Kinh tế chiến tranh: Súng trường tự động có giá bao nhiêu?

Ném bom rải thảm đã không thể đánh gục ý chí của đối phương, và vũ khí chính xác cao cũng sẽ như vậy

Xin được giới thiệu loạt bài của chuyên gia quân sự Nga Andrey Mitrophanov với tiêu đề trên (thay lời giới thiệu) về vai trò và giá cả súng bộ binh. Các bài đăng trên “Bình luận quân sự” từ ngày 17/1/2020. Phần in đậm để nhấn mạnh y là của tác giả.

Có lẽ sự kiện được quan tâm nhất trong lĩnh vực vũ khí bộ binh thời gian gần đây là chính là chương trình chế tạo súng trường tự động thế hệ mới và súng máy hạng nhẹ mang tên NGSW.

Qua các nhận xét và bình luận sau một số bài báo trên các phương tiện truyền thông về chương trình này và các chương trình chế tạo vũ khí bộ binh trước đây, ta có thể thấy rất rõ thái độ tiêu cực đối với việc chi các khoản tiền lớn cho hướng sản xuất này.

Quan điểm thường gặp nhất trong các bình luận là vũ khí bộ binh không còn giữ vai trò quá quan trọng vì thế không nên đầu tư nhiều vào chúng mà chỉ nên tập trung vào những hướng khác quan trọng hơn như chế tạo các mẫu vũ khí- phương tiện kỹ thuật quân sự công nghệ cao: xe tăng, tên lửa, máy bay...

Các mẫu vũ khí bộ binh được chế tạo trong khuôn khổ Chương trình NGSW

Nhưng trong khi đó, các số liệu được dẫn trong bài báo “Áo giáp tác chiến. Số liệu thống kế số lần bị thương, đầu đạn và mảnh đạn” cho thấy vũ khí bộ binh tiêu diệt từ 30 đến 60% sinh lực đối phương.

Hơn nữa, căn cứ vào thực tế tác chiến, tỷ lệ này ngày càng tăng tính từ Chiến tranh Thế giới Thứ Hai đến nay.

Trong khi các xe chiến đấu “bận rộn” với việc phá hủy những phương tiện tương tự chúng là các xe chiến đấu của đối phương, bộ binh cuối cùng vẫn là người quyết định chiến thắng trong chiến tranh.

Cũng đã có quan điểm cho rằng sự gia tăng tỷ trọng của vũ khí công nghệ cao (trong trang bị) sẽ dẫn tới việc ngày sẽ có nhiều hơn binh lính của đối phương bị tiêu diệt bởi các xe chiến đấu công nghệ cao, nhưng thực tế đang đặt dấu chấm hỏi cho quan điểm này.

Vì nếu các đối thủ trong một cuộc chiến có sức mạnh tương đương nhau, các xe chiến đấu sẽ thực hiện nhiệm vụ tiêu diệt các phương tiện tác chiến tương tự của đối phương.

Nếu có một bên mạnh hơn rõ rệt so với bên còn lại, thì các hoạt động tác chiến sẽ chuyển sang hình thái không chính quy – tức chiến tranh du kích- và trong một cuộc chiến tranh du kích thì vai trò của phương tiện kỹ thuật hạng nặng sẽ nhỏ hơn nhiều nếu so với các cuộc chiến tranh quy mô lớn cổ điển,- và điều này đã được chứng minh rất thuyết phục qua các con số thống kê về hai cuộc chiến tranh cục bộ ở Afghanistan và Chechnya.

Tất nhiên, không quân và hải quân hoàn toàn có khả năng đưa một quốc gia quy mô trung bình trở lại thời kỳ đồ đá ngay cả khi không cần sử dụng vũ khí hạt nhân, nhưng chỉ có bộ binh với vũ khí chính là vũ khí bộ binh, mới có thể chiếm đóng và chiếm giữ được lãnh thổ của đối phương.

