Kinh tế HTX: Đâu là giải pháp nâng tầm?

PTT Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, HTX, nhận định: Kinh tế HTX là thành phần kinh tế quan trọng, nhưng khi chuyển sang kinh tế thị trường đã gặp nhiều lúng túng nhất định, nhất là vấn đề pháp lý và thị trường.

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ thăm HTX nông nghiệp Mường Động chuyên sản xuất các loại quả có múi ở tỉnh Hòa Bình. Ảnh: VGP/Thành Chung.

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ thăm HTX nông nghiệp Mường Động chuyên sản xuất các loại quả có múi ở tỉnh Hòa Bình. Ảnh: VGP/Thành Chung.

Tại Diễn đàn Pháp lý Liên minh Hợp tác xã (HTX) Quốc tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương mới đây, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, HTX, nhận định: Kinh tế HTX là thành phần kinh tế quan trọng, nhưng khi chuyển sang kinh tế thị trường đã gặp nhiều lúng túng nhất định, nhất là vấn đề pháp lý và thị trường.

Vẫn khó

Theo Liên minh HTX Việt Nam, tính đến cuối năm 2018, nước ta có 22.456 HTX đang hoạt động theo mô hình kiểu mới. Trong số này có 13.172 HTX nông nghiệp, 7.563 HTX phi nông nghiệp, 1.181 quỹ tín dụng nhân dân và 74 liên hiệp HTX. Thành phần kinh tế này thu hút 6,9 triệu thành viên, tạo việc làm cho 2 triệu lao động, đóng góp 4% tổng GDP, tạo điều kiện cải thiện thu nhập cho các thành viên.

Doanh thu bình quân năm 2018 đạt trên 4 tỷ đồng/HTX, tăng 4,9%. Hiện, có khoảng 15% HTX nông nghiệp và hơn 60% HTX phi nông nghiệp sản xuất gắn liền với chuối giá trị.

Ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, cho rằng, cần cấp thiết phải có khuôn khổ pháp lý riêng cho HTX nông nghiệp, vì mỗi ngành nghề mỗi khác nhau. Đồng Tháp hiện có đến 80% số lượng HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Tương tự, tại Việt Nam có đến hơn một nửa số lượng HTX có xã viên nông nghiệp, còn các loại hình dịch vụ khác như xây dựng, vận tải, thương mại, quỹ tín dụng nhân dân,... vẫn còn rất ít.

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nhận định: Kinh tế HTX là thành phần kinh tế quan trọng, nhưng khi chuyển sang kinh tế thị trường đã gặp nhiều lúng túng nhất định. Khu vực này thoát ra khỏi tình trạng yếu kém đã kéo dài trong một thời gian khá dài. Tuy nhiên, việc phát triển vẫn chưa đồng đều và việc chuyển đổi mô hình kiểu cũ còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là vấn đề pháp lý như: giải thể doanh nghiệp, xử lý các tồn đọng về tài sản và tài chính, hay nhu cầu thành lập doanh nghiệp ngay trong mô hình HTX. Trên thực tế, các chính sách hiện hữu về tiếp cận đất đai, tín dụng, quản lý thuế hay đào tạo nhân lực,... vẫn chậm đi vào cuộc sống.

Liên kết tạo nên sức mạnh

Theo ông Nguyễn Văn Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác (Bộ Nông nghiệp và PTNT), hiện, ở tất cả các địa phương của ĐBSCL đều có HTX nông nghiệp, tổ chức cộng đồng giúp nông dân ứng phó với BĐKH hiệu quả, cụ thể như hàng chục HTX nông nghiệp ở các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang tổ chức nông dân chuyển đổi mô hình sản xuất từ 2 vụ lúa sang mô hình lúa - tôm, mô hình nuôi tôm dưới tán rừng, thu lợi nhuận 52,2 triệu đồng/ha/năm, trong khi canh tác thuần lúa chỉ có lợi nhuận 39,20 triệu đồng/ha/năm.

Nhiều hộ nông dân đã xin vào HTX nuôi tôm Cái Bát ở Cà Mau khi HTX này nghiên cứu, xây dựng kế hoạch sản xuất, tổ chức thả giống đồng loạt, liên kết với doanh nghiệp ứng dụng quy trình nuôi tôm theo tiêu chuẩn ASC, giúp bà con nâng cao thu nhập và đặc biệt là hạn chế rủi ro trong sản xuất.

Tại các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Long An, Tiền Giang, mô hình HTX nông nghiệp đang ứng dụng nông nghiệp thông minh vào sản xuất lúa gạo trên quy mô cả chục ngàn hecta, đã giúp nâng cao chất lượng lúa gạo, tăng hiệu quả kinh tế.

Một điển hình liên kết hiệu quả là Nhà máy Tanifood (Công ty cổ phần Lavifood) ở tỉnh Tây Ninh với quy mô đầu tư 90 triệu USD, hiện xuất khẩu sản phẩm đến 20 thị trường, bắt tay dài hạn với Amazon hay Walmart. Điểm mấu chốt là có đến 200 HTX quản lý xã viên trồng nguyên liệu và có trung tâm hỗ trợ nông dân.

Theo đó, các trung tâm này giúp HTX toàn bộ các khâu trong logistic từ đầu vào đến đầu ra, như giống, phân bón, vật tư nông nghiệp, tập huấn, bao tiêu sản phẩm sau thu hoạch.

