Kinh tế Thái Lan có thể sẽ phải mất ba năm để hồi phục

Truyền thông sở tại dẫn lời ông Somkiat cho biết TDRI dự tính sẽ phải mất từ 12-18 tháng để phân phối vắcxin ngừa COVID-19 và tới 3 năm để nền kinh tế Thái Lan trở lại các mức của năm 2019.

Người dân thủ đô Bangkok mua sắm sau khi các biện pháp phong tỏa phòng chống COVID-19 được nới lỏng. (Ảnh: Ngọc Quang/TTXVN)

Người dân thủ đô Bangkok mua sắm sau khi các biện pháp phong tỏa phòng chống COVID-19 được nới lỏng. (Ảnh: Ngọc Quang/TTXVN)

Viện Nghiên cứu Phát triển Thái Lan (TDRI) vừa đưa ra dự báo rằng quốc gia Đông Nam Á này có thể sẽ phải mất tới 3 năm để trở lại những điều kiện kinh tế bình thường tương tự như năm 2019.

Phát biểu tại một hội thảo do Phòng Thương mại Thái Lan (TCC) tổ chức, Chủ tịch TDRI Somkiat Tangkitvanich cho rằng cuộc khủng hoảng kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra dự kiến sẽ lớn hơn cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Tuy nhiên, hiện chưa rõ liệu cuộc khủng hoảng hiện nay có trầm trọng hơn cuộc Đại suy thoái hồi những năm 1930 hay không.

Truyền thông sở tại dẫn lời ông Somkiat cho biết TDRI dự tính sẽ phải mất từ 12-18 tháng để phân phối vắcxin ngừa COVID-19 và tới 3 năm để nền kinh tế Thái Lan trở lại các mức của năm 2019.

Theo ông Somkiat, Thái Lan hiện đang trong quá trình chuyển tiếp, khi những biện pháp phong tỏa bắt đầu được nới lỏng và nhiều doanh nghiệp được phép mở cửa trở lại.

Tuy nhiên, các biện pháp kiểm soát chặt chẽ vẫn cần thiết để ngăn chặn nguy cơ bùng phát dịch thứ hai. Khu vực kinh doanh cần có những tập quán kinh doanh mới để thích nghi với môi trường kinh doanh đang thay đổi.

Trong khi đó, bất chấp những gói kích thích tài chính quy mô lớn và việc nới lỏng tiền tệ, Ngân hàng CIMB Thai (CIMBT) dự báo kinh tế Thái Lan có thể tiếp tục giảm mạnh trong quý 2/2020, với mức giảm có thể dưới 12,5% được ghi nhận trong quý 2/1998.

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Thái Lan đã từng giảm 7,6% cách đây 22 năm khi nền kinh tế bị tác động bởi cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997.

Theo người đứng đầu bộ phận nghiên cứu của CIMBT, Amonthep Chawla, cơ quan này dự kiến GDP của Thái Lan trong quý II/2020 sẽ giảm 14% so với cùng kỳ năm 2019.

Ông Amonthep nhận xét xuất khẩu sẽ tiếp tục giảm do nhu cầu toàn cầu yếu và các biện pháp phong tỏa vẫn tiếp diễn ở những nền kinh tế lớn. Số lượng khách du lịch tới Thái Lan trong quý 2/2020 sẽ giảm rất mạnh do những hạn chế về đi lại.

Khu vực tư nhân có thể vẫn sẽ yếu trong cả hai lĩnh vực tiêu dùng và đầu tư, sau khi có sự sụt giảm trong thu nhập nông nghiệp và phi nông nghiệp cũng như tình trạng thiếu niềm tin trong giới đầu tư và người tiêu dùng.

Nhằm giúp giảm nhẹ tác động kinh tế của đại dịch COVID-19 cũng như các biện pháp giãn cách xã hội, Ủy ban Chính sách Tiền tệ (MPC) của Ngân hàng Trung ương Thái Lan (BoT) ngày 20/5 đã cắt giảm lãi suất cơ bản xuống mức thấp kỷ lục 0,5%, từ mức 0,75%.

Đây là lần thứ hai MPC cắt giảm lãi suất cơ bản trong năm nay, khi nền kinh tế Thái Lan giảm sâu hơn so với dự báo trước đó do sự suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Kinh tế Thái Lan được cho là đang có nguy cơ suy thoái sau khi trong quý 1/2020 đã giảm 1,8% so với cùng kỳ năm 2019, mức giảm sâu nhất kể từ quý 4/2011 khi nước này phải hứng chịu lũ lụt.

Sự sụt giảm trên đã khiến cho Hội đồng Phát triển Kinh tế và Xã hội Quốc gia Thái Lan (NESDC) phải hạ dự báo tăng trưởng kinh tế xuống mức âm 5-6% trong năm nay, so với mức dự báo tăng 1,5-2,5% đưa ra hồi tháng 2/2020.

Trước đó, BoT cũng khuyến cáo nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á này sẽ trải qua tình trạng tồi tệ nhất trong quý 2/2020, trước khi có sự cải thiện trong các quý tiếp theo./.

Ngọc Quang (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/kinh-te-thai-lan-co-the-se-phai-mat-ba-nam-de-hoi-phuc/641377.vnp