Kinh tế thế giới bắt đầu bị tổn thất

Trung Quốc tự tin chiến thắng vi rút corona "ác quỷ"

(HNM) - Trong khi Trung Quốc và các quốc gia trên thế giới đang nỗ lực ứng phó với dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona gây ra thì thảm họa này đã và dự kiến sẽ gây ra những thiệt hại nặng nề không chỉ với nền kinh tế Trung Quốc mà cả thế giới.

Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh bị đóng cửa để phòng ngừa lây lan bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng vi rút corona gây ra.

Bộ Giao thông Trung Quốc thông báo, giao thông đường sắt ngày 25-1 (mùng 1 Tết Nguyên đán) sụt giảm 42% so với cùng kỳ năm ngoái. Số lượng chuyến bay thương mại giảm 42% và tổng giao thông toàn quốc trượt dốc 29%. Thiệt hại còn nghiêm trọng hơn khi Công ty Đường sắt Trung Quốc Thành Đô tuyên bố sẽ dừng một số tuyến tàu cao tốc trong vài ngày tới. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) ước tính đại dịch viêm đường hô hấp cấp (SARS) năm 2003 đã khiến kinh tế Trung Quốc thiệt hại 20 tỷ USD. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, quy mô nền kinh tế Trung Quốc đã lớn gấp 6 lần so với năm 2003. Vì vậy, tác động của bệnh dịch với kinh tế nước này sẽ nghiêm trọng hơn.

Trên thế giới, các sàn giao dịch chứng khoán đỏ rực do giới đầu tư lo ngại ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh. Trong phiên giao dịch ngày 28-1, chỉ số chứng khoán Nhật Bản Nikkei 225 đã giảm 199,23 điểm (0,85%), hợp đồng tương lai chứng khoán Nhật Bản cũng giảm 170 điểm, chỉ số Shanghai Se giảm 84,226 (2,75%), S&P 500 giảm 51,84 (1,57%), DAX Index giảm 2,74%… Trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ cũng tụt 5 điểm cơ sở, xuống 1,6218%, mức thấp nhất kể từ tháng 10-2019. Theo giới chuyên môn, dòng vốn hiện đang đổ dồn sang vàng hay USD, khiến các tài sản an toàn hơn này đều tăng giá. Mở cửa phiên giao dịch sáng 28-1, giá vàng thế giới ở mốc 1.581,20 USD/ounce.

Bên cạnh thị trường tài chính, nguồn khách du lịch từ Trung Quốc suy giảm được dự báo sẽ khiến nhiều nền kinh tế gặp khó khăn. Ngay tại Trung Quốc, các công ty lữ hành hiện đã bị cấm tổ chức đoàn du lịch và hoạt động bán vé máy bay, phòng khách sạn cho công dân có ý định du lịch ra nước ngoài. Trong khi đó, nhiều quốc gia cũng ban bố những hạn chế nhất định với du khách Trung Quốc. Trước thực tế trên, giới chức Thái Lan cảnh báo ngành Du lịch nước này có thể tổn thất hơn 3 tỷ USD trong bối cảnh 27% khách du lịch tới Thái Lan là người Trung Quốc. Các quốc gia với tỷ lệ du khách Trung Quốc cao cũng rơi vào tình trạng tương tự, trong đó có Nhật Bản (30%), Campuchia (38%)…

Nếu dịch bệnh kéo dài, du lịch châu Âu cũng chịu thiệt hại nặng nề. Đơn cử như Pháp trong năm 2019 đã tiếp nhận khoảng 2 triệu khách du lịch Trung Quốc lưu trú trung bình 5 ngày và chi tiêu khoảng 4 tỷ euro. Thụy Sỹ hiện đã chứng kiến sự suy giảm lượng đặt phòng khách sạn trước từ Trung Quốc, vốn chiếm khoảng 4,5% tổng lượng đặt phòng qua đêm tại nước này trong năm qua. Giới phân tích nhận định, nếu dịch tiếp tục bùng phát, ngành hàng không, khách sạn, vui chơi giải trí sẽ bị tác động nghiêm trọng trong khi doanh thu của các nhãn hàng xa xỉ vốn bị chi phối khá lớn bởi khách du lịch Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng nặng nề.

Nguy hiểm hơn, với vị trí là nhà cung cấp nguyên liệu sản xuất lớn và là thị trường đông dân nhất thế giới, hoạt động xuất, nhập khẩu và sản xuất của nhiều quốc gia chắc chắn sẽ suy giảm đáng kể nếu Trung Quốc gặp “sự cố”. Mới đây, Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Yasutoshi Nishimura đã bày tỏ quan ngại về vấn đề này trong bối cảnh Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Nhật Bản và là thị trường khổng lồ cho các nhà bán lẻ nước này. Chỉ riêng Honda đã có tới 3 nhà máy tại tâm dịch Vũ Hán trong khi hệ thống trung tâm thương mại Aeon tại thành phố thuộc tỉnh Hồ Bắc này cũng phải đóng cửa tạm thời.

Với diễn biến phức tạp của dịch bệnh, nếu các quốc gia không sớm có chính sách phù hợp, năm 2020 có thể sẽ đi vào lịch sử thế giới như một đợt suy thoái mới với mức thiệt hại vượt xa con số 40 tỷ USD mà đại dịch SARS từng gây ra hồi năm 2003.

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/the-gioi/956640/kinh-te-the-gioi-bat-dau-bi-ton-that