Kinh tế - tài chính quốc tế tuần từ 26/02-03/3/2018

Kinh tế - tài chính quốc tế tuần từ 26/02-03/3/2018

KINH TẾ - TÀI CHÍNH THẾ GIỚI

Nội dung

Tăng trưởng

- Hoa Kỳ: Trong quý IV/2017, GDP của Hoa Kỳ tăng trưởng chậm ở mức 2,5%, do hoạt động tiêu dùng tăng mạnh nhất trong 3 năm qua làm cho nhập khẩu gia tăng và hàng tồn kho giảm. Chi tiêu tiêu dùng tăng nhanh đã kéo theo lạm phát gia tăng. (Theo Bộ Thương mại Hoa Kỳ ngày 28/02)

Ấn Độ: Ấn Độ đã trở thành nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới trong quý IV/2017, đạt 7,2%, vượt qua mức tăng 6,8% của Trung Quốc và cao hơn dự đoán 6,9% do giới phân tích đưa ra trước đó do chi tiêu Chính phủ, sản xuất và dịch vụ đều khởi sắc.(Theo Bộ Thống kê Ấn Độ ngày 28/02)

Chứng khoán

- Chứng khoán Hoa Kỳ: Chỉ số thị trường chứng khoán trong tuần qua giảm điểm do giá cổ phiếu của các nhà sản xuất thép lớn của Hoa Kỳ giảm.Tính chung cả tuần (26/02 - 02/3/2018), chỉ số Dow Jones, S&P 500 và Nasdaq Composite giảm lần lượt 3%; 2% và 1% so với chốt phiên giao dịch cuối tuần trước (23/02/2018).Trong ngày giao dịch ngày 02/3/2018 so với phiên giao dịch hôm trước, các chỉ số:

+ Nasdaq tăng 77,31 điểm (1,08%) lên 7.257,87 điểm.

+ S&P 500 tăng 13,58 điểm (0,51%) lên 2.691,25 điểm.

+ Dow Jones giảm 70,92 điểm (-0,29%) xuống 24.538,06 điểm.

- Chứng khoán châu Á: Tính chung cả tuần, MSCI châu Á - Thái Bình Dương giảm 3,69 điểm (2,08%). Trong ngày giao dịch cuối tuần (02/3/2018) so với phiên giao dịch hôm trước, các chỉ số:

+ Kospi (Hàn Quốc) giảm 17,97 điểm (1,04%) xuống 2.402,16 điểm.

+ Shanghai Composite (Trung Quốc) giảm 19,22 điểm (-0,59%) xuống 3.254,53 điểm.

+ S&P/ASX 200 (Australia) giảm 62,94 điểm (-0,7%) xuống 5.932 điểm.

+ Nikkei 225 (Nhật Bản) giảm 542,83 điểm (-2,5%) xuống 21.181,64 điểm.

+ Hang Seng (Hong Kong) giảm 460,8 điểm (-1,48%) xuống 30.583,45 điểm.

Dầu mỏ

Tuần từ (26/02 - 02/3/2018), giá dầu WTI và Brent giảm lần lượt là 3,62%; 4,37%. Chốt phiên giao dịch cuối tuần (02/3/2018), giá dầu kỳ hạn giao tháng 03/2018:

- WTI trên sàn New York Mercantile Exchange tăng 0,28 USD (0,42%) lên 61,25 USD/thùng.

- Brent trên sàn ICE Futures Europe tăng 0,54 USD (0,84%) lên 64,37 USD/thùng.

Hoa Kỳ sẽ vượt Nga để trở thành nước sản xuất dầu thô lớn nhất thế giới vào năm 2019, khi đợt bùng nổ dầu khí đá phiến tại nước này chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”.Sản lượng khai thác dầu thô của Hoa Kỳ cuối năm 2017 đã vượt 10 triệu thùng dầu/ngày , cao hơn sản lượng của nhà xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới Saudi Arabia.Dự báo sản lượng khai thác dầu của Hoa Kỳ sẽ vượt 11 triệu thùng dầu/ngày vào cuối năm 2018. Nga hiện là nước sản xuất dầu hàng đầu thế giới, với sản lượng gần 11 triệu thùng/ngày.

