Kinh tế Đông Nam Á đối phó với nhiều nguy cơ trong năm 2019

Thế giới thở phào nhẹ nhõm, chào đón thỏa thuận tạm dừng cuộc chiến thương mại trong 90 ngày giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Thế nhưng, các ngân hàng thương mại lớn của châu Á, Hoa Kỳ và châu Âu nhận định: Những bất đồng chưa giải quyết giữa hai gã khổng lồ vẫn là nguy cơ lớn nhất đối với kinh tế Đông Nam Á trong năm 2019.

Hệ quả của chiến tranh thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc tiếp tục phủ mây đen lên các nền kinh tế Đông Nam Á ít nhất trong nửa đầu năm 2019. (Ảnh: Reuters)

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng chậm ở phần lớn các nền kinh tế khu vực trong quý 3/2018 do cuộc chiến thương mại bắt đầu ảnh hưởng đến xuất khẩu ASEAN. Tổng tăng trưởng GDP của 5 nền kinh tế lớn Đông Nam Á – gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan - đã giảm xuống còn 4,5% so với 5,5% của quý trước.

Bank of America Merrill Lycnch: Kinh tế Trung Quốc hồi phục từ giữa năm 2019

Bank of America Merrill Lynch đã dự đoán sụt giảm tăng trưởng sẽ tiếp tục đối với 5 nền kinh tế trên với mức dự báo 4,8% trong năm 2019, giảm so với con số 5% trong năm 2018 và 5,1% trong năm 2017.

“Danh sách các nguy cơ khá dài” – Mohamed Faiz Nagutha, nhà kinh tế chuyên về Đông Nam Á của ngân hàng này nói. Các trở ngại mà ông Nagutha đề cập gồm căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, kinh tế Trung Quốc phát triển chậm lại và khả năng Cục Dữ trữ Liên bang Hoa Kỳ tăng lãi suất cao hơn mức thị trường có thể tiên đoán.

Ngân hàng thương mại Hoa Kỳ nói Washington và Bắc Kinh sẽ giải quyết bất đồng giữa hai bên. Nhưng Nagutha tin rằng quý 4 năm nay và quý 1 năm 2019 có thể là “giai đoạn yếu ớt” nhất của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trước khi Trung Quốc bắt đầu hồi phục vào nửa cuối năm 2019. Tình thế này có thể ảnh hưởng xấu đến tăng trưởng ở ASEAN.

Hãng hàng không Singapore Airlines nói giá dầu gia tăng làm lợi nhuận của hãng trong quý 3/2018 giảm 81% so với cùng kỳ năm ngoái. (Ảnh: Reuters)

OCBC: Bảo hộ mậu dịch là nguy cơ lớn nhất

Selena Ling, trưởng bộ phận nghiên cứu ngân quỹ và chiến lược của Ngân hàng Overseas-Chinese Banking Corp (OCBC) của Singapore cho rằng nguy cơ lớn nhất của ASEAN chính là chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch.

Mặc cho căng thẳng Mỹ - Trung đã hạ nhiệt, bà Ling cho rằng các yếu tố cấu trúc trung hạn như chương trình công nghệ cao “Made in China 2025” và sự canh tranh ngày càng gia tăng giữa hai cường quốc trong lĩnh vực công nghệ “không thể sớm giải quyết”.

Bà Ling cũng nhấn mạnh rằng tuyên bố chung của Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Buenos Aires vào đầu tháng 12/2018 là tuyên bố đầu tiên không đạt được tiếng nói chung chống lại chủ nghĩa bảo hộ do sự phản đối mạnh của Hoa Kỳ.

Ngân hàng thương mại Singapore dự báo tăng trưởng ở Malaysia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam sẽ chậm lại trong năm 2019.

Tập đoàn vật liệu xây dựng Siam Cement của Thái Lan nói rằng lợi nhuận ròng trong quý 3/2018 của họ bốc hơi hơn 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Bầu cử ở Thái Lan và Indonesia trong năm 2019 sắp tới cũng đặt hai nền kinh tế lớn trong khu vực trong trạng thái "treo lơ lửng" khi những thay đổi về chính quyền vẫn còn là ẩn số đối với nhà đầu tư. (Ảnh: Reuters)

Credit Suisse: “Kinh tế treo” do bầu cử ở Thái Lan và Indonesia

Suresh Tantia, Phó Chủ tịch phụ trách thị trường vốn châu Á – Thái Bình Dương của Credit Suisse, có cùng quan điểm. Đình chiến thương mại 90 ngày giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc tạo lạc quan cho thị trường, nhưng ông Tantia nói rằng “chắc chắn phí rủi ro risk premium sẽ bị áp chế”. Tuy nhiên, tâm lý của nhà đầu tư có phần “lo âu và ức chế” trong nửa đầu năm tới bởi thỏa thuận “ngừng bắn” chỉ là tạm thời.

Nhìn chung, ngân hàng Thụy Sĩ cho rằng thị trường vốn sở hữu ở các nền kinh tế đang lên ở châu Á sẽ khởi sắc và hoạt động tốt hơn trong năm 2019, sau những đợt trượt dài trong năm 2018.

John Woods, nhà đầu tư chiến lược vùng châu Á – Thái Bình Dương của Credit Suisse, nhận định rằng “khi khả năng sinh lợi của các công ty Hoa Kỳ nhìn không khả quan và đồng USD yếu đi, nhà đầu tư phải tìm kiếm cơ hội mới”. Thị trường chứng khoán Trung Quốc, Singapore và Indonesia có tiềm năng và chiều hướng đi lên nhanh.

Trong khi đó, Credit Suisse tiên liệu rằng các rủi ro chính trị sẽ là mối đe dọa lớn nhất ở một vài quốc gia, như Thái Lan chẳng hạn, do tình trạng chưa ngã ngũ của kỳ bầu cử sắp tới. Nền kinh tế lớn thứ ba của Đông Nam Á dự kiến có sự thay đổi: Từ chính quyền quân sự trở về với dân sự vào đầu năm 2019 sắp tới. Nhưng các chi tiết về tỷ lệ đảng phái của chính phủ tương lai hiện vẫn chưa rõ.

Indonesia sẽ tổ chức bầu cử tổng thống vào tháng 4/2019. Cả Credit Suisse và Bank of America Merrill Lynch tin rằng Tổng thống đương nhiệm Joko Widodo sẽ tiếp tục đắc cử. Nhưng nhà kinh tế Ling của OCBC chỉ ra rằng chiến dịch tranh cử chỉ mới bắt đầu và khuyến cào rằng có thể có những thay đổi về kinh doanh và thị trường khi ngày bỏ phiếu đến gần.

Ricky Hồ

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://nguoitieudung.com.vn/kinh-te-dong-nam-a-doi-pho-voi-nhieu-nguy-co-trong-nam-2019-d73405.html