Kinh nghiệm vận động đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh Nghệ An

Những năm qua, tình hình kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Nghệ An đã có những bước khởi sắc rõ rệt, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi cơ bản ổn định.

Hệ thống chính trị các cấp, nhất là ở cơ sở không ngừng được củng cố, kiện toàn và từng bước nâng cao chất lượng hoạt động... đảm bảo điều kiện khác cho sự phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng cuộc sống mới của đồng bào DTTS.

Tuy nhiên, do xuất phát điểm thấp về kinh tế - xã hội, mặt bằng dân trí chưa cao, không đồng đều nên vẫn còn một số tệ nạn xã hội như buôn bán ma túy, buôn bán người; tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, di cư tự do, truyền đạo trái pháp luật... có thể tiềm ẩn một số yếu tố gây phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ảnh hưởng lớn đến công tác vận động đồng bào DTTS.

Nhận thức sâu sắc vấn đề này, thời gian qua, tỉnh Nghệ An đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai đồng bộ nhiều chủ trương, giải pháp lớn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, miền núi, trên địa bàn tỉnh, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch giữa các vùng miền.

Nổi bật là, ngày 10/10/2016, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Đề án số 02-ĐA/TU về “Tăng cường công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo”. Sau 5 năm thực hiện Đề án 02-ĐA/TU, nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương về công tác dân vận vùng đồng báo DTTS đã có nhiều chuyển biến rõ nét; có 11/14 tiêu chí đạt và vượt. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; thu ngân sách tăng khá; thu hút vốn đầu tư trên địa bàn tăng nhanh, một số cơ sở sản xuất quan trọng đi vào hoạt động, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế và nộp ngân sách của Vùng. Công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch đi vào nền nếp và ngày càng chặt chẽ hơn. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và đô thị được quan tâm xây dựng, nhiều công trình trọng điểm đã và đang được thực hiện.

Công tác giáo dục - đào tạo có chuyển biến tích cực, chất lượng nguồn nhân lực được nâng cao hơn.

Các lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ; đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào vùng cao, vùng dân tộc thiểu số được nâng lên; an sinh xã hội, giảm nghèo, giải quyết việc làm đạt kết quả khá; khoảng cách về trình độ phát triển và mức sống của Nhân dân vùng miền Tây Nghệ An so với bình quân chung cả tỉnh từng bước được thu hẹp.

Công tác dân tộc, tôn giáo được thực hiện tốt, khối đại đoàn kết toàn dân trên địa bàn tiếp tục được củng cố và tăng cường; tình trạng di cư tự do dần được khắc phục. Tệ nạn xã hội và tội phạm ma túy trên địa bàn được đấu tranh ngăn chặn. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững. Hệ thống chính trị các cấp, nhất là ở cơ sở không ngừng được củng cố, kiện toàn và từng bước nâng cao chất lượng hoạt động, niềm tin của Nhân dân đối với cấp ủy, chính quyền được tăng cường. Sơ kết 5 năm thực hiện Đề án 02-ĐA/TU, ngày 18/8/2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kết luận số 105-KL/TU, về tiếp tục thực hiện Đề án số 02-ĐA/TU. Đặc biệt, ngày 11/8/2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 17-CT/TU “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2022-2026, định hướng đến năm 2030” với nhiều nhiệm vụ, giải pháp mang tính đột phá, chiến lược nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch các vùng miền trong tỉnh. Cùng với đó, công tác vận động đồng bào DTTS số đã có nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả.

Thứ nhất là, tập trung đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng như: thông qua hệ thống loa truyền thanh tại các thôn, bản, khu phố; phát thanh truyền hình tại các địa phương; cổng thông tin điện tử của huyện, xã; thông qua các hội nghị phổ biến, giáo dục pháp luật, các tờ rơi, tờ gấp... Từ năm 2020-2023, đã có trên 70.000 đồng bào DTTS số được phổ biến, giáo dục pháp luật; 30.000 tờ gấp tuyên truyền có chủ đề “Nói không với tảo hôn” và “Nói không với hôn nhân cận huyết thống”, 770 cuốn tài liệu và 5.000 tờ gấp tuyên truyền với các nội dung về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và các chính sách đặc thù đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Trong 03 năm, cấp tỉnh và huyện đã tổ chức trên 327 lớp bồi dưỡng tập huấn về công tác dân tộc, chuyển giao khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt... Thực hiện phát sóng 240 tin, bài thời sự, chuyên đề về “Dân tộc và Miền núi”, chương trình phát thanh tiếng Thái, phát sóng 420 tin, bài thời sự; 970 tin, bài trên Báo Nghệ An, Báo Điện tử Nghệ An, Cổng thông tin điện tử tỉnh.

