Kinh tế Đức thấy 'ánh sáng', có thể thoát khỏi tình trạng ảm đạm kéo dài

Hôm nay (30/4), Văn phòng Thống kê Liên bang Đức (Destatis) công bố số liệu cho thấy, kinh tế Đức có thể phục hồi nhẹ trong nửa đầu năm nay, mang lại hy vọng nước này có thể thoát khỏi tình trạng kinh tế ảm đạm kéo dài.

Sự lạc quan đã quay trở lại với kinh tế Đức. (Nguồn: Shutterstock/esfera)

Theo đó, nền kinh tế Đức đã tăng trưởng trong quý đầu tiên của năm 2024, đảo ngược tình trạng suy thoái hồi cuối năm ngoái.

Destatis cho biết, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Đức tăng 0,2% trong quý I/2024 so với quý trước đó, khi nền kinh tế suy giảm ở mức 0,5% sau khi đã điều chỉnh số liệu.

Mức tăng mới nhất phản ánh sự cải thiện trong cả ngành xây dựng và xuất khẩu. Tuy nhiên, tiêu dùng hộ gia đình lại giảm trong quý này.

Tâm trạng u ám đã bao trùm nền kinh tế lớn nhất châu Âu khi các doanh nghiệp phải vật lộn với chi phí năng lượng tăng cao, lạm phát và lãi suất cũng cao.

Theo nhà phân tích Carsten Brzeski của ngân hàng ING, sự khởi sắc này cho thấy "nền kinh tế Đức xét cho cùng vẫn có tiềm năng phát triển". Ông cho rằng, “sự lạc quan đã quay trở lại với kinh tế Đức”.

Tuy nhiên, ông cảnh báo giá dầu tăng cao do xung đột giữa Iran - Israel, cũng như căng thẳng đang diễn ra ở Biển Đỏ, có thể kéo ngành công nghiệp và xuất khẩu đi xuống.

Nhà phân tích này cảnh báo: "Tình trạng vỡ nợ ngày càng gia tăng có thể làm suy yếu thị trường lao động, mặc dù số liệu mới cũng cho thấy tỷ lệ thất nghiệp ở Đức trong tháng 4 vẫn ổn định ở mức 5,9%".

Trước đó, Ngân hàng trung ương Bundesbank đưa ra dự báo, nền kinh tế Đức sẽ tăng trưởng nhẹ trong quý đầu tiên, tránh được một cuộc suy thoái như dự báo trước đó.

Dù vậy, mức tăng trưởng 0,2% trong quý I/2024 vẫn chậm hơn so với các nền kinh tế phát triển khác và thấp hơn mức trước đây của chính họ. Các quan chức lo ngại, tốc độ tăng trưởng này khó có thể tăng nhanh trong những năm tới.

(theo TTXVN)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/kinh-te-duc-thay-anh-sang-co-the-thoat-khoi-tinh-trang-am-dam-keo-dai-269681.html