Kinh nghiệm xây dựng điểm trung chuyển giao thông từ Nhật Bản

'Điểm trung chuyển giao thông là nơi mà nhiều phương tiện giao thông kết nối với nhau. Việc cải tiến các điểm trung chuyển giao thông sao cho người dùng dễ sử dụng rất quan trọng trong việc thúc đẩy sử dụng phương tiện giao thông công cộng'.

Quảng trường nhà ga Matsumoto, thành phố Matsumoto, tỉnh Nagano, Nhật Bản.

Quảng trường nhà ga Matsumoto, thành phố Matsumoto, tỉnh Nagano, Nhật Bản.

Đây là chia sẻ của ông Takashi Kobayashi, thuộc Bộ Đất đai, hạ tầng, giao thông và du lịch Nhật Bản, chia sẻ tại Hội thảo "Phát triển giao thông công cộng tại Hà Nội, chia sẻ kinh nghiệm từ Nhật Bản", do Sở Giao thông vận tải Hà Nội và Tổng công ty Vận tải Hà Nội phối hợp Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và Tập đoàn Michinori Holdings tổ chức mới đây.

Sự tiện lợi của người dùng là tiêu chí

Theo ông Takashi Kobayashi, điểm trung chuyển giao thông không chỉ là nhà ga lớn ở cửa ngõ vào các thành phố (nơi chuyển đổi các phương thức đi lại bằng đường sắt, đi bộ, xe đạp, xe buýt,…); các ga tàu điện nhỏ, điểm đỗ xe buýt cũng là điểm trung chuyển (chuyển đổi giữa xe buýt, đi bộ, xe đạp,…). Để sử dụng phương tiện giao thông công cộng hành khách cần phải đi qua các điểm trung chuyển.

Một trong những tiêu chí hàng đầu khi thiết kế các điểm trung chuyển giao thông của Nhật Bản là bảo đảm sự tiện lợi, dễ sử dụng đối với người dùng.

Quảng trường nhà ga Takamatsu, tỉnh Kagawa, Nhật Bản được thiết kế đẹp và hiện đại.

Với các nhà ga, quảng trường phía trước nhà ga là không gian sử dụng của những người đổi từ tàu điện sang tàu điện ngầm hay từ tàu điện sang xe buýt, taxi và ô-tô hoặc đi bộ. Nhật Bản có một phương châm khi thiết kế quảng trường phía trước nhà ga là thiết kế theo quy hoạch giao thông trong tương lai và tình hình phát triển đô thị ở khu vực chung quanh.

“Nói đơn giản, chúng tôi phải ước tính số người sử dụng quảng trường phía trước nhà ga trong tương lai, tính toán tổng diện tích không gian cần thiết như: không gian cần dành cho người đi bộ, bãi đậu xe, số lượng điểm lên xuống xe buýt và taxi. Ngoài ra còn xem xét dòng di chuyển của con người trong đó để thiết kế”, ông Takashi Kobayashi chia sẻ.

Theo chuyên gia đến từ Nhật Bản này, ở mức tối thiểu, diện tích quảng trường nhà ga cần bảo đảm không gian cho người đi bộ, xe đạp, vịnh cho xe buýt và taxi đón trả khách (bao gồm cả địa điểm dừng đỗ khi cần thiết).

Ngoài ra, nhà ga là không gian, bộ mặt của thành phố vì vậy có trường hợp ngoài không gian đi bộ cần thiết để đổi phương tiện giao thông cho người đi bộ còn phải bảo đảm không gian quảng trường để người dân có thể tập trung với số lượng lớn, chẳng hạn như tổ chức các sự kiện,…

Bên cạnh đó, cần phải thiết lập đường dẫn để chuyển đổi tàu xe sao cho ngắn nhất và nghiên cứu để bố trí nhà ga, địa điểm lên xuống xe buýt,… sao cho đường dẫn giữa xe ô-tô và người đi bộ không giao nhau.

Điểm trung chuyển giữa xe buýt và tàu điện trên đường phố được thiết kế tiện lợi cho người dùng, hành khách không phải di chuyển nhiều, xuống xe buýt là có thể lên ngay tàu.

Nếu ga có lượng người sử dụng đông hoặc nếu phải sử dụng xử lý nhiều phương tiện giao thông ở nơi hẹp, khó bảo đảm mặt bằng thì cần thiết kế sao cho ô-tô và người đi bộ không di chuyển lẫn lộn. Tùy trường hợp, có thể xây dựng lối đi trên cao dành cho người đi bộ, phía trên khu vực mặt đất dành cho ô-tô. Ngoài ra, cần xem xét cả những đường kết nối đến các tòa nhà chung quanh. Bằng cách này, người đi bộ có thể đi bộ an toàn, không phải băng qua đường dành cho xe ô-tô.

