Kinh tế chia sẻ - 'chìa khóa' của tăng trưởng (Tiếp theo và hết) (*)

Bài 3: Xóa bỏ rào cản, thay đổi tư duy quản lý - Sự bùng nổ của kinh tế chia sẻ (KTCS) là xu thế tất yếu, phù hợp tiến bộ khoa học công nghệ hiện đại và tác động tích cực tới nền kinh tế. Dù là mô hình kinh doanh mới, nhưng KTCS không phải là một bộ phận tách rời hoặc thành phần riêng rẽ trong nền kinh tế. Vì vậy, việc nghiên cứu, ban hành các chính sách riêng biệt cho hình thức kinh doanh này có lẽ không cần thiết, cơ quan quản lý chỉ nên thay đổi tư duy và cách thức quản lý phù hợp xu thế kinh tế số và cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0.

Các đại biểu tham dự hội thảo “Kinh tế chia sẻ: Các xu thế lớn và tác động tới nền kinh tế Việt Nam”.

Các đại biểu tham dự hội thảo “Kinh tế chia sẻ: Các xu thế lớn và tác động tới nền kinh tế Việt Nam”.

Bài 3: Xóa bỏ rào cản, thay đổi tư duy quản lý -

Sự bùng nổ của kinh tế chia sẻ (KTCS) là xu thế tất yếu, phù hợp tiến bộ khoa học công nghệ hiện đại và tác động tích cực tới nền kinh tế. Dù là mô hình kinh doanh mới, nhưng KTCS không phải là một bộ phận tách rời hoặc thành phần riêng rẽ trong nền kinh tế. Vì vậy, việc nghiên cứu, ban hành các chính sách riêng biệt cho hình thức kinh doanh này có lẽ không cần thiết, cơ quan quản lý chỉ nên thay đổi tư duy và cách thức quản lý phù hợp xu thế kinh tế số và cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0.

Tạo "hành lang" thuận lợi

Ngày 13-10 vừa qua, sau nhiều lần sửa đổi, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) tiếp tục trình Chính phủ dự thảo mới nhất của nghị định thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP về điều kiện kinh doanh vận tải (KDVT) bằng ô-tô.

Tuy nhiên, quy định về quản lý xe “hợp đồng điện tử” gây tranh cãi trong các dự thảo trước đó đã được xử lý bằng cách cấm luôn việc áp dụng hình thức “hợp đồng điện tử” đối với xe hợp đồng dưới chín chỗ (thường là ta-xi công nghệ), hoặc phải chuyển đổi sang loại hình ta-xi bình thường. Điều khó hiểu là trong tờ trình của Ban soạn thảo ghi rõ, phương án này dựa trên đề xuất của các hiệp hội và doanh nghiệp (DN) ta-xi truyền thống, bỏ qua ý kiến của các đơn vị tham vấn có kinh nghiệm và uy tín trong xây dựng chính sách như Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), vốn có tư tưởng cởi mở, hiện đại, ủng hộ sự phát triển của các mô hình kinh tế mới áp dụng công nghệ.

Bên cạnh đó, dự thảo lần này tuy mở rộng định nghĩa về dịch vụ vận tải, nhưng lại thiếu rõ ràng, mang hàm ý quy định tất cả các ứng dụng đặt xe hiện nay như Grab, FastGo, VATO, T.Net,... đều là đơn vị KDVT, do đó, phải tuân thủ tất cả các quy định quản lý và điều kiện KDVT hiện hành như các DN truyền thống. Điều này thể hiện hàm ý muốn “biến” ta-xi công nghệ thành ta-xi truyền thống, đơn vị ứng dụng kết nối trung gian thành đơn vị KDVT, đồng nghĩa với việc ép các mô hình ứng dụng công nghệ mới hoạt động theo khuôn khổ pháp lý cũ. Trên thực tế, đơn vị cung cấp nền tảng có vai trò kết nối và tạo điều kiện cho việc giao kết hợp đồng, khi bị buộc trở thành đơn vị KDVT đã làm biến đổi bản chất DN cũng như phủ nhận vai trò chuyên môn hóa trong chuỗi giá trị, đi ngược xu thế toàn cầu.

Từ dự thảo nêu trên của Bộ GTVT, cho thấy dường như các cơ quan quản lý vẫn giữ tư duy cũ, “không quản được thì cấm”, thậm chí nếu thấy rắc rối, phức tạp là cấm luôn. Thế nhưng xét cho cùng, Uber, Grab hay FastGo cũng chỉ là hiện tượng của một xu thế, cách làm nêu trên tuy có thể “quản” được hiện tượng, chứ khó có thể “cản” được một xu thế. Nếu cho rằng cần bảo đảm để những mô hình này ngang bằng về lợi thế chính sách và thị trường so với DN truyền thống, phải chăng chúng ta đang hạn chế sự phát triển và ứng dụng công nghệ mới, kìm hãm sức sáng tạo trong nền kinh tế? Hoặc nhân danh bảo vệ quyền được an toàn của người tiêu dùng khi đi lại bằng ta-xi công nghệ, đồng thời cũng tước đi cơ hội được đi ta-xi giá rẻ và tiện lợi hơn của họ.

