Kinh tế miền Trung nhìn lại một năm đầy thách thức

Qua phân tích các số liệu vừa được công bố, nền kinh tế ba địa phương khu vực Trung Trung Bộ – Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam trong năm 2023 có nhiều nét tương đồng. Đó là sự tăng trưởng của các ngành dịch vụ, du lịch bù đắp cho sự sụt giảm của ngành công nghiệp sản xuất và xuất nhập khẩu.

Sản xuất, xuất nhập khẩu gặp khó

Các ngành sản xuất gặp khó khiến cho các chỉ tiêu kinh tế của các địa phương bị sụt giảm trong năm 2023. Ảnh: Nguồn Thaco

Diễn biến tăng trưởng kinh tế của Đà Nẵng qua các quí không đồng đều. Một số lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu chịu tác động tiêu cực từ thị trường thế giới, đặc biệt là các nước đối tác. Cụ thể, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2023 ước tăng 2,58% so với năm 2022, trong đó, quí 1 tăng 7,49%, quí 2 giảm 0,60%, quí 3 tăng 1,22% và quí 4 tăng 2,82%. Và mức tăng chung cả năm 2023 thấp hơn mức tăng bình quân 5,51%/năm của giai đoạn 2021-2023.

Nhận định trên được ông Trần Văn Vũ – Cục trưởng Cục thống kê Đà Nẵng – đưa ra tại buổi họp báo kinh tế xã hội năm 2023 do ngành thống kê tổ chức sáng nay, 29-12.

Ông Vũ cho hay qua khảo sát Cục Thống kê ghi nhận hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức, đơn hàng liên tục sụt giảm do sức cầu yếu, chi phí đầu vào tăng cao. Hơn nữa, các quy định về một nền sản xuất công nghiệp xanh, bền vững ngày càng thắt chặt buộc các doanh nghiệp cần có thời gian, năng lực để thích nghi. Vì vậy ước tính VA (giá trị gia tăng) toàn khu vực công nghiệp và xây dựng năm 2023 giảm 2,05% so với năm trước.

Trong khi đó, nhu cầu xây dựng nhà ở có xu hướng bão hòa; giá cả vật liệu xây dựng tăng cao, thị trường bất động sản đóng băng… dẫn đến giá trị sản xuất ngành xây dựng giảm sâu; bên cạnh đó, tiến độ thi công các dự án chậm do các thủ tục về đất đai, giải phóng mặt bằng vẫn chưa được tháo gỡ một cách triệt để, làm ảnh hưởng đến tốc độ phát triển của lĩnh vực xây dựng.

Ngoài sự sụt giảm về sản xuất và xây dựng, tăng trưởng xuất khẩu Đà Nẵng cũng ghi nhận sự giảm sâu. Năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 3.015 triệu đô la, giảm 16,2% so với năm 2022; trong đó, xuất khẩu hàng hóa ước đạt 1.864 triệu đô la, giảm 11,6%; nhập khẩu hàng hóa ước đạt 1.151 triệu đô la, giảm 22,7%.

“Nhìn chung, các doanh nghiệp xuất khẩu vẫn tiếp tục gặp khó khăn về đơn hàng, sản xuất cầm chừng theo các đơn hàng truyền thống; một số doanh nghiệp cố gắng tìm kiếm các đơn hàng mới với khối lượng nhỏ, có tính chất tạm thời”, ông Vũ nhận xét.

Trong khi đó, tại Quảng Nam, tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2023 ước giảm 8,25%. Trong đó, tốc độ tăng trưởng khu vực công nghiệp – xây dựng giảm 21,7% (công nghiệp giảm 24,3%). Nguyên nhân ngành công nghiệp của tỉnh bị ảnh hưởng nghiêm trọng, theo lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam tại buổi họp báo mới đây, là do tình hình thế giới biến động phức tạp, kinh tế phục hồi chậm, suy giảm nhu cầu tiêu dùng, khó khăn trong thị trường tiêu thụ, nhất là ô tô. Theo ghi nhận, Công ty Cổ phần Tập đoàn Ô tô Trường Hải (Thaco) – đơn vị luôn chiếm hơn 50% nguồn thu ngân sách của Quảng Nam – có sự sụt giảm về kinh doanh trong năm nay.

Tổng thu ngân sách nhà nước năm 2023 dự kiến 23.951 tỷ đồng, đạt 89,8% so với dự toán; trong đó, thu nội địa 20.880 tỷ đồng, đạt 100% dự toán; thu xuất nhập khẩu 3.071 tỉ đồng, đạt 53% dự toán.

Ông Trần Xuân Vinh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam, thông tin một trong những nguyên nhân là các vướng mắc về dự án trọng điểm Khu công nghiệp Thaco Chu Lai (tại xã Tam Anh Nam) không thể giải quyết dứt điểm. Không thể đầu tư các dự án mới tại khu vực này thì không có thêm động lực để vực dậy và phát triển nền kinh tế địa thương, giải quyết lao động và tăng thu ngân sách.

