Kinh nghiệm quốc tế phát triển sàn giao dịch vận tải đường bộ

Chi phí vận tải hàng hóa bằng đường bộ tại Việt Nam vẫn còn cao, một phần là do khoảng 70% xe vận chuyển chỉ có hàng hóa một chiều. Vấn đề đáng quan ngại hiện nay là việc thiếu các sàn giao dịch vận tải để kết nối cung - cầu hiệu quả.

TÓM TẮT:

Chi phí vận tải hàng hóa bằng đường bộ tại Việt Nam vẫn còn cao, một phần là do khoảng 70% xe vận chuyển chỉ có hàng hóa một chiều. Vấn đề đáng quan ngại hiện nay là việc thiếu các sàn giao dịch vận tải để kết nối cung - cầu hiệu quả. Bài viết nêu lên 5 mô hình sàn giao dịch vận tải phổ biến trên thế giới và Việt Nam hiện nay đang áp dụng 2 mô hình chủ yếu đó là mô hình ứng dụng giống Uber và mô hình giao hàng chặng cuối. Bài viết cũng đưa ra một số kinh nghiệm trong việc phát triển sàn giao dịch vận tải của một số công ty hàng đầu thế giới. Từ đó, một số giải pháp được đề xuất để phát triển sàn giao dịch vận tải đường bộ tại Việt Nam.

1. Kinh nghiệm phát triển sàn giao dịch vận tải trên thế giới

Sàn giao dịch vận tải chủ yếu tập trung vào vận tải đường bộ và được sử dụng rộng rãi chủ yếu ở Châu Âu và Bắc Mỹ, đó là do đặc thù của các thị trường này. Ví dụ, nó liên quan đến sự phân mảnh đáng kể của thị trường, nơi có một số lượng lớn các nhà cung cấp dịch vụ logistics hoạt động, cũng như sự sẵn có của cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ và kho bãi đã phát triển. Ở các nước thuộc Liên minh Châu Âu, các giao dịch qua sàn vận tải chiếm 10 đến 20% trọng tải hàng hóa được vận chuyển, trong khi ở Hoa Kỳ, tỷ lệ này dao động từ 15 đến 20% (Baron và cộng sự, 2017). Các công ty lớn nhất trên thị trường sàn giao dịch vận tải của Hoa Kỳ hỗ trợ số lượng người dùng lớn hơn so với trường hợp của Châu Âu, và cũng hoạt động trên khắp khu vực địa lý của thị trường, trong khi các công ty ở Châu Âu chỉ thống trị ở quốc gia xuất xứ và các quốc gia lân cận. Do quy mô của thị trường châu Âu và các hạn chế trong việc thu hút đủ số lượng người dùng để vượt qua điểm hòa vốn, mô hình sàn giao dịch vận tải tại châu Âu không thành công như ở Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, số lượng người dùng lớn thu hút bởi một sàn giao dịch vận tải chưa phải là lợi thế phát triển bền vững và lâu dài, mà đó là giải pháp sáng tạo (Jaros-aw và cộng sự, 2020). Thị trường vận tải hàng hóa ngày càng biến động theo xu hướng thế giới và nhu cầu cao của khách hàng đòi hỏi các giải pháp hiện đại mới cần được thực hiện để tăng khả năng cạnh tranh của sàn giao dịch vận tải. Các công ty này, đặc biệt những công ty mới gia nhập thị trường, cần mở rộng các dịch vụ truyền thống của họ thành các giải pháp sáng tạo có thể hỗ trợ khách hàng trong các lĩnh vực khác ngoài dịch vụ vận tải truyền thống.

Trên thế giới, sàn giao dịch vận tải đường bộ kết nối người gửi hàng và người vận chuyển đã rất phát triển, có những công ty hoạt động trong một thời gian dài, như DAT và uShip, cũng như có một loạt những công ty mới tham gia như Amazon Flex, Next Trucking, Doft và Uber Freight. Hầu hết các ứng dụng sàn giao dịch vận tải hiện tại có thể hiển thị mức tải, nhưng nhà vận chuyển vẫn phải nhấc điện thoại lên để gọi xem hàng hóa cần vận tải đó có phải là thật hay không. Có một sự thật đó là rất nhiều hàng hóa cần vận chuyển đã đăng cách đây vài giờ hoặc vài ngày và người vận chuyển đã lấy những hàng hóa này, nhưng không ai gỡ bỏ bài đăng. Điều này không khác gì so với mô hình môi giới hiện tại; không có trải nghiệm giao dịch ngay tức thì. Bài viết sẽ đưa ra một số mô hình sàn giao dịch vận tải nổi bật và có sự đột phá trong việc phát triển vận tải đường bộ giải quyết những bài toán trên.

