Kinh tế thế giới nổi bật tuần qua (9/7-15/7): Lộ mắt xích yếu kém trước sức ép từ Mỹ, Trung Quốc muốn độc lập hơn về công nghệ

Dưới sức ép từ Mỹ, Trung Quốc ngày càng nhận thức được tầm quan trọng của việc phải độc lập hơn về công nghệ. G7 cho rằng cần phải có sự tham gia của Bắc Kinh vào Sáng kiến đình chỉ nợ cho các quốc gia nghèo nhất thế giới... là một số tin kinh tế thế giới nổi bật tuần qua.

OPEC+ đang xem xét khả năng nới lỏng cắt giảm sản lượng nhờ những dấu hiệu cho thấy nhu cầu thị trường đang quay trở lại bình thường. (Nguồn: Marketwatch)

Kinh tế toàn cầu

* Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ cùng với các đồng minh (OPEC+) đang xem xét khả năng nới lỏng cắt giảm sản lượng như kế hoạch bắt đầu vào tháng 8/2020, nhờ những dấu hiệu cho thấy nhu cầu đang quay trở lại bình thường do các nền kinh tế dần dần mở cửa trở lại.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã nâng mức dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ thế giới trong năm 2020 ở mức 92,1 triệu thùng dầu/ngày, tương ứng tăng khoảng 400 nghìn thùng dầu/ngày so với dự báo đưa ra hồi tháng 6/2020 (Wall Street Journal).

* Ngày 13/7, IMF tiếp tục giảm mạnh dự báo triển vọng kinh tế của khu vực Trung Đông và Bắc Phi xuống mức thấp nhất trong 50 năm qua, trong bối cảnh khu vực này đang phải hứng chịu hai cú sốc lớn là đại dịch Covid-19 và giá dầu lao dốc. Trong báo cáo cập nhật triển vọng kinh tế khu vực, IMF cảnh báo kinh tế của khu vực Trung Đông và Bắc Phi sẽ giảm khoảng 5,7% trong năm 2020, trong đó các quốc gia bị ảnh hưởng bởi xung đột có thể chứng kiến mức giảm lên đến 13%. IMF cho rằng thâm hụt ngân sách khổng lồ và ngày càng tăng tại các nước nhập khẩu dầu Trung Đông sẽ đẩy nợ công tăng vọt lên tương đương 95% GDP vào cuối năm 2020.

* Phát ngôn viên của Bộ Tài chính Mỹ ngày 13/7 cho biết, các bộ trưởng tài chính G7 đã kêu gọi các chủ nợ song phương chính thức thuộc G20, thực hiện đầy đủ việc hoãn thanh toán nợ và tuân thủ các tiêu chuẩn về minh bạch dữ liệu nợ. Để thực thi Sáng kiến đình chỉ nợ (DSSI) mà G20 dành cho 73 quốc gia nghèo nhất thế giới, các Bộ trưởng cho rằng cần phải có sự tham gia của Trung Quốc, một thành viên G20 và là một chủ nợ lớn.

Cho đến nay, 41 quốc gia đã nộp đơn xin cứu trợ theo DSSI và Câu lạc bộ Paris (nhóm không chính thức gồm 19 quốc gia chủ nợ, là những nước giàu có nhất thế giới) đã ký thỏa thuận với 20 quốc gia, từ Côte d'Ivoire đến Ethiopia và Pakistan.

Căng thẳng Mỹ-Trung Quốc

Bắc Kinh ngày càng nhận thức được tầm quan trọng của việc phải độc lập hơn về công nghệ, sau khi Mỹ đưa những đại gia công nghệ của nước này như Huawei vào tầm ngắm.

Phát biểu tại một hội thảo kín tuần trước, cựu Bộ trưởng Công nghiệp Trung Quốc Lý Nghị Trung nhận định, Trung Quốc cần thu hẹp khoảng cách về năng lực cung cấp công nghệ và thiết bị bán dẫn để ứng phó với những hạn chế của Washington. Lệnh cấm từ Mỹ đã bộc lộ các mắt xích yếu kém của kinh tế Trung Quốc, khi 90% máy móc sản xuất thiết bị bán dẫn đều phải nhập khẩu và bộ vi xử lý do nước này chế tạo đi sau các công ty hàng đầu thế giới như TSMC (Đài Loan) và Samsung (Hàn Quốc) tới hai thế hệ (Theo SCMP).

Mỹ

Theo Báo cáo Bộ Tài chính Mỹ, ngày 13/7, các khoản thanh toán cứu trợ lớn của Chính phủ Mỹ nhằm giúp các doanh nghiệp và hộ gia đình vượt qua tác động kinh tế của đại dịch Covid-19 đã khiến thâm hụt ngân sách của nước này tăng đột biến ở mức 864 tỷ USD trong tháng 6/2020, cao hơn 100 lần so với mức 8 tỷ USD cùng kỳ năm ngoái, đồng thời vượt qua con số kỷ lục trước đó là 233 tỷ USD vào tháng 2/2009, thời điểm bắt đầu xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu (WSP).

Trung Quốc

Thăm dò của Reuters cho thấy xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 6 sẽ chỉ giảm 1,5% so với cùng kỳ năm ngoái, khả quan hơn con số 3,3% của tháng 5, nhờ một số quốc gia mở cửa trở lại.