Nếu e ngại rằng Nhà nước thất thu thuế, thì cơ quan quản lý nghĩ gì về những lợi ích to lớn mà KTCS đang mang lại cho cả nền kinh tế đất nước cũng như ngân sách nói riêng? Và cuối cùng, khi coi các mô hình như Grab, FastGo,... đơn thuần là dịch vụ KDVT và áp đặt quy chế quản lý chung, sẽ triệt tiêu cơ hội việc làm và thu nhập của hàng chục nghìn người đang sở hữu ô-tô riêng và nhàn rỗi. Tương tự, siết chặt quản lý đối với hoạt động của Airbnb như cơ sở lưu trú thông thường, những người có phòng trọ nhàn rỗi như bà Hậu sẽ mất đi khoản thu nhập đều đặn hằng tháng.

Thực tế, cần nhìn nhận KTCS đã và đang gây ra không ít mâu thuẫn cũng như rắc rối với hiện trạng quản lý xã hội. Tuy nhiên, vấn đề là các nhà làm chính sách sẽ tư duy nó từ góc độ nào, nhận diện đó là thách thức hay cơ hội?

Quan trọng hơn, vai trò của Nhà nước là bảo vệ quyền lợi của người dân, người tiêu dùng, tiếp đó là hỗ trợ DN phát triển để tạo thêm nhiều giá trị cho xã hội chứ không cản trở quá trình đó. TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM phân tích: Mô hình kinh doanh mới đòi hỏi phải có cách tiếp cận mới, nếu không sẽ bế tắc. Đáng tiếc, cách tiếp cận của chúng ta với Grab, Uber đã không chuẩn chỉ từ đầu, không xác định đó là mô hình kinh doanh mới, thay vào đó lại đặt vấn đề Grab, Uber có phải ta-xi hay không, có cho hoạt động hay không,… hạn chế gia nhập thị trường nên càng thảo luận càng lâm vào thế “tiến thoái lưỡng nan”. Vì thế, đã đến lúc các cơ quan quản lý cũng phải suy nghĩ theo thị trường, theo trào lưu phát triển của công nghệ cũng như những phương thức kinh doanh mới, không thể chỉ sử dụng thủ tục hành chính như một công cụ để can thiệp thô bạo thị trường.

“Dọn đường” cho đổi mới sáng tạo

Theo ý kiến của các chuyên gia, nếu đã xác định KTCS là “cơ hội vàng” của nền kinh tế đất nước trong tương lai, chúng ta cần chuẩn bị tốt để nắm bắt mà trước tiên, thay vì cản trở, phải có các chính sách tạo sự chủ động phát triển cho các hoạt động này. Phần lớn ý kiến khá thống nhất hiện nay cho rằng, điều kiện cần và đủ để thúc đẩy KTCS ở Việt Nam gồm ba yếu tố: nguồn nhân lực đủ trình độ, nền tảng công nghệ phù hợp và môi trường pháp lý khuyến khích. Theo kiến nghị của Phó Viện trưởng CIEM Nguyễn Thị Tuệ Anh, Nhà nước nên nhanh chóng cải thiện hệ sinh thái đổi mới sáng tạo để “dọn đường” cho việc mở rộng phạm vi các sáng kiến kinh doanh mới; khẩn trương đào tạo nguồn “nhân lực số”; kết nối giữa các bên tham gia hệ sinh thái, thu hút vốn đầu tư mạo hiểm,…

Bên cạnh đó, tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh để thích nghi với sự đa dạng và phát triển nhanh của nền kinh tế số, trong đó có KTCS; đồng thời, tạo điều kiện để mọi công dân được tham gia vào các hoạt động KTCS bằng những chính sách hỗ trợ như đơn giản các thủ tục cấp phép, cung cấp hỗ trợ tài chính cho các cá nhân/doanh nghiệp khởi nghiệp có ý tưởng từ các hoạt động chia sẻ. Quan trọng nhất là phải tạo dựng được môi trường kinh doanh bình đẳng giữa KTCS và kinh tế truyền thống qua việc rà soát, bãi bỏ các quy định về điều kiện kinh doanh không phù hợp của lĩnh vực kinh doanh truyền thống, nhất là các điều kiện bó buộc hơn so với KTCS.

