Kinh tế Hà Nội 9 tháng đầu năm: Khả quan nhưng không thể chủ quan

(HNM) - Kinh tế Thủ đô quý III và 9 tháng đầu năm nay đã có nhiều dấu hiệu lạc quan cho thấy hiệu quả của những giải pháp chống suy giảm kinh tế, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh của thành phố. Tuy nhiên, phía trước vẫn còn nhiều khó khăn, đòi hỏi sự kiên trì, linh hoạt và nỗ lực cao độ của các cấp, ngành. Đó là đánh giá của UBND TP Hà Nội tại cuộc họp ngày 18-9, dưới sự chủ trì của Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo.

Những dấu hiệu khả quan Đầu tư kỹ thuật, nâng cao chất lượng sản phẩm là yếu tố phát triển của Công ty Chế tạo điện cơ Hà Nội. Ảnh: Nguyệt Ánh Theo Sở Kế hoạch - Đầu tư Hà Nội, kinh tế Thủ đô quý III đã có những dấu hiệu khởi sắc, tăng trưởng GDP cao hơn quý I và quý II (8,26% so với 3,1% của quý I và 5,1% của quý II), đưa GDP tính chung 9 tháng đầu năm 2009 ước tăng 5,7%. Đáng chú ý nhất là sản xuất công nghiệp đã phục hồi và tăng trưởng mạnh, giá trị sản xuất công nghiệp quý III tăng 13,7% so với cùng kỳ năm trước, đưa mức tăng của lĩnh vực chủ chốt này trong 9 tháng đầu năm ước đạt 7,5%. Đặc biệt, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tăng tới 6,3% so với mức tăng 0,2% của 6 tháng đầu năm. Trong khi đó, khu vực ngoài nhà nước tăng ấn tượng 10,8% (6 tháng đầu năm tăng 7,8%); khu vực nhà nước tăng 5,3% (6 tháng đầu năm tăng 4,8%). Đánh giá về tình hình kinh tế trên địa bàn, Phó Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Mạnh Hoàng cho rằng, giá trị xuất khẩu không đạt được như mong muốn vì giá các mặt hàng giảm do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu. Thực chất, xuất khẩu của Hà Nội 9 tháng qua vẫn tăng về lượng và dự báo thị trường những tháng cuối năm sẽ khởi sắc. Những thị trường lớn như EU, Mỹ, Nhật Bản đều tăng đơn hàng trong quý III nên bình quân mỗi tháng cuối năm xuất khẩu tăng khoảng 600 triệu USD và tình hình này còn khả quan hơn trong năm 2010. Nhưng chưa hết khó khăn Mặc dù có mức tăng trưởng khá trong quý III, song cũng không thể vội vã, chủ quan nhận định kinh tế Hà Nội đã vượt qua khó khăn. Thực tế, tốc độ tăng đạt được trong quý III-2009 vẫn là tốc độ thấp nhất trong những năm gần đây. Một số ngành (như nông nghiệp) giảm sút mạnh; kim ngạch xuất khẩu 9 tháng ước đạt 4.703 triệu USD, giảm 11,2% so với cùng kỳ, trong đó xuất khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài giảm tới 15%. Số lượng dự án đầu tư trực tiếp vào Hà Nội so với cùng kỳ năm 2008 chỉ bằng 90% (225/250 dự án), trong khi số vốn đăng ký chỉ bằng 9% (400/4.427 triệu USD). Bên cạnh yếu tố khách quan là ảnh hưởng của suy thoái toàn cầu, Sở Kế hoạch - Đầu tư cho rằng, có nguyên nhân chủ quan là sự thiếu tập trung kiên quyết trong chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện ở một số cơ quan. Theo Phó Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Mạnh Hoàng, thủ tục hoàn thuế VAT còn vướng mắc, doanh nghiệp (DN) kiến nghị nhiều nhưng chưa gỡ được. Phó Chủ tịch UBND TP Trịnh Duy Hùng cho biết, nhiều dự án đã có kế hoạch từ vốn kích cầu ở ngoại thành tiến độ rất chậm do vướng thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng, nếu không chỉ đạo quyết liệt sẽ rất khó đạt được mục tiêu, ảnh hưởng đến phát triển KT-XH của khu vực này. Cùng quan điểm, Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Hồng Khanh nêu thực trạng có nhiều vấn đề, trên chỉ đạo quyết liệt nhưng đến cơ sở thì lại "nguội". Vì vậy, vai trò chỉ đạo của cơ sở rất quan trọng. Thành phố tiếp tục xem xét đầu tư khoảng 3.000 tỷ đồng cho gói kích cầu đợt 2. Ảnh: Trung Kiên Thận trọng trong nhận định tình hình, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo đánh giá, TP kiểm soát được suy giảm và lạm phát; duy trì được tăng trưởng bước đầu, an sinh xã hội được giải quyết tốt, dự báo có những dấu hiệu phát triển ổn định trong thời gian tới... Song như vậy không có nghĩa khó khăn đã hết. Vì vậy, vẫn phải tiếp tục kiên trì các giải pháp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; tăng cường sức mạnh của nền kinh tế thông qua nâng cao năng lực của DN trong thực hiện nhiệm vụ 3 tháng cuối năm. Cụ thể là chính sách hỗ trợ tốt cho DN về vốn, thị trường. Tuy nhiên, việc hỗ trợ vốn phải đúng đối tượng, tập trung vào DN có khả năng thực sự; việc lựa chọn thị trường phải phù hợp với năng lực, sở trường của từng DN. Đặc biệt, khôi phục những sản phẩm nội địa có sức cạnh tranh tại thị trường trong nước cũng là khâu cần được ưu tiên. Chuẩn bị kích cầu đợt 2, bảo đảm an sinh và nhu cầu xã hội Kích cầu được xem là giải pháp quan trọng để chống suy giảm kinh tế. 9 tháng đầu năm, TP đã triển khai đợt 1 hơn 3.580 tỷ đồng kích cầu đầu tư và đang xem xét phân vốn kích cầu đợt 2 khoảng 3.000 tỷ đồng. Ngoài ra, ước đến hết tháng 9, tổng dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất đạt 75.000 tỷ đồng (kế hoạch cả năm là 100.000 tỷ đồng). Nhờ cơ chế hỗ trợ này, nhiều đơn vị đã duy trì sản xuất, kinh doanh, giữ ổn định việc làm và thu nhập của người lao động, đồng thời giảm giá thành sản phẩm. Tuy nhiên, Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo yêu cầu, đối với gói kích cầu thứ 2, triển khai trên cơ sở thay đổi phương pháp tiếp cận nguồn vốn, linh hoạt trong thực hiện cơ chế chính sách. Bên cạnh kích cầu đầu tư sẽ hướng tới kích cầu tiêu dùng, khơi thông sản xuất hàng hóa bằng tiêu thụ sản phẩm của người dân. Nguồn vốn kích cầu đưa vào giải ngân phải đạt được 2 tiêu chí: vừa bảo đảm an sinh, vừa bảo đảm nhu cầu xã hội. Chủ tịch cũng lưu ý, kích cầu sẽ đạt hiệu quả khi chọn đúng thời điểm. Nếu cơ chế chính sách, thủ tục đầu tư không linh hoạt, sẽ trở thành rào cản đánh mất thời điểm và hiệu quả đầu tư. Y Linh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/vn/42/220514/