Kinh nghiệm giải phóng mặt bằng ở Hoàng Mai

'Nếu không giải quyết được nút thắt giải phóng mặt bằng (GPMB) thì quận Hoàng Mai không thể hoàn thành các dự án đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 đúng tiến độ' - Bí thư Quận ủy Nguyễn Xuân Linh nhận định.

Một góc quận Hoàng Mai. Ảnh: An Thanh

Bước đột phá

Tháng 12/2023, HĐND quận Hoàng Mai đã phải đề xuất điều chỉnh, kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 tổng số vốn từ 7.750,8 tỷ đồng xuống còn 6.209,5 tỷ đồng, giảm hơn 1.500 tỷ đồng. Đây chắc chắn là một quyết định khó khăn khi hạ tầng đô thị của địa phương còn chưa bằng nhiều quận nội thành khác.

20 năm sau ngày thành lập, hạ tầng đô thị nói chung và hạ tầng giao thông nói riêng của quận Hoàng Mai đối chiếu với Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính, phân loại đơn vị hành chính và Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị còn phải nỗ lực rất nhiều.

Để thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ IV Đảng bộ Hoàng Mai và Nghị quyết số 18/NQ-HĐND của HĐND quận Hoàng Mai về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội quận giai đoạn 5 năm 2021 - 2026, việc triển khai đúng tiến độ các dự án đầu tư công trung hạn đóng vai trò quyết định.

Những băn khoăn, trăn trở của lãnh đạo quận Hoàng Mai hoàn toàn có cơ sở khi ngay trên địa bàn, dự án tuyến Vành đai 2,5, đoạn Đầm Hồng - Quốc lộ 1 chậm 14 năm do vướng khâu GPMB.

Dự án được UBND TP Hà Nội phê duyệt vào năm 2002, theo hình thức hợp đồng BT, quyết định GPMB từ năm 2010, đến nay mới hoàn tất. Dự án đường Tam Trinh được khởi công năm 2016, với tổng mức đầu tư thời điểm đó lên đến 2.066 tỷ đồng, dự kiến dự án hoàn thành sau 3 năm, đến nay mới dừng lại ở công tác GPMB.

“Chúng tôi đã đi quá nửa chặng đường kế hoạch 5 năm 2021 - 2026, vì thế năm 2024 được xem là năm bản lề, quyết định đến việc hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của Nghị quyết Đại hội IV của quận” - Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Hoàng Mai Nguyễn Xuân Phong chia sẻ.

Không chỉ 2 dự án trọng điểm trên, trong thời gian dài, nhiều dự án trên địa bàn Hoàng Mai đã bị chậm tiến độ khá nhiều bởi nút thắt công tác GPMB, thậm chí có dự án bị khiếu kiện tập thể lên Thanh tra Chính phủ.

Thực tế, không chỉ tại quận Hoàng Mai, công tác GPMB luôn là vấn đề nóng khi triển khai các dự án xây dựng tại tất cả quận, huyện của Hà Nội. Nhưng với quận Hoàng Mai, sau thời gian phân tích, đánh giá và cân nhắc, Ban Thường vụ Quận ủy đã đưa ra bàn thảo tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ quận lần thứ 17 (tháng 4/2024) và nhất trí thấy rằng cần thiết phải ban hành 3 Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng trong các lĩnh vực: quản lý đất đai, trật tự xây dựng, GPMB trên địa bàn quận năm 2024 và những năm tiếp theo.

Bí thư Quận ủy Hoàng Mai Nguyễn Xuân Linh nhấn mạnh: “Đây sẽ là văn bản quan trọng nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn quận Hoàng Mai năm 2024 và những năm tiếp theo”.

Chỉ thị này sẽ giúp cấp ủy, chính quyền các cấp, các phòng ban chuyên môn và người dân địa phương biết được quan điểm chỉ đạo của Thường trực Quận ủy Hoàng Mai với vấn đề nóng trên địa bàn. Đây cũng là văn bản quan trọng để người dân có thể giám sát quá trình GPMB của chính quyền, bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.

Từ văn bản đến thực tiễn

Năm 2024, quận Hoàng Mai sẽ triển khai GPMB 45 dự án. Hiện địa phương đã hoàn thành GPMB 5 dự án trường học, vẫn còn 24 dự án đang gặp khó khăn, vướng mắc cần tập trung giải quyết.

Các đơn vị chuyên môn đã thu hồi đất của 479 hộ, điều tra 488 hộ, xác nhận nguồn gốc đất 338 hộ, lập 485 phương án dự thảo, phê duyệt 154 phương án, với số tiền đền bù trên 33 tỷ đồng.

