Kinh tế Mỹ tăng vững cho dù USD suy yếu

Theo báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ, GDP quý II/2017 tại Mỹ tăng 2,6%, chủ yếu nhờ tiêu dùng, đầu tư và thương mại tăng trở lại.

Cùng với tiêu dùng, hoạt động kinh doanh sôi động đã củng cố đà tăng trưởng kinh tế với kỳ vọng, GDP năm 2017 sẽ tăng khoảng 2,5%. Trong khi kinh tế tăng cao, USD lại có xu hướng mất giá mạnh so với những đồng tiền chủ chốt khác, dẫn đến một số bình luận khác nhau về tình hình kinh tế Mỹ hiện nay.

Theo nhận định của ông Doug Holtz-Eakin, người đứng đầu Diễn đàn Hành động Mỹ (AAC) và là cố vấn kinh tế cho nhiều thành viên đảng Cộng hòa, kinh tế Mỹ vẫn vững chắc, nhưng không bùng nổ, và chưa có “cú hích nào mang tên Trump”

Ông thừa nhận, nhiều người Mỹ đang có việc làm, nhưng chủ yếu là tại những ngành và lĩnh vực thu nhập thấp, tốc độ tuyển dụng có vẻ chậm dần. Một vấn đề lớn đối với Tổng thống Donald Trump là chương trình nghị sự kinh tế của ông đã bị đình trệ trong Quốc hội. Các chuyên gia kinh tế và lãnh đạo doanh nghiệp hoan nghênh vì họ cho rằng cắt giảm thuế đang đến, cùng với việc chi tiêu cho cơ sở hạ tầng và môi trường pháp lý dễ dàng hơn. Tuy nhiên, tâm trạng lạc quan đó đang bắt đầu mờ nhạt dần, vì khả năng Tổng thống Donald Trump đạt được chương trình nghị sự của mình ngày càng không chắc chắn. Ngay cả về vấn đề thuế, thị trường và các nhà đầu tư đang giảm dần kỳ vọng về mức cắt giảm và không biết khi nào chúng sẽ đến.

Ông Doug Holtz-Eakin nhấn mạnh, rất ít người dự đoán một cuộc suy thoái đến sớm, nhưng kỳ vọng vào một cú hích kinh tế cũng đang mờ dần.

Ông cho rằng, nước Mỹ đang phải đối mặt với những thách thức chính trị trầm trọng bởi một chính quyền luôn thay đổi quan điểm, phân cực và nhiều bất đồng. Tuy nhiên, nền kinh tế Mỹ đang có nền tảng vững chắc. Nếu các nhà hoạch định chính sách Mỹ thực sự muốn củng cố và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, họ có nhiều cơ hội và điều kiện để làm điều đó, mang đến lợi ích không chỉ cho thị trường chứng khoán mà cho cả người Mỹ.

Theo nhận định của Giáo sư danh dự Koichi Hamada đến từ Trường Đại học Yale và là cố vấn đặc biệt của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, ngay từ đầu, chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã duy trì quan điểm ủng hộ doanh nghiệp, với cam kết sẽ cắt giảm quy định mang đến những hy vọng cho các nhà đầu tư về khả năng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Mỹ và kinh tế toàn cầu. Trong đó, quyết tâm của chính quyền Donald Trump nhằm giải thoát thị trường tài chính tự do khỏi những quy định thái quá cuối cùng có thể sẽ mang lại lợi ích cho nền kinh tế toàn cầu.

Một lý do khác dẫn đến triển vọng lạc quan về nền kinh tế của Mỹ và thế giới bắt nguồn từ kế hoạch một nghìn tỷ USD của Tổng thống Donald Trump nhằm xây dựng lại cơ sở hạ tầng tại Mỹ. Thật không may, sự mập mờ của Tổng thống Donald Trump về cuộc xung đột sắc tộc ở Charlottesville (bang Virginia) đã khiến ông đánh mất những thiện chí cuối cùng của Quốc hội Mỹ. Với việc hai hội đồng tư vấn kinh doanh đã bị giải thể sau sự cố Charlottesville, kế hoạch cho một hội đồng tư vấn cơ sở hạ tầng giờ đây cũng đã bị hủy bỏ.

