Kinh tế thế giới nổi bật (15-21/7): EU phong tỏa ngân hàng Sberbank, tin đồn về khí đốt Nga, Đức đối mặt rủi ro lớn

Tăng trưởng toàn cầu bị đe dọa, EU áp gói trừng phạt thứ 7 lên Nga liên quan xung đột tại Ukraine, châu Âu lo đối phó thiếu khí đốt, Trung Quốc liên tiếp mua số lượng lớn dầu từ Moscow… là những tin kinh tế thế giới nổi bật tuần qua.

Nếu Nga đóng hoàn toàn đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 1, hoạt động kinh tế của Đức có thể giảm sút đáng kể và lạm phát gia tăng mạnh. Trong ảnh: Nhân viên kỹ thuật làm việc tại trạm bơm khí đốt tự nhiên ở Sayda, miền Đông Đức. (Nguồn: AP)

Nếu Nga đóng hoàn toàn đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 1, hoạt động kinh tế của Đức có thể giảm sút đáng kể và lạm phát gia tăng mạnh. Trong ảnh: Nhân viên kỹ thuật làm việc tại trạm bơm khí đốt tự nhiên ở Sayda, miền Đông Đức. (Nguồn: AP)

Kinh tế thế giới IMF sẽ hạ triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) sẽ cắt giảm triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu một cách đáng kể trong bản cập nhật sắp tới, giữa bối cảnh các nền kinh tế đang phải vật lộn với những lựa chọn hết sức hạn hẹp để giải quyết những rủi ro ngày càng lớn.

Ceyla Pazarbasioglu, Giám đốc Bộ phận Chiến lược, chính sách và đánh giá của IMF, cho rằng, sự kết hợp giữa giá thực phẩm và năng lượng tăng cao, xu hướng dòng vốn chảy chậm vào các thị trường mới nổi và sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc đang đặt ra những thách thức không nhỏ cho các nhà hoạch định chính sách.

“Hết cú sốc này đến cú sốc khác đang tác động tới kinh tế toàn cầu”, chuyên gia IMF nhận định.

Trước đó, IMF đã hạ triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay xuống 3,6%, từ mức 4,4% được đưa ra trước cuộc xung đột ở Ukraine. Trong bản cập nhật đánh giá vào tháng này, "chúng tôi (IMF) sẽ tiếp tục hạ đáng kể các dự báo", bà Pazarbasioglu nói.

Các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới đang gặp khó khăn trong việc tìm ra kế hoạch ứng phó thích hợp với vấn đề lạm phát gây ra bởi sự gián đoạn chuỗi cung ứng.

Hyun Song Shin, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS), nhận định: “Triển vọng ‘hạ cánh mềm’ đang dần bị thu hẹp.

Con đường ấy không hẳn là đã đóng, song đang ngày càng trở nên gập ghềnh hơn. Khi các ngân hàng trung ương thực hiện chính sách tiền tệ một cách nhanh chóng, dứt khoát và có phản ứng trước với lạm phát, kịch bản ‘hạ cánh mềm’ sẽ dễ xảy ra hơn”. (Bloomberg)

Kinh tế Mỹ

* Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen ngày 19/7 kêu gọi xây dựng các chuỗi cung ứng năng động với các đồng minh, nhằm hạ nhiệt lạm phát và ngăn chặn tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng. Động thái này là một phần trong chiến lược "friend-shoring" (sản xuất tại các quốc gia thân thiện) mà Washington đang theo đuổi.

Bà Yellen nêu rõ, chiến lược trên là một yếu tố quan trọng nhằm đẩy mạnh sự phục hồi kinh tế trong khi vẫn duy trì động lực và tăng trưởng sản xuất cùng với hội nhập kinh tế. (AP)

* Sức ép từ mức lạm phát cao sẽ ảnh hưởng đến ngành công nghiệp may mặc của Mỹ khi người tiêu dùng có xu hướng cắt giảm chi tiêu.

Marc Cohen, giảng viên tại trường Columbia Business School, cho biết, chi tiêu của người tiêu dùng đã phục hồi đáng kể, nhưng sẽ bắt đầu giảm do sức ép lạm phát, đồng thời lưu ý, nếu người Mỹ đang sống bằng tiền lương, họ sẽ không có nhiều thu nhập khả dụng như cách đây một năm.