Uber Freight

Uber Freight - thành lập vào năm 2017 - là công ty quản lý chuỗi cung ứng và logistics cung cấp ứng dụng di động giúp tài xế xe tải kết nối với các công ty vận chuyển. Uber Freight nhanh chóng phát triển thành một trong những mạng lưới vận tải hỗ trợ kỹ thuật số lớn nhất Bắc Mỹ để cung cấp dịch vụ vận chuyển đáng tin cậy. Để duy trì mức độ dịch vụ và độ tin cậy này, công ty liên tục cải tiến và tập trung vào 3 trụ cột chính: đảm bảo sự tuân thủ của nhà vận chuyển và giám sát; tiêu chuẩn hiệu suất minh bạch; phần thưởng và hình phạt rõ ràng (Uber, 2021).

Đảm bảo sự tuân thủ của nhà vận chuyển và giám sát: Trước khi một nhà vận chuyển tải nền tảng Uber Freight, họ phải hoàn thành quy trình kiểm tra được tiến hành bởi các nhóm và công nghệ của Uber Freight. Ví dụ đối với thị trường Mỹ, quy trình này yêu cầu các nhà vận chuyển gửi thông tin nhận dạng chính - chẳng hạn như số USDOT (U.S Department of Transportation number) và số MC (Motor Carrier number) cũng như tài liệu hỗ trợ như thông tin bảo hiểm của họ. Sau đó, công ty sử dụng thông tin để đánh giá sự tuân thủ của nhà vận chuyển đối với các quy định liên bang và xếp hạng an toàn FMCSA (Federal Motor Carrier Safety Administration) cũng như các tiêu chuẩn của Uber Freight về quản lý bảo hiểm.

Tiêu chuẩn hiệu suất minh bạch: Kể từ thời điểm nhà vận chuyển hoàn thiện quy trình kiểm tra, Uber Freight yêu cầu nhà vận chuyển phải chịu trách nhiệm về hiệu suất của họ trên 3 chỉ số mà công ty đã phát triển để phù hợp với kỳ vọng của khách hàng. Các tiêu chuẩn này nhằm mục đích mang lại trải nghiệm đáng tin cậy cho người gửi hàng đồng thời cung cấp trải nghiệm công bằng cho người vận chuyển để họ kiểm soát kết quả.

Phần thưởng và hình phạt rõ ràng: Các nhà vận chuyển nhận được phần thưởng hoặc phải chịu hình phạt dựa trên kết quả hoạt động của họ. Những người thực hiện bằng hoặc cao hơn tiêu chuẩn của công ty trong mỗi danh mục có thể nhận được cơ hội kiếm tiền bổ sung, hỗ trợ ưu tiên và tiếp cận với các phần thưởng và lợi ích trong tương lai. Các nhà cung cấp dịch vụ thực hiện dưới tiêu chuẩn của công ty đối với danh mục trung bình và cơ sở phải tham gia vào một loạt các bài kiểm tra được thiết kế để cải thiện chỉ số hiệu suất. Các nhà vận chuyển sẽ được cung cấp một số đơn vận chuyển tiếp theo được chỉ định để cải thiện chỉ số hiệu suất của họ sau khi vượt qua bài kiểm soát đầu tiên. Những người không cải thiện sẽ nhận được thông tin liên lạc bổ sung và phải chịu các hình phạt và có thể bao gồm cả việc đình chỉ tài khoản.

NEXT Trucking

Next Trucking là một sàn giao dịch vận tải đường bộ trực tuyến được thiết kế cho các chủ hàng và tài xế xe tải, được thành lập vào năm 2015 tại California, Mỹ. Cho phép các hãng vận tải đăng các tuyến đường và giá cước ưu tiên theo thời gian thực và trong tương lai, Next Trucking kết nối các lái xe từ các công ty vận tải đường bộ quy mô vừa và nhỏ với các chủ hàng đang tìm kiếm sự hiệu quả và giá cả cạnh tranh.

