Kinh tế Nông nghiệp - Nông thôn Giống chất lượng cho rừng trồng

TTH - Năm nay, tổng số cây giống gieo ươm và chăm sóc tại các vườn trên địa bàn tỉnh gần 20 triệu cây; trong đó hơn 1,4 triệu cây bản địa, còn lại giống keo, đảm bảo kế hoạch trồng mới khoảng 6.500ha rừng.

Mô hình giống thông caribe tại Công ty Lâm nghiệp Tiền Phong

Trồng rừng gỗ lớn, kết hợp từng bước thay thế, nhân rộng các mô hình trồng cây bản địa, đa loài nhằm nâng cao chất lượng rừng vừa mang lại hiệu quả kinh tế, vừa gắn với mục tiêu bảo vệ môi trường sinh thái đang được ngành lâm nghiệp quan tâm. Để nâng cao chất lượng rừng trồng thì khâu tiên quyết phải đảm bảo nguồn giống chất lượng, số lượng.

Giám đốc Ban Quản lý Rừng phòng hộ Bắc Hải Vân, ông Trần Quốc Hùng cho rằng, phải ưu tiên sử dụng cây giống lâm nghiệp bản địa tại địa phương để gieo tạo cây con nhằm phục vụ trồng rừng gỗ lớn trên địa bàn tỉnh. Nguồn giống đảm bảo trồng rừng thay thế, trồng rừng sản xuất gỗ lớn, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh phục hồi rừng, trồng các vành đai băng xanh tại các lô rừng keo nhằm hạn chế cháy rừng vào mùa nắng nóng.

Ban Quản lý Rừng phòng hộ Bắc Hải Vân phối hợp với Chi cục Kiểm lâm tỉnh đang triển khai kế hoạch, các hoạt động chuyển hóa rừng giống cây bản địa với diện tích 10ha với các loài lim xanh, kiền kiền, chò đen, chò nâu, sến mật, ươi, huỷnh, lát hoa... Các loài cây bản địa này được đánh giá phù hợp với điều kiện thời tiết, khí hậu, môi trường trên địa bàn tỉnh, có giá trị kinh tế cao và có khả năng ứng phó biến đổi khí hậu.

Giám đốc Công ty TNHH NN MTV Lâm nghiệp Tiền Phong, ông Tôn Thất Ái Tín thông tin, với kỹ thuật, công nghệ hiện đại, hằng năm công ty sản xuất, gieo ươm hàng trăm ngàn cây giống lim xanh, gõ, kiền, sao đen, thông caribe… phục vụ nhân rộng mô hình trồng rừng bằng cây bản địa, đa loài. Đơn vị đang tiếp tục nghiên cứu tạo ra nguồn giống đảm bảo số lượng, chất lượng, đa loài đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng rừng trồng của tỉnh.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, ông Nguyễn Hữu Huy đánh giá, hầu hết các cơ sở đều mua hạt giống lâm nghiệp từ các lô hạt được thu hái từ nguồn giống được công nhận còn thời hạn sử dụng, chất lượng hạt giống đảm bảo theo tiêu chuẩn quốc gia. Hiện tại, Công ty TNHH NN MTV Lâm nghiệp Tiền Phong và Công ty cổ phần Lâm nghiệp 1-5 sản xuất cây giống trong bình mô lấy từ nguồn giống được công nhận đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia về cây mầm mô.

Tuy nhiên theo ông Huy, hoạt động gieo ươm, sản xuất, kinh doanh (SXKD) giống lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số hạn chế nhất định cần phải khắc phục. Đó là hệ thống cung cấp vật liệu gieo ươm cây con chưa nhiều, đaơn loài, chưa có các mô hình nguồn giống các loài cây bản địa đặc hữu tại địa phương. Nguồn cung vật liệu để gieo ươm cây con bản địa hiện rất khó khăn nên một số cơ sở gieo ươm trên địa bàn tỉnh phải mua các lô hạt giống, hoặc lô cây con từ các địa phương khác, dẫn đến khó kiểm soát chất lượng giống phục vụ sản xuất.

Hạt Kiểm lâm các huyện, thị xã, TP. Huế tiếp tục triển khai kiểm tra hoạt động quản lý, SXKD giống cây trồng lâm nghiệp, đặc biệt tại các hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân. Các chủ rừng được kiểm tra, giám sát, tư vấn sử dụng giống, đảm bảo cây con xuất đi trồng đáp ứng yêu cầu chất lượng và có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.

Yêu cầu đặt ra đối với các tổ chức, cá nhân sử dụng giống lâm nghiệp là phải ưu tiên thực hiện các hạng mục trồng rừng theo phương châm “ba tại chỗ” (giống tại chỗ, gieo ươm tại chỗ và trồng rừng tại chỗ). Đồng thời, có trách nhiệm phối hợp với nhà thầu trồng rừng đảm bảo nguồn giống chất lượng, có nguồn gốc và xuất xứ hợp pháp theo quy định; kiên quyết không sử dụng giống kém chất lượng, không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.

Bài, ảnh: Hoàng Triều

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/giong-chat-luong-cho-rung-trong-a120900.html