Kinh tế thế giới nổi bật (18-24/8): Nga gỡ phong tỏa một phần tài sản nước ngoài, Mỹ-Trung hạ nhiệt căng thẳng, 'đầu tàu' châu Âu thiếu động lực

BRICS mở rộng ảnh hưởng toàn cầu, Nga gỡ bỏ phong tỏa một phần tài sản nước ngoài, lạm phát tại Anh giảm, Đức có thể đình trệ trở lại trong quý III/2023, Mỹ-Trung nỗ lực hạ nhiệt căng thẳng… là một sốt tin kinh tế thế giới nổi bật tuần qua.

Dự kiến trong giai đoạn đầu tiên, Nga sẽ gỡ bỏ phong tỏa các tài khoản khoảng 100 tỷ Ruble dành cho các nhà đầu tư bán lẻ. (Nguồn: Crypto insider)

Kinh tế thế giới

BRICS thống nhất cơ chế xem xét thành viên mới

Ngày 23/8, Bộ trưởng Bộ Hợp tác và Quan hệ quốc tế (DIRCO) Nam Phi Naledi Pandor cho biết, các nhà lãnh đạo Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi đã thống nhất cơ chế xem xét thành viên mới, mở đường cho hàng chục quốc gia quan tâm tham gia nhóm đại diện cho các nước thuộc khối Nam bán cầu.

Phát biểu trên trên Ubuntu Radio, một đài do DIRCO điều hành, bà Pandor cho biết, thỏa thuận mở rộng có thể giúp mang lại ảnh hưởng toàn cầu cho BRICS.

Phát biểu sau cuộc họp của các nhà lãnh đạo BRICS tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Nam Phi, từ 22-24/8, bà Pandor nói: “Chúng tôi đã đồng ý về vấn đề mở rộng. Chúng tôi đã thông qua một tài liệu đặt ra các hướng dẫn và nguyên tắc, quy trình để xem xét các quốc gia mong muốn trở thành thành viên BRICS… Điều đó rất tích cực”.

Bà Pandor không đưa ra thông tin chi tiết về khung tiêu chí để xem xét các ứng cử viên, chỉ nói rằng các nhà lãnh đạo khối sẽ đưa ra thông báo về việc mở rộng trước khi Hội nghị thượng đỉnh kết thúc vào ngày 24/8. Các quan chức Nam Phi cho biết, hơn 40 quốc gia đã bày tỏ sự quan tâm đến việc gia nhập BRICS và 22 quốc gia đã chính thức yêu cầu được kết nạp.

Trước đó cùng ngày, tại cuộc họp của các nhà lãnh đạo BRICS, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa thông tin, 5 quốc gia thành viên BRICS sẵn sàng mở rộng nhóm với các thành viên mới.

Những lời kêu gọi mở rộng BRICS đã chiếm ưu thế trong chương trình nghị sự tại Thượng đỉnh năm nay. (TTXVN)

Kinh tế Mỹ

* Cổ phiếu của một số ngân hàng Mỹ đã giảm vào phiên 22/8, một ngày sau khi S&P Global nối bước Moody’s trong việc hạ xếp hạng tín nhiệm đối với một số ngân hàng khu vực có mức độ rủi ro cao liên quan tới bất động sản thương mại (CRE).

S&P hôm 21/8 đã hạ xếp hạng đối với Associated Banc-Corp và Valley National Bancorp về rủi ro cấp vốn và mức độ phụ thuộc cao hơn vào tiền gửi được môi giới.

Hãng hạ bậc tín nhiệm của UMB Financial Corp và Comerica Bank với lý do dòng tiền gửi “chảy máu” và lãi suất cao hơn. Ngoài ra, S&P cũng cắt giảm xếp hạng của KeyCorp do lợi nhuận bị hạn chế; hạ triển vọng đối với S&T Bank và River City Bank từ "ổn định" xuống "tiêu cực", với lý do mức độ rủi ro CRE cao hơn.

Sau thông tin trên, cổ phiếu của KeyCorp, Comerica và Associated Banc-Corp giảm hơn 3%, trong khi Valley National và UMB Financial giảm trong khoảng 2-4%. Khép phiên 22/8, các cổ phiếu trên đều mất trung bình hơn 4% giá trị. (Reuters)

* Theo số liệu được Bộ Thương mại Mỹ công bố ngày 23/8, doanh số bán nhà mới ở nước này trong tháng 7/2023 đã tăng lên mức cao nhất trong hơn một năm do các công ty xây dựng nhà tiếp tục được hưởng lợi từ nguồn cung hạn chế trên thị trường nhà đã qua sở hữu.

