Kinh tế giảm tốc, Trung Quốc đối mặt thêm nỗi lo giá cả leo thang

Giá sản xuất của Trung Quốc ghi nhận mức tăng cao nhất trong vòng 13 năm. Điều này làm dấy lên mối lo ngại về lạm phát khi nền kinh tế Trung Quốc giảm tốc.

CNBC đưa tin theo Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS), chỉ số giá sản xuất (PPI) tháng 8 của nước này đã tăng 9,5% so với một năm trước đó. Mức tăng hồi tháng 7 là 9%.

Đây là tốc độ tăng nhanh nhất kể từ tháng 8/2008. Điều này làm dấy lên mối lo ngại về giá cả leo thang khi nền kinh tế Trung Quốc giảm tốc tăng trưởng.

Nền kinh tế thứ hai thế giới phục hồi mạnh mẽ từ cuộc khủng hoảng Covid-19 hồi năm ngoái. Tuy nhiên, các đợt bùng phát Covid-19 mới nhất tại đất nước tỷ dân đã triệt tiêu nhiệt lượng của đà phục hồi. Cùng với đó là giá nguyên liệu thô tăng cao, việc kiểm soát chặt chẽ đối với lĩnh vực bất động sản và chiến dịch giảm lượng khí thải carbon.

 Chỉ số giá sản xuất của Trung Quốc ghi nhận mức tăng cao nhất trong vòng 13 năm.

Chỉ số giá sản xuất của Trung Quốc ghi nhận mức tăng cao nhất trong vòng 13 năm.

Tăng trưởng mất đà

Bắc Kinh đã cố kìm hãm đà tăng giá của hàng hóa bằng cách giải phóng kho dự trữ chiến lược quốc gia, hạn chế đầu cơ tích trữ, yêu cầu doanh nghiệp quốc doanh hạn chế mức độ ảnh hưởng từ thị trường hàng hóa nước ngoài.

Tuy nhiên, giá hàng hóa vẫn tăng vọt trong những tháng qua, làm ảnh hưởng đến lợi nhuận của nhiều nhà máy trung và hạ nguồn. Giá than tại Trung Quốc cũng leo lên mức kỷ lục hôm 7/9.

Theo tuyên bố của ông Dong Lijuan - một quan chức tại NBS, ngành công nghiệp than, hóa chất và kim loại đóng góp phần lớn vào mức tăng giá trong tháng 8.

Theo một tuyên bố khác của NBS, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc trong tháng 8 đã tăng 0,8% so với một năm trước đó. Mức tăng thấp hơn dự báo 1% của những chuyên gia được Reuters khảo sát.

Nền kinh tế cần phụ thuộc nhiều hơn vào tiêu dùng và đầu tư công nghiệp. Cả hai lĩnh vực này của Trung Quốc đều đang tụt lại

Ông Xu Hongcai tại Hiệp hội Khoa học Chính sách Trung Quốc

Trung Quốc đã thắt chặt các hạn chế để giảm lây lan virus SARS-CoV-2. Điều này cản trở nhu cầu của ngành dịch vụ.

Theo ông Dong tại NBS, giá vé máy bay, du lịch và phòng khách sạn đều sụt giảm do ảnh hưởng của đại dịch.

Hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ tháng 8 đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 4/2020. Các hạn chế để kiểm soát dịch bệnh đe dọa sẽ làm chệnh hướng phục hồi.

Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đứng trước những lựa chọn không dễ dàng. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng rủi ro lạm phát sẽ hạn chế dư địa của các động thái mới từ ngân hàng trung ương.

Tuy nhiên, một số khác nhận định môi trường tăng trưởng không chắc chắn là nỗi lo ngại lớn hơn, buộc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) phải tung thêm nhiều biện pháp nới lỏng.

Theo giới quan sát, PBoC có thể cắt giảm thêm yêu cầu dự trữ đối với các ngân hàng trong năm nay. Hồi tháng 7, PBoC đã bất ngờ cắt giảm yêu cầu dự trữ, giải phóng khoảng 1.000 tỷ NDT thanh khoản cho nền kinh tế.

Rơi vào thế khó

Tuần trước, Hội đồng Nhà nước Trung Quốc cho biết Ngân hàng Trung ương sẽ phát hành thêm 300 tỷ NDT (46,5 tỷ USD) để các ngân hàng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ vay.

"Dựa trên các yếu tố kinh tế cơ bản, những dấu hiệu suy giảm đáng chú ý đã xuất hiện", ông Nie Wen, nhà kinh tế tại Hwabao Trust, cảnh báo.

"Tôi hy vọng các nhà hoạch định chính sách sẽ điều chỉnh những chính sách kinh tế vĩ mô, giữ ở trạng thái trung lập nhưng có xu hướng nới lỏng để chặn trước, đối phó với các trở ngại", ông nói thêm.

"Nếu đà tăng trưởng tiếp tục trượt dốc, chính phủ có thể đưa ra các biện pháp định lượng", ông nhận định.

Tuy nhiên, hôm 7/9, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc tiết lộ sẽ không tung ra những biện pháp kích thích lớn, ồ ạt. "Chính sách tiền tệ của Trung Quốc vẫn duy trì ở phạm vi bình thường", ông Pan Gongsheng, Phó thống đốc PBoC, khẳng định.

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc có thể cắt giảm thêm yêu cầu dự trữ đối với các ngân hàng trong năm nay. Ảnh: Reuters.

Ông Sun Guofeng - người đứng đầu chính sách tiền tệ của PBoC - nhấn mạnh rằng "các điều kiện hiện tại không đòi hỏi nhiều thanh khoản như trước đây để giữ lãi suất thị trường tiền tệ hoạt động ổn định”.

"Các bình luận của ông Sun cho thấy PBoC sẽ không thay đổi lập trường chính sách thận trọng hiện tại, bất chấp những khó khăn về kinh tế", chuyên gia Aidan Yao tại AXA Investment Managers bình luận.

"Xuất khẩu không thể duy trì tăng trưởng trong dài hạn. Nền kinh tế cần phụ thuộc nhiều hơn vào tiêu dùng và đầu tư công nghiệp. Cả hai lĩnh vực này của Trung Quốc đều đang tụt lại", ông Xu Hongcai, Phó giám đốc Ủy ban Chính sách Kinh tế tại Hiệp hội Khoa học Chính sách Trung Quốc, bình luận.

"Nhưng bình luận của ngân hàng trung ương cho thấy sự ổn định chung của nền kinh tế", ông nói thêm.

Ông Xu hy vọng chi tiêu công và các biện pháp chính sách khác của Bắc Kinh sẽ đóng vai trò lớn hơn đối với sự tăng trưởng kinh tế trong những tháng tới.

Thảo Cao

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/kinh-te-giam-toc-trung-quoc-doi-mat-them-noi-lo-gia-ca-leo-thang-post1261040.html