(Theo dự báo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế - IEA ngày 27/2)

Trong tuần từ ngày 19 - 23/02, dự trữ dầu thô của Hoa Kỳ đã tăng 3 triệu thùng, cao hơn so với dự kiến tăng 2,1 triệu thùng của các nhà phân tích đưa ra trước đó do sản lượng dầu của nước này tăng 20% kể từ giữa năm 2016. (Theo EIA ngày 01/3)

Thị trường tài chính

Trong năm 2018, thị trường bất động sản toàn cầu sẽ khó đạt được doanh thu cao như năm 2017, đạt khoảng 650 tỷ USD, giảm 5 - 10%, do sự thiếu hụt các tài sản phù hợp, cùng với những yêu cầu khắt khe. Sự thay đổi của thị trường buộc các nhà đầu tư phải tìm kiếm những chiến lược mới với sự tập trung nhiều hơn vào việc vay nợ, mua bán sáp nhập và các ngành thay thế. (Theo dự báo của Công ty Jones Lang LaSalle - JLL ngày 28/02)

Châu Á

- Hàn Quốc: Trong năm 2017, tổng nợ nước ngoài của Hàn Quốc là 418,8 tỷ USD, tăng 34,7 tỷ USD so với năm 2016. Trong đó, nợ nước ngoài ngắn hạn là 115,9 tỷ USD, tăng 11,2 tỷ USD so với năm 2016 và chiếm 27,7% tổng nợ nước ngoài của Hàn Quốc (so với mức 27,3% của năm 2016). Đây là mức cao nhất kể từ năm 2012. (Theo Bộ Tài chính Hàn Quốc ngày 27/02)

Malaysia: Trong năm 2017, tổng thương mại song phương giữa Malaysia và Trung Quốc đạt 290,65 tỷ MYR (khoảng 74 tỷ USD), tăng 20,6% so với năm 2016. Xuất khẩu của Malaysia sang thị trường Trung Quốc đạt trên 126 tỷ MYR, tăng 28%. Nhập khẩu đạt 164,5 tỷ MYR, tăng 15,5%.Các sản phẩm và dịch vụ công nghệ, lĩnh vực chăm sóc sức khỏe (thực phẩm, đồ uống) và tiết kiệm năng lượng là những thế mạnh trong xuất khẩu của Malaysia sang thị trường Trung Quốc trong năm 2016. (Theo Cục Phát triển Ngoại thương Malaysia ngày 25/02)

- Singapore: Trong năm 2017, Singapore đã vượt Trung Quốc để trở thành nhà đầu tư châu Á lớn nhất tại thị trường bất động sản thương mại Hoa Kỳ (đầu tư 9,54 tỷ USD, tăng gần gấp 3 lần so với năm 2016), do các nhà đầu tư Trung Quốc bị chính phủ kiểm soát chặt trong việc chuyển tiền ra nước ngoài, làm cho dòng tiền đổ vào bất động sản Hoa Kỳ giảm 66% xuống còn 5,9 tỷ USD trong năm 2017. (Theo Real Capital Analytics và Cushman&Wakefield Inc ngày 26/02)

- Thái Lan: Thái Lan đặt mục tiêu tăng 6,5% kim ngạch xuất khẩu sang các nước thành viên ASEAN. Để đạt mục tiêu này, Cục Xúc tiến thương mại Quốc tế (DITP) sẽ tạo ra một mạng lưới liên kết các nhà kinh doanh với doanh nghiệp nhà nước và cơ quan chính phủ nhằm thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa của Thái Lan sang thị trường ASEAN; thiết lập trung tâm phân phối nông sản và nguyên, vật liệu xây dựng tại Myanmar. (Theo Cục Xúc tiến thương mại Quốc tế - DITP thuộc Bộ Thương mại Thái Lan 27/02)

- Ấn Độ: Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) vừa thông qua khoản vay 1,5 tỷ USD cho Ấn Độ để thực hiện các dự án liên quan đến phát triển cơ sở hạ tầng trong năm 2018, bao gồm 200 triệu USD cho Quỹ Đầu tư và Cơ sở hạ tầng quốc gia Ấn Độ để chi cho các dự án đường sá, nhà ở và phát triển đô thị. Ngoài ra, AIIB cũng sẽ xem xét phân bổ thêm vốn cho các dự án tương tự trong năm tới. (Theo Giám đốc phụ trách đầu tư của AIIB ngày 27/2)

Châu Âu

- Nga:

