Kinh tế đêm - 'cửa sáng' cho du lịch Việt Nam

Việc thí điểm phát triển kinh tế ban đêm tại một số thành phố lớn được xem là 'cửa sáng' cho du lịch Việt Nam.

Các hoạt động mua sắm, ăn uống, vui chơi giải trí về đêm sẽ giúp dòng tiền không bao giờ “ngủ”.

Phố Tạ Hiện (Hoàn Kiếm, Hà Nội) hấp dẫn du khách khi màn đêm buông xuống. Ảnh: Hạnh Nguyên

“Đỏ mắt” tìm chỗ chơi đêm

Kinh tế ban đêm, “thành phố không ngủ” từ lâu là một phần không thể thiếu ở các đô thị lớn, nhất là đô thị du lịch. Cuộc sống về đêm sôi động luôn khiến du khách chi tiêu nhiều hơn. Tuy nhiên, hoạt động kinh tế về đêm ở Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Hạ Long, Nha Trang, Phú Quốc… từ trước tới nay chỉ được biết đến qua một số chuỗi cửa hàng tiện lợi mở cửa 24/24, một vài chợ đêm, những tuyến phố mang nét đặc trưng như Tạ Hiện (Hà Nội), Bùi Viện (TP.HCM), Chợ đêm Dinh Cậu (Phú Quốc).

Ông Nguyễn Hồng Đài, Chủ tịch HĐQT APT Group chia sẻ: “Các sản phẩm du lịch của chúng ta chủ yếu chỉ tập trung từ 7 giờ đến 18 giờ hàng ngày. Nhưng khung giờ du khách tiêu nhiều tiền nhất là từ 18 giờ tối đến 2 giờ sáng hôm sau, thì đến nay vẫn chưa được phát triển. Khách của APT Travel lưu lại qua đêm ở Hà Nội thường chỉ đi dạo quanh hồ Gươm, xem múa rối nước, thưởng thức bia hơi phố cổ, sau đó một số khách đi bar, còn lại không biết làm gì”, ông Đài dẫn chứng.

Thực tế cho thấy, tại Hà Nội, không có nhiều hoạt động vui chơi, giải trí, lễ hội phục vụ người dân, du khách. Ngoài chương trình biểu diễn của các nhà hát truyền thống như Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Múa rối Thăng Long…, các hoạt động khác gần như chỉ mang tính thời vụ, hoặc diễn ra vào các dịp lễ.

Ngay cả tại Đà Nẵng, nơi được xem là “thành phố đáng sống nhất Việt Nam”, thì các sản phẩm, dịch vụ du lịch đêm cũng chưa thực sự phong phú. Các doanh nghiệp du lịch vẫn phải “đỏ mắt” tìm chỗ chơi đêm cho khách.

“Thật khó để tìm được một chỗ chơi đêm khiến du khách ưng ý tại Đà Nẵng. Với tour Đà Nẵng 4 ngày 3 đêm, Tiên Phong Travel phải thiết kế cho khách nghỉ 1 đêm tại Đà Nẵng và 2 đêm tại Hội An để các thượng đế không cảm thấy nhàm chán”, ông Phùng Xuân Khánh, CEO Tiên Phong Travel chia sẻ.

Tiềm năng từ những con số khổng lồ

Không phải tất cả dịch vụ kinh tế đêm chỉ để phục vụ khách du lịch, mà trước tiên là đáp ứng nhu cầu của người dân. Ông Nguyễn Công Hoan, Tổng giám đốc Flamingo Redtours phân tích: “Chỉ tính riêng Hà Nội, năm 2019, ngành du lịch Thủ đô đón 29 triệu lượt du khách (trong đó có khoảng 7 triệu lượt khách quốc tế). Trung bình mỗi khách ở khoảng 1,5 đêm, như vậy là có gần 45 triệu lượt khách lưu đêm. Nhưng Hà Nội có khoảng 10 triệu dân đang sinh sống và người nước ngoài cư trú, nếu mỗi đêm có 1/10 số người có nhu cầu vui chơi, giải trí đêm, thì 1 năm đã có khoảng 365 triệu lượt khách. Đây là con số khổng lồ và rất hấp dẫn các nhà đầu tư”.

