Kinh nghiệm quản lý an toàn thực phẩm quốc tế

Thực tế cho thấy, quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) đang ngày càng trở nên quan trọng trên toàn cầu.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tại những quốc gia có nền kinh tế thu nhập thấp và trung bình, thực phẩm bẩn gây thiệt hại khoảng 110 tỷ USD mỗi năm do sụt giảm năng suất lao động và chi phí y tế, số tiền này chưa tính đến mức ảnh hưởng kinh tế từ gián đoạn trong thị trường thực phẩm và tâm lý sợ hãi của người tiêu dùng.

Chiến lược “Từ nông trại đến bàn ăn”

Để giải quyết vấn đề thực phẩm bẩn triệt để, vào đầu năm 2020, Ủy ban Châu âu (EC) đã đưa ra chiến lược "Từ trang trại đến bàn ăn" (Farm to fork), thuộc khuôn khổ của “Thỏa thuận Xanh châu Âu” (European Green Deal) - một chương trình tham vọng nhằm thiết lập một chuỗi sản xuất thực phẩm bền vững, lành mạnh với chất lượng đồng đều đến năm 2050.

Mục tiêu cốt lõi là hướng đến đảm bảo an ninh lương thực và sức khỏe cộng đồng, giảm thiểu biến đổi khí hậu, bảo vệ đa dạng sinh học. Đồng thời, chiến lược cũng lưu ý đến việc duy trì giá cả thực phẩm phải chăng và mang lại lợi nhuận kinh tế công bằng cho tất cả các bên tham gia.

Để đạt được những mục tiêu này, chiến lược đề xuất một loạt các giải pháp toàn diện. Chiến lược đặt mục tiêu giảm 50% việc sử dụng thuốc trừ sâu hóa học, giảm 20% lượng phân bón khoáng chất và giảm 30% lượng thất thoát và lãng phí thực phẩm.

Một trong những giải pháp quan trọng là thúc đẩy sản xuất nông nghiệp bền vững. Điều này bao gồm hỗ trợ nông dân áp dụng các phương pháp canh tác thân thiện với môi trường như canh tác hữu cơ, canh tác bảo tồn và canh tác khoa học.

Bên cạnh đó, chiến lược cũng khuyến khích người tiêu dùng lựa chọn chế độ ăn uống lành mạnh với thực phẩm tươi ngon, ít chế biến và có nguồn gốc rõ ràng.

Xe kiểm nghiệm an toàn thực phẩm của Singapore. Ảnh: AP

Xe kiểm nghiệm an toàn thực phẩm của Singapore. Ảnh: AP

Giảm thiểu lãng phí thực phẩm trong chuỗi cung ứng cũng là một giải pháp được chiến lược nhấn mạnh, nhằm đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên. Ngoài ra, xây dựng chuỗi giá trị thực phẩm công bằng là một mục tiêu quan trọng.

Điều này có nghĩa là đảm bảo rằng nông dân và người lao động trong chuỗi giá trị nhận được lợi nhuận xứng đáng cho sản phẩm của họ. Cuối cùng, chiến lược nhấn mạnh vai trò của nghiên cứu và đổi mới trong việc phát triển các giải pháp sáng tạo, bền vững và hiệu quả hơn cho hệ thống thực phẩm.

Nhìn chung, chiến lược "Từ trang trại đến bàn ăn" là một chương trình đầy tham vọng với tầm nhìn dài hạn. Chiến lược này có tiềm năng to lớn để biến đổi hệ thống thực phẩm của EC theo hướng bền vững, lành mạnh và công bằng hơn.

“Để thành công, chiến lược này cần sự chung tay góp sức của tất cả các bên liên quan, bao gồm chính phủ, DN, nông dân, người tiêu dùng và các tổ chức xã hội” - một báo cáo của EC cho biết.

Hàn Quốc đề cao vai trò của kỹ thuật số

Tại châu Á, Hàn Quốc là một trong các nước dẫn đầu trong việc nâng tiêu chuẩn kiểm soát ATTP ngang tầm châu Âu và Mỹ. Gần đây, xứ sở Kim chi mới tăng cường chuẩn mực quản lý vệ sinh áp dụng cho tất cả các nguồn tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm như dụng cụ nấu ăn, vật dụng bảo quản và hộp đựng vận chuyển.