Theo ông Cohen, ngành dệt may sẽ phải đối mặt với thách thức do ngành này dễ bị ảnh hưởng bởi lạm phát cao. Một cuộc khảo sát gần đây của công ty tư vấn First Insight, Inc. (Mỹ) đối với 1.000 người trưởng thành tại Mỹ cho thấy 28% trong số họ đang cắt giảm chi tiêu cho thời trang nhanh. (THX)

Kinh tế Trung Quốc

* Trung Quốc kỳ vọng sản lượng ngũ cốc sẽ ổn định trong năm nay, bất chấp những thách thức bao gồm trận lũ lụt hiếm gặp vào mùa Thu năm ngoái, các đợt bùng phát dịch Covid-19 và những biến động mạnh trên thị trường nông sản toàn cầu.

Tại cuộc họp báo ngày 20/7, đại diện Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc cho hay, tình hình sản xuất ngũ cốc của nước này diễn biến khá tốt trong năm nay. Cụ thể, sản lượng ngũ cốc vụ Hè của Trung Quốc tăng thêm 1,435 triệu tấn trong năm nay và đã thu hoạch sớm hơn 60% sản lượng lúa non. (THX)

* Trong tháng Năm và tháng Sáu, Nga liên tục là nước cung cấp dầu lớn nhất cho Trung Quốc.

Theo báo cáo ngày 20/7 của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, tổng lượng dầu mà nước này nhập khẩu của Nga qua các đường ống dẫn dầu ở Thái Bình Dương Đông Siberia và các cảng ở vùng Viễn Đông là 7,29 triệu tấn, tăng gần 10% so với một năm trước.

Tuy nhiên, tính cả năm, lượng dầu Trung Quốc nhập khẩu từ Nga là 41,3 triệu tấn, tăng 4%, song vẫn xếp sau Saudi Arabia (43,3 triệu tấn). (AFP)

Kinh tế châu Âu

* Ngày 20/7, các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí gói trừng phạt thứ 7 nhằm vào Nga, trong đó cấm nhập khẩu vàng của nước này và phong tỏa tài sản của ngân hàng lớn nhất Nga Sberbank. Lệnh trừng phạt có hiệu lực từ ngày 21/7.

Ngoài ra, EU còn bổ sung nhiều cá nhân và thực thể của Nga có liên quan đến chiến dịch quân sự đặc biệt của Moscow tại Ukraine vào danh sách đen.

Trước đó, trong gói trừng phạt thứ 6 của EU đối với Nga được thông qua hồi tháng Sáu, liên minh này đã cấm nhập khẩu hầu hết dầu mỏ của Nga. (Reuters)

* Trong thông báo ra ngày 20/7, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo, nếu khả năng Nga đóng hoàn toàn đường ống dẫn khí Nord Stream 1 (Dòng chảy phương Bắc 1) xảy ra, hoạt động kinh tế của Đức có thể giảm sút đáng kể và lạm phát gia tăng mạnh.

IMF dự báo mức thiệt hại của Đức sẽ lên tới 1,5% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm 2022, 2,7% GDP vào năm 2023 và 0,4% vào năm 2024. IMF cho rằng rủi ro sẽ là rất lớn với nền kinh tế Đức nếu Nga đóng hoàn toàn đường ống Nord Stream 1, thậm chí, GDP có thể bằng 0 ngay trong những quý tới. (TTXVN)

* EU ngày 20/7 đưa ra kế hoạch khẩn cấp để các nước thành viên cắt giảm sử dụng 15% nhu cầu khí đốt cho đến tháng 3/2023, đồng thời cảnh báo rằng, nếu không cắt giảm sâu ngay từ bây giờ thì họ có thể gặp khó khăn về nhiên liệu trong mùa Đông nếu Nga cắt nguồn cung khí đốt.

Ủy ban châu Âu (EC) đề xuất một mục tiêu tự nguyện cho tất cả các nước thành viên EU với việc cắt giảm 15% lượng khí đốt sử dụng từ tháng 8/2022 tới tháng 3/2023, so với mức tiêu thụ trung bình trong giai đoạn năm 2016-2021. Mức giảm này có thể trở thành yêu cầu bắt buộc nếu EC tuyên bố nguy cơ đáng kể về tình trạng thiếu khí đốt trầm trọng ở EU.