Trong khi đó, tình trạng giảm nhập khẩu cũng được cải thiện, chỉ còn 10% so với 16,7% của tháng trước, do nhu cầu dầu thô và hàng hóa gia tăng. Từ giữa tháng 5, sau khi EU và Mỹ nới lỏng phong tỏa, lượng hàng mắc kẹt ở các cảng của Trung Quốc được giải tỏa phần nào. Xuất khẩu của Trung Quốc thời gian qua không bị ảnh hưởng nghiêm trọng do suy thoái toàn cầu như một số dự đoán, nhưng cầu nhập khẩu yếu từ nhiều thị trường vẫn có thể tác động đến các nhà sản xuất của nước này trong những quý tới. (Reuters)

Mỹ-châu Âu

Ngày 10/7, Văn phòng của Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer thông báo Chính phủ nước này sẽ áp thuế bổ sung 25% với số hàng hóa của Pháp trị giá 1,3 tỷ USD.

Đây là động thái nhằm đáp trả thuế kỹ thuật số mới đây của Pháp, nhưng phía Mỹ sẽ chưa áp dụng ngay để tạo cơ hội cho hai bên thảo luận tháo gỡ khúc mắc. Quyết định áp thuế mới của Mỹ sẽ tác động tới các mặt hàng như đồ mỹ phẩm hay túi xách của Pháp. Tuy nhiên, Mỹ quyết định trì hoãn áp thuế bổ sung trong 180 ngày, tới 6/1/2021, để tạo điều kiện cho hai bên giải quyết bất đồng, bao gồm cả việc thảo luận tại Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).

Mùa hè năm ngoái, Pháp ra quyết định đánh thuế kỹ thuật số đối với một loạt tập đoàn công nghệ lớn của Mỹ như Google, Facebook, Amazon và Apple với lý do các công ty này cố tình chuyển lợi nhuận ra nước ngoài để trốn thuế. Ngoài Pháp, một số nước châu Âu khác cũng đang có ý đưa ra quyết định tương tự, điều mà ông Lighthizer nhiều lần cáo buộc là “cách đối xử không công bằng” với Mỹ (TTXVN).

Châu Âu

Ủy ban châu Âu (EC) dự báo nền kinh tế khu vực đồng Euro sẽ rơi vào suy thoái sâu hơn trong năm 2020 và phục hồi chậm hơn trong năm 2021 so với dự báo trước đó.

Nền kinh tế của 19 quốc gia sử dụng đồng Euro dự kiến sẽ giảm 8,7% vào năm 2020 trước khi phục hồi với tốc độ tăng trưởng 6,1% vào năm tới. Trong khi đó nền kinh tế của toàn bộ 27 quốc gia EU dự kiến sẽ giảm 8,3% vào năm 2020, trước khi tăng 5,8% vào năm 2021.

Các nước thành viên EU cần đạt được đồng thuận về quỹ hồi phục Covid-19 trị giá 750 tỷ Euro (khoảng 843 tỷ USD) mới được EC đưa ra để thảo luận. Các nhà lãnh đạo EU dự kiến nhóm họp vào ngày 17 và 18/7, song nhóm 4 nước được coi là chặt chẽ về tài chính của châu Âu gồm Áo, Đan Mạch, Hà Lan và Thụy Điển đã từ chối đề xuất này (Die Welt).

Nhật Bản-Hàn Quốc

Bộ Thương mại Hàn Quốc cho biết, nước này có kế hoạch đầu tư 5 nghìn tỷ Won (4,2 tỷ USD) vào nghiên cứu và phát triển trong các lĩnh vực động cơ tăng trưởng mới, bao gồm chất bán dẫn và công nghệ sinh học. Bộ Công nghiệp Hàn Quốc cũng mở rộng danh sách các vật liệu, bộ phận và thiết bị để giảm bớt sự phụ thuộc của nước này vào hàng nhập khẩu của Nhật Bản và đối phó với sự thay đổi trong chuỗi cung ứng toàn cầu sau đại dịch Covid-19.

Xuất khẩu của Hàn Quốc trong 10 ngày đầu tháng 7 đạt 13,3 tỷ USD, giảm 1,7% so với cùng kỳ, nhưng tốc độ giảm đã chậm hơn, báo hiệu sự phục hồi thương mại, khi nhiều quốc gia dỡ bỏ các biện pháp đóng cửa do Covid-19 .(Yonhap News, The Korea Herald)

Trong khi đó, Chính phủ Nhật Bản đang xem xét cho phép lãnh đạo các doanh nghiệp từ Mỹ và châu Âu nhập cảnh với một số điều kiện nhất định, như nhập cảnh với số lượng nhỏ, thời gian lưu trú ngắn, sau khi làm xét nghiệm PCR để phát hiện bệnh Covid-19.

Nhật Bản đã đạt được thỏa thuận với Việt Nam và đang hướng tới bắt đầu đàm phán với 10 nước và vùng lãnh thổ khác, bao gồm Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan (NHK).

Chu Văn

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/kinh-te-the-gioi-noi-bat-tuan-qua-97-157-lo-mat-xich-yeu-kem-truoc-suc-ep-tu-my-trung-quoc-muon-doc-lap-hon-ve-cong-nghe-119424.html