Hiện tại, Hàn Quốc cũng tích cực tổ chức những hội thảo quốc tế cùng chuyên gia toàn cầu nhằm học hỏi kinh nghiệm về phương pháp quản lý ứng dụng và công nghê trong bảo đảm ATTP, đồng thời nâng cao nhận thức cộng đồng về tầm quan trọng của thực phẩm an toàn.

Nổi bật trong năm 2023, Bộ Nông nghiệp, Lương thực và Cơ quan Lương thực xúc tiến thực phẩm Hàn Quốc đã tổ chức "Hội nghị Thực phẩm Hàn Quốc 2023" hay “Hội nghị An toàn và Chất lượng Thực phẩm”, thu hút sự quan tâm từ hàng trăm chuyên gia trong lĩnh vực ăn uống và ẩm thực.

Tiến sĩ Yu-Kyoung Oh, Bộ trưởng Bộ An toàn Thực phẩm và Dược phẩm Hàn Quốc (MFDS), cho biết kết quả của hội nghị trên trở thành diễn đàn để Chính phủ, ngành công nghiệp và người tiêu dùng cùng nhau cam kết xây dựng nguồn thực phẩm an toàn cho đất nước.

Bà cho biết: “MFDS sở hữu Ban Chuyên môn quy tụ 2.000 chuyên gia, giúp Hàn Quốc trở thành quốc gia cạnh tranh trong lĩnh vực này. Tương lai, MFDS sẽ hỗ trợ ngành thực phẩm phát triển thông qua hợp tác toàn cầu và tiếp tục cải thiện hệ thống quản lý an toàn thực phẩm bằng việc thiết lập một nền tảng kỹ thuật số dựa trên mã QR để lấy thông tin về an toàn thực phẩm, đảm bảo tính minh bạch và hiệu quả cao hơn trong việc cung cấp thông tin quan trọng cho người tiêu dùng và các bên liên quan”.

Singapore có những quy định khắt khe

Tại Singagore, Chính phủ Singapore đã ban hành bộ tiêu chí quản lý an toàn thực phẩm đối với các hộ kinh doanh ẩm thực đường phố - lĩnh vực đóng góp một phần quan trọng trong đời sống của người dân thu nhập thấp. Những ki-ốt ẩm thực đường phố đã làm nên nét văn hóa đặc sắc của Singapore.

Di sản văn hóa ẩm thực bình dân “Hawker” được đánh giá cao bởi các đầu bếp và nhà hàng nổi tiếng như Gordon Ramsay hay Antony Bourdain. Tại Singapore có những khu ẩm thực với tuổi đời hơn 40 năm, nhằm lưu giữ văn hóa trong khi đáp ứng được tiêu chuẩn của thời đại mới.

Những quy định đặt ra khá khắt khe và cần tuân thủ nghiêm ngặt để giữ an toàn cho khách hàng. Để được phép vận hành một Hawker tại Singapore, các hộ cần xin giấy phép kinh doanh Hawker phù hợp với Đạo luật Y tế công cộng về môi trường và tuân thủ các nguyên tắc về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Chủ sở hữu Hawker cần có các chứng chỉ bao gồm: giấy phép cửa hàng thực phẩm, giấy phép quầy hàng thực phẩm từ Cơ quan Thực phẩm Singapore. Các Hawker sẽ bị trừ điểm nếu vi phạm vào các nguyên tắc về an toàn thực phẩm. Nếu vi phạm, họ có thể bị đình chỉ hoạt động.

Có lẽ không quá khi nói rằng, thực phẩm bẩn có thể phá hỏng nỗ lực gây dựng hình ảnh của cả một quốc gia trong mắt bạn bè và du khách quốc tế.

Chuyên gia nghiên cứu về du lịch người Mỹ Peter Tarlow

Hoàng Nam

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/kinh-nghiem-quan-ly-an-toan-thuc-pham-quoc-te.html