Thứ hai là, đã phát huy vai trò của đội ngũ người có uy tín, già làng, trưởng bản trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Hiện nay, toàn tỉnh có 2.228 người có uy tín, già làng, trưởng bản. Trong những năm qua, người có uy tín, già làng, trưởng bản đã tích cực tham gia tuyên truyền, vận động Nhân dân, nhất là đồng bào DTTS thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của địa phương; luôn gương mẫu, tiên phong đi đầu trong thực hiện và vận động Nhân dân tham gia các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, chương trình xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế, giải phóng mặt bằng, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu... Nhiều tấm gương tiêu biểu người có uy tín trong công tác tuyên truyền, vận động, gương mẫu đi đầu của tỉnh được khen thưởng...

Thứ ba là, thông qua đội ngũ cán bộ chuyên trách, cộng tác viên, tuyên truyền viên, những người đưa “hơi thở” chủ trương, nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống. Đội ngũ cán bộ chuyên trách, cộng tác viên, tuyên truyền viên có nhiều đổi mới về nội dung tuyên truyền, bảo đảm đáp ứng tốt 03 tiêu chí: nội dung thiết thực, kịp thời và phù hợp với đối tượng người nghe; bảo đảm sự cân đối giữa nội dung cơ bản và tính thời sự; nội dung có tính định hướng, đấu tranh phản bác các thông tin, quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị và phản động. Hình thức tuyên truyền được thực hiện linh hoạt, hiệu quả như đến từng thôn, bản, vào từng nhà dân để trực tiếp tuyên truyền, vận động, hướng dẫn Nhân dân cách làm ăn vươn lên thoát nghèo bền vững, thực hiện nếp sống văn hóa, phòng chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe, phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, bảo vệ biên giới quốc gia. Bên cạnh đó, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên còn đi sâu, đi sát đến các địa bàn dân cư để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân, để tham mưu cho cấp ủy giải quyết kịp thời những vướng mắc, phát sinh từ cơ sở.

Thứ tư là, triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tập trung chọn và xây dựng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” để giúp dân phát triển kinh tế - xã hội. Hiện nay, vùng DTTS, miền núi đang thực hiện khoảng hơn 70 chủ trương, chính sách, có 64 chương trình, dự án và phi dự án từ các tổ chức phi chính phủ nước ngoài được triển khai với tổng nguồn vốn là 2.649,811 tỷ đồng; hỗ trợ của các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm đạt 396,8 tỷ đồng; thu hút được 231 dự án với 40.554 tỷ đồng vốn đăng ký, một số dự án sản xuất quan trọng tại vùng biên giới đã đi vào hoạt động như Dự án Bảo tồn và phát triển dược liệu gắn với phát triển rừng bền vững (2.345 tỷ đồng)...

Trong năm 2022, toàn tỉnh có 4.460 mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có trên 250 mô hình tại các xã biên giới, nổi bật như hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo, làng thanh niên lập nghiệp, chương trình đồng hành với phụ nữ biên cương, Câu lạc bộ “Phụ nữ tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia”, nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cung cấp cây, con giống, bảo vệ rừng, giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc...