So với cùng kỳ năm ngoái, doanh số bán nhà mới dành cho một hộ gia đình của Mỹ đã tăng 4,4%, lên mức 714.000 căn trong tháng 7/2023. (Reuters)

Kinh tế Trung Quốc

* Ngày 22/8, Bộ Thương mại Trung Quốc thông báo, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo sẽ thăm nước này trong các ngày 27-30/8 theo lời mời của người đồng cấp Trung Quốc Vương Văn Đào.

Trong khi đó, thông báo của Bộ Thương mại Mỹ nêu rõ, bà Raimondo sẽ đến thủ đô Bắc Kinh và thành phố Thượng Hải, mong muốn có các cuộc thảo luận mang tính xây dựng về các vấn đề liên quan mối quan hệ thương mại Mỹ-Trung, những thách thức đối với các doanh nghiệp Mỹ và những lĩnh vực hợp tác tiềm năng.

Theo bộ trên, chuyến thăm của bà Raimondo sẽ củng cố cho thỏa thuận thúc đẩy liên lạc song phương trong một loạt lĩnh vực mà Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đạt được trong cuộc gặp hồi tháng 11/2022. (THX)

* Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PboC) ngày 21/8 đã hạ lãi suất cơ bản trong nỗ lực ngăn chặn đà giảm tốc của nền kinh tế.

Theo đó, PBoC hạ lãi suất cơ bản khoản vay (LPR) kỳ hạn một năm, lãi suất chuẩn cho các khoản vay của doanh nghiệp, từ 3,55% xuống 3,45%, trong khi duy trì lãi suất LPR kỳ hạn 5 năm, áp dụng cho các khoản vay thế chấp, ở mức 4,2%.

Sau lần giảm trước đó vào tháng 6/2023, hai loại lãi suất trên hiện ở mức thấp kỷ lục. (THX)

Kinh tế châu Âu

* Theo số liệu của Cơ quan thống kê liên bang Đức (Destatis), giá thành sản xuất hàng hóa, sản phẩm thương mại tại nước này trong tháng 7/2023 đã giảm 6% so với cùng tháng năm ngoái. Nếu so với tháng Sáu trước đó, giá thành sản xuất đã giảm 1,1%.

Đây là lần giảm đầu tiên kể từ tháng 11/2020 và là lần giảm mạnh nhất kể từ tháng 10/2009 sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Tuy vậy, Destatis cũng cho biết sự sụt giảm mạnh này một phần do giá thành sản xuất đã tăng chóng mặt sau khi xung đột tại Ukraine bùng nổ hồi cuối tháng 2/2022. Sau hơn 1 năm diễn ra xung đột, giá năng lượng và hàng hóa, sản phẩm trung gian như kim loại, gỗ... hiện đã trở nên rẻ hơn đáng kể. (TTXVN)

* Ngân hàng Trung ương Đức (Bundesbank) ngày 21/8 nhận định, nền kinh tế nước này có thể sẽ đình trệ trở lại trong quý III/2023, do nhu cầu yếu từ nước ngoài và lãi suất cao dự kiến gây thiệt hại cho cường quốc công nghiệp đầu tàu châu Âu.

Bundesbank cho hay, sau khi các ước tính sơ bộ cho thấy nền kinh tế không ghi nhận mức tăng trưởng nào trong quý II, triển vọng cho giai đoạn từ tháng 7-9/2023 cũng không khả quan hơn nhiều.

Ngân hàng trung ương này đánh giá nền kinh tế lớn nhất châu Âu "vẫn còn thiếu động lực" và "tiếp tục trải qua một thời kỳ suy yếu". (AFP)

* Theo ước tính chính thức, lạm phát cơ bản (gồm giá của tất cả các mặt hàng trừ lương thực và năng lượng) ở Vương quốc Anh đã bắt đầu giảm trong hai tháng qua.