Thực tế, có nhiều tài xế không am hiểu về công nghệ, có những tài xế trên 50 tuổi chưa bao giờ sử dụng ứng dụng di động và thậm chí không có Facebook. Vì vậy, công ty cung cấp một nhóm dịch vụ khách hàng có thể hỗ trợ các tài xế nếu cần, từ việc tải xuống ứng dụng cho đến học cách sử dụng nó. Next Trucking tập trung vào đối tượng khách hàng là những chủ sở hữu các đội xe nhỏ từ hai đến sáu xe tải. Hầu hết đối tượng này không có hệ thống quản lý vận tải, hệ thống kế toán, vì vậy công ty cung cấp cho họ công cụ quản lý đội xe miễn phí để họ biết tài xế của mình đang ở đâu trong thời gian thực và một trang web kế toán (Lockridge, 2017).

Ngoài ra, công ty muốn thành lập một cộng đồng tài xế, để người lái xe có thể trò chuyện với đội xe hoặc điều phối viên của riêng họ hoặc với bất kỳ ai tải xuống ứng dụng Next Trucking. Họ có thể chia sẻ hình ảnh và video với gia đình, bạn bè với những người lái xe khác.Ứng dụng này miễn phí cho người lái xe, còn người gửi hàng phải trả một khoản phí, nhưng nó thấp hơn mức mà một nhà môi giới truyền thống sẽ tính.

uShip

uShip, Inc. là một công ty công nghệ có trụ sở tại Austin, Texas, thành lập từ năm 2003, điều hành uShip.com, một thị trường trực tuyến cho các dịch vụ vận chuyển, hoạt động theo mô hình sàn giao dịch vận tải chuyên dụng. Các cá nhân và doanh nghiệp đăng các mặt hàng họ cần vận chuyển theo nhiều loại khác nhau, bao gồm vận chuyển bằng ô tô, vận chuyển bằng thuyền, dịch vụ chuyển nhà và vận chuyển thiết bị công nghiệp nặng. Các nhà cung cấp dịch vụ vận tải trên uShip đặt giá thầu cạnh tranh để giành quyền vận chuyển lô hàng của khách hàng. Đối với một số danh mục, bao gồm tàu thuyền, ô tô và vận tải hàng hóa chưa đầy xe tải (Less than truck load - LTL), khách hàng có thể chọn báo giá trả trước cho dịch vụ vận tải hoặc nhập mức giá chấp nhận được để phù hợp với nhà vận chuyển. Khách hàng có thể đặt một lô hàng ngay lập tức từ các báo giá này hoặc chọn đợi giá thầu đấu giá, tương tự như tính năng "mua ngay bây giờ" của eBay.uShip.com được sử dụng bởi các công ty vận tải hàng hóa chưa đầy xe tải (LTL) và gần đây đã ký thỏa thuận với DB Schenker, một trong những công ty logistics lớn nhất thế giới, để tự động hóa vận chuyển hàng hóa đường bộ ở Châu Âu (Lockridge, 2017). Nhiều hãng vận chuyển hàng đầu về LTL đang cung cấp giá cước điện tử thông qua nền tảng thị trường uShip, cho phép người gửi hàng tiếp cận với các hãng vận tải chất lượng cao.

Amazon Flex

Amazon Flex - hoạt động theo mô hình giao hàng chặng cuối được thành lập vào năm 2015 - là một hệ thống giao hàng theo đó các tài xế độc lập đăng ký để giao các gói hàng xung quanh khu vực địa phương của họ. Mô hình này giống Uber nhưng không có hành khách là con người. Người lái xe được khuyến khích bởi thu nhập đảm bảo từ 18-25 USD/giờ (đối với thị trường Mỹ) và tất cả đều không gặp rắc rối về việc đón khách muộn, nói nhỏ và xếp hạng bốn sao vô trách nhiệm (Amazon Flex, 2021). Việc cạnh tranh giữa Amazon Flex và các dịch vụ giao hàng chặng cuối ứng dụng công nghệ là rất rõ ràng - họ đang đấu tranh cho cùng một nhóm tài xế. Tuy nhiên, Amazon Flex có lợi thế hơn vì họ có một lượng khách hàng sẵn qua sàn thương mại điện tử. Do khối lượng của các đơn đặt hàng này sẽ vượt xa khả năng của Amazon Flex trong thời gian tới, công ty có thể đảm bảo thu nhập cho các tài xế. Do đó, tính kinh tế và độ tin cậy sẽ là điểm thu hút đối với người lái xe so với các dịch vụ giao hàng và chia sẻ chung khác.