+ S&P đã nâng hạng tín nhiệm của Nga từ “BB+” lên “BBB-“, cùng với đánh giá triển vọng ổn định.Đây là một quyết định quan trọng đưa trái phiếu của Nga trở về nhóm đạt chuẩn đầu tư, cho thấy hiệu quả của chính sách thận trọng đã giúp giá hàng hóa của Nga giảm và nền kinh tế thích ứng được với các biện pháp trừng phạt quốc tế.Giá dầu đang nhích dần lên, tăng trưởng kinh tế tích cực trở lại, tình hình trái phiếu tương đối ổn định, các biện pháp trừng phạt của Hoa Kỳ có thể được gỡ bỏ trong tương lai gần.(Theo S&P ngày 23/02)

+ Ngân hàng Trung ương Nga - CBR đã tăng dự trữ vàng để đáp ứng mục tiêu giảm thiểu những tác động tiêu cực từ các rủi ro địa chính trị. Nga cũng là nước khai thác và sản xuất kim loại quý lớn thứ 3 thế giới. Chính phủ Nga đã mua 2/3 lượng vàng khai thác trong nước và trở thành nước sở hữu vàng lớn thứ 5 thế giới sau khi CBR tăng dự trữ vàng thêm 20 tấn, lên 1.857 tấn vào tháng 01/2018. (Theo Kênh truyền hình Nga Russia Today - RT ngày 28/02)

- Pháp: Số lao động không có việc làm của Pháp sẽ giảm 76.000 người trong năm 2018 và 126.000 người trong năm 2019, qua đó góp phần cải thiện thâm hụt ngân sách bảo hiểm thất nghiệp của Pháp. Thâm hụt ngân sách bảo hiểm thất nghiệp Pháp sẽ giảm từ 3,6 tỷ EUR (4,3 tỷ USD) trong năm 2017 xuống còn 2 tỷ EUR trong năm 2018 và 595 triệu EUR vào năm 2019. (Theo dự báo của Cơ quan Quản lý Bảo hiểm thất nghiệp Pháp - Unedic ngày 28/02)

Hoa Kỳ

Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã công bố “Chiến lược thương mại giai đoạn 2018 - 2022”, trong đó đề ra 5 mục tiêu cho ngành thương mại nước này trong thời gian tới:

+ Tăng cường vị trí dẫn đầu của Hoa Kỳ trong các lĩnh vực nghiên cứu, phát minh, sáng chế thông qua mở rộng các hoạt động thương mại không gian, tăng cường sáng tạo/sáng chế trong thương mại và tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

+ Tăng cường tạo việc làm thông qua tăng các sản phẩm, sản xuất/nuôi trồng thủy sản, giảm các luật lệ/quy định hành chính, củng cố cơ sở công nghiệp và thương mại trong nước, tăng cường xuất khẩu hàng hóa của Hoa Kỳ.

+ Tăng cường an ninh quốc gia và kinh tế Hoa Kỳ thông qua việc thúc đẩy thực thi các luật về an ninh và luật thương mại Hoa Kỳ, trong đó nhấn mạnh tăng cường thực thi luật thương mại nhằm bảo vệ các nhà sản xuất và người lao động Hoa Kỳ trước tình trạng thương mại bất bình đẳng, giám sát việc thực hiện các thỏa thuận thương mại và bảo vệ các công nghệ nhạy cảm của Hoa Kỳ thông qua hệ thống kiểm soát xuất khẩu chặt chẽ, cải thiện bảo vệ sở hữu trí tuệ, gỡ bỏ các hàng rào thương mại nước ngoài.

+ Thực hiện các yêu cầu của hiến pháp và hỗ trợ hoạt động kinh tế.

+ Tạo ra các dịch vụ lấy khách hàng làm trung tâm một cách hoàn hảo.

(Theo Bộ Thương mại Hoa Kỳ ngày 23/02)

Trong tháng 02/2018, chỉ số niềm tin người tiêu dùng tăng hơn 6 điểm lên 130,8 điểm - mức cao nhất kể từ tháng 11/2000, vượt xa dự đoán chỉ tăng ở mức 2,2 điểm được các nhà phân tích đưa ra trước đó. Chỉ số niềm tin người tiêu dùng tăng do công việc và thu nhập sẽ tiếp tục tăng trong những tháng tới. Kết quả chi tiêu tiêu dùng tăng trong những tháng đầu năm 2018 sẽ hỗ trợ tăng trưởng GDP của nền kinh tế Hoa Kỳ. (Theo kết quả khảo sát của Tổ chức nghiên cứu Conference Board ngày 27/02)

