Kinh tế sẽ không còn 'chiếm sóng' hội nghị thượng đỉnh BRICS

Dù mang chủ đề 'BRICS: Tăng trưởng kinh tế vì một tương lai đổi mới sáng tạo', song Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 11 chính thức diễn ra trong 2 ngày 13 và 14-11 tại thủ đô Brasilia, Brazil được dự đoán nóng bởi các vấn đề bên lề nhằm giải quyết những bất đồng nội khối và tìm ra tiếng nói chung.

Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro - Chủ tịch BRICS 2019 chủ trì Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) lần thứ 11. Đây là lần thứ 2 hội nghị thượng đỉnh này được tổ chức tại Brazil, và là hội nghị quốc tế lớn đầu tiên mà ông Bolsonaro chủ trì kể từ khi nhậm chức hồi tháng 1 vừa qua.

Trên cương vị nước chủ nhà, Brazil đã đặt các nội dung ưu tiên đối với Năm Chủ tịch BRICS 2019 là đổi mới sáng tạo, chống tội phạm xuyên quốc gia, y tế, thúc đẩy thương mại và đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng và khả năng hợp tác công tư.

Lo ngại những bất đồng

Sự kiện nổi bất nhất trong khuôn khổ hội nghị là Diễn đàn doanh nghiệp BRICS, quy tụ nguyên thủ quốc gia các nước thành viên, Hội đồng kinh doanh BRICS và cộng đồng doanh nghiệp với mục tiêu tăng cường đối thoại và thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư giữa các quốc gia thành viên.

Reuters dự đoán, các nhà lãnh đạo sẽ tập trung thảo luận các giải pháp nhằm thúc đẩy đầu tư nội khối trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang có dấu hiệu chậm lại. Ảnh: Reuters

Reuters dự đoán, các nhà lãnh đạo sẽ tập trung thảo luận các giải pháp nhằm thúc đẩy đầu tư nội khối trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang có dấu hiệu chậm lại. Ảnh: Reuters

Đáng chú ý, Tổng thống Bolsonaro đã phá vỡ truyền thống tại hội nghị Thượng đỉnh năm nay bằng việc gạt bỏ cuộc họp BRICS mở rộng, vốn tạo điều kiện cho 5 quốc gia thành viên gặp gỡ các nước láng giềng của nước chủ nhà. Theo Reuter, điều này có thể là do sự bất đồng trong khối về việc mời Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro hay lãnh đạo phe đối lập Juan Guaido được Mỹ hậu thuẫn tới dự Hội nghị.

Trong cuộc khủng hoảng Venezuela vừa qua, Brazil là thành viên BRICS duy nhất ủng hộ ông Guaido. Ông Bolsonaro cũng từng được đánh giá là người ủng hộ nhiệt tình các quan điểm của Tổng thống Mỹ Donald Trump và đây chính là điều khiến các thành viên khác trong khối BRICS “không hài lòng”, đặc biệt là Trung Quốc, vốn đang nỗ lực kêu gọi các nước ủng hộ chủ nghĩa đa phương, Reuters nhận định.

Vì thế, giới quan sát lo ngại, Brazil sẽ bất đắc dĩ rơi vào trạng thái cô lập trong ngay chính sự kiện mà nước này tổ chức, khiến cho việc đi tìm một tiếng nói chung hay đưa ra một tuyên bố lớn tại hội nghị lần này trở nên không khả thi.

Làm mới "mái nhà" đã cũ?

Không chỉ nằm ở sự bất đồng về quan điểm, sự chênh lệch đáng kể về tiềm lực kinh tế giữa các thành viên BRICS và sự khác biệt sâu sắc về các vấn đề như chủ nghĩa đa phương, biến đổi khí hậu, khủng hoảng Venezuela cũng dấy lên lo ngại về vị thế và tương lai của tổ chức này. Tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế S&P hồi tháng trước cho hay, BRICS “có thể không còn ý nghĩa”.

