Kinh tế Thủ đô vững bước vào năm mới

Kinh tế Thủ đô đang phát triển nhanh, bền vững

(HNM) - Năm 2019 qua đi, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục ghi tên mình vào danh sách số ít quốc gia có tốc độ tăng trưởng hàng đầu thế giới. Trong đó, có sự đóng góp nổi bật của Thủ đô Hà Nội, với dấu ấn về thu hút đầu tư, xuất khẩu và kết quả thu ngân sách. Đây cũng là hành trang để kinh tế Hà Nội vững bước vào năm kế hoạch mới, bằng sự tự tin, tâm thế mới...

Sản xuất rau thủy canh theo công nghệ của Israel tại Hợp tác xã Công nghệ cao Đức Phát (huyện Thanh Trì). Ảnh: Thái Hiền

Thu hút đầu tư tăng trưởng vượt bậc

Theo ông Đậu Ngọc Hùng, Cục trưởng Cục Thống kê Hà Nội, Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2019 tăng 7,62% so với năm trước, là mức tăng cao nhất trong 4 năm gần đây. Kết quả trên có sự tham gia mạnh mẽ, quan trọng nhất và là điểm sáng trong lĩnh vực thu hút đầu tư, xuất khẩu và thu ngân sách của thành phố.

Trong đó, năm 2019 có 27,9 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, với số vốn đăng ký 510,7 nghìn tỷ đồng, tăng 11% về số doanh nghiệp và tăng 30% về vốn đăng ký so với kết quả năm 2018. Tỷ lệ hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng được duy trì 100%, bảo đảm chất lượng và đúng hạn. Trên thực tế, niềm tin vào chất lượng môi trường kinh doanh, khát vọng khởi nghiệp đối với người dân đã, đang gia tăng đáng kể; từ đó thu hút thêm nguồn lực xã hội cho mục tiêu phát triển kinh tế của Thủ đô.

Về phần mình, nhiều doanh nghiệp đã cảm nhận rõ hơn về sự cải thiện trong môi trường kinh doanh. Ông Nguyễn Việt Hưng, Giám đốc Công ty cổ phần Tuệ Ngọc (chuyên sản xuất nhang và đồ trang sức bằng trầm hương thiên nhiên tại số 37, ngõ Hòa Bình 7, quận Hai Bà Trưng) cho biết, việc hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp của cơ quan chức năng thành phố đã chuyển biến rõ rệt. Điều đó sẽ giúp có thêm nhiều doanh nghiệp ra đời, phát triển bền vững.

Về đầu tư nước ngoài, năm 2019 Hà Nội thu hút hơn 2,1 tỷ USD vốn đăng ký của các dự án thành lập mới và bổ sung tăng vốn. Bên cạnh đó, số vốn do nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần đạt hơn 6,3 tỷ USD. Như vậy, tính chung năm 2019, Hà Nội đã thu hút gần 8,5 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài; tiếp tục khẳng định vị thế dẫn đầu cả nước trong lĩnh vực này.

Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền, nhờ sự cải cách hành chính, chủ động phục vụ doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh liên tục và có hiệu quả của chính quyền thành phố, nên nhà đầu tư nước ngoài tìm đến Hà Nội ngày càng nhiều. Thời gian tới, thành phố sẽ tập trung phát huy kết quả, ưu tiên "gọi" đầu tư vào những lĩnh vực có hàm lượng chất xám, giá trị gia tăng cao để thúc đẩy quá trình hội nhập cũng như tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Cụ thể là các lĩnh vực: Xây dựng, bất động sản - đô thị thông minh; công nghệ thông tin, dịch vụ chất lượng cao, sản xuất nông nghiệp sạch...

Tập trung xuất khẩu, chủ động thu nội địa

Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Tổng công ty May 10. Ảnh: Bá Hoạt

Năm 2019, Hà Nội đạt kim ngạch xuất khẩu đạt 16,7 tỷ USD, tăng 20,3% so với năm 2018. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 9,9 tỷ USD, chiếm 59,3% tổng kim ngạch xuất khẩu và tăng 32,9% so với năm trước; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 6,8 tỷ USD, chiếm 40,7% và tăng 5,6%.

Theo ông Lê Hồng Thăng, Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, đây là thành công rất đáng ghi nhận của Thủ đô, với tốc độ tăng trưởng ngoạn mục, cao hơn hẳn so với mức tăng trưởng chung của cả nước. Phân tích sâu hơn có thể thấy, kim ngạch xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp trong nước đã vượt trội so với kim ngạch xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; thể hiện rõ nội lực kinh tế của Thủ đô. Năm qua, một số nhóm hàng có giá trị cao vẫn duy trì tốt “phong độ” như hàng dệt may đạt 2,2 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ; máy vi tính, hàng điện tử đạt 2,5 tỷ USD, tăng 5,9%; máy móc thiết bị phụ tùng đạt 1,8 tỷ USD, tăng 3%...

Sang năm 2020, doanh nghiệp Thủ đô sẽ tập trung tận dụng cơ hội do Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mang lại để tăng cường xuất khẩu sang các nước thành viên; từ đó, đáp ứng mục tiêu mở rộng quy mô xuất khẩu, hướng tới kết quả cao hơn... Chia sẻ về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Phó Giám đốc Công ty TNHH May Hùng Nguyệt (phường Sài Đồng, quận Long Biên) cho biết, Sở Công Thương Hà Nội thường xuyên tổ chức các chương trình tập huấn kiến thức cho doanh nghiệp về CPTPP nhằm hỗ trợ doanh nghiệp cập nhật thông tin liên quan. Những chương trình này thực sự có ý nghĩa, nhất là đối với doanh nghiệp nhỏ. “Qua đó, giúp các đơn vị nắm vững quy định về xuất xứ hàng hóa, hoàn thiện hồ sơ để thực hiện tốt các yêu cầu của đối tác; trong đó có quy định cụ thể của nước nhập khẩu để được hưởng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ trong những năm tiếp theo”, bà Nguyệt nói.

Riêng với ngành Thuế, năm 2019 cũng được đánh giá là thành công trong công tác thu, nộp ngân sách. Ông Mai Sơn, Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội cho biết, tổng thu ngân sách nhà nước thực hiện đạt 249.127 tỷ đồng, tăng 13,5% so với năm 2018. Kết quả này cũng cao hơn tốc độ tăng trưởng của những năm trước. Để bảo đảm hoàn thành mục tiêu đề ra, Cục Thuế đã có công văn chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tập trung đôn đốc thu ngân sách nhà nước, nhất là những ngày cuối năm 2019. Trên cơ sở nhiệm vụ cụ thể, Cục Thuế đã giao nhiệm vụ cho từng bộ phận, từng chi cục thuế, từng công chức thuế và phân định rạch ròi theo từng nguồn thu.

Như vậy, năm 2019 với những điểm sáng về thành tựu kinh tế của Thủ đô đã đi qua. Những kết quả đạt được là tiền đề quan trọng để thành phố thực hiện kế hoạch năm mới - 2020 thành công hơn, hiệu quả hơn.

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/kinh-te/954387/kinh-te-thu-do-vung-buoc-vao-nam-moi