Kinh nghiệm du lịch Nhật và cách xin visa tự túc không cần thư mời

Nhật Bản là điểm du lịch hấp dẫn đối với nhiều người. Nếu muốn ghé thăm xứ sở hoa anh đào, xin visa du lịch là điều bắt buộc bạn cần phải làm trước khi tới đây.

Nhật Bản luôn nằm trong danh sách những điểm du lịch hấp dẫn nhất hành tinh. Từ xuân qua hạ, rồi sang thu hay những ngày đông lạnh giá, xứ Phù Tang mùa nào cũng đẹp. Thời điểm từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau, lượng du khách tới Nhật rất đông để ngắm tuyết và tham gia lễ hội hoa anh đào.

Tuy nhiên, vấn đề xin visa tự túc Nhật Bản khiến không ít du khách phải đau đầu. Nếu biết cách xin visa Nhật, bạn sẽ thấy các bước đều đơn giản. Thậm chí, bạn sẽ tiết kiệm hàng triệu đồng tiền thuê dịch vụ làm visa từ các công ty du lịch.

Ngoài ra, nhiều du khách gặp vô vàn khó khăn trong việc lên lịch trình cho chuyến đi khi không có sự trợ giúp từ các công ty du lịch. Chỉ với 7 ngày và 4 điểm du lịch, bạn sẽ có chuyến hành trình tuyệt vời tại xứ Phù Tang.

Chuẩn bị hồ sơ xin visa

Nếu đang có ý định đi Nhật tự túc, bạn cần chuẩn bị kỹ lưỡng hồ sơ xin visa để tránh trường hợp bị đánh trượt. Du khách nộp hồ sơ xin thị thực du lịch tự túc Nhật tại Đại sứ quán Nhật Bản.

Nhật Bản là điểm đến thu hút đông đảo du khách Việt.

Nhật Bản là điểm đến thu hút đông đảo du khách Việt.

Nếu thị thực đạt, bạn sẽ trả phí 610.000 đồng. Trong trường hợp trượt visa, Đại sứ quán sẽ chỉ trả lại hộ chiếu và không thông báo lý do. Visa bạn nhận được sẽ có hiệu lực 3 tháng kể từ ngày cấp.

Hộ chiếu (còn hiệu lực trên 6 tháng):

Hộ chiếu bao gồm bản gốc và một bản photo. Ngoài ra, bạn cần chuẩn bị 2 ảnh thẻ 4x6, nền trắng, chụp trong trong vòng 6 tháng gần nhất. Tờ khai xin visa được dán sẵn ảnh thẻ 4,5x4,5. Lưu ý, phần cuối cùng của tờ khai, người xin visa chính chủ phải ký tên trùng với chữ ký trên hộ chiếu, mặt sau ảnh phải ghi rõ họ tên. Hồ sơ sẽ không được tiếp nhận nếu có chỉnh sửa ảnh.

Hồ sơ chứng minh công việc ổn định:

Những giấy tờ trong mục này càng đầy đủ, cơ hội xin visa thành công càng cao. Hồ sơ cần có: Hợp đồng lao động (bản sao công chứng hoặc có dấu treo của công ty), giấy xác nhận đang là nhân viên của công ty (song ngữ, có dấu treo của công ty), sao kê lương 3 tháng gần nhất hoặc xác nhận lương bằng tiền mặt của công ty (bản gốc, song ngữ), đơn xin nghỉ phép đi du lịch (bản gốc, song ngữ).

Chứng minh tài chính:

Tiếp đến, bạn phải xác nhận số dư tài khoản sổ tiết kiệm. Sổ tiết kiệm có thời hạn ít nhất 3 tháng, giá trị tài sản trên 100 triệu đồng. Lưu ý, số tiền trong tài khoản quá nhiều không phải là điều thuận lợi khi xin visa Nhật. Sổ tiết kiệm nếu chênh lệch nhiều hơn với số lương nhận được, hồ sơ của bạn cũng có thể bị đánh trượt.

