Kinh nghiệm quốc tế về quản trị, huy động vốn và phát triển cơ sở hạ tầng

Sáng 16/1, trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế Việt Nam năm 2019 diễn ra tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tổ chức Hội thảo 'Quản trị, huy động vốn và phát triển cơ sở hạ tầng - Kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị chính sách cho Việt Nam'.

Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) và Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) tham gia đồng hành cùng chương trình.

Tham dự hội thảo có các chuyên gia cao cấp đến từ một số bộ, ngành của Việt Nam, các cơ quan quản lý của các nước trong khu vực (Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia, Thái Lan, Philippines, Malaysia, Campuchia, Myanma, Ấn Độ, Mông Cổ, Bangladesh, Maldives), các tổ chức quốc tế đa phương (IMF, Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD)), Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC), Cơ quan Tài chính dự án và hạ tầng (IPFA), Công ty PwC, các cơ quan ngoại giao tại Việt Nam (Đại sứ quán Úc, Đại sứ quán Nhật Bản).

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng phát biểu khai mạc hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng nhấn mạnh, trong những năm qua, Việt Nam và các nước trong khu vực luôn ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng nhằm đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, từ đó tạo ra sự cải thiện đáng kể về số lượng, chất lượng cơ sở hạ tầng gắn với cải cách thể chế quản lý, huy động vốn, tài chính cho phát triển cơ sở hạ tầng ngày càng chuẩn mực và có hiệu quả hơn.

Thứ trưởng Vũ Đại Thắng cho biết, trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam giai đoạn 2011-2020 bao gồm 3 chiến lược đó là thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực. Về hạ tầng xác định cần xây dựng hệ thống hạ tầng đồng bộ với một số công trình hiện đại, tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị lớn. Trong đó, tính đồng bộ được bao hàm trong 10 lĩnh vực: giao thông; cấp điện; thủy lợi, ứng phó với biến đổi khí hậu; đô thị; khu công nghiệp, cụm công nghiệp và khu kinh tế; thương mại; công nghệ thông tin và truyền thông; giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ; y tế; văn hóa, thể thao, du lịch.

Về hạ tầng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xác định 4 lĩnh vực hạ tầng trọng tâm, cấp thiết nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng cung cấp điện, hạ tầng thủy lợi ứng phó biến đổi khí hậu và hạ tầng đô thị lớn. Để thực hiện mục tiêu chiến lược trên, trong thời gian qua kết cấu hạ tầng của Việt Nam đã từng bước được nâng lên, hoàn thiện, cơ bản đáp ứng được nhu cầu phát triển.

Về hạ tầng giao thông vận tải đã được đầu tư, nâng cấp, đảm báo kết nối giữa các vùng miền trong cả nước như mở rộng quốc lộ 1 từ Thanh Hóa đến Cần Thơ, hoàn thành và đưa vào sử dụng trên 1.000 km cao tốc, các công trình cảng hàng không như Nội Bài, Tân Sơn Nhất…; về hạ tầng năng lượng đã được đầu tư cơ bản đáp ứng được yêu cầu phát triển bảo đảm an ninh năng lượng cho đất nước; về hạ tầng thủy lợi đã được tập trung đầu tư vào các công trình trọng điểm trên cả nước nhằm góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn; hạ tầng đô thị cũng đã được đầu tư nhất là các đô thị lớn tại Hà Nội, TP HCM… với nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị như các đường vành đai, tuyến tránh đô thị.

Về nguồn lực đầu tư, bên cạnh việc ưu tiên sử dụng tối đa nguồn vốn đầu tư nhà nước, Chính phủ cũng đã quan tâm thúc đẩy và thu hút nguồn vốn đầu tư tư nhân, đặc biệt là thông qua phương thức đầu tư hợp tác công - tư (PPP). Theo theo số liệu thông kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho đền nay, Việt Nam đã thu hút được khoảng 150 dự án đầu tư theo hình thức PPP với ước tính tổng mức đầu tư trên 1 triệu tỷ đồng, khoảng 50 tỷ USD đã góp phần cải thiện rõ rệt chất lượng cơ sở hạ tầng Việt Nam.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Vũ Đại Thắng, bên cạnh những kết quả đã đạt được cũng có những tồn tại, thách thức nhất định đối với phát triển kết cấu hạ tầng của Việt Nam trong thời gian vừa qua như: quy mô nền kinh tế chưa lớn, khả năng tích lũy hạn chế dẫn đến việc duy trì mức đầu tư ở mức độ cao cho kết cấu hạ tầng ảnh hưởng cho việc bảo đảm cân đối vĩ mô, ảnh hưởng đến sự phát triển chung của toàn nền kinh tế; cải cách thể chế, thủ tục hành chính cải thiện môi trường đầu tư thu hút cho đầu tư phát triển hạ tầng vẫn đang là thách thức lớn với các cơ quan hành chính; các điều kiện cần thiết để thu hút nguồn đầu tư từ khu vực tư nhân cho hệ thống kết cấu hạ tầng thông qua hình thức PPP vẫn còn hạn chế do nhà nước chưa có đủ nguồn lực tham gia cùng các nhà đầu tư tư nhân.

Toàn cảnh hội thảo

Tại hội thảo, các chuyên gia giàu kinh nghiệm đến từ các cơ quan quản lý của các nước trong khu vực và các chuyên gia của các tổ chức quốc tế chia sẻ những thông lệ, chuẩn mực quốc tế và bài học kinh nghiệm tốt của quốc gia về cải cách và phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là quản trị và huy động vốn.

Đồng thời, các đại biểu tập trung thảo luận vào các vấn đề cụ thể như: Báo cáo về xu hướng đầu tư công và hợp tác công - tư trên thế giới cũng như trong khu vực đối với lĩnh vực kết cấu hạ tầng cũng như những cơ chế quản trị, đánh giá kết quả hiệu quả của các dự án đầu tư công trong lĩnh vực hạ tầng; đưa ra những đánh giá, nhận định về những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc phát triển cơ cấu hạ tầng trong thời gian vừa qua cũng như là nêu lên những thách thức, tồn tại cũng như những kiến nghị về đầu tư kết cấu hạ tầng trong thời gian tới; vấn đề về những đề xuất về cơ chế quản lý cơ hội cũng như rủi ro, thách thức của mô hình đầu tư PPP, các công cụ đầu tư khác trong kết cấu hạ tầng bao gồm cả những sáng kiến huy động nguồn đầu tư từ tư nhân cũng như hợp tác với các đối tác phát triển quốc tế.

Qua các phiên thảo luận, hội thảo cung cấp cho các đại biểu bức tranh tổng thể về thực trạng và những nỗ lực phát triển, cải cách thể chế quản lý cơ sở hạ tầng các nước trong khu vực và Việt Nam, kèm theo những khuyến nghị của các chuyên gia về cải cách, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng hiệu quả, phù hợp thông lệ, chuẩn mực quốc tế.

Nguyễn Hoan

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/kinh-nghiem-quoc-te-ve-quan-tri-huy-dong-von-va-phat-trien-co-so-ha-tang-526182.html