Kinh tế số mở ra cơ hội tăng trưởng mới cho Indonesia

Kinh tế số đã mở ra cơ hội tăng trưởng mới cho nền kinh tế Indonesia, giúp cải thiện đời sống của người dân. Giá trị nền kinh tế kỹ thuật số của Indonesia, ước tính đạt 70 tỷ USD vào năm ngoái, dự đoán sẽ tăng gấp đôi lên 146 tỷ USD vào năm 2025. Với quá trình số hóa, ngày càng có nhiều cộng đồng, doanh nghiệp ở Indonesia áp dụng công nghệ kỹ thuật số để đổi mới và phát triển.

Trưởng nhóm Du lịch Rừng ngập mặn kỹ thuật số Rudi Hartono trình bày những nỗ lực bảo tồn rừng ngập mặn tại sự kiện “Giới thiệu các sáng kiến kinh tế xanh ở Belitung”

Trưởng nhóm Du lịch Rừng ngập mặn kỹ thuật số Rudi Hartono trình bày những nỗ lực bảo tồn rừng ngập mặn tại sự kiện “Giới thiệu các sáng kiến kinh tế xanh ở Belitung”

Quảng bá kỹ thuật số các làng du lịch

Núi Bromo với độ cao khoảng 2.392m là một trong những điểm du lịch nổi tiếng thu hút du khách với cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ và những trải nghiệm đặc sắc, nằm cách trung tâm thành phố Surabaya hơn 100km, thuộc địa phận vườn quốc gia Bromo Tengger Semeru. Có vị trí địa lý gần với điểm du lịch nổi tiếng này, Làng du lịch Gubugklakah và Ngadas ở Malang đang đẩy mạnh việc sử dụng các nền tảng kỹ thuật số để quảng bá, thu hút khách du lịch.

Tại sự kiện “Áp dụng công nghệ kỹ thuật số tại các điểm du lịch ưu tiên” diễn ra tuần trước, Bộ Thông tin và Truyền thông Indonesia khuyến khích việc thúc đẩy quảng bá dựa trên nền tảng kỹ thuật số cho hai Làng du lịch Gubugklakah và Ngadas,. Người phụ trách du lịch của Cục Kinh tế Kỹ thuật số - Bộ Thông tin và Truyền thông, ông Sudiono nói rằng, những nỗ lực khuyến khích quảng bá kỹ thuật số cho các làng du lịch sẽ giúp tăng cường phúc lợi cho các cộng đồng nông thôn ở Indonesia, bởi quảng bá kỹ thuật số chắc chắn sẽ thu hút được nhiều khách du lịch đến tham quan hơn, giúp người dân nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã tổ chức sự kiện tư vấn về việc sử dụng công nghệ kỹ thuật số tại Làng du lịch Gubugklakah và Ngadas. Thông qua việc tư vấn, hướng dẫn, những người quản lý làng du lịch sẽ quảng bá làng của họ thông qua việc tải video giới thiệu lên các nền tảng truyền thông xã hội. Cùng với đó, thanh niên, người trẻ ở các làng du lịch này cũng được tham gia các khóa học về công nghệ kỹ thuật số để áp dụng tiềm năng to lớn của công nghệ vào việc quảng bá du lịch.

Du lịch trồng rừng ngập mặn kỹ thuật số

Du lịch trồng rừng ngập mặn kỹ thuật số tại làng Sungai Kupah, Kubu Raya, Tây Kalimantan đã trở thành một chiến lược phát triển nền kinh tế xanh của Indonesia. Tại sự kiện “Giới thiệu các sáng kiến kinh tế xanh ở Belitung” được tổ chức vào tuần trước, nhóm do Rudi Hartono đứng đầu đã trình bày dự án Du lịch trồng rừng ngập mặn kỹ thuật số.

Sungai Kupah là một ngôi làng ven biển bên biển Natuna, trong khoảng thời gian từ năm 2000 đến năm 2017, diện tích rừng ngập mặn ở địa phương này đã bị thu hẹp đáng kể, khiến cho ngôi làng dễ bị ảnh hưởng bởi những đợt sóng lớn và ngập lụt. Điều này đã thúc đẩy Hartono và những người trẻ tuổi trong làng phải tìm cách đổi mới để cải thiện hệ sinh thái rừng ngập mặn, đồng thời mang lại giá trị cho kinh tế địa phương. “Vấn đề diện tích rừng ngập mặn ở địa phương bị thu hẹp đã được đưa ra thảo luận từ lâu và chúng tôi đã tìm ra giải pháp để cam kết về việc trồng lại rừng ngập mặn kết hợp với du lịch. Dự án trồng rừng kỹ thuật số được khởi động, khách du lịch đến tham quan nơi đây có thể trực tiếp trải nghiệm “du lịch xanh” tự tham gia trồng cây rừng ngập mặn. Sau đó, số cây trồng này sẽ được số hóa, xác định tọa độ để khách du lịch có thể theo dõi sự sinh trưởng và phát triển của cây theo hình thức trực tuyến” - ông Hartono giải thích.

