Kinh tế chia sẻ - 'chìa khóa' của tăng trưởng (Kỳ 1)

Dù mới xuất hiện vài năm nay, nhưng kinh tế chia sẻ (KTCS - sharing economy) đang được kỳ vọng sẽ đem lại cho Việt Nam vô vàn cơ hội, thổi bùng ngọn lửa sáng tạo cho hàng loạt lĩnh vực của nền kinh tế. Trong bối cảnh mô hình tăng trưởng truyền thống không còn nhiều dư địa, KTCS với ý nghĩa tích cực và tiềm năng rất lớn, được kỳ vọng sẽ là 'chìa khóa' để Việt Nam có thể tận dụng, phát huy những thành tựu cách mạng khoa học - công nghệ, trở thành nhân tố động lực mới, góp phần thúc đẩy tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững.

Nhân viên Công ty JupViec.vn, một mô hình kinh tế chia sẻ đang kết nối người cần việc làm với khách hàng. Ảnh: HÀ THƯ

Nhân viên Công ty JupViec.vn, một mô hình kinh tế chia sẻ đang kết nối người cần việc làm với khách hàng. Ảnh: HÀ THƯ

Dù mới xuất hiện vài năm nay, nhưng kinh tế chia sẻ (KTCS - sharing economy) đang được kỳ vọng sẽ đem lại cho Việt Nam vô vàn cơ hội, thổi bùng ngọn lửa sáng tạo cho hàng loạt lĩnh vực của nền kinh tế. Trong bối cảnh mô hình tăng trưởng truyền thống không còn nhiều dư địa, KTCS với ý nghĩa tích cực và tiềm năng rất lớn, được kỳ vọng sẽ là “chìa khóa” để Việt Nam có thể tận dụng, phát huy những thành tựu cách mạng khoa học - công nghệ, trở thành nhân tố động lực mới, góp phần thúc đẩy tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững.

Bài 1: Mở lối, dẫn dắt sự phát triển

Làn sóng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) cũng như sự bùng nổ của công nghệ số là cơ hội vàng để Việt Nam rút ngắn khoảng cách phát triển với các quốc gia thông qua KTCS, dựa trên sức sáng tạo và lợi thế cạnh tranh. Tuy nhiên, những khoảng trống về pháp lý cho các mô hình kinh tế này đang tạo ra nhiều áp lực, thách thức đối với các nhà hoạch định và thực thi chính sách. Bài toán đặt ra là chúng ta phải ứng xử như thế nào để vừa thúc đẩy sự phát triển của KTCS nhằm tận dụng tốt các cơ hội, nhưng vẫn hạn chế được những rủi ro tiềm ẩn từ trào lưu kinh tế mới đầy sôi động này.

Bùng nổ “chia sẻ”

Chồng mất sớm, sau khi con trai cả vào miền nam lập nghiệp, con gái út lập gia đình, bà Hậu sống một mình trong căn nhà ba tầng giữa trung tâm phố cổ Hà Nội. Tuổi cao, sức yếu, nhưng bà Hậu vẫn ngại ngần không muốn về ở cùng con gái. Câu chuyện thay đổi từ khi bà Hậu tiến hành tu sửa lại căn nhà cho khách du lịch thuê theo “tư vấn” của con gái. Ban đầu, khi nghe con gái giảng giải sẽ cho khách thuê phòng qua ứng dụng mạng toàn cầu, bà Hậu thấy nó xa vời mông lung. Nhưng khoản thu nhập đều đều mỗi tháng gần 10 triệu đồng từ việc cho thuê phòng trên Airbnb (mô hình kết nối người cần thuê trọ với những người có phòng cho thuê trên khắp thế giới thông qua ứng dụng di động) là hiện thực, quá dư dả để bà trang trải cuộc sống. Bà Hậu thuê một căn hộ chung cư gần nhà con gái để tiện mỗi ngày sang chơi với cháu ngoại. Thi thoảng rỗi việc, cô con gái lại gọi giúp bà xe Grab đón tận cửa chung cư đưa bà về lại khu nhà cũ thăm hàng xóm, bạn bè. Đi loại ta-xi này, bà cảm thấy rất yên tâm vì không phải chỉ đường cho lái xe, biết trước số tiền phải trả, rẻ hơn ta-xi truyền thống và nhiều khi còn được miễn phí.