Trong một báo cáo công bố ngày 21/8, Văn phòng thống kê quốc gia Anh (ONS) cho biết, khi xem xét tất cả các mức giá được đo lường trước đó, họ thấy rằng tỷ lệ lạm phát ngầm (gồm giá lương thực và năng lượng) hằng năm đã giảm xuống 6,8% trong tháng 7 từ mức 7% của tháng 6 và và 7,3% trong tháng 5. (TTXVN)

* Ngày 23/8, thông báo của Bộ Tài chính Liên bang Nga cho hay, bộ này và Ngân hàng Trung ương Liên bang Nga (BoR) đã quyết định nới lỏng các hạn chế trong việc trả cổ tức cho người nước ngoài đầu tư vào nền kinh tế Nga.

Thông báo có đoạn: “Việc thanh toán cổ tức (lợi nhuận) cho người nước ngoài có thể được thực hiện mà không bị hạn chế, nhưng tổng số tiền cổ tức này không được vượt quá số tiền đầu tư vào Nga”.

Ngoài ra, một trong các điều kiện trả cổ tức là đầu tư của các chủ nợ nước ngoài vào nền kinh tế Nga từ ngày 1/4/2023, bao gồm việc mở rộng sản xuất ở Nga và phát triển công nghệ mới. Theo quy định trước đó, tổng số tiền chia cổ tức không được vượt quá 50% tổng lợi nhuận ròng của năm trước với điều kiện phải hoàn thành KPI đề ra. (TTXVN)

* Ngày 22/8, phát biểu tại cuộc họp của Hội đồng Phát triển chiến lược và Dự án quốc gia do Tổng thống Nga Vladimir Putin chủ trì, Bộ trưởng Tài chính Anton Siluanov cho hay, chính phủ và BoR đã soạn thảo dự thảo nghị định về việc gỡ bỏ phong tỏa một phần tài sản nước ngoài để đổi lấy tài sản của Nga.

Dự kiến trong giai đoạn đầu tiên, Moscow sẽ gỡ bỏ phong tỏa các tài khoản khoảng 100 tỷ Ruble dành cho các nhà đầu tư bán lẻ. Theo Bộ trưởng Siluanov, hiện tài sản của hơn 3,5 triệu công dân Nga với số tiền 1.500 tỷ Ruble đang bị phong tỏa. (TTXVN)

Kinh tế Nhật Bản và Hàn Quốc

* Theo báo Yomiuri ngày 20/8, nhập khẩu hải sản trong tháng 7/2023 của Trung Quốc từ Nhật Bản đã giảm 34% so với tháng trước đó và giảm 28% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thống kê thương mại từ Cơ quan Hải quan Trung Quốc cho thấy, mức giảm trên tương ứng với 234,51 triệu Nhân dân tệ (khoảng 4,7 tỷ Yen). Sự sụt giảm này được cho là có liên quan đến việc Trung Quốc tiến hành kiểm tra độ phóng xạ - được áp dụng vào khoảng ngày 8-9/7 - đối với tất cả hải sản nhập khẩu từ Nhật Bản.

Các cuộc kiểm tra của Bắc Kinh mất ít nhất hai tuần để hoàn thành và thủ tục này đã trở thành một biện pháp hạn chế nhập khẩu trên thực tế đối với mặt hàng hải sản dễ hỏng - mặt hàng mà độ tươi của sản phẩm là yếu tố then chốt. (TTXVN)

* Kết quả khảo sát của Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BoK) cho thấy, kỳ vọng lạm phát trong tháng 8/2023 không thay đổi, đứng ở mức 3,3%, so với tháng trước trong bối cảnh giá tiêu dùng có xu hướng hạ nhiệt trong năm nay.

Sau khi chạm đỉnh 4% hồi tháng 2/2023, kỳ vọng lạm phát tại Hàn Quốc đã giảm dần xuống 3,7% vào tháng 4, 3,5% vào tháng 6. (Yonhap)

* Liên đoàn công nghiệp Hàn Quốc (FKI) ngày 22/8 đã tiến hành phiên họp Đại hội đồng bất thường, chính thức thông qua phương án thay đổi tên và ra mắt với tên gọi mới là Hiệp hội kinh tế Hàn Quốc (KEA).