Tuy nhiên, những hỗn loạn chính trị chưa thể trở thành mối đe dọa tiềm ẩn đối với thành công kinh tế, do Tổng thống Donald Trump và các cố vấn kinh tế dường như tin rằng chỉ có cân bằng thương mại song phương mới được coi là công bằng và, do đó, là mục tiêu quan trọng nhất. Trên thực tế, một sự cân bằng như vậy là rất khó đạt được trong một hệ thống thương mại mở, và nỗ lực theo đuổi mục tiêu này sẽ dẫn đến những tác động tiêu cực vì sẽ làm suy yếu những lợi ích thương mại tổng thể. Về cơ bản, sự cân bằng đó là ngẫu nhiên và không thể trông đợi điều này sẽ tiếp tục tồn tại trong môi trường kinh tế liên tục thay đổi.

Theo thông tin do Reuters trích dẫn báo cáo của Tạp chí Đức cho biết, Ủy ban Kinh tế và Tài chính thuộc Liên minh châu Âu (EU) phê phán chính sách kinh tế của Tổng thống Donald Trump và bày tỏ lo ngại, những nỗ lực tăng cường bảo hộ sẽ đe dọa kinh tế toàn cầu. Các kế hoạch cắt giảm thuế đối với tầng lớp trung lưu có thể làm tăng thêm những thách thức mà nền kinh tế Mỹ phải đối mặt, hơn là giảm nhẹ khó khăn cho nền kinh tế Mỹ, nhất là trong bối cảnh nợ công tại Mỹ có xu hướng tăng dần và đang diễn biến không bền vững.

Do Tổng thống Donald Trump chưa tập trung vào các vấn đề kinh tế, nên tăng kinh tế cao trong thời gian qua chủ yếu bắt nguồn từ đà phục hồi kinh tế trong những năm qua. Tuy nhiên, những kỳ vọng lạc quan của thị trường vào cam kết của Tổng thống Donald Trump khi tranh cử tổng thống là sẽ “đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại” đang phai nhạt dần, điều này khiến USD mất giá ngày càng rõ rệt, kể cả sau những đợt tăng lãi suất chính sách trong thời gian qua.

Theo đánh giá của chuyên gia chiến lược George Saravelos đến từ Ngân hàng Trung ương Đức (Deutche Bank), từ đầu năm đến nay, USD đã mất giá khoảng 11% so giỏ tiền tệ chủ chốt. Nguyên nhân dẫn đến sự mất giá của USD là do một số thay đổi cơ bản đã ảnh hưởng tiêu cực đến đồng bạc xanh.

Thứ nhất, thị trường vẫn chưa đánh giá đúng mức những đợt tăng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), được ông cho là đang mất dần tác dụng. Ông cũng không kỳ vọng về khả năng Fed sẽ tăng lãi suất thêm một đợt nữa trong năm 2017, mà may ra sẽ tiến hành một đợt tăng lãi suất vào năm sau, có thể vào tháng 9/2018. Trong khi đó, nhân sự tại Ủy ban Thị trường mở liên bang (FOMC) sẽ có một số điều chỉnh từ đầu năm 2018 với nhiều thành viên mới, nên rất khó dự báo những động thái chính sách của Fed trong thời gian tới;

Thứ hai, nền tảng dẫn dắt thị trường ngoại hối quốc tế đã có sự chuyển dịch cơ bản. Thị trường ngoại hối thường được dẫn dắt bởi các kỳ vọng về chính sách tiền tệ, nhưng ngày nay dường như được điều chỉnh theo những thay đổi trong bảng cân đối tài sản, vốn đã tích lũy ở mức cao do nhiều nước mở rộng tiền tệ không có tiền lệ trong những năm qua, khi người Mỹ giảm dần mức độ phân bổ nguồn vốn đầu tư tại phần còn lại trên thế giới. Trong những năm qua, người Mỹ hầu như đã giảm toàn bộ danh mục thu nhập tài sản cố định tại nước ngoài. Hiện nay, xu hướng tăng đầu tư ra nước ngoài có dấu hiệu tăng trở lại.

Đà lao dốc của USD bắt nguồn từ những khác biệt về tăng trưởng, và những rối loạn chính trị tại Mỹ có thể hỗ trợ xu hướng này. Tuy nhiên, với hai sự chuyển dịch trên đây, USD không giảm sâu trong ngắn hạn.

Theo sbv.gov.vn

Nguồn ANTT: http://antt.vn/kinh-te-my-tang-vung-cho-du-usd-suy-yeu-209043.htm