Kinh nghiệm quản lý rủi ro hợp tác Việt Nam - châu Phi

Hợp tác kinh tế giữa Việt Nam với các nước châu Phi bên cạnh những tiềm năng luôn hiện hữu những rủi ro. Vậy làm sao để đẩy lùi được những thách thức đang chờ các doanh nghiệp ở phía trước?

Thứ trưởng Ngoại giao Đặng Minh Khôi cho rằng, sự thiếu thông tin và hiểu biết giữa các doanh nghiệp Việt Nam và châu Phi là những thách thức, khó khăn trên hành trình chinh phục địa bàn châu Phi rộng lớn. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Câu hỏi này đã phần nào được giải đáp tại Hội thảo “Hợp tác Việt Nam – châu Phi: Kinh nghiệm quản lý rủi ro trong hợp tác kinh tế với các quốc gia châu Phi” do Vụ Trung Đông – châu Phi, Bộ Ngoại giao phối hợp với Tổ chức Pháp ngữ Quốc tế đã tổ chức ngày 6/12 tại Hà Nội. Khoảng 300 đại biểu từ các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là doanh nghiệp Việt Nam với các chuyên gia hàng đầu trong nước và quốc tế đã tham dự Hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Ngoại giao Đặng Minh Khôi cho biết, đối với Việt Nam, quan hệ với các quốc gia châu Phi là quan hệ có bề dày truyền thống, thủy chung và luôn được quan tâm đặc biệt. Vượt lên sự xa cách về địa lý, Việt Nam và các quốc gia châu Phi đã xích lại gần nhau nhờ sự ủng hộ chí tình dành cho nhau trong những năm tháng đấu tranh chính nghĩa giành độc lập từ thập kỷ 50 của thế kỷ XX và sự đồng lòng, quyết tâm phát huy di sản quan hệ quý báu để mở rộng và làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác nhiều mặt, đóng góp tích cực vào sự phát triển của mỗi nước, đồng thời bảo vệ những lợi ích chung của các quốc gia đang phát triển.

Các đại biểu tham dự Hội thảo "Hợp tác Việt Nam - châu Phi: Kinh nghiệm quản lý rủi ro trong hợp tác kinh tế với các quốc gia châu Phi". (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao với hầu hết các quốc gia đang phát triển. Nhờ đó, hợp tác Việt Nam - châu Phi, trao đổi thương mại hai chiều tăng hơn 250% từ 2,52 tỷ USD lên 6,6 tỷ USD giai đoạn 2010-2018. Châu Phi trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư Việt Nam, trong đó phải kể đến các dự án viễn thông với tổng trị giá trên 1 tỷ USD của Tập đoàn Viettel tại đây. Hợp tác lao động, giáo dục, y tế… cũng đạt được những bước tiến tích cực. Mô hình hợp tác, nhất là nông nghiệp của Việt Nam với một số nước châu Phi đã từng được coi là hình mẫu cho hợp tác Nam - Nam. Trên bình diện đa phương, những binh sỹ, bác sỹ quân y Việt Nam tự hào tham gia vào các nỗ lực duy trì hòa bình của Liên hợp quốc tại những điểm nóng của Cộng hòa Trung Phi và Nam Sudan.

Thứ trưởng Đặng Minh Khôi cho rằng, tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam và các nước châu Phi còn rất lớn và đa dạng. Với khoảng 1,2 tỷ dân, chủ yếu là lực lượng lao động trẻ, môi trường hợp tác ngày càng được cải thiện nhờ xu thế hòa bình, liên kết khu vực và quốc tế, tập hợp đông đảo các nền kinh tế năng động, châu Phi vươn lên trở thành một trong những trung tâm tăng trưởng quan trọng của thế giới.