Các cuộc ném bom rải thảm đã không thể đánh gục Đức Quốc xã hay Việt Nam Cộng sản, - vũ khí chính xác cao cũng sẽ như vậy

Một nhận định khác cho rằng trên thực tế vũ khí bộ binh đã gần như đạt đến ngưỡng phát triển của chúng, và sẽ không còn bước đột phá nào nữa trong lĩnh vực này trong tương lai gần. Tốt ưu nhất nên tập trung hoàn thiện các thiết bị ngắm bắn.

Cùng thời gian đó, những công nghệ sẽ được áp dụng để chế tạo các phương tiện bảo vệ cho bộ đội như áo giáp cá nhân có thể làm cho rất nhiều mẫu vũ khí bộ binh hiện có không còn hiệu quả tác chiến.

Vậy thì, có đúng là trên thực tế vẫn có nhu cầu chế tạo một thế hệ vũ khí bộ binh mới, và tầm quan trọng của vũ khí bộ binh trên chiến trường vẫn là khá cao không? Chúng ta hãy thử cùng xem xét xem các chương trình chế tạo và mua sắm vũ khí bộ binh có quá đắt đỏ nếu so sánh với các loại vũ khí khác không.

Vì các thông tin về kinh phi chi cho các chương trình thiết kế- chế tạo vũ khí bộ binh Nga thường được giữ bí mật, chúng ta sẽ tập trung vào xem xét các chương trình và các hợp đồng mua sắm vũ khí bộ binh của Mỹ, và chắc chắn bằng cách này hay cách khác, chúng sẽ có nhiều nét “tương đồng” với các chương trình chế tạo và mua sắm các mẫu vũ khí bộ binh tương tự của Nga.

Súng trường M14

Súng trường M14, tiền thân của súng trường M16 nổi tiếng, được thiết kế để để thay thế súng trường M1 Garand. Những công việc nghiên cứu sơ bộ chế tạo súng trường mới M14 được triển khai trong năm 1944 và đến năm 1957, nguyên mẫu M14 được đưa vào trang bị cho Các Lực lượng Vũ trang (CLLVT) Mỹ.

Súng trường M14

Có 4 công ty Mỹ tham gia sản xuất súng trường M14. Công ty Springfield Armory Inc trong thời gian từ tháng 7/1959 đến tháng 10/1963 đã sản xuất 167.173 khẩu súng trường M14. Cũng trong các năm từ 1959 đến 1963, Hãng Harrington & Richardson Arms Co đã sản xuất được 537.512 khẩu M14.

Công ty thứ ba có hợp đồng sản xuất M14 là Winchester- công ty này đã sản xuất 356.510 khẩu trong khoảng thời gian từ 1959 đến 1963. Nhà sản xuất súng trường M14 cuối cùng trong số đó là Thompson-Ramo-Wooldridge Inc với tổng sản lượng là 319.163 khẩu trong thời gian từ 1961 đến 1963.

Như vậy, tổng số súng trường M14 đã được xuất xưởng là 1.380.358 khẩu (có số liệu khác là 1.376.031 khẩu). Giá mỗi khẩu ban đầu là 68,75 đô la, nhưng sau đó được tăng lên 95 đô la.

Thành thử, tổng số tiền mua tất cả súng trường M14 lên tới khoảng 131 triệu đô la (thời giá vào đầu những năm 60 của thế kỷ XX), tương đương với khoảng 1 tỷ 133 triệu đôla thời giá hiện tại. Giá một khẩu súng trường M14 theo tỷ giá hiện tại (căn cứ theo hợp đồng của Lục quân Mỹ) vào khoảng 822 đô la.

Chương trình SPIW

Chương trình SPIW (“Special Purpose Individual Weapon” –“Vũ khí cá nhân mục đích đặc biệt”) được CLLVT Mỹ dự tính thực hiện trong giai đoạn từ 1959 đến năm 1965 (trên thực tế, chương trình này kéo dài đến giữa những năm 70).

Thời kỳ đầu, Chương trình SPIW được phát triển từ Chương trình Nghiên cứu SALVO trước đó (chương trình SALVO được thực hiện vào các năm 1951-1952).