Đề xuất cần được sự chấp thuận của đa số các nước thành viên EU. Dự kiến, các nhà ngoại giao EU sẽ thảo luận về vấn đề này vào ngày 22/7, với mục tiêu thông qua đề xuất tại một cuộc họp của các bộ trưởng năng lượng EU trong ngày 26/7. (Reuters)

* Hai nguồn thạo tin ngày 19/7 cho biết, dòng khí đốt Nga cung cấp qua tuyến đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 sẽ được nối lại đúng lịch trình vào ngày 21/7.

Trước đó trong ngày 19/7, WSJ dẫn lời Ủy viên Ngân sách châu Âu Johannes Hahn, cho biết, EC không trông đợi tuyến đường ống sẽ được khởi động lại sau khi bảo trì. Theo các nguồn tin giấu tên trên, tuyến đường ống dự kiến sẽ hoạt động trở lại đúng thời hạn, nhưng với lưu lượng thấp hơn mức khoảng 160 triệu m3/ngày.

“Họ (Gazprom) sẽ trở lại mức đã thấy trước ngày 11/7”, một trong những nguồn tin cho biết về khối lượng khí đốt dự kiến cung cấp qua Dòng chảy phương Bắc 1 từ ngày 21/7. (TTXVN)

* Chính phủ Nga ngày 17/7 cho biết, nước này đã tăng hạn ngạch xuất khẩu dầu hướng dương và khô dầu hướng dương, với lý do đã đáp ứng đủ nguồn cung trong nước.

Theo đó, hạn ngạch xuất khẩu dầu hướng dương của Nga đã tăng thêm 400.000 tấn từ mức 1,5 triệu tấn trước đó, trong khi hạn chế xuất khẩu đối với khô dầu hướng dương được nâng thêm 150.000 tấn từ mức giới hạn trước đó là 700.000 tấn. (Reuters)

Kinh tế Nhật Bản và Hàn Quốc

* Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio ngày 14/7 thông báo, nước này sẽ có 9 lò phản ứng hạt nhân hoạt động vào mùa Đông năm nay nhằm đảm bảo nguồn cung cấp ổn định trong thời gian cao điểm tiêu thụ điện.

Ngoài ra, ông Kishida đã chỉ đạo Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Koichi Hagiuda thực hiện mục tiêu tăng công suất 10 máy phát điện tại các nhà máy điện nhiên liệu hóa thạch.

Nhật Bản dự kiến triển khai chương trình hỗ trợ tiền điện và khuyến khích người dân tiết kiệm điện từ tháng 8. Theo đó, chính phủ sẽ xem xét hỗ trợ tiền điện cho người dân dựa vào số “Điểm tiết kiệm điện” mà người dân tích lũy được từ các nhà bán lẻ điện. (Kyodo)

* Số liệu công bố ngày 20/7 cho thấy, mức độ phụ thuộc vào nguyên vật liệu và phụ tùng Nhật Bản của Hàn Quốc đã giảm xuống mức thấp kỷ lục trong nửa đầu năm 2022, ba năm sau khi Nhật Bản áp đặt kiểm soát xuất khẩu nguyên vật liệu sang Hàn Quốc.

Theo Bộ Công nghiệp, Thương mại và Năng lượng Hàn Quốc, nhập khẩu nguyên vật liệu, phụ tùng và thiết bị Nhật Bản ở mức 20,07 tỷ USD trong giai đoạn từ tháng 1-6/2022, chiếm 15,4% tổng hàng hóa nhập khẩu của Hàn Quốc. Đây là mức thấp nhất tính theo nửa đầu năm kể từ khi chính phủ tiến hành thu thập dữ liệu vào năm 2012.

Trong tháng 7/2019, Nhật Bản đã áp đặt các quy định nghiêm ngặt về xuất khẩu ba nguyên vật liệu sang Hàn Quốc. Đây là những nguyên vật liệu quan trọng trong sản xuất chất bán dẫn và tấm màn hình dẻo. (Yonhap)

* Hàn Quốc và Mỹ vừa nhất trí sẽ triển khai cung cấp thanh khoản ngoại hối, nếu cần, như một phần của nỗ lực hợp tác trong việc ổn định thị trường ngoại hối.