Theo ông Phạm Ngô Quốc Thắng, Chủ tịch Công ty cổ phần Lavifood (sở hữu Nhà máy Tanifood), mô hình của Lavifood là phải có thị trường rồi mới làm vùng trồng. Nhà máy sẽ bao tiêu sản phẩm của nông dân theo kỹ thuật mà đơn hàng yêu cầu, từ đó tạo nên chuỗi giá trị của ngành.

Sản xuất rau an toàn ở Hợp tác xã nông nghiệp Nà Tu, xã Cẩm Giàng (Bạch Thông - Bắc Kạn).

Ông Lê Thành, Viện trưởng Viện Nông nghiệp hữu cơ cũng cho rằng, nhà máy không tranh việc của HTX, mà chỉ làm tốt việc phát triển thị trường, khâu logistic. Khu vực sản xuất sẽ nhường chỗ lại cho nông dân. Đã đến lúc cần doanh nghiệp lớn đầu tư vào thị trường, từ đó tạo kết nối thúc đẩy cho HTX và nông dân.

“Cởi trói” cho kinh tế HTX

Theo Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, Chính phủ đang tổng kết 15 năm kinh tế tập thể kể từ khi có Luật Hợp tác xã năm 2002 và sửa đổi vào năm 2012 để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý trong thời gian tới.

Tuy nhiên, bên cạnh vấn đề pháp lý, ở góc độ khác, HTX khó phát triển vì yếu tố kinh doanh không đi theo đúng thị trường. Hiện nay, phần lớn HTX trong lĩnh vực nông nghiệp mới chỉ cung cấp dịch vụ đầu vào, rất ít doanh nghiệp kết nối với thị trường để cung ứng dịch vụ đầu ra cho người nông dân.

Làm thế nào để gia tăng hiệu quả và đánh giá hiệu quả của HTX vẫn còn là câu hỏi. Nhưng, lợi ích rõ ràng của việc tham gia HTX đối với xã viên là tăng thu nhập. Bài học của 13 tỉnh Đông Nam Bộ cho thấy, mô hình HTX kiểu mới giúp xã viên giảm chi phí đầu vào 9%, tăng 4% giá trị đầu ra, trung bình toàn khu vực tăng 13% so với những người không tham gia.

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan cho rằng, điểm nghẽn lớn nhất vẫn là sự liên kết 4 nhà, các khúc mắc giữa việc hợp tác và sản xuất của xã viên. Dù vậy, Đồng Tháp hiện được xem là điển hình thành công trong việc xây dựng mô hình HTX kiểu mới, khi xã viên cùng ngành vào cùng một hội, sinh hoạt đời thường và hỗ trợ kinh doanh cùng nhau.

“Một vấn đề khác mà các HTX đang phải đối mặt là khả năng tiếp cận tín dụng. Hiện nay, mới chỉ có 0,04% số giá trị đầu ra tiếp cận được tín dụng ngân hàng”, ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, cho hay.

Để tháo gỡ những khó khăn trên, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị, Bộ Tài chính sớm tham mưu cho Chính phủ để báo cáo Quốc hội ban hành nghị quyết miễn giảm thuế cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó có việc xóa nợ khê đọng của HTX kiểu cũ, tạo thuận lợi cho HTX chuyển đổi sang mô hình mới; sớm trình Chính phủ ban hành Nghị định tổ chức hoạt động của Quỹ HTX Trung ương và địa phương, có việc bảo lãnh tín dụng cho HTX vay vốn.

Các địa phương dùng nguồn vượt thu hằng năm để bổ sung cho Quỹ phát triển HTX địa phương nhằm nuôi dưỡng các HTX hoạt động hiệu quả, tạo ra nguồn thu lâu dài cho địa phương và xã viên.

Bộ Nông nghiệp và PTNT nghiên cứu triển khai một hội nghị chuyên đề về tín dụng cho nông nghiệp, trong đó có HTX; nghiên cứu xây dựng nghị định riêng của Chính phủ về HTX nông nghiệp.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành thông tư hướng dẫn về hoạt động của kinh tế trang trại, giúp liên kết giữa các hộ nông dân, kinh tế trang trại với HTX. Các bộ Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường phối hợp xây dựng môi trường sáng tạo-khởi nghiệp cho các HTX.

Theo ông Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn - SCB, các ngân hàng từ trước đến nay ngại cho vay xã viên nông nghiệp nói riêng và HTX nói chung không chỉ vì những rủi ro về mặt tài chính, tài sản đảm bảo, mà còn vì chưa có niềm tin vào cách thức hoạt động của mô hình HTX hiện tại, hay cách mà xã viên tham gia vào hợp tác xã.

Tuy nhiên, điều này sẽ sớm thay đổi trong thời gian tới. Cùng với Aribank, SCB là ngân hàng tư nhân duy nhất tham gia ký kết tài trợ cho các dự án trong chuỗi giá trị của Lavifood.

“SCB sẵn sàng tham gia cho vay nếu doanh nghiệp đảm bảo được đầu ra cho xã viên. Các khoản vay trực tiếp tới từng xã viên với lãi suất sẽ ưu đãi hơn 1,5-2% so với thị trường”, ông Văn cho biết.

Vân Nhi

Nguồn KTNT: http://kinhtenongthon.vn/kinh-te-htx-dau-la-giai-phap-nang-tam-post27523.html