2. Thực trạng phát triển sàn giao dịch vận tải tại Việt Nam

Hiện nay, quy định về sàn giao dịch thương mại điện tử, quy định về trách nhiệm của thương nhân tổ chức cung cấp dịch vụ người bán, người mua, hay quy chế hoạt động của sàn giao dịch thương mại điện tử được quy định trong Luật giao dịch điện tử số 51/2005/QH11, Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử, Nghị định 85/2021/NĐ- CP sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 52/2013/NĐ-CP. Nếu website cho phép các cá nhân, tổ chức khác đăng ký tài khoản, đăng tải hình ảnh, thông tin quảng cáo về doanh nghiệp, sản phẩm, dịch vụ để kinh doanh thì bắt buộc phải đăng ký dưới dạng sàn giao dịch thương mại điện tử. Nếu không thực hiện việc đăng ký thì có thể bị phạt theo Nghị định 185/2013/NĐ-CP về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và Nghị định 124/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định 185/2013.

Thị trường vận tải ở Việt Nam đang diễn ra sự cạnh tranh khốc liệt với hơn 4.000 doanh nghiệp logistics như Viettel Post, VNPost, FedEx, UPS, DHL, Logivan, Lalamove, Nasco, Tín Thành Express,...và cả các siêu ứng dụng như Grab, Go-Viet, Be (HongBang International University, 2020). Tại Việt Nam, thị trường sàn giao dịch vận tải phổ biến với 2 mô hình chủ yếu là mô hình ứng dụng giống Uber ví dụ như Lalamove, Ahamove, Logivan,... và mô hình giao hàng chặng cuối như Grab, Now, Be, ... Tuy nhiên việc đưa vào khai thác sàn giao dịch vận tải kể từ năm 2015 bằng việc thí điểm mô hình này đã không đạt được kỳ vọng khi các doanh nghiệp không mặn mà với hình thức này, dẫn đến tỷ lệ xe chạy rỗng vẫn cao. Cụ thể, vận tải ôtô đảm nhiệm trên 90% tổng khối lượng vận chuyển hành khách và trên 70% tổng khối lượng vận chuyển hàng hóa. Trong khi đó, các đơn vị vận tải hầu hết có quy mô nhỏ, manh mún, tỷ lệ xe chạy rỗng còn ở mức khoảng 70% (Đặng Nhật, 2020).

Như vậy, sàn giao dịch vận tải đang phải đối mặt với số thách thức khiến cho mô hình kinh doanh này chưa thực sự thu hút các doanh nghiệp.

Thứ nhất, luật và quy định hiện hành chưa rõ ràng, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sàn giao dịch vận tải có phải là công ty công nghệ hay là công ty cung cấp dịch vụ vận tải. Phần lớn các sàn giao dịch vận tải không thực hiện việc cam kết bảo lãnh và chỉ đóng vai trò như người “môi giới” kết nối giữa chủ hàng và chủ xe để hai bên gặp nhau. Một phần là do giá dịch vụ thì chiếm một phần quá nhỏ so với giá trị hàng hóa vận chuyển, phần khác là do chưa đủ cơ sở pháp lý ràng buộc giữa sàn vận tải, người gửi hàng và người vận chuyển.

Thứ hai, công nghệ mà các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang sử dụng để giải quyết bài toàn của mình có thể đã được giải quyết bởi một công ty hiện tại có quy mô và ngân sách lớn hơn. Do vậy, những công ty này khó có thể tạo ra lợi thế cạnh trạnh trên thị trường với sự có mặt của công ty có vốn đầu tư đầu nước ngoài hay tập đoàn đa quốc gia.