Cảng Chân Mây ghi nhận tăng trưởng tốt trong tiếp nhận hàng hóa và khách tàu biển, góp phần giúp kinh tế Thừa Thiên Huế bớt ảm đạm hơn so với Đà Nẵng và Quảng Nam. Ảnh: Hoàng Lê

Trong khi đó, bức tranh tại Thừa Thiên Huế có vẻ “sáng” hơn một chút. Theo báo cáo Cục Thống kê Thừa Thiên Huế, năm 2023, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) năm 2023 ước tăng 7,03% so cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức tăng 8,56% năm 2022. Tuy nhiên, đây vẫn là mức tăng trưởng khá so với 2 địa phương còn lại của miền Trung. Theo đánh giá của lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế, chỉ tiêu xuất, nhập khẩu được hoàn thành trong bối cảnh hết sức khó khăn. Ngoại trừ bia, chế biến thủy, hải sản, gạch ốp lát có sự phát triển khá, các ngành sản xuất còn lại như dệt may, dăm gỗ, xi măng,…tiếp tục gặp khó khăn đầu ra sản phẩm, thị trường tiêu thụ giảm sút. Một số doanh nghiệp thiếu đơn hàng sản xuất phải cắt giảm lao động hoặc sản xuất cầm chừng nên sản lượng tăng chậm hoặc bị giảm mạnh.

Điểm sáng dịch vụ, du lịch

Tuy chưa có con số chính thức từ ngành du lịch Thừa Thiên Huế [PV – Ngày 4-1, Sở Du lịch Thừa Thiên Huế tổ chức tổng kết ngành du lịch], nhưng các con số khác cho thấy, ngành dịch vụ, du lịch tại địa phương này có sự tăng trưởng khá. Cụ thể, theo Cục Thống kê Thừa Thiên Huế, khu vực dịch vụ, du lịch tăng 8,64%, cao nhất trong các nhóm ngành. Quy mô nền kinh tế năm 2023 theo giá hiện hành ước đạt 72.866 tỉ đồng, trong đó khu vực dịch vụ, du lịch chiếm 48,8%. Riêng tại thành phố Huế, tổng lượt khách đến Huế đạt 2,1 triệu lượt khách, tăng 12% so với năm 2022. Doanh thu du lịch ước đạt 4.585 tỉ đồng, tăng 186,6% so với năm 2022.

Ngành dịch vụ, du lịch cũng đang là điểm sáng của kinh tế Đà Nẵng, hơn nữa, đây chính là bệ đỡ chính giúp kinh tế của thành phố này không bị tăng trưởng âm.

Cụ thể, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2023 ước đạt 127.000 tỉ đồng, tăng 16,8% so với năm 2022, trong đó doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng 5,9%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 33,9%; doanh thu lữ hành và các dịch vụ hỗ trợ du lịch tăng 133,8%; doanh thu dịch vụ tiêu dùng khác tăng 22,9%.

Theo ông Trần Văn Vũ, Cục trưởng Cục Thống kê Đà Nẵng, sự tăng trưởng trên đã góp phần kéo theo sự tăng trưởng của các ngành khác. Tổng doanh thu toàn ngành vận tải kho bãi; bưu chính và chuyển phát năm 2023 ước đạt gần 34.784 tỉ đồng, tăng 31,6% so với năm 2022. Doanh thu hoạt động thông tin và truyền thông năm 2023 ước đạt 17.598 tỷ đồng, tăng 8,1% so với năm 2022.

Trong khi đó số liệu thống kê của tỉnh Quảng Nam cho thấy tốc độ tăng trưởng ngành thương mại – dịch vụ hơn 4,6%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng gần 70,3 nghìn tỷ đồng, tăng 13%. Tổng lượt khách tham quan, lưu trú năm 2023 hơn 7,5 triệu lượt, tăng gấp 1,6 lần; trong đó, khách quốc tế gần 3,9 triệu lượt, tăng 5,6 lần. Doanh thu du lịch ước đạt 7.950 tỉ đồng, tăng 2 lần so với năm 2022. Thu nhập xã hội từ du lịch khoảng 18.683 tỉ đồng.

Du lịch xanh đang giúp ngành dịch vụ, du lịch Quảng Nam có được tăng trưởng tốt trong năm 2023 so với các ngành còn lại. Ảnh: Nhân Tâm

Một trong những điểm nhấn của du lịch Quảng Nam chính là du lịch xanh. Tính đến 11-2023, UBND tỉnh Quảng Nam đã cấp chứng nhận đạt tiêu chí du lịch xanh Quảng Nam cho 20 đơn vị. Trong năm 2023, hầu hết hoạt động, sự kiện du lịch trên địa bàn tỉnh đều nhất quán truyền tải xuyên suốt thông điệp du lịch xanh mà ngành du lịch Quảng Nam đang hướng đến.

Nhân Tâm

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/kinh-te-mien-trung-nhin-lai-mot-nam-day-thach-thuc/