Với trạm xe buýt, cần nghiên cứu để giúp mọi đối tượng hành khách, bao gồm cả người khuyết tật, dễ dàng sử dụng, ví dụ đưa vào sử dụng xe buýt sàn thấp giúp cho người dùng nạng hoặc xe lăn cũng có thể dễ dàng sử dụng. Ngoài ra, Nhật Bản cũng đang xúc tiến các phương pháp giúp người lái xe buýt có thể đậu xe thuận lợi vào ngay sát vỉa hè. Các trạm xe buýt có thể bố trí khu vực nhỏ cho bãi đậu xe đạp, hành khách có thể đến điểm này bằng xe đạp rồi lên xe buýt. Các điểm chờ xe buýt cũng nên được nâng cấp và có thông tin biết được các tuyến xe buýt tiếp theo đang chạy đến đâu.

Trạm xe buýt tại thành phố Atsugi, tỉnh Kanagawa, bên cạnh trạm xe buýt có bãi đậu xe đạp cho người dùng có thể đạp xe đến điểm đỗ và lên xe buýt.

Những cách làm hay

Thiết kế quảng trường nhà ga trung tâm thành phố trên diện tích hẹp: Theo kinh nghiệm được chuyên gia Nhật Bản chia sẻ, khi xây dựng quảng trường trước nhà ga trên diện tích nhỏ hẹp có thể nghĩ tới việc sử dụng cầu đi bộ hoặc tầng hầm. Nhưng nếu diện tích cần thiết vẫn không đủ thì cần có biện pháp mềm dẻo, linh hoạt hơn. Chẳng hạn như thu hẹp không gian dành cho việc dừng đỗ của xe buýt và taxi hay chuyển không gian đậu xe cho các phương tiện giao thông ra khỏi quảng trường nhà ga do không gian dành cho việc này cần rất nhiều diện tích.

Ví dụ ga ở thành phố Fukui, ngay trung tâm của thành phố với dân số không nhiều. Trước đây có rất ít không gian cho người đi bộ nên khi thực hiện nâng cấp lại nhà ga này thành phố muốn bảo đảm không gian cho tổ chức sự kiện tại nhà ga với vai trò là trung tâm của thành phố. Để thực hiện điều này, không gian dừng xe dành cho taxi chờ khách đã được thu nhỏ. Tuy nhiên, nếu như vậy mỗi khi có nhiều người muốn sử dụng taxi thì số lượng taxi sẽ bị thiếu và kết quả người chờ taxi sẽ tràn ngập phía bên trong nhà ga.

Để khắc phục tình trạng này, nhóm thiết kế đã bố trí một không gian dừng xe taxi ở dưới cầu đường sắt nằm cách xa nhà ga. Tại đây có thể biết được tình hình phía trước của nhà ga theo thời gian thực tế, khi một chiếc taxi rời khỏi nhà ga, một chiếc taxi khác sẽ từ không gian dừng xe dưới cầu di chuyển vào nhà ga. Như vậy, bằng cách này taxi có thể đến liên tục dù không gian chờ taxi nhỏ.

Các cầu đi bộ trên cao được thiết kế sử dụng tại các nhà ga có diện tích nhỏ hẹp.

Thiết kế nhà ga nhỏ, phòng chờ và sân ga trong một không gian thống nhất: Nhà ga Nakamura, là một nhà ga nhỏ nằm ở thành phố Shimanto, tỉnh Kochi, có lượng hành khách vào khoảng 1.000 người/ngày. Trải qua 40 năm kể từ khi mở cửa và trong bối cảnh nhà ga xuống cấp, chính quyền và người dân địa phương đã tập hợp lại để xem xét chính sách nâng cấp nhà ga này.

Theo đó, nhu cầu của người dân địa phương được đưa vào kế hoạch nâng cấp nhà ga. Phòng chờ và sân ga đã được thiết kế là một không gian thống nhất, dùng gỗ được sản xuất tại địa phương để tạo ra bầu không khí nhẹ nhàng và yên bình. Ngoài ra, không gian cộng đồng được xây dựng và sử dụng làm không gian học tập cho học sinh trường cấp ba hoặc là nơi nghỉ cho khách du lịch. Bằng cách này, việc tạo ra không gian cộng đồng được người dân yêu thích chứ không đơn thuần là không gian cho người dùng phương tiện giao thông sử dụng. Đây cũng được xem là cách hiệu quả để thúc đẩy sử dụng phương tiện giao thông công cộng.

Nhà ga Nakamura là không chỉ là điểm trung chuyển giao thông mà còn là không gian cộng đồng được người dân yêu thích.

