Kinh tế thế giới: 'Điểm nóng' không còn chỉ là cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit), những dấu hiệu chậm lại của nền kinh tế ở Trung Quốc và Đức chính là lý do dẫn đến sự suy yếu của nền kinh tế toàn cầu.

Sau một năm kể từ khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung bùng nổ, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã đặt ra mối lo ngại rằng, thương mại quốc tế đang gặp khó khăn. Đã có nhiều số liệu chứng tỏ cuộc chiến thương mại gây thiệt hại đối với kinh tế toàn cầu. Cụ thể, dữ liệu của Cục Phân tích Chính sách Kinh tế Hà Lan (CPB) cho biết, thương mại toàn cầu đã giảm 0,1% trong tháng 1/2019 và có xu hướng tiếp tục giảm.

Theo WTO, đây không còn là cuộc chiến thương mại giữa hai cường quốc, nó đã kéo theo một loạt rủi ro khiến nền kinh tế toàn cầu bị tổn thương và dẫn đến sự suy yếu của tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Tháng 9/2018, lượng xe ô tô mới đăng ký ở Đức sụt 30% so với cùng kỳ năm ngoái. ( Nguồn: Socialpeoplemagazine.com)

Theo WTO, thương mại quốc tế đã bị hạn chế bởi thuế quan và các biện pháp trả đũa của Mỹ, Trung Quốc. Tổng lượng hàng hóa áp thuế của hai bên đã lên tới 360 tỷ USD. Thêm vào đó, điều kiện tiền tệ chặt chẽ ở các nước phát triển cũng là một yếu tố khiến thương mại quốc tế bị “đè nén”.

Kể cả, nếu Washington và Bắc Kinh giải quyết được vấn đề của họ, nhiều tồn đọng sẽ được gỡ bỏ, nhưng những trở ngại lớn hơn vẫn có thể tiếp tục tiếp diễn. Điển hình như việc, nếu Tổng thống Mỹ Trump tiếp tục áp đặt thuế quan lên mặt hàng ô tô nhập khẩu nước ngoài vào Mỹ thì “cú sốc” đối với nền kinh tế toàn cầu có thể lớn hơn. Hay việc ông Trump đe dọa sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt thương mại đối với hàng hóa từ Liên minh châu Âu (EU) cũng là một mối lo ngại không hề nhỏ.

Lý do tiếp theo là triển vọng của Brexit vẫn “bị treo” và tiềm ẩn rủi ro về một Brexit không có thỏa thuận. Ngân hàng Anh cảnh báo, Brexit có thể thu hẹp nền kinh tế Anh tới 8% trong 15 năm tới và châu Âu sẽ phải đối mặt với nguy cơ suy giảm kinh tế nghiêm trọng.

Bên cạnh đó, Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu đang có dấu hiệu chậm lại, cũng là một yếu tố khiến kinh tế toàn cầu bị tổn thương. Mặc dù đã cố gắng hạn chế, đặc biệt là về công nghiệp, nhưng sự suy giảm kinh tế của Đức vẫn đang lộ diện và rủi ro suy thoái vẫn còn lớn. Số liệu thống kê cho thấy, sản lượng công nghiệp của Đức giảm 1,9% trong tháng 11/2018 so với tháng 10/2018, tệ hơn nhiều so với mức dự báo tăng 0,3% mà giới phân tích đưa ra trước đó.

Cùng với đó, tháng 9/2018, lượng xe ô tô mới đăng ký ở Đức sụt 30% so với cùng kỳ năm ngoái, điều này đã đặt ra những căng thẳng nghiêm trọng đối với ngành công nghiệp xe hơi của châu Âu và triển vọng kinh tế chung. Rắc rối trong nền kinh tế lớn nhất châu Âu sẽ làm tăng thêm nỗi lo ngại về tăng trưởng toàn cầu sẽ chậm hơn trong năm nay.

Các nhà phân tích cũng lo lắng về Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang phải đối mặt với những dấu hiệu tăng trưởng chậm.

Trung Quốc đã tìm cách vực dậy nền kinh tế đang trì trệ của mình thông qua các biện pháp như cắt giảm thuế hàng tỷ USD, giảm chi vào lĩnh vực xây dựng cấu trúc hạ tầng. Bắc Kinh cũng vừa công bố các biện pháp mới trị giá 1.300 tỷ Nhân dân tệ (193 tỷ USD), được thiết kế để kích thích nền kinh tế, bao gồm cắt giảm thuế cho các doanh nghiệp nhỏ và giảm thuế suất hải quan.

Đó là nỗ lực mới nhất trong một loạt các nỗ lực của chính phủ Trung Quốc, nhằm thúc đẩy tăng trưởng thời gian gần đây. Tuy nhiên, đà tăng trưởng kinh tế nước này vẫn đang ở mức yếu nhất trong vòng 30 năm qua, do nhu cầu trong nước giảm và cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ.

Gia Thành

(theo SCMP)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/kinh-te-the-gioi-diem-nong-khong-con-chi-la-cuoc-chien-thuong-mai-my-trung-91593.html