở xã Tà Chải và xã Na Hối, ở nhiều xã, thôn, bản vùng cao trên địa bàn huyện ngày càng có thêm nhiều mô hình “Dân vận khéo” giúp người dân nâng cao thu nhập. Từ năm 2010 đến nay, toàn huyện đã xây dựng được 61 mô hình tập thể và cá nhân điển hình trong phát triển kinh tế, sản xuất, kinh doanh giỏi.

Tiêu biểu như Hội Nông dân với mô hình “7 tổ hội nghề nghiệp” tại các xã: Bảo Nhai, Bản Già (nay là xã Tả Củ Tỷ), Lùng Phình; mô hình “Chăn nuôi ao cá tăng thu nhập, xóa đói, giảm nghèo” tại thôn Nậm Khắp Trong, xã Bảo Nhai; mô hình trồng cải kale tại xã Lùng Phình; mô hình tuyên truyền, vận động Nhân dân thâm canh tăng vụ, tăng thu nhập, xóa đói, giảm nghèo cho 7 hộ tại thôn Na Pắc Ngam, xã Tà Chải…

Một số mô hình sản xuất cá nhân tiêu biểu như chăn nuôi lợn kết hợp với dịch vụ nông nghiệp của ông Tráng Văn Chỉnh ở thôn Nậm Hán, xã Cốc Ly; hộ ông Nguyễn Văn Hồng ở thôn Tả Hồ, xã Tà Chải đưa cây đào cảnh vào trồng cho thu nhập từ 1,2 đến 1,5 tỷ đồng/năm; hộ bà Nguyễn Thị Nụ ở thôn Km3, xã Na Hối chuyển đổi 3.000 m2 đất trồng ngô sang trồng atiso; ông Giàng Seo Sáng (xã Lùng Phình) với mô hình chăm sóc, bảo vệ rừng thông; ông Lương Văn Luân (xã Bảo Nhai) với mô hình vườn - ao - chuồng; ông Triệu A Sơn (xã Nậm Đét) với mô hình trồng quế; ông Bùi Văn Kiên, Nguyễn Văn Sinh (xã Bảo Nhai), Nguyễn Duy Xuyên (xã Tà Chải), Nguyễn Thành Lai (thị trấn Bắc Hà) thành lập công ty dịch vụ tổng hợp chế biến nông sản và kinh doanh vật liệu xây dựng…

Kinh nghiệm trong nhân rộng mô hình “Dân vận khéo”

Ông Vàng Văn Ngân, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Bắc Hà cho biết: Bắc Hà vẫn là huyện nghèo, việc triển khai thực hiện các mô hình “Dân vận khéo” còn gặp nhiều khó khăn.

Kinh nghiệm của huyện là cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội làm nòng cốt trong công tác tuyên truyền, huy động các nguồn lực thực hiện, tạo sức lan tỏa. Việc xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” phải đem lại lợi ích cho từng địa phương, đơn vị, người dân; kết hợp hài hòa 3 lợi ích: Nhà nước - tập thể - cá nhân; phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, khơi dậy và huy động sức sáng tạo của Nhân dân, tạo đồng thuận trong xã hội.

Cùng với đó, Ban Dân vận, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp luôn bám sát thực tế, phát hiện kịp thời những vấn đề người dân quan tâm để tham mưu, đề xuất với cấp ủy đảng, chính quyền giải quyết; chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ gần dân, vì dân, có trách nhiệm với Nhân dân.

Ban Dân vận huyện Bắc Hà cũng chú trọng tập huấn, bồi dưỡng cán bộ, công chức làm công tác dân vận, nâng cao kỹ năng vận động. Trong triển khai và thực hiện, định kỳ sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả, rút kinh nghiệm, biểu dương, khen thưởng, nhân rộng các mô hình...

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/361678-kinh-nghiem-dan-van-kheo-o-bac-ha