Căn cứ vào các kết quả nghiên cứu từ Chương trình SALVO, các chuyên qia vũ khí Mỹ kết luận rằng vũ khí bộ binh có tốc độ bắn cao sẽ nguy hiểm hơn rất nhiều so với vũ khí bộ binh có tốc độ bắn chậm hơn dù chúng bắn các loại đạn mạnh hơn đáng kể.

Tiếp thu những kết quả nghiên cứu của Chương trình SALVO, Chương trình SPIW được tiến hành với mục tiêu là chế tạo kiểu vũ khí có xác suất tiêu diệt mục tiêu cao hơn.

Việc tăng xác suất tiêu diệt mục tiêu được thực hiện bằng cách bắn các viên đạn cỡ nhỏ với tốc độ bắn cao- tới 2000-2500 viên/ phút. Loại đạn được sử dụng là đạn cỡ nhỏ cổ điển 5,6 mm. Yêu cầu đối với vũ khí còn có: băng đạn có sức chứa tới 60 viên đạn và có súng phóng lựu- tổng trọng lượng vũ khí dưới 5 kg.

Đến tháng 10/1962, có 42 công ty tìm hiểu dự án SPIW. Vào tháng 12 năm đó, 10 công ty chính thức gửi hồ sơ dự thầu. Sau một thời gian nghiên cứu kéo dài hai tháng, 4 công ty đã được chọn, đó là: AAI; Springfield Armory; Winchester Arms và Harrington & Richardson.

Các nguyên mẫu của vũ khí được thiết kế trong khuôn khổ Chương trình SPIW và các viên đạn của chúng so với đạn 5,56x45 mm

Đã có ước tính rằng chi phí của chương trình SPIW là 21 triệu đô la tỷ giá những năm 60 hoặc khoảng 180 triệu đô la với tỷ giá hiện tại. Trên thực tế, kinh phí chi cho chương trình vượt xa con số trên nhiều lần, có nghĩa là, hoàn toàn có thể ở mức khoảng 300-350 triệu đô la theo thời giá hiện tại.

Cần phải thấy rằng chương trình SPIW rất tiên tiến vào thời kỳ đó và nếu chương trình này được hiện thực hóa thành công thì đã mang lại những ưu thế rất quan trọng cho Quân đội Mỹ trước đối phương.

Nhưng rất tiếc (cho Mỹ) và thật may (cho Nga)- trình độ công nghệ thời kỳ đó không cho phép hoàn thành thành công chương trình SPIW.

Súng trường M16

Do sự chậm trễ và những khó khăn kỹ thuật khi thực hiện Chương trình SPIW, vào năm 1957, Quân đội Mỹ quyết định áp dụng một giải pháp quá độ- chế tạo súng trường tự động sử dụng đạn cỡ 5,56 mm.

Ngay trong năm 1962, những khẩu súng trường đầu tiên của Hãng Armalite ký hiệu AR-15 đã được bàn giao cho Các Lực lượng Vũ trang Hoa kỳ để thử nghiệm, và vào năm 1963, Hãng Colt đã nhận được một hợp đồng sản xuất 104.000 khẩu súng trường M16.

Khi đó Bộ Quốc phòng Mỹ dự tính rằng việc mua kiểu súng trường này chỉ thực hiện một lần và chỉ là một giải pháp tạm thời trước khi đưa các súng trường được thiết kế theo Chương trình SPIW vào trang bị.

Súng trường (AR-15) M16

Nhưng vào năm 1966, Hãng Colt đã được nhận tiếp một hợp đồng của Chính phủ Mỹ về việc sản xu ất 840.000 khẩu súng trường với tổng kinh phí gần 92 triệu đô la Mỹ khi đó, tính sang mức giá hiện tại là vào khoảng 746 triệu đô la. Nếu tính tới 104.000 khẩu súng trường M16 đã mua trước đó, con số này sẽ xấp xỉ 838 triệu USD (theo giá hiện tại).

Lê Hùng- Nguyễn Hoàng ( còn tiếp)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/kinh-te-chien-tranh-sung-truong-tu-dong-co-gia-bao-nhieu-3400383/