Từ năm 2020 đến nay, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã hướng dẫn và trực tiếp hỗ trợ xây dựng 16 mô hình “Dân vận khéo” tại vùng đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn, trong đó có nhiều mô hình tại xã biên giới như mô hình an dân, giúp dân no đủ, tự chủ bản làng tại xã biên giới Na Ngoi (huyện Kỳ Sơn), xã Nậm Giải (huyện Quế Phong), các xã Tam Thái, Tam Đình (huyện Tương Dương)... Lực lượng thanh niên xung phong tại các vùng đặc biệt khó khăn (ở các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Thanh Chương, Anh Sơn…) đã thành lập các làng thanh niên lập nghiệp, giải quyết việc làm cho hàng trăm hộ đồng bào DTTS. Bộ đội Biên phòng triển khai 57 mô hình giúp dân phát triển kinh tế, cung cấp hàng nghìn cây, con giống, tập huấn, chuyển giao kỹ thuật cho đồng bào vùng biên, làm điểm tựa cho đồng bào mạnh dạn mở rộng sản xuất, chăn nuôi. Đoàn Kinh tế quốc phòng 4 tại vùng vành đai biên giới Kỳ Sơn, Quế Phong tổ chức các đội sản xuất cắm bản trải dài trên địa bàn 8 xã với 165 km đường biên giới giáp nước Lào đã giúp Nhân dân thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu, phát triển kinh tế, giữ gìn bản sắc văn hóa tốt đẹp. Nhờ vậy, đồng bào đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm, phát huy tiềm năng, thế mạnh của vùng để phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hằng năm từ 3-4%. Hệ thống kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư, nhiều trường học, cầu vượt lũ được xây dựng từ nguồn chính sách và nguồn xã hội hóa. Đồng bào khu vực biên giới Nghệ An thường có những cây cầu mang tên giống nhau, đó là cầu “Dân trí”, cầu “Niềm tin”… do các nhóm thiện nguyện, các cơ quan báo chí, các tổ chức, cá nhân quyên góp xây dựng. Sau 10 năm thực hiện Quyết định của UBND tỉnh phân công các cơ quan, đơn vị nhận giúp đỡ xã nghèo thuộc vùng miền Tây Nghệ An, đến nay đã có 113 cơ quan, đơn vị nhận giúp đỡ 115 xã nghèo với tổng số tiền hơn 410 tỷ đồng; đã có 6.196 lượt người được khám chữa bệnh; 93.053 công trình giao thông, nước sạch, trường học, trạm y tế được xây dựng; 76.769 mô hình kinh tế được hỗ trợ; 2.607 lượt người được đào tạo nghề; 59.327 ngôi nhà được xây dựng; hàng trăm tỷ đồng tặng quà hộ nghèo, gia đình chính sách nhân dịp lễ, tết… Đến nay, khu vực dân tộc thiểu số, miền núi có 01 huyện, 89 xã, 285 thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 12 xã thuộc huyện nghèo 30a; 04 xã biên giới; 62 xã có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số... đây là thành tích nổi bật, dẫn đầu cả nước về xây dựng nông thôn mới tại các xã 30a trong toàn quốc.

Nhờ chú trọng, đổi mới, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động đã góp phần thay đổi nhận thức và hành động của đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo trên địa bàn tỉnh. Đồng bào DTTS, miền núi chấp hành và thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực hưởng ứng, tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động. Nhận thức của đồng bào DTTS vùng lõi nghèo của tỉnh thể hiện sự chuyển biến rõ rệt, tư tưởng trông chờ, ỷ lại giảm hẳn, đã chủ động vươn lên thoát nghèo. Toàn tỉnh có hàng trăm hộ dân tự nguyện viết đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo. Cơ bản đồng bào DTTS đã thay đổi thói quen sinh hoạt, phong tục lạc hậu, thực hiện ăn ở hợp vệ sinh, di chuyển, sắp xếp chuồng trại hợp lý, xây dựng nhà tắm, nhà tiêu hợp vệ sinh; xây dựng mô hình điểm “3 trong 1” (hầm khí biogas, chuồng chăn nuôi, nhà tiêu hợp vệ sinh). Đồng bào DTTS ở các huyện miền núi đã có nhiều chuyển biến tích cực trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa, góp phần tôn vinh những giá trị truyền thống lâu đời, trong đó phải kể đến bảo tồn chữ viết, trang phục truyền thống của người Thái, Thổ huyện Quỳ Hợp, Tương Dương, Quỳ Châu,… Câu lạc bộ hát dân ca, dân nhạc, dân vũ của bản Khe Rạn, huyện Con Cuông,… Tỉnh đã đầu tư, ứng dụng công nghệ thông tin thực hiện các dịch vụ hành chính công nhằm nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) để minh bạch, công khai và hiệu quả; đến năm 2022, có 100% TTHC đủ điều kiện được cung cấp dịch vụ hành chính công với 5.783 dịch vụ (4.749 thủ tục mức độ 2; 987 thủ tục mức độ 3 và 47 thủ tục mức độ 4).