Thông tin lịch trình lưu trú:

Trong hồ sơ, bạn phải ghi rõ các hoạt động dự định, nơi ở, địa chỉ liên lạc càng chi tiết càng tốt. Bắt buộc phải điền ngày nhập cảnh, ngày về nước. Lịch trình cần viết theo từng ngày.

Xin visa du lịch Nhật hoàn toàn dễ dàng khi bạn chuẩn bị hồ sơ kỹ lưỡng.

Không chỉ ghi tên thành phố chung chung như Tokyo, Kyoto mà cần ghi cụ thể địa điểm và nội dung hoạt động thực tế, điền cụ thể nơi sẽ nghỉ lại (ghi rõ tên, địa chỉ, số điện thoại). Lịch trình phải khớp với thông tin đặt phòng khách sạn. Bạn nên đề phòng trường hợp xin thị thực thất bại bằng cách đặt phòng ở những nơi có thể hủy để tránh lãng phí.

Tài liệu chứng minh mối quan hệ của nhóm đi du lịch:

- Nhóm bạn: Ảnh chụp nhóm lúc đi cà phê hoặc những ảnh đã đi du lịch cùng nhau, bổ sung tờ giấy kê khai tên tuổi, mối quan hệ.

- Gia đình: Tương tự nhưng có thêm giấy tờ chứng minh như giấy đăng ký kết hôn, hộ khẩu bản sao công chứng.

Lưu ý:

- Khi trả lời các câu hỏi của nhân viên đại sứ quán, bạn nên thành thật, tránh lắp bắp, bối rối khiến người ta nghi ngờ mục đích khác sẽ dễ bị đánh trượt visa.

- Bạn nhớ đem theo chứng minh thư để có thể qua cổng bảo vệ.

- Thời gian tiếp nhận hồ sơ là buổi sáng các ngày trong tuần.

Kinh nghiệm 7 ngày du lịch Nhật Bản tự túc

Ngày 1: Osaka - Kyoto

Du khách tới sân bay Kansai (Osaka), làm thủ tục và mua vé Jr Pass ngoài sảnh (vé tàu dành cho khách quốc tế tại Nhật), sau đó lên tàu Hikari để tới Kyoto chỉ khoảng 50 phút. Thẻ Jr Pass là vật bất ly thân, là tấm vé thông hành trong suốt chuyến đi, nên bạn lưu ý cất giữ cẩn thận.

Kyoto cổ kính là điểm đến không thể bỏ qua khi đến Nhật Bản.

Tới Kyoto, bạn sẽ cảm nhận được sự vắng vẻ yên tĩnh của miền đất cố đô. Nơi đây nổi tiếng với rất nhiều đền, chùa cổ kính. Đền Fushimi Inari là địa điểm nổi như cồn tại Kyoto, nơi có chiếc cổng đỏ thường xuyên xuất hiện trong những tấm hình check-in của du khách tới Nhật.

Ngày 2: Kyoto - Shirakawago (Gifu)

Rời cố đô Kyoto, du khách sẽ tới thăm làng cổ Shirakawago, ngôi làng bước ra từ cổ tích, phủ trắng tuyết vào mùa đông. Du khách khởi hành từ Kyoto đến ga Nagoya khoảng 40 phút trên tàu Hikari hoặc Kodama. Hệ thống tàu ở Nhật chạy rất đúng giờ, chỉ cần chậm 1 phút, bạn sẽ lỡ chuyến ngay.

Ngôi làng Shirakawago như bước ra từ cổ tích giữa mùa đông tuyết trắng.

Từ Nagoya, du khách sẽ đi xe bus tới làng Shirakawago. Bạn nên mua vé bus khứ hồi (khoảng 7.000 yên, tương đương 1,4 triệu đồng) tại Meitetsu Bus Center. Ngôi làng chính là điểm check-in cổ tích trong chuyến du lịch Nhật Bản của bạn.