Thứ ba, các sàn giao dịch vận tải sẽ hoạt động không hiệu quả nếu chỉ giải quyết một phần vấn đề mà khách hàng đặt ra. Ví dụ như nếu việc đàm phán giữa người gửi hàng và người vận chuyển, xác định tuyến đường, xác định nhà cung cấp dịch vụ chỉ được giải quyết mộtphần, những khách hàng đang tìm kiếm một giải pháp hoàn chỉnh sẽ không quan tâm đến việc sử dụng ứng dụng đó. Ngoài ra, sàn vận tải nên công khai cả giá đề nghị của chủ hàng cũng như giá yêu cầu của doanh nghiệp vận tải. Khi đó, chỉ cần truy cập vào sàn, hai bên thấy mức giá cả phù hợp thì liên hệ với nhau. Nếu giá cả được giấu kín thì sẽ làm mất thời gian giao dịch của cả hai bên.

3. Một giải pháp phát triển sàn giao dịch vận tải đường bộ tại Việt Nam

Trên cơ sở thực trạng tại Việt Nam và kinh nghiệm của một số công ty trên thế giới về xây dựng và tổ chức hoạt động của sàn giao dịch vận tải đường bộ, nhóm tác giả đề xuất một số giải pháp sau đây nhằm phát triển mô hình hoạt động sàn giao dịch vận tải đường bộ tại Việt Nam.

Thứ nhất, Thông tin trên sàn giao dịch vận tải phải đầy đủ, cập nhật, chính xác Để có một sàn giao dịch đúng nghĩa thì các bên tham gia phải cung cấp đầy đủ, cập nhật, chính xác các thông tin mà hệ thống yêu cầu. Sàn giao dịch tổng hợp các thông tin gửi đến doanh nghiệp vận tải và chủ hàng như: đơn hàng, khối lượng vận chuyển, nơi đi nơi đến, yêu cầu ghép đơn, xe rỗng chiều đi, chiều về, giá cước vận chuyển..., và thực hiện khớp lệnh theo nhu cầu đặt chỗ của khách hàng. Các doanh nghiệp vận tải khi đăng ký trên sàn phải là các doanh nghiệp có uy tín, giá cả minh bạch, cạnh tranh. Các thông tin về doanh nghiệp vận tải được công khai đầy đủ trên hệ thống, trong trường hợp doanh nghiệp vận tải có sai phạm, chủ hàng có quyền phản ánh và phải có hệ thống chế tài, quy định để xử lý nghiêm các sai phạm đó.

Trên sàn giao dịch vận tải cần bổ sung thêm chức năng “bảo hiểm hàng hóa vận chuyển”, nhằm tăng sự đảm bảo an toàn cho cho hàng hóa nếu gặp rủi ro, tạo sự an tâm cho cả chủ hàng và doanh nghiệp vận tải.

Thứ hai, Sàn giao dịch vận tải nên tổ chức để các doanh nghiệp vận tải đặt giá thầu cạnh tranh để giành quyền vận chuyển lô hàng của khách hàng. Mục đích của của việc ra đời sàn giao dịch vận tải là tạo ra môi trường để các doanh nghiệp vận tải đăng ký, giới thiệu năng lực, tìm kiếm nguồn hàng để vận chuyển. Khi chủ hàng có nhu cầu vận chuyển hàng hóa, hệ thống tổ chức đấu thầu công khai để lựa chọn doanh nghiệp vận tải đáp ứng nhu cầu tốt nhất với giá cước thấp nhất. Sự minh bạch trong đấu thầu công khai sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vận tải làm ăn có uy tín, chất lượng có nhiều cơ hội phát triển, cũng là động lực để các doanh nghiệp vận tải còn hạn chế hoàn thiện hoạt động kinh doanh của mình, đồng thời chủ hàng có quyền lựa chọn đối tác nhằm tối thiểu hóa chi phí vận tải.

Ngoài ra, thông qua nhu cầu của chủ hàng trên sàn giao dịch, các doanh nghiệp vận tải có thể tìm ra quy luật của luồng hàng đi, luồng hàng về trên các tuyến đường để có tỷ lệ hàng 2 chiều cao nhất, trên cơ sở đó tổ chức quá trình vận tải đạt hiệu quả cao với chi phi thấp, đáp ứng tốt nhất nhu cầu của khách hàng.

