Kinh tế Chân Mây & những cơ hội mới

Một hội nghị quy mô về xúc tiến đầu tư các hãng tàu container cảng Chân Mây vừa được UBND tỉnh tổ chức nhằm mời gọi nhiều hãng tàu container và các doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất khẩu đến làm hàng tại cảng Chân Mây. Khi có nhiều tàu container đến làm hàng, chắc chắn các dịch vụ khác cũng phát triển theo như vận tải, logistics, hạ tầng… Đó là điều kiện quan trọng để phát triển ngành công nghiệp của tỉnh cũng như Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô.

Có thể thấy rằng, thực hiện xúc tiến đầu tư trong thời điểm hiện nay là khá thuận lợi khi mà lượng hàng hóa qua cảng Chân Mây được đánh giá ngày càng tăng cao. Dự kiến năm 2022, lượng hàng thông qua cảng khoảng 4-4,5 triệu tấn. Bên cạnh đó, sau đại dịch, lượng hàng hóa của các doanh nghiệp trong tỉnh có chiều hướng phục hồi và gia tăng, cùng sự kết hợp khai thác nguồn hàng từ các nước trong khu vực như Lào, Thái Lan cũng có nhiều tiến triển tốt. Dự báo đến năm 2030, lượng hàng hóa qua cảng Chân Mây khoảng 20-25 triệu tấn/năm. Thế nên, sẽ cần thêm nhiều dịch vụ hậu cảng, logistics phát triển tương ứng.

Thuận lợi là hiện tỉnh đã đăng ký với Bộ Công thương thực hiện quy hoạch trung tâm logistics hạng I, với diện tích khoảng 20ha tại Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 1.500 tỷ đồng. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, phạm vi hoạt động của trung tâm logistics chủ yếu gồm các tỉnh: Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Bình và Đà Nẵng. Trung tâm logistics sẽ kết nối với các cảng cạn, cảng biển (Hòn La, Chân Mây), cảng hàng không, nhà ga, bến xe, các khu công nghiệp, cửa khẩu thuộc các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Bình. Nếu triển khai hoàn thành và đưa vào sử dụng sẽ là đòn bẩy trong phát triển kinh tế - xã hội của Thừa Thiên Huế.

Cũng trong tháng 10 này, dự án đê chắn sóng Chân Mây giai đoạn 2 dài 750m, các cầu cảng tiếp theo với chiều dài đến 1.450m cũng được khởi công. Với việc khởi công cầu cảng này sẽ đảm bảo các điều kiện và khả năng tiếp nhận đồng thời các loại tàu hàng, tàu container, tàu khách cỡ lớn và hiện đại trên thế giới, cho hầu hết thời gian trong năm (kể cả mùa mưa). Điều này cũng góp phần gia tăng cơ hội đón các tàu tải trọng lớn đến làm hàng tại cảng Chân Mây.

Mới đây, cảng Chân Mây cũng vừa đón tàu du lịch cập cảng sau gần 3 năm gián đoạn do đại dịch COVID-19. Ngoài vận tải hàng hóa, thì vận tải du lịch với việc đón khách tàu khách hạng sang, với mỗi chuyến tàu hàng ngàn du khách cũng là một trong những ưu tiên của tỉnh trong việc phát triển ngành công nghiệp không khói. Do đó, ngoài các bến cảng số 1, 2, 3 đã và đang được triển khai, đưa vào khai thác, thì bến cảng số 4, 5 cũng đang được kêu gọi đầu tư.

UBND tỉnh cũng vừa ban hành quyết định điều chỉnh, bổ sung danh mục dự án kêu gọi đầu tư vào các khu kinh tế, công nghiệp. Theo đó, có 4 dự án khu đô thị tại Chân Mây, với tổng mức đầu tư hơn 53.000 tỷ đồng đang được kêu gọi đầu tư, bao gồm: Khu đô thị Chân Mây (vị trí trung tâm) tổng mức đầu tư 35.000 tỷ đồng; dự án khu đô thị Chân Mây (vị trí ven sông Bù Lu), tổng mức đầu tư 14.700 tỷ đồng; dự án khu đô thị Chân Mây (vị trí 2), tổng mức đầu tư 1.290 tỷ đồng; dự án khu đô thị Chân Mây (vị trí 4), tổng mức đầu tư 2.130 tỷ đồng và rất nhiều dự án khác như xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp kỹ thuật cao, các vị trí từ 1 đến 4 với tổng mức đầu tư hàng chục ngàn tỷ đồng…

Cùng với việc kêu gọi đầu tư, các chính sách ưu đãi để mời gọi doanh nghiệp cũng được triển khai, nhất là thời gian gần đây, Thừa Thiên Huế được đánh giá cao trong việc cải thiện môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính. Tuy vậy, vẫn còn không ít doanh nghiệp phàn nàn về các chi phí không chính thức, thủ tục hành chính rườm rà… Do vậy, chính sách phải đi cùng hành động. Chính sách hay phải cần hành động quyết liệt. Nếu không, mời/kêu gọi đầu tư là một chuyện mà doanh nghiệp đến hay không lại là chuyện khác.

Tâm Huệ

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/chan-may-nhung-co-hoi-moi-a119617.html