Đề cập cụ thể hơn về các dịch vụ, ông Đài nêu quan điểm: kinh tế ban đêm không chỉ gói gọn trong chợ đêm hay phố đi bộ, vũ trường, quán nhậu, karaoke..., mà còn bao gồm hàng loạt dịch vụ như dịch vụ vận tải, thương mại, thậm chí là giao dịch tài chính xuyên quốc gia do đặc thù múi giờ khác nhau giữa các nước. “Chẳng hạn, rất nhiều chuyến bay đến thành phố vào buổi tối, hay có nhiều lao động đi làm buổi tối”, ông Đài nêu ví dụ.

Do đó, theo Chủ tịch HĐQT APT Group, ngoài nhu cầu mua sắm, ăn uống, khi kinh tế ban đêm phát triển, sẽ có nhiều loại hình thương mại, dịch vụ khác phát triển theo. Cùng với đó, các địa phương cần xem xét cho phép các loại hình dịch vụ casino, trường đua ngựa... hoạt động để thu hút chi tiêu lớn. Khi khách du lịch có tiền, có nhu cầu vui chơi, giải trí mà trong nước không đáp ứng được, thì tiền sẽ chảy ra ngoài.

Còn theo ông Hoan, muốn phát triển kinh tế đêm, cần xác lập khu vực, không gian công cộng, các khu vực chiến lược riêng biệt để phát triển các hoạt động về đêm như các khu văn hóa di sản mang tính quốc tế, vùng, địa phương đặc trưng, khu vực chuyên về ẩm thực, mua sắm, khách sạn, chăm sóc sức khỏe, trình diễn nghệ thuật, thể thao…

Khai thác tối đa lợi ích từ du lịch

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng, hoàn thiện Đề án Phát triển kinh tế ban đêm.

Theo Đề án, khái niệm kinh tế ban đêm được hiểu là các hoạt động thương mại và dịch vụ diễn ra từ 6 giờ tối hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau.

Việt Nam hội tụ rất nhiều điều kiện để phát triển kinh tế đêm như: tài nguyên du lịch đa dạng, phong phú; văn hóa - nghệ thuật và ẩm thực đặc sắc; dân số trẻ đông, sống tập trung tại các thành phố có mức độ hội nhập và toàn cầu hóa cao.

Những năm gần đây, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam ngày càng tăng, song mức chi tiêu trung bình còn khá thấp - bình quân khoảng 96 USD/ngày, trong khi du khách tại Bangkok (Thái Lan) chi tiêu khoảng 173 USD/ngày. Dư địa để khai thác khách du lịch ở Việt Nam và phát triển kinh tế ban đêm, do đó, được coi là rất lớn.

Đặc biệt, Việt Nam có nền chính trị ổn định, rất thuận lợi cho phát triển kinh tế ban đêm. Tạp chí Global Finance mới đây đã công bố bảng xếp hạng các quốc gia an toàn và nguy hiểm nhất thế giới trong năm 2019. Theo đó, Việt Nam xếp thứ hạng 83/128 quốc gia (trên Thái Lan).

Cần xóa bỏ định kiến tiêu cực về kinh tế đêm

"Cần xóa bỏ định kiến tiêu cực về kinh tế đêm như hoạt động vũ trường, quán bar, karaoke, nhà hàng, cũng như các điểm vui chơi giải trí về đêm. Phải tư duy mở hơn về một số hoạt động lâu nay vẫn bị coi là nhạy cảm như mại dâm, cá cược, cờ bạc. Quy định hiện hành cấm, nhưng thực tế, các hoạt động này vẫn diễn ra lén lút dưới nhiều hình thức, phát sinh nhiều tiêu cực rủi ro cho khách hàng và người phục vụ.

Bộ Tư pháp chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu xây dựng cơ chế triển khai thử nghiệm chính sách kinh doanh dịch vụ nhạy cảm theo hướng hợp thức hóa một số loại hình hoạt động giải trí với người trưởng thành nhằm tăng sức hút với khách du lịch, trình Chính phủ vào năm 2021".

(Trích nội dung Đề án Phát triển kinh tế ban đêm)

Kinh tế ban đêm đã hình thành ở Việt Nam từ nhiều năm nay và được đánh giá là cơ hội mới trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Hiện cả nước có khoảng 20 chợ đêm phục vụ du lịch và khoảng 1.000/2.300 cửa hàng tiện lợi hoạt động 24/24 giờ, chủ yếu tập trung ở Hà Nội và TP.HCM, góp phần tăng thu ngân sách cho các tỉnh/thành phố có hoạt động giải trí và mua sắm sôi động.