Một số bài học kinh nghiệm:

1. Phải tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền đối với công tác vận động quần chúng, công tác dân tộc; chú trọng công tác kiểm tra, sơ kết, tổng kết việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương về công tác dân vận, công tác dân tộc để kịp thời chấn chỉnh những hạn chế, khuyết điểm và đề ra những giải pháp phù hợp trong thời gian tới. Chính quyền các cấp cần quan tâm nâng cao công tác quản lý, điều hành, cụ thể hóa các chủ trương, chính sách; thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho Nhân dân, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS phát triển kinh tế - xã hội.

2. Cần đổi mới nội dung, đa dạng hóa phương pháp, cách thức tuyên truyền, vận động để nâng cao nhận thức, vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác dân tộc cho đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc; đồng thời vận dụng nhiều hình thức tuyên truyền phong phú, đa dạng để đồng bào DTTS, miền núi hiểu biết sâu sắc hơn về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về vấn đề dân tộc; phát huy tối đa vai trò, trách nhiệm của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên; hệ thống thông tin đại chúng, mạng xã hội tích cực; xây dựng và biên tập các nội dung tuyên truyền, vận động ngắn gọn "Dễ làm, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện", gần gũi, thiết thực với đời sống xã hội của vùng đồng bào DTTS, dành nhiều thời gian gặp gỡ, tiếp xúc, đối thoại, tuyên truyền sâu rộng trong đồng bào về các nội dung liên quan đến: Việc làm, thu nhập, phát triển kinh tế - xã hội... với các dẫn chứng cụ thể, sinh động, gần gũi, thiết thực. Lựa chọn những người làm công tác tuyên truyền phải nắm chắc, hiểu rõ, bám sát đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; lựa chọn những vấn đề sát với đời sống, sản xuất và giải quyết các vấn đề bức xúc của đồng bào để tập trung tuyên truyền, vận động.

3. Thực hiện hiệu quả quy chế dân chủ ở cơ sở, công tác dân vận chính quyền, công tác tiếp xúc, đối thoại, tiếp dân, giải quyết kịp thời những kiến nghị, đề xuất, nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của Nhân dân ngay từ cơ sở.

4. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động, hướng về cơ sở, tập trung tuyên truyền, vận động và tạo ra các phong trào mang lại lợi ích thiết thực cho đoàn viên, hội viên. Phát huy tốt vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào DTTS, người có tư tưởng tiến bộ trong công tác vận động quần chúng.

5. Phải thực hiện tốt công tác nắm, dự báo tình hình, đánh giá đúng diễn biến có liên quan đến công tác dân tộc, tôn giáo, nhất là âm mưu, ý đồ lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo của các thế lực thù địch để chủ động đối phó và xử lý kịp thời.

6. Quan tâm rà soát, bổ sung, sửa đổi, xây dựng cơ chế chính sách đặc thù, phù hợp với tình hình thực tiễn của vùng đồng bào DTTS, tạo điều kiện để người dân phát triển kinh tế - xã hội; lấy người dân làm trung tâm để tuyên truyền, quán triệt, công khai, minh bạch các cơ chế, chính sách; khuyến khích đồng bào hăng hái tham gia phát triển kinh tế - xã hội, sản xuất, kinh doanh, làm giàu chính đáng. Thường xuyên bồi dưỡng, tập huấn nâng cao nhận thức, kiến thức, ứng dụng khoa học, kỹ thuật nâng cao hiệu quả, chất lượng các sản phẩm nông, lâm, ngư nghiệp cho đồng bào DTTS.

7. Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ công tác tại vùng DTTS sinh sống, vùng miền núi có trình độ, hiểu biết, có uy tín gắn bó với đồng bào DTTS. Chăm lo đến xây dựng cơ cấu, đội ngũ cán bộ vùng đồng bào DTTS; lựa chọn cán bộ, đủ đức, đủ tài, có tinh thần trách nhiệm, kinh nghiệm, gần gũi, sát cơ sở; thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, thực hiện tốt công tác quy hoạch, bổ nhiệm, đề bạt, luân chuyển cán bộ, nhất là cán bộ người dân tộc.

8. Tập trung xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” hiệu quả, đem lại lợi ích thiết thực, tạo niềm tin từ những việc làm cụ thể cho đồng bào.

9. Thực hiện tốt công tác sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, khen thưởng, tôn vinh điển hình tiên tiến, phát huy vai trò của người có uy tín trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý và tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh trên địa bàn./.

Phan Thanh Đoài

Phó Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Nghệ An

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/kinh-nghiem-van-dong-dong-bao-dan-toc-thieu-so-o-tinh-nghe-an-post274639.html