Kinh tế châu Á duy trì đà tăng trưởng

Trong báo cáo kinh tế Triển vọng phát triển châu Á 2018, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) giữ nguyên dự báo đưa ra hồi tháng 4, theo đó tăng trưởng kinh tế của khu vực châu Á - Thái Bình Dương ở mức 6% cho năm 2018. Các nền kinh tế Nam Á tiếp tục phát triển nhanh nhất trong khu vực.

Cảng biển Mun-đra ở Ấn Ðộ. Ảnh: FAIRPLAY.IHS.COM

Trong bản báo cáo vừa công bố, tỷ lệ lạm phát trong toàn khu vực châu Á - Thái Bình Dương được ADB dự báo vẫn trong vòng kiểm soát, nhờ các yếu tố mang tính đặc thù quốc gia, như chỉ số tăng giá lương thực tại Ấn Ðộ và Trung Quốc ở mức vừa phải, hay In-đô-nê-xi-a và Ma-lai-xi-a áp dụng các biện pháp trợ giá nhiên liệu. Theo đó, ADB dự báo tỷ lệ lạm phát năm 2018 ở mức 2,8%.

Theo báo cáo, các nền kinh tế Nam Á tiếp tục phát triển nhanh nhất trong khu vực. ADB giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế của các quốc gia Nam Á ở mức 7% năm 2018 và 7,2% năm 2019. Băng-la-đét sẽ tăng trưởng nhanh nhất khu vực Nam Á và trong cả khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong năm 2018 với mức tăng trưởng 7,9% (so mức 7% được dự đoán trước đó). Ấn Ðộ vẫn tăng trưởng 7,3% cho năm 2018 và 7,6% năm 2019. ADB cũng nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế của Nê-pan lên 5,9% trong năm 2018, so mức 4,9% trong báo cáo trước đây.

Nền kinh tế Trung Quốc được dự báo năm 2018 đạt mức tăng trưởng 6,6%, năm 2019 là 6,3%, thấp hơn so mức dự báo 6,4% đưa ra trước đây. Cũng theo dự báo, khu vực Ðông Á sẽ tăng trưởng 6% năm 2018 và con số này của năm 2019 là 5,7%.

Trong khi đó, ADB hạ dự báo tăng trưởng các nền kinh tế khu vực Ðông - Nam Á trong năm 2018, từ mức 5,2% xuống 5,1%. Nguyên nhân là do tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của các nước này ở mức vừa phải, tỷ lệ lạm phát tăng, cán cân thanh toán mất cân bằng… Tuy nhiên, theo báo cáo của ADB, Ðông - Nam Á sẽ lấy lại mức tăng trưởng 5,2% trong năm 2019.

Nhà kinh tế hàng đầu của ADB, ông Y.Xa-oa-đa nhận định, mặc dù khu vực châu Á phát triển phồn thịnh kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á cách đây 20 năm, nhưng những thách thức mới vẫn đặt ra các mối đe dọa đối với khả năng phục hồi và tăng trưởng trong khu vực. Song, chuyên gia này cho rằng, những yếu tố dễ bị tổn thương có thể được giải quyết nếu được theo dõi chặt chẽ và các chính sách xử lý những vấn đề này được thiết kế và triển khai hiệu quả.

Cũng theo kết quả báo cáo mới cập nhật, ADB hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2018 của Việt Nam từ mức 7,1% xuống còn 6,9% mà ngân hàng này đưa ra hồi tháng 4. Một phần nguyên nhân là do cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc gây ra nhiều thiệt hại đối với các nền kinh tế dựa vào xuất khẩu trong khu vực.

ADB điều chỉnh dự báo lạm phát của Việt Nam từ 3,7% lên 4% năm 2018 và từ 4% lên 4,5% năm 2019. Tuy nhiên, ADB nhận định, nền kinh tế Việt Nam nhiều khả năng sẽ tăng trưởng tốt trong ngắn hạn nhờ nhu cầu nội địa tăng mạnh, điều kiện kinh doanh được cải thiện và môi trường kinh tế vĩ mô ổn định. Việc tăng chi tiêu công trong nửa cuối năm nay sẽ thúc đẩy tăng trưởng trong đầu tư.

Giám đốc quốc gia của ADB tại Việt Nam E.Xít-uých cho rằng, kinh tế Việt Nam đang đứng trước nhiều áp lực lớn do dễ bị ảnh hưởng từ những thách thức trong nước và ngoài nước. Ông E.Xít-uých cũng cảnh báo, triển vọng tăng trưởng của Việt Nam không tránh khỏi những tác động xấu, nếu căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang, gây tác động đáng kể đến kinh tế và thương mại thế giới, cũng như mạng lưới sản xuất và chuỗi cung ứng toàn cầu.

Hồng Lĩnh

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/thoi_su/item/38229202-kinh-te-chau-a-duy-tri-da-tang-truong.html