Kinh tế 5 tháng đầu năm của tỉnh Đồng Nai gặp nhiều thách thức

Bức tranh kinh tế 5 tháng đầu năm 2023 Đồng Nai nhiều thách thức, sản xuất công nghiệp, xuất khẩu suy giảm kéo theo khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp.

Sản xuất và xuất khẩu sụt giảm

Theo đánh giá của Cục Thống kê Đồng Nai, tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2023, tình hình sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn như tình hình chính trị trên thế giới, lạm phát, giá cả vật tư hàng hóa, nhiên liệu, vật liệu vẫn ở mức cao. Từ đó, đã tác động tiêu cực đến hoạt động kinh doanh của các DN sản xuất công nghiệp. Đơn hàng sản xuất của doanh nghiệp bị sụt giảm mạnh, tình trạng thiếu việc làm diễn ra khá phổ biến ở các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp có đông công nhân.

Sản xuất tại một DN ngành công nghiệp hỗ trợ ở TP Biên Hòa - Đồng Nai.

Bên cạnh đó, giá điện tăng từ ngày 4-5 (tăng 3% so với giá điện bán lẻ bình quân hiện hành) tạo thêm áp lực về chi phí cho các DN, do vậy dự ước chỉ số sản xuất công nghiệp 5 tháng đầu năm có mức tăng rất thấp so với cùng kỳ.

Trong tháng đầu năm 2023 chỉ số sản xuất của Đồng Nai chỉ tăng gần 2,5%. Có 22/27 ngành sản xuất tăng nhưng mức tăng thấp. Tiêu thụ sản phẩm đang gặp khó khăn đáng kể, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp trong tháng 5 giảm 5,6% so với tháng trước và giảm 9,87% so với tháng cùng kỳ 2022. Lũy kế 5 tháng đầu năm chỉ số tiêu thụ giảm 8,8% so cùng kỳ. Sở dĩ chỉ số tiêu thụ giảm là do thị trường xuất khẩu và tiêu thụ chưa được cải thiện, nên hầu hết các sản phẩm tiêu thụ đều giảm.

Cụ thể, trong tháng 5 xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh là hơn 1,85 tỷ USD, giảm hơn 12% so với tháng 5-2022. Lũy kế từ đầu năm đến nay xuất khẩu của tỉnh là hơn 8,5 tỷ USD, giảm khoảng 20,4% so với cùng kỳ.

Tất cả các thành phần kinh tế đều giảm mức xuất khẩu, trong đó kinh tế nhà nước giảm 24%; kinh tế ngoài nhà nước giảm 15,1%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài giảm 22% so cùng kỳ. Nguyên nhân là do tình hình kinh tế thế giới phục hồi chậm cùng với các chính sách thắt chặt tiền tệ, sức mua tại các thị trường lớn như Hòa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc... sa sút khiến khối lượng đơn đặt hàng giảm. Các doanh nghiệp xuất khẩu tiếp tục thiếu hụt đơn hàng, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng không thiết yếu.

Một số mặt hàng xuất khẩu giảm mạnh so cùng kỳ như gỗ giảm 40%, hàng dệt may 12,7%, giày dép các loại 13,3%, máy móc thiết bị và dụng cụ giảm 11,6%... Đây đều là những ngành sản xuất có lượng lớn lao động nên tình hình sản xuất khó khăn sẽ kéo theo nhiều vấn đề về an sinh xã hội.

Doanh nghiệp cần các giải pháp hỗ trợ

Khó khăn của DN Đồng Nai cũng là khó khăn chung của cả nước. Theo khảo sát của Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng, Ban IV) tại gần 10 ngàn DN trên cả nước thì có đến 82% cho biết dự kiến giảm quy mô, tạm dừng hoặc ngừng kinh doanh trong các tháng còn lại năm nay.

Trong số DN còn hoạt động, có hơn 71% muốn giảm trên 5% lao động (trong đó, 22% tính giảm hơn một nửa). Gần 81% đơn vị nói sẽ giảm doanh thu trên 5%, trong số này, tỷ lệ giảm trên 50% là 29,4%. DN cũng thể hiện niềm tin thấp khi hơn 81% đánh giá tiêu cực hoặc rất tiêu cực về triển vọng kinh tế trong các tháng còn lại năm nay.

Trước những khó khăn, Ban IV kiến nghị kéo dài thời hạn các chính sách hỗ trợ DN đã phát huy hiệu quả trong giai đoạn Covid-19, bao gồm việc giảm 2% thuế giá trị gia tăng đến hết năm 2025 thay vì chỉ hết năm 2023. Đẩy nhanh việc hoàn thuế cho DN tránh kéo dài như hiện nay, thực hiện một số cơ chế, biện pháp đặc biệt về thuế nhằm hỗ trợ DN, kết hợp các biện pháp thanh tra, hậu kiểm để kiểm soát rủi ro, chống gian lận thuế nhằm tạo điều kiện cho số đông các DN tuân thủ tốt pháp luật. Cần đưa thuế thu nhập DN đối với các DN xuất khẩu về mức 5-10% để tạo sức cạnh tranh...

Đại diện cho các DN nhỏ và vừa ở Đồng Nai, ông Lê Bạch Long, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai nhận định dù kinh tế vẫn tăng nhưng tăng trưởng rất thấp và những dự báo đều cho thấy khó khăn vẫn còn kéo dài, thậm chí đến hết năm nay. Do đó, Nhà nước, địa phương cần thêm các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Trong đó, hỗ trợ DN tiếp cận thị trường, mở rộng kênh, thị trường xuất khẩu cũng như tiêu thụ sản phẩm trong nước...nhằm vực dậy DN trong bối cảnh hiện nay.

Tính từ đầu năm 2023 đến ngày 20/5, Đồng Nai đã thu hút đầu tư từ khu vực nước ngoài (FDI) hơn 568,7 triệu USD, tăng 2 lần so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, hơn 3,2 ngàn tỷ đồng nguồn vốn đầu tư công đã được thực hiện tại các công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh.

Nhóm PV Đông Nam Bộ

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/thuong-truong/kinh-te-5-thang-dau-nam-cua-tinh-dong-nai-gap-nhieu-thach-thuc-d194285.html