Cùng với sự tương đồng về trình độ phát triển và tính bổ trợ cao của nền kinh tế, phát huy những thành tựu to lớn về tăng trưởng kinh tế - xã hội cùng triển vọng ứng dụng các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 trên toàn cầu, Việt Nam và các nước châu Phi đang đứng trước những cơ hội hợp tác to lớn để dùng hướng tới thực hiện các mục tiêu của Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững của Liên hợp quốc.

Chỉ ra những thách thức, khó khăn trên hành trình chinh phục địa bàn châu Phi rộng lớn, Thứ trưởng Đặng Minh Khôi cho rằng, đó là do sự thiếu thông tin và hiểu biết giữa các doanh nghiệp Việt Nam và châu Phi về môi trường, tập quán kinh doanh, pháp lý, hệ thống chính sách và cơ chế thương mại, sự đồng hành mà các doanh nghiệp có thể nhận được từ các cơ quan, tổ chức trong nước và khu vực để vượt qua thách thức, rủi ro.

Tại Hội thảo, Tổng Thư ký Pháp ngữ, bà Louise Mushikiwabo cho biết, châu Phi hiện chiếm hơn một nửa thành viên của tổ chức Pháp ngữ Quốc tế và là tổ chức có vị trí lớn trong cộng đồng quốc tế. "Việt Nam sẽ mở ra một cánh cửa rộng mở tại Đông Nam Á, không chỉ cho châu Phi mà còn cho các khu vực khác là thành viên của Tổ chức Pháp ngữ", bà nhấn mạnh.

Tổng Thư ký Pháp ngữ, bà Louise Mushikiwabo nhấn mạnh, hãy coi châu Phi là đối tác thực sự và được lựa chọn hàng đầu. Châu Phi không nên được coi là nơi làm từ thiện, có nguy cơ rủi ro lớn. (ảnh: Nguyễn Hồng)

Châu Phi là khu vực có rất nhiều tiềm năng và thế mạnh để các doanh nghiệp phải nắm bắt. Mỗi năm, khu vực này có khoảng 15 triệu lao động trẻ bước vào công cuộc tìm việc. Với dân số trẻ, năng động, nguồn tài nguyên dồi dào, đa dạng về văn hóa, châu Phi thực sự có rất nhiều tiềm năng về phát triển kinh tế.

Châu Phi hiện có hơn 50 quốc gia và mỗi nước có trình độ phát triển kinh tế, văn hóa, ngôn ngữ khác nhau. Vì vậy, việc chia sẻ thông tin về các quốc gia, lĩnh vực tiềm năng, quy định về luật đầu tư… sẽ giúp các doanh nghiệp hiểu rõ hơn về mỗi vùng đất hứa tại châu Phi. Ngoài ra, vấn đề hạ tầng, kết nối giao thông về logistic cũng cần được quan tâm giúp tạo thuận lợi giao thương giữa Việt Nam vào khu vực châu Phi và ngược lại.

Chính vì vậy, Tổng Thư ký Pháp ngữ Louise Mushikiwabo cho rằng Hội thảo là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam và châu Phi hiểu về nhau. “Hãy coi châu Phi là đối tác thực sự và được lựa chọn hàng đầu. Châu Phi không nên được coi là nơi làm từ thiện, có nguy cơ rủi ro lớn”, Bà nêu rõ.

Hội thảo là diễn đàn chia sẻ và trao đổi trực tiếp giữa các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là doanh nghiệp Việt Nam với các chuyên gia hàng đầu trong nước và quốc tế, góp phần đáp ứng nhu cầu ngày càng quan trọng về thúc đẩy và nâng cao hiệu quả hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và các quốc gia châu Phi. Các đại biểu tập trung thảo luận về các vấn đề nhận diện rủi ro trong hợp tác kinh tế với các quốc gia châu Phi cũng như kinh nghiệm xử lý, phương pháp và cơ chế quốc tế quản lý rủi ro trong hợp tác kinh tế với các quốc gia châu Phi.

Nguyễn Hồng

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/kinh-nghiem-quan-ly-rui-ro-hop-tac-viet-nam-chau-phi-105699.html