Kinh tế Thăng Bình tăng trưởng khá

Trong 6 tháng đầu năm, kinh tế huyện Thăng Bình tăng trưởng khá với tổng giá trị sản xuất là 8.990 tỷ đồng, đạt 51,52% kế hoạch năm. Trong đó, cơ cấu giữa các ngành nông nghiệp - công nghiệp, xây dựng - thương mại, dịch vụ tương ứng là 18,02% - 37,60% - 44,38%.

Huyện ủy Thăng Bình tổ chức hội nghị lần thứ 18 để sơ kết, đánh giá thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm. Ảnh: QUANG VIỆT

Chú trọng quy hoạch

Về quy hoạch, quản lý quy hoạch, đầu tư và xây dựng, huyện Thăng Bình chú trọng quản lý, triển khai các quy hoạch đã được phê duyệt. Huyện đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình quan trọng như tuyến đường nối đường ven biển 129 đến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Nhiều công trình giao thông nông thôn được triển khai đúng tiến độ.

Sau khi được UBND huyện Thăng Bình giao nhiệm vụ tổ chức lập quy hoạch xây dựng vùng đến năm 2030, Phòng Kinh tế - hạ tầng đã tham khảo, nhận ý kiến của Thường trực Huyện ủy, HĐND huyện, UBND huyện, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện và các ngành, địa phương, được HĐND huyện thống nhất thông qua tại Nghị quyết số 14/NQ-HĐND ngày 13.12.2018. Đến nay, huyện Thăng Bình đang hoàn thành các cơ sở pháp lý trình Sở Xây dựng thẩm định, tham mưu UBND tỉnh phê duyệt.

Phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Thăng Bình cũng đã hoàn thành đồ án quy hoạch chung xây dựng đô thị Bình Minh, đang trình HĐND huyện xem xét, thông qua tại kỳ họp sắp đến làm cơ sở trình Sở Xây dựng xem xét, tham mưu UBND tỉnh phê duyệt. Đối với quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 Khu tái định cư ven biển Bình Dương, huyện Thăng Bình đang bổ sung một số nội dung có liên quan, trình Sở Xây dựng xem xét để đổi tên thành quy hoạch chi tiết 1/500 Khu dân cư ven biển Bình Dương.

Huyện ủy Thăng Bình đã báo cáo Tỉnh ủy để chỉ đạo UBND tỉnh, Sở Xây dựng sớm thực hiện các đề nghị của UBND huyện Thăng Bình về dự án, quy hoạch đã trình, thống nhất chủ trương để huyện tổ chức thực hiện điều chỉnh quy hoạch, thực hiện các ý tưởng xây dựng khu vực tái định cư cho nhu cầu tái định cư tại chỗ của người dân với diện tích 25ha cũng như xây dựng bãi tắm xã Bình Dương đã trở nên bức thiết.

Nhiều giải pháp

Ông Đoàn Thanh Khiết - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thăng Bình cho rằng, cần triển khai đồng bộ các giải pháp để giải quyết tình trạng hoang hóa một số diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn. Đối với khu vực có thể cải tạo để canh tác lúa trong vụ đông xuân 2019 - 2020 như Hiệp Hưng (xã Bình Hải), Bình Túy (Bình Giang) hay khu phố 4 (thị trấn Hà Lam) cần huy động cơ giới hóa để khai hoang, diệt cỏ, cải tạo đất để đưa vào trồng lúa. Đối với các diện tích đất khác, có thể chuyển sang canh tác cây trồng cạn như đậu phụng, mè, bắp hoặc cho hợp tác xã thuê để tổ chức sản xuất nông nghiệp hiệu quả hơn. Đối với vùng trũng thấp hoang hóa, có thể chuyển sang trồng sen.

“Các xã, thị trấn cần căn cứ vào các quy hoạch của huyện để có thể chuyển đất hoang hóa sang nuôi trồng thủy sản, trồng rừng ngập mặn hay cho doanh thuê để đầu tư sản xuất hàng hóa lớn. Các địa phương cũng cần huy động nhiều nguồn lực để đầu tư, kiện toàn lại các yếu tố hạ tầng như thủy lợi, đê ngăn mặn, kè chống sạt lở để tạo thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp của người nông dân” - ông Khiết nói.

Theo ông Phan Công Vỹ - Bí thư Huyện ủy Thăng Bình, địa phương cần tăng cường công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực đất đai, tài nguyên, khoáng sản, môi trường. Theo đó, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành việc kê khai đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các tổ chức, cá nhân. Cấp ủy, các cấp chính quyền địa phương của huyện cần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, đồng bộ hơn nữa trong công tác giải phóng mặt bằng, quản lý đất đai, quản lý hiện trạng, đảm bảo tiến độ thực hiện các dự án, nhất là vùng đông nam của huyện.

UBND huyện cần khẩn trương xây dựng đề án phát triển kinh tế vùng tây và đề án hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm để trình HĐND huyện thông qua. Chương trình mỗi xã một sản phẩm cần được thực hiện đồng bộ ở khắp các địa phương, các hợp tác xã, huy động mọi nguồn lực tham gia hiệu quả. “Vốn đầu tư và xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản cần được tăng cường quản lý cũng như đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án trọng điểm trong năm 2019. Đối với xây dựng nông thôn mới, các cơ quan của huyện, các địa phương cần xây dựng kế hoạch cụ thể, kiểm tra hiệu quả tiến độ thực hiện, giải quyết các vướng mắc để về đích trong năm 2019 này” - ông Phan Công Vỹ nói.

VIỆT NGUYỄN

Nguồn Quảng Nam: http://baoquangnam.vn/chinh-tri/201907/kinh-te-thang-binh-tang-truong-kha-862476/