Chính quyền và doanh nghiệp cùng hợp tác: Về cơ bản, công ty đường sắt và chính quyền địa phương cùng hợp tác xây dựng quảng trường nhà ga. Ví dụ ga Hakata một trạm dừng của tàu Shinkansen và cửa ngõ thành phố Fukuoka.

Quảng trường phía trước nhà ga này do Tập đoàn đường sắt Nhật Bản (JR) và chính quyền thành phố Fukuoka cùng đóng góp đất để xây dựng, hai bên cũng cùng thỏa thuận với nhau để hợp tác quản lý. Khi xây dựng, chính quyền và công ty đường sắt đã trao đổi một phần quyền sở hữu đất. Ngoài ra, một số tòa nhà do Tập đoàn JR xây dựng cũng có không gian được sử dụng như một quảng trường và mặt khác bãi đậu xe ở dưới tầng hầm lại là do chính quyền thành phố Fukuoka xây dựng, việc này cũng làm tăng tính tiện lợi cho nhà ga của Tập đoàn JR. Như vậy, công ty đường sắt và chính quyền địa phương đã hợp tác xây dựng mối quan hệ hai bên cùng có lợi.

Quảng trường nhà ga Hakata được chính quyền và Tập đoàn đường sắt Nhật Bản (JR) hợp tác xây dựng và quản lý.

Hà Nội rất cần các điểm trung chuyển giao thông tiện lợi

“Ở Nhật Bản, khi chúng tôi đi từ nhà đến nơi làm việc, trước tiên chúng tôi phải đi bộ tới trạm xe buýt gần nhất, sau đó lên xe buýt để từ đó đến tàu điện và cuối cùng là đi bộ đến nơi làm việc. Vậy sẽ ra sao nếu điểm trung chuyển khó sử dụng, không an toàn và không thoải mái? Nếu vậy thì buộc phải sử dụng xe riêng cho dù có bị kẹt xe từ nhà đến nơi làm việc”, ông Takashi Kobayashi nói.

Theo ông Takashi Kobayashi, để thúc đẩy việc sử dụng giao thông công cộng, việc nâng cấp hệ thống đường sắt, cải tiến xe buýt mới và đẹp hơn cũng cần thiết. Nhưng làm thế nào để các điểm trung chuyển dễ sử dụng với người dân là cực kỳ quan trọng.

“Sắp tới Hà Nội sẽ xây dựng thêm nhiều hệ thống đường sắt, việc xây dựng quảng trường trước phía nhà ga trở thành trung chuyển giữa hai phương tiện giao thông là tàu điện và xe buýt là cực kỳ quan trọng”, ông Takashi Kobayashi nhận định.

Nhà chờ xe buýt nhanh (BRT) Bala Hà Đông, Hà Nội.

Theo ông Takashi Kobayashi, chúng ta cần phải xây dựng xã hội mà cả những người có thu nhập cao cũng có thể an tâm, thoải mái sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Ở các nước đang phát triển, giao thông công cộng được xem là chính sách phúc lợi dành cho những người thu nhập thấp. Tuy nhiên, nếu thực hiện chính sách với nhận thức như vậy không thể nào thay đổi được lối suy nghĩ mọi người ai cũng muốn trở nên giàu có và sở hữu ô-tô riêng. Thay vào đó, nếu có thể xây dựng một xã hội mà người có thu nhập hay thu nhập thấp đều cho rằng đi làm bằng phương tiện giao thông công cộng thay vì xe ô-tô riêng thì sẽ thuận tiện hơn, đẳng cấp hơn thì chắc chắn tất cả mọi người sẽ đều sử dụng phương tiện giao thông công cộng.

“Nếu vậy tôi nghĩ rằng sẽ không còn ùn tắc giao thông nữa, đất đai đắt đỏ của Hà Nội sẽ được sử dụng hiệu quả hơn và có thể xây dựng Hà Nội với một môi trường tuyệt vời hơn”, ông Takashi Kobayashi nói.

“Hà Nội kẹt xe rất khủng khiếp. Nhiều xe ô-tô. Quá nhiều xe máy. Việc thay đổi phương tiện di chuyển của người dân Hà Nội sang dùng phương tiện giao thông công cộng là rất quan trọng để có thể sử dụng hiệu quả đất đai có hạn của thành phố”, ông Takashi Kobayashi nói. (Ảnh: Bức ảnh nổi tiếng thể hiện so sánh không gian để chở 60 người của Văn phòng báo chí thành phố Munster, CHLB Đức).

BÔNG MAI

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/41157502-kinh-nghiem-xay-dung-diem-trung-chuyen-giao-thong-tu-nhat-ban.html