Theo cách hiểu của những người dân bình thường như bà Hậu, Airbnb hay Grab đơn giản chỉ là hình thức kinh doanh mới hay dịch vụ mang lại nhiều đổi thay tích cực cho cuộc sống. Nhưng trong mắt các chuyên gia kinh tế và nhất là những nhà hoạch định chính sách, đây lại là dấu hiệu rõ nét nhất của KTCS, một mô hình kinh tế mới đã hiện diện trong mọi ngóc ngách của đời sống. Vài năm gần đây, thế giới chứng kiến sự bùng nổ của KTCS thông qua ưu tiên việc chia sẻ, dùng chung tài sản hoặc dịch vụ. Sau 10 năm, Công ty khởi nghiệp Airbnb của Mỹ đã lan rộng ra hơn 100 quốc gia. Với khoảng 2,5 triệu cơ sở đăng ký cung cấp phòng trọ cho 150 triệu người sử dụng toàn cầu, Airbnb được định giá ít nhất là 30 tỷ USD. Tận dụng sự ưu việt của công nghệ trong CMCN 4.0, KTCS có lợi thế hơn hẳn các mô hình kinh tế truyền thống nhờ khả năng nhanh chóng tiếp cận số lượng lớn khách hàng thông qua các nền tảng số. Vì tất cả các giao dịch đều được thực hiện trực tuyến bởi nhà cung cấp nền tảng số, mô hình này mang đến nhiều sự lựa chọn hơn cho khách hàng và giá cũng rẻ hơn nhờ tiết kiệm được chi phí giao dịch.

Ngoài ra, KTCS còn được kỳ vọng mang lại nhiều tiềm năng mới khi người tiêu dùng có được cơ hội tiếp cận và khai thác, sử dụng những tài sản mà họ không sở hữu hoặc không có điều kiện sở hữu riêng, trong khi người sở hữu tài sản lại có cơ hội để tăng thêm thu nhập. Với nguyên lý khuyến khích tận dụng các nguồn lực dư thừa trong xã hội, KTCS thúc đẩy việc phân bố và sử dụng tài sản, tài nguyên thêm hiệu quả. Chúng ta sử dụng dịch vụ chia sẻ xe hơi vì không cần sở hữu một chiếc xe (Grab); cho thuê lại một căn phòng trong nhà vì không muốn bỏ trống lãng phí (Airbnb) hay thậm chí chia sẻ cả thời gian rảnh rỗi để hỗ trợ công việc cho người khác và kiếm thêm thu nhập cho chính bản thân mình (Rada). Thêm nữa, lợi ích về tiết kiệm tài nguyên của KTCS còn có hiệu ứng tích cực tới môi trường khi giảm được việc sản xuất và tiêu dùng quá mức trong nền kinh tế.

Chính vì những lợi thế này, KTCS được dự báo sẽ tiếp tục mở rộng sang nhiều lĩnh vực khác và trở thành xu hướng tiêu dùng chính trong tương lai. Có thể thấy, một trong những thay đổi lớn nhất trong những năm gần đây chính là sự bùng nổ của KTCS với quy mô toàn cầu ước tính sẽ tăng từ 14 tỷ USD năm 2014 lên 335 tỷ USD vào năm 2025, gấp 22 lần trong vòng 10 năm. Vì vậy, trong khi nền KTCS vẫn còn trong giai đoạn trứng nước tại thời điểm này, nó chắc chắn sẽ trở thành một nhân tố quan trọng, có vai trò dẫn dắt nền kinh tế ở cấp quốc gia cũng như toàn cầu.

Tác động tích cực

Đối với nhiều người đang sinh sống tại các thành phố lớn của Việt Nam, trước đây mỗi khi đi lại thường sử dụng dịch vụ “xe ôm” hay ta-xi truyền thống, còn nay họ sẽ “gọi Grab” qua ứng dụng trên điện thoại thông minh. Chỉ sau vài năm, Grab - công ty khởi nghiệp loại hình “ta-xi công nghệ” đã làm thay đổi thói quen tiêu dùng của hàng triệu người Việt Nam. Không những vậy, còn tác động làm chuyển biến nhận thức cũng như văn hóa kinh doanh của nhiều doanh nghiệp truyền thống hoạt động cùng lĩnh vực. Dưới sức ép cạnh tranh từ “ta-xi công nghệ”, giá cước của ta-xi truyền thống không còn thường xuyên “nhảy múa”, trở nên ổn định mà không cần sự can thiệp của cơ quan quản lý nhà nước. Thêm nữa, buộc các doanh nghiệp ta-xi truyền thống nhanh chóng thay đổi, ứng dụng công nghệ mới với sự ra đời hàng loạt ứng dụng cho phép khách hàng gọi xe không cần qua tổng đài của ta-xi Mai Linh, Vinasun, Thành Công,...

