Kinh tế Cam-pu-chia tiếp tục sụt giảm đến hết năm 2009

– Theo Phnompenhpost, phát biểu trước một trăm nghị sỹ Quốc hội Cam-pu-chia về chủ đề khủng hoảng tài chính toàn cầu, Chủ tịch Hiệp hội kinh tế Cam-pu-chia (CEA) Chan Xô-phan cho biết, nền kinh tế Cam-pu-chia trong 5 tháng đầu năm 2009 gặp nhiều khó khăn và sự suy giảm sẽ tiếp tục kéo dài cho đến hết năm 2009.

Ông Xô-phan cảnh báo, tổn thất mà hai ngành dệt may và du lịch phải gánh chịu đồng nghĩa với tình hình kinh tế Cam-pu-chia từ nay đến cuối năm 2009 thậm chí còn tồi tệ hơn. Theo thống kê, xuất khẩu dệt may đã giảm 27% trong 5 tháng đầu năm so với mức sụt giảm 5% dự báo trước đó. Cũng trong giai đoạn này, du lịch giảm 2,23% sau khi được dự báo trước đó cũng không có sự thay đổi nào. Theo ông Xô-phan, người dân vùng nông thôn sẽ đối mặt với tình trạng thiếu lương thực trong giai đoạn từ tháng 7 đến tháng 11 do không có thu nhập từ công việc đồng áng và bị tác động bởi hạn hán. Đầu năm 2009, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo kinh tế Cam-pu-chia sẽ tăng trưởng 0,5% trong năm nay, trong khi cơ quan tình báo kinh tế (EIU) thuộc Tạp chí nhà kinh tế (Anh) tháng trước đánh giá kinh tế Cam-pu-chia sẽ tăng trưởng âm trong năm 2009. Trong dự báo mới nhất, Chính phủ Cam-pu-chia bày tỏ hy vọng kinh tế tăng trưởng 2% trong năm 2009 còn Ngân hàng thế giới (WB) thì cho rằng kinh tế Cam-pu-chia sẽ chứng kiến mức tăng trưởng âm 1%. Đại diện Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Cam-pu-chia Đô-lát Brô-đe-rích nhận xét, tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến Cam-pu-chia trước khi tình hình được cải thiện. Chính phủ Cam-pu-chia cần tập trung nỗ lực phát triển nguồn nhân lực và tăng cường sức cạnh tranh. Ông Brô-đe-rích nói, “nền tảng kinh tế Cam-pu-chia rất dễ bị tổn thương trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu bởi thị trường tại các nước Mỹ và châu Âu đã cắt giảm nhập khẩu hàng dệt may của Cam-pu-chia”. Ngoài dệt may và du lịch, ngành xây dựng cũng có nhiều tác động tiêu cực. Ông Brô-đe-rích lưu ý, Chính phủ Cam-pu-chia cần tăng cường đầu tư cho giáo dục, đặc biệt huấn luyện nông dân cải tiến phương pháp canh tác./.

Nguồn ĐCSVN: http://www.cpv.org.vn/cpv/modules/news/newsdetail.aspx?cn_id=351253&co_id=30127