Kinh nghiệm lái xe ô tô ngày giá rét, sương mù của 'tài già'

Nhiều lái xe vần vô lăng nhiều năm vẫn khá lúng túng khi xử trí kính ô tô bị mờ, đi trong thời tiết sương mù dày đặc như thế nào hay đơn giản chỉ là việc dùng điều hòa ra sao trong mùa đông lạnh giá?

Các tỉnh miền Bắc đang bước vào đợt thời tiết khá lạnh. Mặc dù nhiệt độ ngoài trời không quá thấp đến mức tuyết rời dày đặc như ở nhiều nước khác trên thế giới nhưng một số kinh nghiệm sử dụng ôtô đúng cách vào mùa đông có thể giúp xe hoạt động tốt hơn và chủ xe cũng yên tâm hơn khi vận hành. Dưới đây là kinh nghiệm được rút ra qua nhiều năm lái xe của anh Hoàng Dũng (Hà Nội).

1. Lưu ý về động cơ, lốp xe trước khi khởi hành

Theo các chuyên gia, một số lưu ý người sử dụng ô tô cần quan tâm là hoạt động của động cơ, lốp và hệ thống điều hòa. Nếu như các thế hệ động cơ cũ đòi hỏi thời gian nổ máy nhất định để dầu được bơm lên thì các thế hệ động cơ mới, chủ xe không cần thực hiện các bước này. Mặc dù vậy, trước khi vận hành, xe cần được nổ máy khoảng 1 phút để vòng tua máy ổn định.

Sau hoạt động của động cơ, người lái kiểm tra áp suất lốp ở các bánh bằng mắt thường hoặc cảm biến trên xe. Các bất thường ở lốp đều ảnh hưởng đến sự an toàn khi vận hành. Vì vậy, trước khi di chuyển cần đảm bảo các lốp xe ở điều kiện tốt nhất.

Nguyên tắc an toàn là mùa hè bơm non và mùa đông bơm đúng. Ví dụ, lốp xe cần 2,2 kg/cm2 thì mùa hè chỉ cần bơm 2 kg/cm2 còn mùa đông bơm đúng 2,2 kg/cm2. Mùa đông bề mặt lốp có thể co, vì vậy nếu không đủ hơi để phồng lốp sẽ khiến rạn bề mặt khi nhiệt độ nóng trở lại.

2. Để điều hòa bao nhiêu độ là phù hợp?

Nhiều tài xế thắc mắc vào mùa đông trời rất lạnh thì lên xe nên để bao nhiêu độ, nên để sưởi ấm hay để lạnh. Nên để nhiệt độ mà cơ thể cảm thấy dễ chịu, tức không cần phải nóng ấm so với bên ngoài mà chỉ cần không cảm thấy lạnh là được.

Như mùa đông ở miền bắc Việt Nam, dải nhiệt độ phù hợp là khoảng 20-26 độ. Trước khi xuống xe, nên tắt điều hòa hoặc giảm nhiệt độ để cơ thể thích nghi, trách bị sốc nhiệt khi bước ra ngoài, đặc biệt với trẻ em và người già.

3. Đi sương mù bật những đèn nào?

Khi đi đường sương mù, tài xế phải bật đèn pha ở chế độ chiếu gần chứ không phải chế độ chiếu xa. Nếu xe có đèn sương mù thì bật thêm đèn sương mù, cần thiết bật cả đèn hazard (cảnh báo nguy hiểm) để xe trước, sau dễ nhận biết.

Nếu xe không có đèn sương mù, tài xế nên mua băng dính hoặc giấy bóng màu vàng dán ra bên ngoài đèn pha để chuyển ánh sáng trắng thành ánh sáng vàng. Ánh sáng vàng có bước sóng ngắn nên khả năng khuếch tán xa.

4. Xử lý kính ô tô bị mờ khi trời mưa ẩm

Tại Việt Nam, các tài xế thường gặp phải hiện tượng này khi lái xe trong trời mưa hay đi qua những khu vực thời tiết lạnh, độ ẩm cao... Nhiệt độ bên ngoài thấp hơn nhiệt độ trong khoang nội thất cùng với hoạt động của hệ thống điều hòa, hơi ấm tỏa ra từ người ngồi trong xe làm xuất hiện hơi nước ngưng tụ trên bề mặt kính. Điều này làm cản trở tầm nhìn của tài xế, gây khó khăn cho việc điều khiển xe. Một số kinh nghiệm được tổng hợp từ các “tài già” cũng như chuyên gia trong lĩnh vực ô tô sẽ giúp các lái xe khắc phục được hiện tượng hơi nước làm mờ kính.

Hầu hết những mẫu ô tô hiện nay đều được trang bị chức năng sấy kính. Vì vậy khi phát hiện dấu hiệu kính xe bị mờ do hơi nước ngưng tụ, người dùng nên kích hoạt chức năng sấy kính thông qua nút bấm thường được tích hợp trên bảng điều khiển trung tâm.

Tuy nhiên, với một số mẫu ô tô đời cũ không được trang bị chức năng sấy kính, người dùng cũng có thể loại bỏ hơi nước ngưng tụ trên kính lái bằng việc điều chỉnh hệ thống điều hòa. Theo chia sẻ của một số tài xế có kinh nghiệm, khi kính xe bị mờ người dùng nên bật hệ thống điều hòa, từng bước điều chỉnh nhiệt độ để giảm mức chênh lệch với môi trường bên ngoài. Bên cạnh đó nên chọn chế độ lấy gió trong để hơi ẩm không lọt vào trong xe, chỉnh các khe cửa gió để hướng gió không thổi trực tiếp vào kính lái hay kính cửa sổ hai bên. Sau ít phút, nhiệt độ cân bằng lượng hơi nước giảm, kính sẽ không bị mờ nữa.

ANH BẰNG

Nguồn Người Đưa Tin: https://xe.nguoiduatin.vn/521/kinh-nghiem-lai-xe-o-to-ngay-gia-ret-suong-mu-cua-tai-gia-355868.html