Kinh nghiệm từ Hội thi Giảng viên lý luận chính trị giỏi khu vực phía Bắc năm 2018

Các thí sinh tham dự Hội thi Giảng viên lý luận chính trị giỏi khu vực phía Bắc năm 2018 được tổ chức từ ngày 19-22/9 tại tỉnh Thái Bình đã chia sẻ những kinh nghiệm thiết thực, bổ ích sau khi thao giảng trực tiếp tại Hội thi.

Thí sinh Ngô Thị Thúy Hằng, giảng viên chuyên trách Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình: Để học viên hiểu đúng và hiểu trúng vấn đề

Tôi lựa chọn giảng bài về kinh tế hàng hóa, nằm trong chương trình Sơ cấp lý luận chính trị. Sau bài giảng, tôi mong muốn học viên sẽ nắm được những ưu thế về sản xuất hàng hóa so với sản xuất tự cấp, tự túc.

Để truyền tải tới học viên, tôi kết hợp rất nhiều phương pháp như: Phương pháp thuyết trình, nêu vấn đề, hỏi đáp, thảo luận nhóm. Người ta thường nói rằng, chính trị rất khô khan, nhưng theo tôi, khô khan hay không là do người truyền đạt. Nhận thức điều này, tôi đã sử dụng nhiều phương pháp, huy động tối đa sự làm việc, sự hiểu biết, sự năng động của học viên, sự liên hệ thực tiễn của học viên để làm phong phú thêm bài học, để học viên nhận thức được vấn đề một cách rõ ràng và hiệu quả nhất.

Trong bài dự thi, tôi cũng chú trọng phần liên hệ thực tiễn với địa phương. Sản xuất hàng hóa đang là một chủ trương rất lớn của Đảng và Nhà nước ta, nhất là sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa. Với một nông nghiệp như Thái Bình, điều này càng có ý nghĩa quan trọng. Trong bối cảnh cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới, bài học của tôi sẽ càng có ý nghĩa với học viên, để học viên biết được ưu thế của sản xuất hàng hóa. Từ đó, đặt ra nhiệm vụ cho mỗi học viên là phải làm như thế nào để phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa ở địa phương mình.

Thí sinh Ngô Thị Thúy Hằng trình bày bài giảng của mình

Trong giảng dạy lý luận chính trị hiện nay, đang có những thách thức nhất định. Đó là sự phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0, đặc biệt là sự phát triển của mạng xã hội. Điều đó đòi hỏi mỗi một giảng viên phải làm thế nào để bắt kịp được thời đại, nắm bắt được dư luận xã hội, định hướng được dư luận xã hội để học viên hiểu đúng và hiểu trúng vấn đề, đặc biệt là những đường lối, chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, để học viên có cách nhìn đúng đắn để định hướng tư tưởng của mình và những vấn đề xung quanh.

Đến với Hội thi giảng viên lý luận chính trị giỏi khu vực phía Bắc năm 2018, tôi cũng như các anh chị giảng viên khác đều có chung một cảm nhận, đây không chỉ là một cuộc thi mà còn là ngày hội của những giảng viên dạy lý luận chính trị. Đây cũng là một đợt tập huấn nghiệp vụ quan trọng, để các giảng viên có thể giao lưu học hỏi với nhau nhằm nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn; đổi mới phương pháp, rèn luyện kỹ năng, đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, tích cực cập nhật kiến thức mới theo quan điểm của Đảng và Nhà nước một cách đúng đắn phù hợp.

Các giảng viên tuy khác nhau về tuổi tác, đơn vị nhưng đều giống nhau ở sự nhiệt huyết, niềm đam mê học hỏi để có được những bài giảng chất lượng, để “huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng” và “tất cả các đảng viên đều phải cố gắng học tập, coi việc học tập lý luận chính trị là nhiệm vụ quan trọng của mình” như lời dạy của Bác Hồ kính yêu. Đây cũng là một dấu ấn không thể nào quên trong sự nghiệp giảng dạy của mỗi người.

Các thí sinh đều đem hết tâm huyết, khả năng, sự sáng tạo của mình để góp phần vào thành công của Hội thi, qua đó, nâng cao chất lượng giảng dạy lý luận chính trị tại các địa phương, đơn vị như mục đích của Hội thi đã đề ra.