Theo Phó Viện trưởng Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) Nguyễn Thị Tuệ Anh, KTCS đang mang đến nhiều cơ hội cho Việt Nam, mở ra những phương thức, cơ hội kinh doanh mới dựa trên nền tảng số, ứng dụng công nghệ của CMCN 4.0, tạo thêm việc làm, giúp người lao động nâng cao thu nhập. Bên cạnh đó, dưới tác động của KTCS, thị trường cũng trở nên minh bạch, cạnh tranh tích cực với nhiều loại hình dịch vụ đa dạng, đem lại lợi ích cho người tiêu dùng. Đặc biệt, KTCS còn góp phần cải cách bộ máy hành chính theo hướng Chính phủ số; thúc đẩy cải cách thể chế nhằm phát triển nền kinh tế số và tận dụng xu thế của CMCN 4.0. Theo nhận định của thạc sĩ Đỗ Thị Nhung (Trường đại học Tài chính - Quản trị kinh doanh), qua việc tạo ra áp lực cạnh tranh đối với các loại hình kinh doanh truyền thống, KTCS thúc đẩy sự đổi mới, nâng cao chất lượng các hoạt động kinh tế nói chung, vấn đề then chốt mà Việt Nam đang hướng tới. Nó còn giúp nước ta thích ứng tốt hơn với những đổi thay lớn đang diễn ra trong nền kinh tế toàn cầu; phát huy mạnh mẽ sức sáng tạo cùng mọi nguồn lực để đất nước tiến lên phía trước nhưng “không ai bị bỏ lại phía sau”, mọi người đều được hưởng thành quả từ tăng trưởng.

Là quốc gia có dân số trẻ, thích ứng nhanh với thay đổi của công nghệ, cộng thêm tỷ lệ người sử dụng in-tơ-nét chiếm tới 53% tổng số dân, Việt Nam được đánh giá là “mảnh đất” màu mỡ cho KTCS. Kết quả khảo sát công bố mới đây của Nielsen (công ty chuyên về thông tin, dữ liệu và đo lường toàn cầu của Mỹ) càng khẳng định tiềm năng to lớn của KTCS khi 75% số người Việt Nam được hỏi cho biết thích các ý tưởng kinh doanh của mô hình này, cao hơn nhiều so tỷ lệ 66% đối với người tiêu dùng toàn cầu. Chính vì vậy, dù chỉ mới xuất hiện tại Việt Nam, song KTCS đã có được những bước phát triển mạnh mẽ. Trước hết là sự gia nhập của các dịch vụ vận tải trực tuyến như Uber, Grab (từ năm 2014); tiếp đó là hàng loạt mô hình khác như chia sẻ phòng (Airbnb), ước tính hiện có khoảng 16 nghìn cơ sở đăng ký trên cả nước; du lịch (Triip.me); sửa chữa điện tử, điện lạnh, xây dựng (Rada); tài chính ứng dụng công nghệ cho vay ngang hàng (huydong.com),…

Rõ ràng, chúng ta đang có vị thế tốt để tận dụng các cơ hội từ KTCS. Tuy nhiên, theo cảnh báo của các chuyên gia, KTCS cũng tiềm ẩn không ít thách thức. Trước hết, KTCS chắc chắn sẽ làm nảy sinh các mối quan hệ mới trên thị trường, quan hệ ba bên trong hợp đồng kinh tế thay vì hai bên như trước đây, trong khi cơ sở pháp lý hiện hành còn thiếu nhiều quy định để bảo vệ tối đa quyền lợi của người tiêu dùng,… Bên cạnh đó, KTCS còn tạo nên xung đột lợi ích với các mô hình kinh doanh truyền thống. “Cuộc chiến” giữa Grab và các hãng ta-xi truyền thống dai dẳng suốt mấy năm qua là minh chứng rõ nét nhất cho điều này. Đối với các cơ quan quản lý nhà nước, sự phát triển nhanh chóng của KTCS khiến nhiều vấn đề như an toàn lao động, bảo hiểm tài sản, bảo hiểm xã hội,… trở nên khó kiểm soát đối với các bên tham gia, nhất là nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước.

(Còn nữa)

Việt Nam đã đạt được mức thu nhập trung bình vào năm 2010, song đang phải đối diện nhiều thách thức nếu muốn có mức phát triển cao hơn. Nhiều nước trên thế giới phải mất từ 30 đến 40 năm mới thoát khỏi mức thu nhập trung bình. Sự phát triển của nền kinh tế số và mô hình KTCS hiện nay chính là cơ hội vàng để Việt Nam tăng tốc phát triển. Do đó, Chính phủ cần đánh giá toàn diện tác động của nền kinh tế số, KTCS đến các mục tiêu phát triển về đầu tư, việc làm, công nghệ, môi trường cạnh tranh,… điều chỉnh linh hoạt về chính sách, quy định pháp luật nhằm góp phần thúc đẩy sự phát triển nhanh hơn.

L.CA-MÊ-RON

Chuyên gia tư vấn nghiên cứu cao cấp Tổ chức nghiên cứu

Khoa học và Công nghiệp LB Ô-xtrây-li-a (CSIRO)

NHÓM PHÓNG VIÊN KINH TẾ

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/item/37944402-kinh-te-chia-se-%E2%80%9Cchia-khoa%E2%80%9D-cua-tang-truong-ky-1.html