Tuy nhiên, các hoạt động kinh tế ban đêm nhìn chung còn nghèo nàn, đơn điệu và đặc biệt còn mang tính “chộp giật”. Kinh tế ban đêm cũng mới chỉ xuất hiện manh mún tại một số đô thị, trung tâm du lịch lớn.

Kinh tế ban đêm tại Việt Nam cũng đặt ra yêu cầu đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội địa phương, kiểm soát các vấn nạn ô nhiễm tiếng ồn, ánh sáng, rác thải; rủi ro phòng cháy, chữa cháy, tình trạng chiếm dụng trái phép không gian công cộng phục vụ hoạt động kinh doanh, đặc biệt là tệ nạn xã hội. Bên cạnh đó, là áp lực về cung cấp hệ thống hạ tầng thiết yếu như: xử lý chất thải; cung cấp điện, nước; kiểm soát vệ sinh, an toàn thực phẩm, chất lượng hàng hóa, xuất xứ và giá cả hàng hóa…

Nhận định rằng, phát triển kinh tế ban đêm là phù hợp với xu hướng phát triển của quốc tế, tạo ra động lực mới cho tăng trưởng kinh tế, góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam năng động..., nhóm nghiên cứu Đề án Phát triển kinh tế ban đêm đề xuất một số giải pháp quan trọng. Một trong những giải pháp hàng đầu là đổi mới phương thức quản lý nhà nước, trong đó chú trọng nâng cao trình độ, năng lực quản lý của bộ máy nhà nước đáp ứng yêu cầu quản lý. Đặc biệt, vai trò của chính quyền địa phương được coi là yếu tố then chốt quyết định sự thành công của kinh tế ban đêm.

Các thành phố được khuyến nghị xây dựng các chương trình/kế hoạch phát triển kinh tế ban đêm với sự tính toán kỹ lưỡng các yếu tố tác động cả tích cực và tiêu cực. Trong quá trình xây dựng Quy hoạch Phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ mới, cần nghiên cứu quy hoạch những khu vực, địa điểm có khả năng phát triển kinh tế ban đêm để có cơ sở triển khai trong tương lai.

Để phát triển kinh tế đêm, cần thu hút và lựa chọn các doanh nghiệp uy tín, giàu kinh nghiệm trong việc tham gia phát triển hoạt động kinh tế ban đêm lành mạnh ở địa phương. Các hoạt động mang đậm bản sắc văn hóa địa phương cần được chú trọng phát triển để khuyến khích khách hàng trải nghiệm nhiều hơn và chi tiêu nhiều hơn.

Theo các chuyên gia, địa phương muốn phát triển kinh tế đêm buộc phải chi thêm tiền để bảo đảm an ninh trật tự, đầu tư hạ tầng chiếu sáng, các dịch vụ giải trí, mua sắm về đêm để phục vụ nhu cầu người dân và hấp dẫn du khách. Bởi, kinh tế đêm không chỉ là “cửa sáng” cho ngành du lịch, mà còn là động lực tăng trưởng kinh tế trong tương lai.

Kích thích tiêu dùng nội địa, kích cầu du lịch

TS. Trần Thị Thu Hương, Phó trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương)
Đề án Phát triển kinh tế ban đêm hướng tới hai mục tiêu chính là kích thích tiêu dùng nội địa và kích cầu du lịch.

Kinh tế đêm hướng tới giới trẻ, khách du lịch nước ngoài, những người có khả năng chi tiêu cao. Bên cạnh đó, tầng lớp trung lưu trong xã hội cũng tăng nhanh, giai đoạn 2014 - 2016, mỗi năm có 1,5 triệu người Việt gia nhập tầng lớp trung lưu, có mức sống từ 15 USD/ngày trở lên, có xu hướng dành nhiều tiền, thời gian để tận hưởng du lịch. Đây là những nhóm người có nhu cầu chi tiêu cao, có nhiều khả năng tham gia các hoạt động kinh tế ban đêm. Việc phát triển kinh tế đêm thời gian tới sẽ khai thác được tối đa lợi ích từ du lịch.

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/kinh-te-dem---cua-sang-cho-du-lich-viet-nam-d125859.html