Ban Giám khảo đặt câu hỏi cho các thí sinh tham dự sau phần thi thao giảng

Thí sinh Nguyễn Kim Trị, Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh: Lấy người học làm trung tâm, cần có “điểm chốt” trong bài giảng

Đến với Hội thi lần này, tôi đã lựa chọn nội dung phần thi là đạo đức và vai trò của đạo đức trong đời sống xã hội, thuộc bài 9 Xây dựng Đảng về đạo đức trong chương trình giáo dục lý luận chính trị dành cho đảng viên mới.

Bài giảng xoay quanh nội dung thế nào là đạo đức, cấu trúc đạo đức là gì, trong đó, trọng tâm là mối quan hệ giữa ý thức đạo đức và hành vi đạo đức. Từ đó, khái quát lên được ý nghĩa và tầm quan trọng đạo đức trong đời sống xã hội cũng như của cán bộ, đảng viên.

Đối với giảng viên lý luận chính trị để truyền tải kiến thức tới học viên, hiện nay, có nhiều các phương pháp và điều kiện mà giảng viên có thể áp dụng.

Đó là phương pháp truyền thống như bảng phấn kết hợp với trình chiếu Powerpoint để tăng cường hình ảnh và đưa được nhiều lượng kiến thức hơn. Bên cạnh đó, cần trao đổi, thảo luận nhóm với học viên để hiểu sâu vấn đề. Một điều quan trọng là bằng chính biểu cảm, ngôn ngữ cơ thể của người thầy để giảng dạy. Cụ thể đối với bài giảng của mình, tôi đã rất chú trọng ngôn ngữ cơ thể. Bởi vì, với nội dung đạo đức, nếu anh không dùng ngôn ngữ cơ thể, biểu cảm, thì khó có thể truyền đạt hết nội dung này.

Thí sinh Nguyễn Kim Trị

Trong bài giảng này, trong vận dụng liên hệ thực tiễn, đưa ra tấm gương đạo đức, nếu người thầy lựa chọn tấm gương chưa “chuẩn” thì nhiều khi lại phản tác dụng. Với phần nội dung khái niệm về đạo đức, tôi chọn hình ảnh con người cụ thể của địa phương mình. Đó là hình ảnh NGND. Nguyễn Đức Kỳ, một con người vượt lên số phận và sức khỏe. Đối với nhịp sống hiện đại, tôi đã lựa chọn hình ảnh em bé Hải An, đã hiến giác mạc. Hành động của em đã tạo sự lan tỏa, có tới hơn 30.000 người đã hiến tặng giác mạc, trong đó có mẹ em Hải An. Việc liên hệ mang tính thời sự cũng dễ hơn cho học viên nắm được nội dung bài giảng.

Về với Hội thi lần này, tôi thấy các anh chị giảng viên rất chan hòa, trao đổi về kiến thức và thực tiễn tại các địa phương. Tôi cũng bất ngờ và học hỏi rất nhiều, đặc biệt là các giảng viên trẻ. Họ đã áp dụng nhiều phương pháp mà bản thân tôi chưa được tiếp cận, độ phủ kiến thức của họ cũng sâu rộng. Những giảng viên lớn tuổi lại có sự đào sâu suy nghĩ nhiều hơn. Các ý kiến của ban giám khảo cũng là sự trao đổi, góp ý với thí sinh, làm toát lên sự đổi mới trong tổ chức Hội thi lần này. Bản thân tôi cũng sẽ áp dụng những điểm mới học hỏi được từ Hội thi vào bài giảng của mình để tăng sức hút đối với học viên.

Đối với một giảng viên lý luận chính trị, phải chắc kiến thức và nắm vững thực tế. Mỗi giảng viên phải có sự năng động hơn trong bài giảng, lấy học viên làm trung tâm, xem học viên cần gì về kiến thức. Làm thế nào để học viên khi chưa được học thì cảm giác rằng lý luận chính trị rất khó khăn. Nhưng qua bài học, họ sẽ thấy học chính trị không khô khan và họ thấy rằng các thầy cô giảng viên lý luận chính trị cũng đã tiếp cận vấn đề mềm dẻo, linh hoạt hơn.