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump sẽ thông qua mức thuế quan mới đối với hai mặt hàng thép và nhôm nhập khẩu trong tuần 5 - 10/3, trong đó 25% đối với thép và 10% đối với nhôm. Đây là bước đi mới trong nỗ lực thúc đẩy chính sách bảo hộ của Tổng thống Trump.(Theo Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump ngày 01/3)

Nhật Bản

Ủy ban Ngân sách Hạ viện Nhật Bản ngày 28/02 đã thông qua ngân sách kỷ lục 97.710 tỷ JPY (912 tỷ USD) cho tài khóa 2018 (bắt đầu từ ngày 01/4/2018), trong đó: (i) 32.970 tỷ JPY, tương đương 1/3 ngân sách, cho an sinh xã hội trong bối cảnh dân số Nhật Bản già hóa; (ii) 5.190 tỷ JPY nâng cao năng lực quốc phòng. Ngoài ra, trong tài khóa 2018, Chính phủ Nhật Bản hướng tới đạt mục tiêu hạn chế mức tăng chi tiêu an sinh xã hội lên 500 tỷ JPY so với tài khóa trước đó sau khi khảo sát phí chăm sóc sức khỏe và y tế. (Theo Ủy ban Ngân sách Hạ viện Nhật Bản ngày 28/02)

Trong tháng 01/2018:

- Tỷ lệ thất nghiệp của Nhật Bản ở mức 2,4% - thấp nhất kể từ tháng 4/1993. (Theo Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản ngày 02/3)

- Tỷ lệ đáp ứng việc làm không thay đổi so với tháng 12/2017, ở mức 1,59% (100 người lao động thì có 159 việc làm) - mức cao nhất kể từ năm 1974. (Theo Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi)

Trung Quốc

Trong tháng 2/2018, chỉ số PMI của lĩnh vực sản xuất giảm xuống 50,3 điểm, giảm 1 điểm so với tháng 1/2018 và là mức giảm mạnh nhất trong hơn 6 năm. Sự sụt giảm này cho thấy, ngành sản xuất của Trung Quốc đang bước sang một giai đoạn đáng lo ngại trong quá trình chuyển đổi cơ cấu và sẽ ảnh hưởng đến GDP của Trung Quốc trong năm 2018. (Theo Cơ quan thống kê Trung Quốc ngày 28/02)

Nhận định chuyên gia

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Daniele Nouy ngày (26/02):

Các ngân hàng Hy Lạp đã đạt được tiến bộ trong việc giảm nợ không thanh toán được (NPL), nhưng giải quyết nợ xấu theo cách bền vững là một nhiệm vụ phải tiếp tục thực thi. Bà Nouy - người đứng đầu cơ quan Cơ chế giám sát chung (SSM) của ECB nhấn mạnh, ưu tiên hàng đầu đối với các ngân hàng Hy Lạp hiện nay là hạn chế các khoản NPL mới bằng cách cải thiện các tiêu chí bảo lãnh tín dụng và làm gọn bảng cân đối tài sản. Trước đó, Hãng Xếp hạng tín nhiệm quốc tế Fitch đã quyết định nâng xếp hạng nợ của Chính phủ Hy Lạp lên một bậc, từ "B-" lên “B”.

Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ - FED Jerome Powell (01/3):

- Thị trường việc làm của Hoa Kỳ hiện tại thiếu tính cạnh tranh, làm cho tiền lương chưa “tăng tốc” trong khi giá cả cũng chưa có dấu hiệu tăng do tỷ lệ lạm phát vẫn ở mức dưới 2%. Đây là những yếu tố cho thấy kinh tế Hoa Kỳkhông tăng trưởng “quá nóng” như cảnh báo của nhiều chuyên gia trước đó.

- Trong năm 2018, FED dự kiến tiếp tục nâng dần lãi suất cơ bản như đã thực hiện trong năm 2017 với 3 lần điều chỉnh. Đây là hướng đi phù hợp giúp nền kinh tế ổn định. Việc tăng lãi suất giúp cân bằng tỷ lệ thất nghiệp và lạm phát.

- Dự luật cải cách thuế của Tổng thống Donald Trump tiếp tục đóng góp cho sự tăng trưởng kinh tế Hoa Kỳ trong vài năm tới.

Trung tâm thông tin và dịch vụ tài chính

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/bao-cao-va-thong-ke-tai-chinh/kinh-te-tai-chinh-quoc-te-tuan-tu-26-0203-3-2018-136578.html