Nỗ lực chuyển đổi kỹ thuật số

Indonesia đang phát triển một khuôn khổ kinh tế kỹ thuật số quốc gia nhằm khuyến khích hợp tác và thúc đẩy sức mạnh tổng hợp giữa các bên liên quan. Chính phủ tập trung vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng cả vật lý lẫn kỹ thuật số, bắt đầu từ việc phát triển hệ thống cáp quang, trạm thu phát sóng di động, trung tâm dữ liệu, vệ tinh thông lượng cao, cũng như mạng 5G. Indonesia cũng là quốc gia tiên phong trong việc khai thác quỹ đạo vệ tinh Trái đất tầm thấp. Bộ trưởng Hartarto khẳng định, một ưu tiên hàng đầu khác là phát triển nguồn nhân lực. Indonesia cần ít nhất 600.000 nhân lực kỹ thuật số chất lượng cao mỗi năm. Để đáp ứng nhu cầu này, Chính phủ nỗ lực chuẩn bị một lực lượng lao động trẻ, đáng tin cậy bằng cách đưa công nghệ thông tin và truyền thông trở thành một phần của chương trình giảng dạy và mở rộng các chương trình đào tạo kỹ thuật số. Bộ trưởng Hartarto cho biết thêm, Indonesia chuẩn bị thông qua Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân. “Việc thông qua dự luật sẽ đưa Indonesia trở thành quốc gia thứ 5 ở Đông Nam Á có luật đặc biệt về bảo vệ dữ liệu cá nhân sau Singapore, Malaysia, Thái Lan và Philippines” - ông Airlangga Hartarto nói.

Bộ trưởng Airlangga Hartarto nhấn mạnh, Indonesia chọn vấn đề chuyển đổi kỹ thuật số là một trong những chương trình nghị sự ưu tiên trong nhiệm kỳ Chủ tịch Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) trong năm 2022. Indonesia cũng thúc đẩy phục hồi kinh tế toàn cầu bao trùm hơn, nhất là thông qua số hóa các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME), mở rộng tài chính bao trùm, tăng cường phổ biến kiến thức và kỹ năng kỹ thuật số, cũng như cải cách quản trị dữ liệu toàn cầu.

Khả năng cạnh tranh kỹ thuật số của Indonesia được cải thiện mạnh mẽ trong những năm qua nhờ dòng vốn đầu tư ổn định và việc áp dụng công nghệ nhanh chóng, nhất là trong thời kỳ đại dịch Covid-19. Một báo cáo chung do East Ventures, PwC Indonesia và Katadata Insight Centre công bố mới đây cho thấy sự tăng trưởng của nền kinh tế kỹ thuật số Indonesia trên khắp 34 tỉnh, thành phố có được là nhờ cơ sở hạ tầng kỹ thuật số có sẵn, nguồn nhân lực, hoạt động kinh tế kỹ thuật số và nhất là sự hỗ trợ của chính phủ. Chỉ số cạnh tranh kỹ thuật số của 34 tỉnh, thành của Indonesia duy trì đà tăng trong suốt ba năm qua, bất chấp tác động của dịch bệnh.

Theo Bộ Kế hoạch phát triển quốc gia Indonesia, công nghệ kỹ thuật số có tiềm năng tạo ra 20 triệu đến 45 triệu việc làm mới cho lao động ở nước này. Bộ trưởng Điều phối các vấn đề kinh tế Indonesia Airlangga Hartarto đánh giá, chuyển đổi kỹ thuật số là chìa khóa tăng tốc phục hồi kinh tế giúp nước này duy trì nền kinh tế kỹ thuật số lớn nhất ASEAN.

(Theo Antara)

Thu Nguyên

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/kinh-te-so-mo-ra-co-hoi-tang-truong-moi-cho-indonesia-post518002.antd