Làng Shirakawago 4 mùa đều đẹp. Mùa đông, nơi đây có lễ hội thắp đèn thu hút đông đảo khách du lịch. Shirakawago được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới năm 1995 và là nơi tác giả Fujiko F. Fujio thai nghén những tập truyện Doraemon đầu tiên.

Ngày 3-5: Tokyo

Sau chuyến ghé thăm làng cổ, bạn có thể quay trở lại ga Nagoya và di chuyển đến Tokyo. Thủ đô nước Nhật có vô vàn điểm đến và các hoạt động du lịch hấp dẫn. Vì vậy, bạn nên dành nhiều thời gian tại đây.

Du khách nên dành từ 2-3 ngày để khám phá thủ đô nước Nhật.

Ngắm đường phố Tokyo thôi cũng đủ để bạn thêm yêu nước Nhật. Nếu muốn ngắm toàn cảnh dòng người đông đúc ở ngã 5 Shibuya, du khách có thể ghé quán cà phê Starbucks vừa ngắm đường phố, vừa nhâm nhi cà phê và "sống ảo".

Tokyo là thiên đường mua sắm, du khách có thể dành nhiều ngày trời mua sắm tại đây cũng không biết chán. Đồ ở Harajuku rất đắt, bạn nên lưu ý về tài chính khi mua đồ ở đây. Nếu muốn mua mỹ phẩm Nhật, du khách có thể ghé khu chợ ở Segamo.

Tokyo hiện đại, nhộn nhịp là thiên đường du lịch của mọi du khách.

Hệ thống tàu ở Tokyo không hề rắc rối như bạn tưởng tượng. Nếu không biết tiếng Nhật hay tiếng Anh, du khách không phải lo lắng. Hai ứng dụng Travel Japan và Google map sẽ là trợ thủ đắc lực cho những ai gặp rào cản về ngôn ngữ.

Ngày 6-7: Osaka - Việt Nam

Nhật Bản với những nét văn hóa truyền thống xen lẫn nhịp sống hiện đại là điểm đến du khách nhất định phải ghé một lần trong đời.

Vì ngày đầu chưa ghé được Osaka, bạn có thể tới đây vào ngày cuối để tiện cho chuyến bay về Việt Nam. Bạn hoàn toàn có thể sắp xếp một chuyến đi Nhật tự túc với nhiều trải nghiệm và tiết kiệm được kha khá chi phí so với việc đặt tour du lịch.

Tổng chi phí

Tổng chi phí toàn bộ chuyến đi 7 ngày tại Nhật khoảng 35 triệu đồng/người.

- Vé máy bay: Gần 6 triệu đồng (đã bao gồm 20 kg hành lý ký gửi mỗi chiều). Độc giả tham khảo tại đây.

- Thẻ Jr Pass All Japan thời hạn 7 ngày: 5,8 triệu đồng.

- Khách sạn: Khoảng 6 triệu đồng cho 6 ngày 5 đêm.

- Đổi tiền tiêu: 18 triệu đồng, du khách có thể dành ra 8 triệu đồng để mua quà lưu niệm, vật đụng, đồ ăn... đem về Việt Nam.

Với những ai còn bỡ ngỡ với hình thức du lịch tự túc, và muốn đi Nhật Bản theo tour trọn gói có thể tham khảo tại đây.

Ngắm hoa tử đằng và những thú vị chỉ có khi du lịch Nhật Bản Nhật Bản được đánh giá là một trong những đất nước tuyệt vời nhất trên thế giới. Xứ sở hoa anh đào có nhiều điều thú vị mà chúng ta không thể khám phá hết.

Bài và ảnh: Trần Lê Ngọc Thắng

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/kinh-nghiem-du-lich-nhat-va-cach-xin-visa-tu-tuc-khong-can-thu-moi-post906435.html