Qua lần tham dự này, tôi cũng tự rút ra được cho mình một số kỹ năng quan trọng trong giảng dạy lý luận chính trị. Đó là, khi lên lớp, không nên áp lực về thời gian; cần tạo điểm nhấn, điểm chốt trong bài học cho học viên. Xác định rõ đối tượng. Phân biệt rõ việc giảng dạy lý luận chính trị với thuyết trình, hùng biện hoặc báo cáo viên.

Đồng chí Bùi Thị Thu Hương, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Lào Cai, tỉnh Lào Cai: Sử dụng linh hoạt các phương pháp giảng dạy tùy theo nội dung bài học

Tham dự Hội thi lần này, tôi thao giảng nội dung Phần 1.3: Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tìm đường cứu nước và sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam, thuộc bài 1 Khái lược Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, thuộc chương trình dành cho đối tượng kết nạp Đảng.

Mỗi đối tượng, mỗi quần chúng ưu tú càng phải nâng cao hơn nữa nhận thức của người công dân để có thể vận dụng lý luận đó vào trong thực tiễn. Đặc biệt, hiện nay Lào Cai đang đẩy mạnh công tác xây dựng nông thôn mới, góp phần cho quê hương Lào Cai.

Thí sinh Bùi Thị Thu Hương thao giảng trực tiếp tại Hội thi

Phương pháp truyền thống là thuyết trình, có kết hợp giảng giải, phân tích và đặt câu hỏi, nêu vấn đề. Tôi xác định được đối tượng mình giảng dạy ở đây là thanh niên nông thôn, chưa qua những trường cao đẳng chuyên nghiệp, còn có những điểm e ngại, ngại ngần. Khi sử dụng phương pháp đặt câu hỏi, nêu vấn đề, tránh làm cho học viên đỡ ngại, xóa tan đi không khí căng thẳng trong lớp học, có sự gợi mở cho học viên. Từ đó, có sự thu hút, giao lưu hợp tác giữa giảng viên và học viên.

Tôi thấy các giảng viên tham dự Hội thi rất bình tĩnh, tự tin, có độ am hiểu kiến thức sâu rộng về nội dung bài giảng. Các thầy cô đã sử dụng linh hoạt các phương pháp truyền thống kết hợp với các phương pháp mới, có sự đầu tư nghiên cứu để nâng cao chất lượng giảng dạy lý luận chính trị.

Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng, sử dụng phương pháp truyền thống hay phương pháp mới phải tùy thuộc vào từng đối tượng, phù hợp với từng đối tượng. Với đối tượng có trình độ dân trí cao, đã có kiến thức nền tảng, nên sử dụng phương pháp tự nghiên cứu sẽ đạt được kết quả tích cực hơn phương pháp thảo luận. Đối với đối tượng có trình độ thấp hơn, mình cần có sự lý giải, hướng dẫn cụ thể, dễ hiểu.

Một giảng viên lý luận chính trị cần phải có nghiệp vụ sư phạm, am hiểu kiến thức sâu rộng, tự đổi mới chính mình. Bản thân mỗi giảng viên cần không ngừng nghiên cứu, nâng cao trình độ của mình, cập nhật kiến thức cuộc sống hàng ngày. Không nên đọc thuộc một bài giảng và áp dụng giống nhau cho tất cả các lớp học, cho các đối tượng khác nhau. Mỗi giảng viên cần tự đổi mới phương pháp giảng dạy và có cái tâm, cái tầm thì sẽ không gây nhàm chán trong việc dạy và học môn lý luận chính trị.

Sau Hội thi này, tôi cũng mong muốn từ địa phương tới Trung ương, các cấp ủy sẽ quan tâm hơn nữa tới công tác giáo dục lý luận chính trị từ cơ sở. Bởi công tác giáo dục lý luận chính trị từ cơ sở rất quan trọng. Đó là nền tảng để bồi dưỡng những đối tượng quần chúng nhân dân sao cho hiệu quả và thiết thực.

Thu Hằng

Nguồn Tuyên Giáo: http://www.tuyengiao.vn/nhip-cau-tuyen-giao/ban-tuyen-giao-tw/kinh-nghiem-tu-hoi-thi-giang-vien-ly-luan-chinh-tri-gioi-khu-vuc-phia-bac-nam-2018-115113