Thứ ba, Chủ sàn giao dịch vận tải nên là chủ hàng có nhu cầu vận chuyển lớn, ổn định Sàn vận tải Vinatrucking ra đời từ năm 2015, trong một hai năm đầu, bình quân mỗi ngày sàn có 300-400 lượt truy cập, hệ thống tiếp nhận và xử lý hàng chục đơn hàng (Đặng Nhật, 2020). Tuy nhiên sau khi đã biết nhau, chủ hàng và doanh nghiệp vận tải tự thỏa thuận, không thông qua sàn giao dịch trong các lần vận chuyển kế tiếp, đây là giao dịch kinh tế hai bên tự thỏa thuận, không có cơ chế nào ràng buộc cũng như không có biện pháp chế tài xử phạt nên sàn không thể làm gì được. Vì vậy việc duy trì sàn giao dịch hoạt động hiệu quả nên chăng chủ sàn giao dịch là chủ hàng có nhu cầu vận chuyển lớn, ổn định trên thị trường, vừa đóng vai trò kết nối giải quyết được việc tận dụng được xe rỗng đồng thời giảm được chi phí vận chuyển cho chính hàng hóa mình.

Thứ tư, Đầu tư cải tiến, nâng cấp phần mềm công nghệ ứng dụng trong vận hành sàn giao dịch Sàn giao dịch vận tải cần liên tục cải tiến các tính năng của phần mềm giao dịch dựa trên nền tảng công nghệ đám mây, big data, AI... để giải quyết các nhu cầu của cả doanh nghiệp vận tải và chủ hàng cũng như thực tế của thị trường. Nền tảng công nghệ giúp cho cho logistics thông minh hơn với các sản phẩm được phát triển phù hợp với đặc thù tại Việt Nam như cung đường, giờ cấm tải, truy vấn phương tiện và hàng hóa theo thời gian thực..., thay thế cách vận hành logistics thủ công, phức tạp, kém hiệu quả. Cần phát triển sinh thái đầu cuối và hoàn chỉnh cho ngành logistics, từ đầu vào đến đầu ra của chuỗi cung ứng. Việc phân tích thị trường dựa trên các công cụ phân tích big data sẽ giúp các doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước có thêm một công cụ đánh giá thị trường vận tải hàng hóa, xây dựng cơ chế đánh giá, kiểm soát các chủ xe để tăng độ tin cậy cho các chủ hàng khi thực hiện giao dịch trên sàn; các thành viên tham gia trên sàn vận chuyển đều được xác minh, kiểm tra nhằm đánh giá uy tín và chất lượng dịch vụ.

Bên cạnh đó, giải pháp công nghệ mang đến sự kết nối cho một hệ thống logistics hoàn chỉnh: Hệ thống quản lý vận tải STM (Smartlog Transport Management System), Hệ thống quản lý kho hàng SWM (Smartlog Warehouse Management System), Sàn giao dịch vận tải. Hệ thống logistics xuyên suốt từ mắt xích khởi đầu đến giao hàng chặng cuối được quản lý trên nền tảng công nghệ sẽ tạo điều kiện giúp cho quá trình logistics được tối ưu hóa, khuyến khích doanh nghiệp vận tải và chủ hàng tham gia giao dịch qua sàn.

Thứ năm, Cần có sự liên kết chặt chẽ giữa các chủ thể liên quan để vận hành hoạt động của sàn giao dịch vận tải hiệu quả.

Khi chủ hàng giao dịch với chủ xe (doanh nghiệp vận tải) trên sàn cần có các tầng bảo vệ, thứ nhất là của chủ xe và thứ hai là của sàn với công tác kiểm tra, đánh giá và các văn bản ký kết, thỏa thuận giữa hai bên. Trường hợp các bên để xảy ra sai phạm, mất mát, hư hỏng hàng hóa trong quá trình thực hiện hợp đồng, sàn giao dịch sẽ phải là đơn vị trung gian tham gia cùng giải quyết để đảm bảo quyền lợi của các bên. Ngoài ra, các sàn giao dịch cần phải có sự liên kết với các ngân hàng, tổ chức tài chính để hỗ trợ việc thanh toán và bảo đảm việc thực hiện hợp đồng cho các chủ xe; liên kết với công ty bảo hiểm để giải quyết các vấn đề bồi thường nếu xảy ra rủi ro dẫn đến tồn thất với hàng hóa, phương tiện vận chuyển; liên kết với các cơ quan chuyên ngành để giải quyết các thủ tục hành chính trong quá trình vận chuyển....

