Kinh tế tập thể tạo sức bật giảm nghèo
Những năm qua, nhờ sự phát triển mạnh mẽ của của các hợp tác xã nông, lâm nghiệp trên địa bàn mà đời sống đồng bào các dân tộc tỉnh Cao Bằng có sự thay đổi đáng kể. Không chỉ đóng góp lớn vào sự tăng trưởng kinh tế địa phương, nhiều hợp tác xã còn giúp người dân phát triển sinh kế, thay đổi tư duy sản xuất từ chính những sản phẩm cũ để từ đó có thêm thu nhập, nâng cao kinh tế hộ gia đình và tiến tới thoát nghèo bền vững.
Kinh tế tập thể giúp thay đổi tư duy sản xuất
HTX nông nghiệp Ba sạch Hưng Đạo được thành lập năm 2017, với mục tiêu bao tiêu các sản phẩm nông sản theo tiêu chí 3 sạch (sản xuất sạch, phân phối sạch, tiêu dùng sạch). Ngay từ khi thành lập, HTX đã rất quan tâm tới các chuỗi liên kết và các kênh thương mại. Đến năm 2020, mới thực sự là bước ngoặt của đơn vị này, khi HTX kết nối với một số doanh nghiệp trong cả nước triển khai thực hiện các mô hình trồng đậu tương, ngô ngọt, ngô bao tử tại TP. Cao Bằng và huyện Quảng Hòa. Đến năm 2021, HTX đã bao tiêu gần 1.000 tấn nông sản, đặc sản các loại; thu nhập đạt hơn 1 tỷ đồng, tạo việc làm thời vụ cho 25 - 30 lao động địa phương.

Các hợp tác xã giúp đồng bào địa phương thoát nghèo nhờ sản phẩm miến dong truyền thống. Nguồn: ITN
Hiện nay, HTX nông nghiệp Ba sạch Hưng Đạo bao tiêu, cung cấp hơn 30 mặt hàng nông sản trên thị trường, trong đó có 6 sản phẩm đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh. Một số mặt hàng của HTX được doanh nghiệp đặt bao tiêu toàn bộ để xuất khẩu sang các thị trường khó tính như châu Âu, Nhật Bản… Những hoạt động này mang lại thu nhập cho hàng chục hộ xã viên, nhiều gia đinh khi tham gia HTX vẫn là hộ cận nghèo nay đã bảo đảm được mức sống và có thu nhập ổn định.
Cũng giống như vậy, năm 2013, HTX Án Lại, xã Nguyễn Huệ, huyện Hòa An được thành lập, được ví như “cú hích” lịch sử trong xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống của bà con DTTS và phát triển kinh tế hợp tác ở vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn khó khăn.
Cây dong riềng được coi là cây “lộc trời” bởi phù hợp với khí hậu mát mẻ, cũng là loại cây gắn liền với nghề truyền thống làm miến dong trên địa bàn xã. HTX kêu gọi người dân địa phương phát triển vùng nguyên liệu dong riềng, sản xuất tinh bột để vừa giữ gìn nghề làm miến truyền thống, vừa phát triển kinh tế gia đình, không để xảy ra tình trạng thương lái ép giá.
Ban đầu, nhiều người còn nghi ngại nhưng khi được HTX cho ứng trước giống và phân bón, bà con thi đua tăng gia sản xuất, hình thành vùng nguyên liệu hơn 100ha. Nhờ nguồn kinh phí hỗ trợ từ Liên minh HTX Việt Nam, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Cao Bằng, Sở Công thương tỉnh Cao Bằng, HTX đã xây dựng được nhà xưởng, mua máy móc phục vụ sản xuất, nâng cao năng suất.
Hiện nay, HTX Án Lại đang bao tiêu sản phẩm cho các thành viên và hơn 200 hộ liên kết trong xã với sản lượng trung bình 6 tấn/hộ/năm. Các hộ thành viên của HTX Án Lại và khoảng 20 lao động địa phương có việc làm ổn định với thu nhập trung bình 4,5 triệu đồng/người/tháng.
Tạo điều kiện để người nghèo được tham gia HTX
Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Cao Bằng Mông Văn Lục chia sẻ, trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, các HTX đã tập hợp và làm thay đổi được tập quán, tư duy sản xuất của đồng bào DTTS để xây dựng một vùng trồng, chế biến nông sản sạch, bảo vệ môi trường và khơi dậy niềm tin về mô hình HTX kiểu mới. Các HTX nông nghiệp cũng góp phần nâng cao năng lực sản xuất cho người nghèo thông qua phổ biến kỹ thuật, công nghệ, ứng dụng khoa học, công nghệ mới vào sản xuất để phát triển theo chiều sâu.
Nhận thấy vai trò quan trọng của những mô hình kinh tế tập thể, Liên minh HTX tỉnh nỗ lực triển khai các chương trình, dự án hỗ trợ cho các HTX hoạt động hiệu quả. Năm 2022, Liên minh HTX tỉnh hỗ trợ 283 HTX đổi mới, tổ chức lại hoạt động theo Luật HTX năm 2012; tư vấn thành lập mới 20 HTX; hỗ trợ 9 HTX có nhu cầu vay vốn để mở rộng quy mô, phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động tại địa phương xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh, góp phần giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội. Giải ngân 2,8 tỷ đồng từ nguồn Quỹ hỗ trợ phát triển HTX, hỗ trợ 10 HTX và thành viên HTX phát triển sản xuất, kinh doanh. Phối hợp với Ban điều phối Dự án Hỗ trợ kinh doanh cho nông hộ tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, Trường Chính trị Hoàng Đình Giong, UBND các xã tổ chức hội nghị tuyên truyền tại 30 xã trong vùng dự án.
Đặc biệt, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Cao Bằng đã ban hành thông báo khuyến khích, kêu gọi các doanh nghiệp, HTX tham gia xây dựng kế hoạch, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị thuộc Tiểu Dự án 2, Dự án 3 (Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi), giai đoạn I (2021 - 2025).
Theo đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn được giao nguồn vốn 2 tỷ 166 triệu đồng để triển khai thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị (Tiểu Dự án 2, Dự án 3). Một số loại chuỗi liên kết trồng, thu mua đối với cây thạch đen, thuốc lá, quế, hồi, mắc ca. Nguồn lực sẽ ưu tiên nguồn lực thực hiện dự án, mô hình có trên 70% người dân tham gia là đối tượng thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ DTTS, người có công với cách mạng, phụ nữ thuộc hộ nghèo. Dự án, kế hoạch liên kết phải xác định được kết quả về chỉ số tạo việc làm, mức tăng thu nhập, đóng góp phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương theo kế hoạch năm và thời điểm kết thúc dự án.
Nội dung hỗ trợ gồm, tư vấn xây dựng liên kết, kế hoạch sản xuất, kinh doanh, quy trình kỹ thuật, phương án phát triển thị trường; vật tư, trang thiết bị phục vụ sản xuất, cung ứng dịch vụ, giống cây trồng, vật nuôi; đào tạo kỹ thuật sản xuất; tập huấn nghiệp vụ quản lý, và phát triển thị trường; chuyển giao áp dụng quy trình kỹ thuật trong sản xuất và quản lý chất lượng đồng bộ theo chuỗi; quảng bá, xúc tiến thương mại cho sản phẩm hàng hóa, dịch vụ…
Dương Lê