Hàn Quốc cũng bày tỏ sẵn sàng tham gia đề xuất giới hạn giá dầu của Nga, sau khi Bộ trưởng Tài chính Choo Kyung-ho và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen hội đàm tại Seoul để thảo luận về các vấn đề kinh tế song phương và toàn cầu. (Yonhap)

Kinh tế ASEAN và các nền kinh tế mới nổi

* Cơ quan quản lý thị trường năng lượng Australia (AEMO) hôm 19/7 đã kích hoạt cơ chế đảm bảo cung cấp khí đốt khẩn cấp lần thứ hai trong lịch sử để giúp ngăn chặn tình trạng thiếu hụt khí đốt ở bang Victoria khi thị trường điện của quốc gia nhiều khả năng phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng mới.

AEMO sẽ tiếp tục làm việc với các bên để tìm hiểu về khả năng cung cấp khí đốt do các thách thức về nguồn phát điện xuất hiện từ đầu tháng Sáu vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến thị trường điện quốc gia. Điều này gây ra sự phụ thuộc lớn hơn vào nguồn điện sản xuất bằng khí đốt và khiến mức dự trữ tại cơ sở lưu trữ khí đốt Iona ở bang Victoria sụt giảm xuống mức kỷ lục.

AEMO sẽ áp dụng cơ chế trên để bảo đảm an ninh hệ thống cho đến cuối tháng 9/2022. (TTXVN)

Chính phủ Indonesia chuẩn bị một 'chiến lược đặc biệt' nhằm ứng phó với các cuộc khủng hoảng lương thực và năng lượng trong năm 2023.Trong ảnh: Người dân mua sắm tại siêu thị ở Indonesia. (Nguồn: Reuters)

* Ngày 19/7, hãng tư vấn Grant Thornton Malaysia PLT công bố nghiên cứu mới nhất cho thấy, các doanh nghiệp Malaysia đang áp dụng các chiến lược giá cả khác nhau để ứng phó với tình trạng lạm phát gia tăng với lựa chọn hàng đầu là tăng giá.

Trong khi 82% doanh nghiệp tăng giá để phản ứng trước lạm phát, số còn lại chọn cách tiết kiệm một phần chi phí để tránh bị mất khách hàng mặc dù điều này sẽ khiến biên lợi nhuận của họ bị sụt giảm.

Theo Grant Thornton Malaysia PLT, lạm phát là mối quan tâm chính của các doanh nghiệp trên toàn cầu cũng như ở Malaysia. Tuy nhiên, khoảng 3/4 số doanh nghiệp Malaysia đã không có những hành động thích hợp. (TTXVN)

* Ngày 18/7, Bộ trưởng Điều phối Kinh tế Indonesia Airlangga Hartarto cho biết, chính phủ nước này đang chuẩn bị một “chiến lược đặc biệt” nhằm ứng phó với các cuộc khủng hoảng lương thực và năng lượng trong năm 2023.

Bộ trưởng Airlangga Hartarto thông báo rằng, kho dự trữ lương thực quốc gia - đặc biệt là gạo - sẽ an toàn đến cuối năm 2022 và có đủ nguồn cung. Theo ông Airlangga, sự suy yếu gần đây của đồng nội tệ Rupiah của Indonesia so với đồng USD “không phải là vấn đề” vào thời điểm này. (TTXVN)

* Các doanh nghiệp Thái Lan hoạt động tại Myanmar được khuyến cáo cần tìm kiếm các nguồn tài trợ tại Thái Lan hoặc các nước khác sau khi Ngân hàng Trung ương Myanmar (CBM) đình chỉ việc trả nợ các khoản vay bằng ngoại tệ.

Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại quốc tế của Thái Lan (DITP) Phusit Rattanakul Seriroengrit ngày 18/7 nhấn mạnh: “Các doanh nghiệp Thái Lan hoạt động ở Myanmar mà đang vay bằng ngoại tệ phải tìm kiếm các nguồn tài trợ ở Thái Lan hoặc các nước khác để tránh bị vỡ nợ”.

Được biết, Văn phòng Thương mại quốc tế thuộc DITP tại Yangon đang hợp tác với các ngân hàng thương mại ở Thái Lan để cấp các khoản vay cho các doanh nghiệp nước này đang hoạt động tại Myanmar. (TTXVN)

Hải An

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/kinh-te-the-gioi-noi-bat-15-217-eu-phong-toa-ngan-hang-sberbank-tin-don-ve-khi-dot-nga-duc-doi-mat-rui-ro-lon-191502.html