Đó là dự án tuyến đường Tam Trinh; tuyến đường phía Bắc Khu công nghiệp Vĩnh Tuy; tuyến đường từ Đồng Tàu ra Giải Phóng; dự án Minh Khai - Vĩnh Tuy - Yên Duyên nối tiếp đoạn từ đường Vành đai 2,5 đến Vành đai 3; tuyến đường Lĩnh Nam; tuyến đường từ đường 2,5 đến UBND Phường Hoàng Văn Thụ...

Mới đây, Ban Dân vận Quận ủy Hoàng Mai đã sáng tạo mô hình “Dân vận khéo” bằng cách tổ chức tọa đàm xoay quanh vấn đề GPMB, xem đây là thước đo công tác dân vận, cán bộ dân vận năm 2024 của các phường.

Như Trưởng ban Dân vận Quận ủy Khương Quốc Hưng chia sẻ, đây không đơn thuần là diễn đàn để các phường “khoe” thành tích mà là nơi để ý Đảng, lòng dân gần nhau hơn. Các khó khăn, khúc mắc ở cơ sở trong quá trình GPMB được đưa ra bàn bạc để tìm được tiếng nói chung. Các tổ chức đoàn thể chính trị phải xắn tay vào làm công tác dân vận cùng chính quyền, bắt đầu từ chính người thân, láng giềng.

Nhiều năm qua, thành công đối với công tác GPMB, không phải tiến hành cưỡng chế tại phường Thanh Trì, Lĩnh Nam và mới đây là Định Công nhờ chính quyền và các tổ chức đoàn thể biết tôn trọng, lắng nghe tiếng nói người dân.

“Để giải phóng 30.000m2 mặt bằng dự án đường vào Trường Tiểu học Lĩnh Nam cần di chuyển 248 ngôi mộ, liên quan đến 241 hộ dân. Khi phường họp thông báo, rất nhiều người dân băn khoăn, cho rằng tiến độ di dời gấp thế chưa hợp lý. Bản thân cán bộ cũng phải đặt mình vào trường hợp người dân, cái gì thấy đúng, dù quan tâm đến tiến độ nhưng thấy vấn đề cần điều chỉnh thì phải báo cáo lại cấp trên xem xét” - Chủ tịch UBND phường Lĩnh Nam Tạ Việt Dũng chia sẻ.

Đối với dự án đường Tam Trinh, sau nhiều lần chậm trễ, lần này Quận ủy Hoàng Mai quyết tâm GMPB phải thực hiện xong trong vòng 9 tháng. Phường Mai Động có 162 hộ và 11 tổ chức phải thực hiện chủ trương GPMB với diện tích thu hồi 20.000m2, trong đó có điểm nóng chợ Mai Động. Đảng ủy phường phân người về sinh hoạt tại 4 chi bộ khu dân cư; thành lập 3 tổ công tác, giao ban bí thư chi bộ mở rộng phân theo nhóm đặc thù...

“Đến thời điểm này, 33/157 hộ đã nhận tiền đền bù GPMB; hoàn thiện hồ sơ và lên phương án với 68 hộ; đang hoàn thiện hồ sơ với 56 hộ, công việc đang thuận lợi vì cán bộ bám địa bàn” - Chủ tịch UBND phường Mai Động Trần Văn Vịnh thông báo.

Không chỉ được người dân bàn giao mặt bằng là thành công, Bí thư Đảng ủy phường Định Công Phạm Hải Bình chia sẻ: “Định Công là một trong những địa phương làm tốt công tác GPMB đường Vành đai 2,5 và 3 trường học. Nhưng khi người dân chưa được nhận chìa khóa nhà tái định cư, nhiệm vụ của chính quyền vẫn chưa xong, phải báo cáo quận, TP và theo tận cùng của vụ việc”.

Thực tế còn rất nhiều công việc mà Quận ủy, UBND quận Hoàng Mai còn phải làm trong thời gian tới để thúc tiến độ triển khai các dự án, nhất là các dự án trọng điểm, dân sinh bức xúc. Nhưng rõ ràng, cách làm mới của quận Hoàng Mai đã bước đầu đem lại hiệu quả, người dân phần nào đã tăng niềm tin vào các cấp chính quyền, công việc GPMB được đẩy nhanh tiến độ.

Đối với quận Hoàng Mai, năm 2024 được coi là “năm GPMB” khi toàn bộ hệ thống chính trị được huy động vào cuộc, phường nào, đơn vị nào để chậm tiến độ thì người đứng đầu sẽ bị xử lý kỷ luật.

Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Hoàng Mai Nguyễn Xuân Phong

An Thanh

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/kinh-nghiem-giai-phong-mat-bang-o-hoang-mai.html