Kinh tế đi xuống khiến nhu cầu mua vàng trang sức ở Việt Nam giảm

Nhu cầu tiêu dùng vàng tại Việt Nam trong quý III/2023 đạt 11,9 tấn, giảm nhẹ 1% so với cùng kỳ năm trước do lạm phát cao cùng mức độ tăng trưởng kinh tế chậm hơn kỳ vọng đã ảnh hưởng đến sức mua của người tiêu dùng.

Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) vừa công bố báo cáo Xu hướng Nhu cầu Vàng quý III/2023. Trong đó, về thị trường vàng Việt Nam, báo cáo cho biết nhu cầu tiêu dùng vàng giảm 1% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 11,9 tấn trong quý III/2023 so với 12,0 tấn trong quý III/2022.

Sự suy giảm này chủ yếu do nhu cầu vàng trang sức trong nước giảm 14% so với cùng kỳ, từ 3,5 tấn trong quý III/2022 xuống còn 3,0 tấn trong quý III/2023. Tuy nhiên, WGC thông tin nhờ nhu cầu mua vàng thỏi và xu vàng tăng trưởng 4% so với cùng kỳ, từ 8,5 tấn trong quý III/2022 lên 8,8 tấn trong quý III/2023 đã bù đắp cho sự tăng trưởng chung.

Nhu cầu vàng trang sức trong nước giảm 14% so với cùng kỳ, từ 3,5 tấn trong quý III/2022 xuống còn 3,0 tấn trong quý III/2023.

Ông Shaokai Fan, Giám đốc điều hành khu vực châu Á - Thái Bình Dương (ngoại trừ Trung Quốc) kiêm Giám đốc Toàn cầu về ngân hàng trung ương tại WGC cho biết: "Nhu cầu trang sức ở Việt Nam trong quý III đang ở mức thấp nhất kể từ năm 2021. Lạm phát cao cùng mức độ tăng trưởng kinh tế chậm hơn kỳ vọng đã ảnh hưởng đến sức mua của người tiêu dùng. Tuy nhiên, việc mất giá của đồng Việt Nam đã thúc đẩy các nhà đầu tư tận dụng mức điều chỉnh giá trong tháng 8 như mức khởi điểm an toàn để đầu tư chiến lược vào vàng thỏi và xu vàng như một nơi kênh tích sản."

Theo số liệu mới công bố của Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 25/10/2023, bình quân giá vàng thế giới ở mức 1.909,36 USD/ounce, giảm 2,11% so với tháng 9/2023 do xu hướng tỷ giá đồng USD và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) duy trì lập trường giữ lãi suất ở mức cao để kéo lạm phát về 2%.

Trong nước, chỉ số giá vàng tháng 10/2023 tăng 0,92% so với tháng trước; tăng 5,87% so với tháng 12/2022; tăng 8,28% so với tháng 10/2022; bình quân 10 tháng năm 2023 tăng 2,81%.

Theo các chuyên gia, sau hơn 10 năm thực hiện Nghị định 24, thị trường vàng trong nước tồn tại nhiều bất cập, chênh cao so với thế giới từ 12-15 triệu đồng/lượng, thậm chí có thời điểm lên tới 18 triệu đồng/lượng, khiến người mua vàng trong nước phải chịu thiệt vì độc quyền vàng SJC.

Các chuyên gia cho rằng đã đến lúc Ngân hàng Nhà nước sửa Nghị định. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước nên khảo sát đầy đủ để bình ổn thị trường, làm cho giá vàng trong nước sát với thế giới, tránh tình trạng vàng lậu. Cần tăng nguồn cung cho thị trường theo hướng hủy bỏ quy định Ngân hàng Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng và không sử dụng một loại vàng miếng SJC làm thương hiệu độc quyền như hiện nay để bảo vệ quyền lợi người mua vàng.

Liên quan đến thị trường vàng, Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư 12/2023/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 06/2013/TT-NHNN hướng dẫn hoạt động mua, bán vàng miếng trên thị trường trong nước, có hiệu lực từ 27/11/2023.

Theo đó, Thông tư 12 sửa đổi, bổ sung Điều 14 quy định: Cục Quản lý Dự trữ Ngoại hối Nhà nước thông báo bằng văn bản cho Vụ Quản lý Ngoại hối, Vụ Tài chính - Kế toán, Sở Giao dịch và Cục Phát hành và Kho quỹ về kết quả giao dịch mua, bán vàng miếng với từng tổ chức tín dụng, doanh nghiệp sau khi ký xác nhận giao dịch.

Bên cạnh đó, Cục Quản lý Dự trữ Ngoại hối nhà nước phối hợp với Vụ Quản lý ngoại hối xác định giá mua, giá bán vàng miếng (đối với trường hợp mua bán trực tiếp và đấu thầu theo khối lượng), giá sàn, giá trần (đối với trường hợp đấu thầu theo giá) theo phương án mua bán đã được phê duyệt.

Thanh Hoa

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//tien-te/kinh-te-di-xuong-khien-nhu-cau-mua-vang-trang-suc-o-viet-nam-giam-1096379.html