Thứ sáu, Sự hỗ trợ của Nhà nước về hành lang pháp lý, tuyên truyền cho sàn giao dịch vận tải hoạt động.

Để sàn giao dịch vận tải hoạt động hiệu quả, bên cạnh sự nỗ lực của chủ sàn giao dịch, doanh nghiệp vận tải, chủ hàng thì sự hỗ trợ của Nhà nước rất quan trọng. Một trong những nguyên nhân chỉ ra trong phần thực trạng các sàn giao dịch vận tải của Việt Nam hoạt động không hiệu quả là các quy định pháp lý còn lỏng lẻo, giữa chủ xe và chủ hàng chưa có ràng buộc pháp lý, dẫn đến nhiều rủi ro khi hàng hóa bị tổn thất, khó xác định trách nhiệm bồi thường. Ngoài ra, các sàn giao dịch vận tải hiện nay phần lớn do các công ty tư nhân tạo lập, tiềm lực tài chính hạn chế, do đó vận chuyển hàng hóa giá trị cao, các sàn giao dịch vận tải không dám cam kết bảo lãnh, chỉ đóng vai trò như người “môi giới” kết nối giữa chủ hàng và chủ xe để hai bên gặp nhau. Vì vậy để nâng cao hiệu quả hoạt động của sàn giao dịch cũng như bảo vệ quyền lợi của các bên, Bộ Giao thông vận tải là cơ quan chủ quản cùng với các cơ quan quan lý nhà nước có liên quan cần xây dựng một quy chế có tính pháp lý ràng buộc trách nhiệm của các bên, sàn giao dịch phải là đơn vị trung gian giải quyết các vấn đề liên quan đến hàng hóa, cước phí khi xảy ra các sai phạm, mất mát, hư hỏng hàng hóa trong quá trình thực hiện hợp đồng vận chuyển.

Đặc biệt, các cơ quan chức năng cần phối hợp với các sàn vận tải xây dựng cơ chế đánh giá, kiểm tra, kiểm soát chất lượng dịch vụ các chủ xe tham gia sàn nhằm đảm bảo chất lượng dịch vụ, bảo vệ chủ xe làm ăn uy tín đồng thời tăng độ tin cậy của sàn với khách hàng.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần hỗ trợ sự phát triển sàn giao dịch vận tải bằng cách tuyên truyền, khuyến khích chủ hàng, chủ xe tham gia phương thức giao dịch này. Thực tế hiện nay, đa số các giao dịch giữa chủ hàng với chủ xe được thực hiện theo phương thức giao dịch trực tiếp, gắn kết một cách ổn định và đều có những lợi ích nhất định với nhau. Chính vì vậy, việc thay đổi phương thức, đưa các giao dịch này lên sàn là điều không dễ, cần có thời gian và sự hỗ trợ của công cụ quản lý để các doanh nghiệp làm quen hình thức mới, tạo động lực trong thời gian đầu.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Amazon Flex. (2021). Why Amazon Flex? https://flex.amazon.com/why-flex

2. Amstrong & Associates, Inc. (2016). Digital Freight Matching. 100.

3. Bakos Y (1991) A strategic analysis of electronic marketplaces. MIS quarterly 15 (3): 295 310

4. Bakos Y (1997) Reducing buyer search costs: implications for electronic marketplaces. Management Science 43 (12): 1672-1692t

TS. Nguyễn Thị Cẩm Thủy - ThS. Lương Văn Đạt

Học viện Ngân hàng

Tạp chí in số tháng 5/2023

Nguồn TCDN: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/kinh-nghiem-quoc-te-phat-trien-san-giao-dich-van-tai-duong-bo-d39152.html