Viện nghiên cứu kinh tế Hàn Quốc, cơ quan nghiên cứu trực thuộc FKI, đã công bố sáp nhập vào Hiệp hội kinh tế Hàn Quốc. Theo đó, một số công ty thành viên của tập đoàn Samsung, SK, Hyundai và LG, vốn là hội viên của Viện nghiên cứu kinh tế Hàn Quốc, sẽ được chuyển đổi tư cách thành hội viên của Hiệp hội kinh tế Hàn Quốc.

Như vậy, cả 4 tập đoàn lớn của Hàn Quốc gồm Samsung (các công ty thành viên lớn, trừ công ty chứng khoán Samsung), Hyundai, SK, LG đã tái gia nhập Hiệp hội kinh tế Hàn Quốc sau hơn 6 năm rút khỏi cơ cấu này. (TTXVN)

Kinh tế ASEAN và các nền kinh tế mới nổi

* Tiếp nối Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN (AFMGM) vào tháng 3/2023 trên đảo Bali (Indonesia), AFMGM lần thứ hai năm 2023 và các Hội nghị liên quan diễn ra từ ngày 22-25/8 tại Jakarta nhấn mạnh cam kết và hợp tác nhằm duy trì ổn định kinh tế khu vực.

AFMGM lần thứ hai năm 2023 nhằm theo dõi và cập nhật tiến độ đạt được trong việc thực hiện các nội dung kinh tế ưu tiên (PED) và thảo luận các vấn đề được các nước thành viên ASEAN quan tâm. Hội nghị tập trung vào một số chương trình nghị sự chính, như Cập nhật và rủi ro kinh tế toàn cầu, Triển vọng và thách thức kinh tế khu vực, cũng như Đối thoại chính sách về Tài trợ cơ sở hạ tầng và Khuyến khích tài chính bền vững. (TTXVN)

* Phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương ASEAN được tổ chức tại Jakarta vào ngày 22/8, Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani Indrawati cho biết, Indonesia sẽ cần khoản đầu tư 200 tỷ USD trong 10 năm tới để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.

Theo bà Sri Mulyani Indrawati, nguồn tài chính sẽ được ưu tiên phân bổ cho phát triển sáng tạo và thân thiện với môi trường để thực hiện chuyển đổi kinh tế. Bên cạnh đó, Indonesia cũng thực hiện các chính sách thu hút đầu tư vào các dự án xanh và các ngành công nghiệp xanh. (TTXVN)

* Theo báo Nation (Thái Lan) ngày 21/8, nhiều doanh nghiệp nước này đang phải vật lộn để tiếp tục hoạt động, với 1.867 doanh nghiệp đã phải đóng cửa trong tháng 7/2023, tăng 18,70% so với cùng kỳ năm ngoái và không nằm ngoài xu hướng đóng cửa doanh nghiệp trong 5 năm qua.

Các nguồn tin tại Bộ Thương mại Thái Lan cho biết, một số doanh nghiệp đóng cửa kinh doanh này có thể là do các doanh nghiệp điều chỉnh để phù hợp với sự thay đổi của điều kiện thị trường và hành vi của người tiêu dùng. Xu hướng đóng cửa đã được quan sát thấy trên nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó xây dựng nói chung chứng kiến 175 vụ đóng cửa (9%), lĩnh vực bất động sản 103 vụ (6%) và khách sạn/nhà hàng 43 vụ (2%). (TTXVN)

* Theo trang mạng The Strategist, nền kinh tế Trung Quốc giảm tốc nhưng xuất khẩu của Australia sang quốc gia Đông Bắc Á này đã đạt mức kỷ lục 102,5 tỷ AUD (65,75 tỷ USD) trong nửa đầu năm nay nhờ các lô hàng lithium khổng lồ.

Lithium đã vượt qua khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) để trở thành mặt hàng xuất khẩu lớn thứ hai của Australia sang Trung Quốc sau quặng sắt, với doanh thu tăng vọt lên 11,7 tỷ AUD (7,5 tỷ USD) trong khoảng thời gian từ tháng 1/2023 đến tháng 6/2023. Hai năm trước, doanh thu bán lithium cho Trung Quốc trong nửa đầu năm chỉ đạt 470 triệu AUD (302 triệu USD). (TTXVN)

Hải An

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/kinh-te-the-gioi-noi-bat-18-248-nga-go-phong-toa-mot-phan-tai-san-nuoc-ngoai-my-trung-ha-nhiet-cang-thang-dau-tau-chau-au-thieu-dong-luc-239486.html