Cùng với đó, cần thúc đẩy đổi mới sáng tạo đối với DN cung cấp nền tảng, đặt DN vào vị trí trung tâm. Nhà nước khuyến khích, ưu tiên nâng cao năng lực sáng tạo nội bộ DN, từ năng lực thiết kế ý tưởng tới triển khai và vận dụng vào sản xuất, kinh doanh. Đối với một số hoạt động cung cấp nền tảng có nguy cơ rủi ro, có thể cho phép thử nghiệm trong phạm vi hẹp. Đặc biệt, cần hiểu rõ và tôn trọng tính đổi mới, sáng tạo của DN công nghệ, tránh khiên cưỡng, áp đặt các quy định cũ vào mô hình kinh doanh mới, qua đó khuyến khích khai thác lợi thế chia sẻ kết nối, lợi thế công nghệ. Xây dựng cơ chế để giảm tác động tiêu cực cho các bên trong hoạt động KTCS như cảnh báo sớm cho người cung cấp dịch vụ cũng như người tham gia những rủi ro có thể xảy đến. Một số chuyên gia cũng khuyến nghị, yêu cầu cấp bách hiện nay về nâng cao năng lực quản lý nhà nước là bảo đảm an ninh mạng, an toàn thông tin, bảo vệ quyền riêng tư của công dân, tổ chức cũng như chủ quyền trên không gian mạng. Còn đối với các cá nhân, tổ chức tham gia KTCS cũng cần được nâng cao năng lực để hiểu rõ trách nhiệm về khai báo thông tin về các hoạt động kinh doanh cho các cơ quan quản lý, bao gồm các thông tin hoạt động, nghĩa vụ thuế, và các quy định quản lý chuyên ngành.

Mang khát vọng của DN khởi nghiệp, ông Mã Hoàng Hải và những người sáng lập Công ty cổ phần Rada mong muốn được Chính phủ tạo vùng thử nghiệm cho các DN hoạt động theo mô hình KTCS trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Có như vậy, mới giảm bớt rủi ro và tạo lực đẩy chính sách giúp DN tận dụng cơ hội quý từ KTCS. Băn khoăn lớn nhất của các DN đang hoạt động theo mô hình KTCS lại đặt nặng vào vấn đề pháp lý. “Khi chúng tôi gọi vốn để mở rộng kinh doanh, các nhà đầu tư đều tỏ ra ngại ngần về vấn đề thủ tục pháp lý. Câu hỏi lớn được đặt ra, nếu chính sách thay đổi, vốn của nhà đầu tư có được bảo toàn?” - Giám đốc Rada Mã Hoàng Hải trải lòng. Sự dè dặt của nhà đầu tư là hoàn toàn có cơ sở, vì Rada là DN cung cấp nền tảng tổng hợp kết nối các dịch vụ thiết yếu trong cuộc sống, nên bản thân DN cũng không biết đăng ký kinh doanh ngành nghề nào, cần đáp ứng điều kiện kinh doanh gì.

Vừa qua, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì soạn thảo Đề án mô hình KTCS để phân tích rõ hơn những tác động từ mô hình này đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, đề xuất các giải pháp hoàn thiện quản lý nhằm phát huy tính tích cực và giảm tiêu cực cho các bên tham gia. Trong đề án, quan điểm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư khá rõ ràng, không cần thiết phải có chính sách riêng biệt cho KTCS, tuy nhiên Nhà nước cần thay đổi tư duy và cách thức quản lý phù hợp với xu thế mới của kinh tế số và CMCN 4.0. Trong đó, nhấn mạnh việc nâng cao năng lực của bộ máy nhà nước, đáp ứng yêu cầu quản lý và khuyến khích sự phát triển của các mô hình KTCS. Nếu tinh thần “mở” này được quán triệt đến tất cả các bộ, ngành, thấm vào từng chính sách thì những người như bà Hậu hay hàng chục nghìn lái xe Grab sẽ không phải băn khoăn lo lắng cho tương lai của mình. Quan trọng hơn, chỉ có như vậy, Việt Nam mới có thể thật sự “mở đường” cho sự phát triển của KTCS, từ đó tận dụng tốt được các cơ hội do trào lưu kinh tế này mang lại, biến nó thành động lực đưa đất nước bứt phá.

------------------------------

(*) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 17-10-2018.

Chính sách và khung khổ pháp lý cho KTCS luôn là thử thách không nhỏ đối với các cơ quan quản lý nhà nước vì chu kỳ cập nhật chính sách thường không theo kịp sự thay đổi chóng mặt của công nghệ. Do đó, các cơ quan quản lý cần tạo ra một hành lang pháp lý ban đầu, có sự cập nhật thường xuyên để kịp thích ứng và cởi trói, loại bỏ điều kiện kinh doanh không cần thiết để các DN truyền thống kịp thời thoát ra khỏi lớp vỏ cũ và tiếp nhận công nghệ một cách tích cực.

NGUYỄN ĐỨC TÙNG, Giám đốc điều hành Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển Kinh tế tư nhân

NHÓM PHÓNG VIÊN KINH TẾ

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/thoi_su/item/37967602-kinh-te-chia-se-%E2%80%9Cchia-khoa%E2%80%9D-cua-tang-truong-tiep-theo-va-het.html