Kinh tế tập thể: Động lực phát triển kinh tế khu vực miền núi phía Bắc

Kinh tế tập thể mà nòng cốt là các hợp tác xã (HTX) đã và đang trở thành động lực phát triển khu vực miền núi phía Bắc. Tuy nhiên, để khu vực này tiếp tục đóng góp tích cực hơn cho phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới thì việc đẩy mạnh thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), gắn với kết nối tiêu thụ sản phẩm đang được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đẩy mạnh.

Những mô hình hiệu quả

Với 1.825 thành viên, HTX dịch vụ nông nghiệp và điện năng Vĩnh Lại (tỉnh Phú Thọ), hoạt động kinh doanh theo mô hình sản xuất – kinh doanh – dịch vụ tổng hợp cung cấp các dịch vụ đầu vào, làm đất, thu hoạch sản phẩm, xây dựng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho thành viên HTX và nông dân. Việc liên kết của HTX với các doanh nghiệp dựa trên nguyên tắc đảm bảo tối đa lợi ích và giảm thiểu các rủi ro để hình thành chuỗi giá trị và tiêu thụ sản phẩm, mang lại tối đa lợi ích kinh tế của thành viên. Kết quả là, trong những năm gần đây, doanh thu của HTX luôn đạt từ 16-17 tỷ đồng/năm, nộp ngân sách nhà nước hàng tỷ đồng, thăng dư của HTX đạt 487 triệu đồng/năm; tổng lợi ích của thành viên đạt được là 4,2 tỷ đồng/năm, phân phối thu nhập cho các thành viên theo vốn góp và mức độ sử dụng dịch vụ đạt 18%/năm.

Kinh tế tập thể đang là động lực phát triển kinh tế khu vực miền núi phía Bắc

Kinh tế tập thể đang là động lực phát triển kinh tế khu vực miền núi phía Bắc

Còn tại HTX Phương Nhung (tỉnh Lai Châu), được thành lập năm 2003, năm 2015 HTX tiến hành tổ chức lại theo Luật HTX 2012, với 28 thành viên và 100 lao động thường xuyên vốn kinh doanh 74 tỷ đồng, trong đó vốn góp thành viên là 17,995 tỷ đồng hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh vật liệu xây dựng, dịch vụ ăn uống, xây dựng, cho thuê máy công trình, kinh doanh vật tư nông nghiệp… Mặc dù khi mới thành lập, nhất là sau khi tổ chức lại HTX năm 2015, HTX gặp nhiều khó khăn trong hoạt động kinh doanh, tuy nhiên, trên cơ sở quy định của Luật HTX 2012, HTX đã từng bước củng cố, mở rộng kinh doanh, thực hiện tái cơ cấu sản xuất, xây dựng chiến lược, kế hoạch kinh doanh cụ thể, liên kết với các doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm. Đến nay, hoạt động kinh doanh của HTX đã dần được ổn định, doanh thu năm 2018 đạt trên 60 tỷ đồng, thặng dư của HTX đạt 254 triệu đồng, thu nhập bình quân của thành viên và người lao động đạt 7 triệu đồng/tháng.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), tính đến hết năm 2018, khu vực trung du, miền núi phía bắc có 3.371 HTX, chiếm 24,15% số HTX trong cả nước. Trong đó, số HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi, nông nghiệp, thủy sản) chiếm hơn 60%, còn lại hơn 30% hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ.

Liên minh HTX Việt Nam đánh giá, trong mười năm qua, cùng với quá trình xây dựng nông thôn mới, HTX khu vực miền núi phía Bắc đã có sự phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng hoạt động. Đến nay, chỉ riêng vùng Tây Bắc đã có 94 mô hình HTX kiểu mới sản xuất gắn với chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực, trong đó nhiều HTX kiểu mới không chỉ tiêu thụ sản phẩm ở thị trường trong nước, mà còn xuất khẩu, một số HTX đã tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Xây dựng cơ chế chính sách phù hợp

Bên cạnh kết quả đạt được, ông Lê Đức Thịnh - Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) – cho hay, mặc dù số lượng các HTX tăng, chất lượng hoạt động được nâng lên, song chưa bền vững. Tỷ lệ HTX hoạt động tốt, khá chỉ đạt 31,19% (thấp hơn so với bình quân cả nước), rất ít HTX có thương hiệu sản phẩm. Công tác tổ chức, quản lý điều hành HTX kiểu mới chưa bắt kịp những thay đổi của thị trường. Tình trạng thiếu vốn lưu động dẫn đến hầu hết các HTX không thể mở rộng được quy mô và phạm vi hoạt động kinh doanh, hiệu quả hoạt động thấp, khả năng đáp ứng nhu cầu dịch vụ cho thành viên hạn chế. Năng lực tiếp cận thị trường của nhiều HTX còn yếu. Hiệu quả hoạt động của nhiều HTX còn nhiều hạn chế, chưa khai thác hết tiềm năng và lợi thế sẵn có. HTX thiếu chủ động liên kết, hợp tác trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

Nguyên nhân do, khu vực miền núi phía Bắc là khu vực có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội khó khăn nhất trong cả nước, đây là những rào cản lớn đối với việc phát triển HTX kiểu mới theo hướng chuyển đổi cơ cấu sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm. Chính sách hỗ trợ phát triển HTX còn bất cập, thiếu đồng bộ, không được hướng dẫn, phổ biến kịp thời.

Ðể nâng cao hiệu quả HTX của vùng trung du miền núi phía Bắc, ông Lê Đức Thịnh kiến nghị, nhà nước cần kịp thời bổ sung cơ chế, chính sách mới thay thế những chính sách chưa thật sự hiệu quả, các dịch vụ công yếu kém cản trở HTX phát triển.

Liên minh HTX Việt Nam đề nghị Bộ Công Thương tiếp tục chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Liên minh HTX Việt Nam triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại nói chung và xúc tiến thương mại biên giới nói riêng cho các HTX, liên hiệp HTX cho các HTX khu vực miền núi phía Bắc. Các bộ ngành tập trung nguồn lực hỗ trợ các HTX kiểu mới theo hướng tái cơ cấu sản xuất gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm cho các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam đề nghị các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc đẩy mạnh chương trình OCOP. Xây dựng chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm, đảm bảo chất lượng, xuất xứ, nguồn gốc, xây dựng các sản phẩm có tính xã hội. Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ về đầu ra cho sản phẩm, áp dụng khoa học công nghệ, phương án sản xuất, giúp các HTX chủ động tiếp cận thông tin thị trường để đảm bảo sản xuất và đầu ra cho sản phẩm…

Bộ NN&PTNT đặt mục tiêu đến năm 2020 toàn vùng trung du miền núi phía Bắc có trên 3.900 HTX, liên hiệp HTX nông nghiệp hiệu quả. Trong đó có 400 HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và 30% số HTX nông nghiệp liên kết với doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm.

Nguyễn Hạnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/kinh-te-tap-the-dong-luc-phat-trien-kinh-te-khu-vuc-mien-nui-phia-bac-123282.html