Đây là lần thứ 2 hội nghị thượng đỉnh BRICS được tổ chức tại Brazil. Ảnh: Website BRICS summit 2019

Mặc dù vậy, sự hiện diện của Chủ tịch Tập Cận Bình cùng với Tổng thống Nga Vladimir Putin, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa tại Brasilia vẫn cho thấy sự cần thiết của BRICS trong bối cảnh thế giới đang chứng kiến nhiều biến động như hiện nay.

Giáo sư Oliver Stuenkel thuộc Tổ chức Getulio Vargas nhận định, BRICS vẫn đóng vai trò quan trọng đối với cả Nga lẫn Trung Quốc. “Trung Quốc cho rằng đây là một trụ cột trong mô hình trật tự quốc tế với Trung Quốc giữ vai trò trung tâm hơn. Còn đối với Nga, tổ chức cực kỳ hữu ích trong việc cho thấy là họ không bị cô lập”, ông nói.

Còn với Ấn Độ, việc tăng cường tiếng nói tại một tổ chức tập hợp lực lượng bắc cầu qua 3 châu lục cũng là một trọng tâm trong chính sách ngoại giao đa phương mà Thủ tướng Modi hướng đến. Với Nam Phi hay Brazil, lợi ích kinh tế và các khoản đầu tư có lẽ sẽ là mục tiêu hàng đầu của các nước này khi tham gia BRICS, giới phân tích nhận định.

Các nước thành viên BRICS vẫn sẽ nỗ lực duy trì tiềm lực nội khối, gián tiếp khẳng định tính hiệu quả và bền vững của cơ chế này thông qua kỳ thượng đỉnh lần thứ 11. Ảnh: Reuters

Cơ hội cho quan hệ Trung Quốc - Brazil

Hội nghị thượng đỉnh BRICS năm nay cũng sẽ chứng kiến màn “gió đảo chiều” giữa Trung Quốc và Brazil, theo Financial Express. Vốn là người ủng hộ chính quyền Tổng thốngTrump, ông Bolsonaro từng chỉ trích Trung Quốc trong chiến dịch tranh cử của mình, thâm chí đe dọa sẽ ngừng quan hệ với nền kinh tế này.

Tuy nhiên, thực tế giờ đã khác. Với áp lực từ các ngành kinh doanh nông sản và khai thác khoáng sản, ông Bolsonaro có lý do để duy trì mối quan hệ tốt với Trung Quốc – đối tác thương mại lớn nhất của quốc gia Mỹ Latinh này từ năm 2009.

Bên lề Hội nghị thượng đỉnh BRICS, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ tiến hành hội đàm với Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro. Đây sẽ là cuộc gặp gỡ thứ hai giữa nguyên thủ hai nước trong vòng một tháng qua. Trước đó, Tổng thống Jair Bolsonar đã có chuyến thăm cấp nhà nước Trung Quốc từ ngày 24 đến 26-10, một động thái mà giới phân tích cho rằng đã gửi tín hiệu tích cực đến Bắc Kinh về sự thay đổi trong mối quan hệ song phương đặc biệt này.

Như The Guardian nhận định, mỗi quốc gia khi tham gia một tổ chức, diễn đàn đều mang theo một mục đích riêng. Với BRICS, mặc dù còn tồn tại nhiều bất đồng cùng với những lợi ích đan xen, song chắc rằng, các nước thành viên vẫn sẽ nỗ lực duy trì tiềm lực nội khối, gián tiếp khẳng định tính hiệu quả và bền vững của cơ chế này thông qua kỳ thượng đỉnh lần thứ 11.

Reuters dự đoán, các nhà lãnh đạo sẽ tập trung thảo luận các giải pháp nhằm thúc đẩy đầu tư nội khối trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang có dấu hiệu chậm lại, đồng thời khắc phục những bất đồng trong các vấn đề như Venezuela hay Bolivia.

Lam Ninh (T.H)

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/binh-luan-quoc-te/kinh-te-se-khong-con-chiem-song-hoi-nghi-thuong-dinh-brics-569766/