Kinh tế thủy sản thúc đẩy nông thôn mới vùng đất ven biển

Tuy nuôi trồng thủy sản là ngành nghề truyền thống nhưng người dân, HTX ở huyện Thái Thụy (tỉnh Thái Bình) đã mạnh dạn áp dụng những kỹ thuật tiên tiến, phương pháp nuôi mới vào sản xuất. Điều đã giúp mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn gấp 2 lần so với nuôi truyền thống, gấp 5 lần so với cấy lúa, từ đó thúc đẩy xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Trước đây, người dân Thái Thượng (Thái Thụy) chủ yếu nuôi tôm trong các ao đất theo hình thức quảng canh. Tuy nhiên, mô hình nuôi trồng này thường hay bị đọng thức ăn ở đáy ao nên khó vệ sinh, dễ gây ô nhiễm môi trường, trong khi những năm gần đây nguồn thủy sản tự nhiên kém đi. Chính vì vậy, người dân đã thay đổi mô hình nuôi theo cách mới đó là sử dụng hình thức ao bán nổi.

Mạnh dạn chuyển sang hình thức nuôi mới

Ao bán nổi là ao nhưng không cần đào sâu mà chỉ cần tạo dựng bờ trên mặt ruộng hoặc có thể tận dụng hệ thống kênh cấp, thoát nước sản xuất lúa phục vụ nuôi thủy sản nên kinh phí đầu tư thấp. Đặc biệt ưu điểm của mô hình này là khi cần thiết, người nuôi thủy sản có thể phục hồi lại được mặt bằng trồng lúa theo quy định mà Nhà nước đã quy định khi chuyển đổi diện tích đất lúa sang nuôi trồng thủy sản.

Anh Nguyễn Xuân Sứ, Giám đốc HTX Thanh niên nuôi trồng thủy sản và dịch vụ thương mại Tiến Đạt (xã Thái Thượng), cho biết hệ thống ao nuôi được thiết kế, bố trí nổi trên lưng chừng mặt ruộng với đầy đủ hệ thống cống cấp, thoát nước, quạt cung cấp oxy cho cá...

Nếu ao chìm truyền thống phải mất nhiều nhân công chi phí cho quá trình đào đất và tìm diện tích chứa đất, bùn thì ao nổi chỉ cần độ sâu từ 40-50 cm. Đất sau khi đào có thể đắp luôn thành bờ nên rất thuận tiện. Do đào ít đất nên đáy ao vẫn đảm bảo độ cứng, thuận tiện cho lót bạt, rút nước, phơi ải để tiêu diệt mầm bệnh.

Ngoài ra, nhờ chiều sâu ít nên diện tích mặt nước được mở rộng, khả năng đón ánh sáng, gió cao hơn ao chìm. Sóng nhiều, thoát khí tốt, phù hợp với việc nuôi mật độ cao. “Ao nổi vì vậy mang nhiều ưu điểm nổi trội so với ao truyền thống”, anh Nguyễn Xuân Sứ cho biết.

Theo tính toán, nếu như 10 mẫu ao bán nổi dùng để nuôi các loại cá sẽ giúp thu về trên 30 tấn cá thương phẩm, tương đương khoảng 400-500 triệu đồng/năm.

Không chỉ nuôi trồng theo ao bán nổi, nhiều địa phương trong huyện Thái Thụy còn đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao nhằm nâng cao năng suất, chất lượng thủy sản.

Tiêu biểu như HTX nuôi trồng thủy sản Minh Hải (xã Thụy Xuân) đang có 50ha nuôi thủy sản. Đặc biệt, có những thành viên trong HTX áp dụng công nghệ cao là hình thức tôm nuôi được quây kín trong các nhà bạt, ao bạt bảo đảm an toàn về dịch bệnh, hạn chế tác động của thời tiết, nhất là những đợt rét đậm, rét hại. Và ưu điểm vượt trội so với nuôi tôm truyền thống là khi thời tiết thay đổi bất lợi, mưa lớn, ao nuôi không bị phân tầng nước, không làm tôm sốc nhiệt gây chết hàng loạt.

Theo tính toán, mỗi ha tôm công nghệ cao cần đầu tư khoảng 3 tỷ đồng cho hệ thống ao nuôi, ao ương dưỡng tôm giống, ao chứa, xử lý nước nuôi và ao chứa, xử lý nước thải cùng hệ thống công trình phụ trợ. Trung bình một năm, người dân, thành viên có thể nuôi từ 4 - 5 vụ, năng suất và sản lượng đạt 10 - 15 tấn/ha/vụ, doanh thu đạt 2 - 3 tỷ đồng/ha/vụ. Riêng về mùa Đông, thường giá tăng gấp rưỡi đến gấp đôi so với các vụ khác trong năm, đồng nghĩa thu nhập của người dân cũng tăng đáng kể.

Nền tảng xây dựng nông thôn mới

Có thể thấy, nuôi trồng thủy hải sản đang là một trong những thế mạnh của huyện ven biển Thái Thụy. Chính vì vậy, các xã trong huyện luôn tận dụng tiềm năng thế mạnh để phát triển thủy sản theo hướng hàng hóa. Hầu hết ở các xã đều có ít nhất 1-2 HTX nuôi trồng thủy sản nhằm hỗ trợ người dân áp dụng kỹ thuật vào sản xuất và tìm kiếm đầu ra.

Nuôi trồng thủy sản công nghệ cao thúc đẩy nông thôn mới ở Thái Thụy.

Theo thống kê, toàn huyện duy trì nuôi trồng thủy sản với tổng diện tích đạt hơn 4.200ha, trong đó nước mặn 1.300ha, nước lợ gần 1.400ha, nước ngọt hơn 1.500ha.

Chỉ tính riêng diện tích nuôi tôm công nghệ cao, toàn huyện hiện có 120 ha, tăng 20 ha so với năm ngoái. Trong đó, tập trung chủ yếu tại các xã ven biển như: Thái Thượng, Thái Đô, Thụy Xuân, Thụy Trường.

Việc mở rộng diện tích nuôi tôm công nghệ cao đã giúp HTX, doanh nghiệp và người nuôi tôm nâng cao năng suất, sản lượng và giá trị kinh tế, góp phần phát triển nghề nuôi tôm theo hướng hiệu quả, bền vững, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

Đặc biệt, nuôi tôm công nghệ cao, nuôi thủy sản trong ao bán nổi đều được đầu tư công nghệ hiện đại nên giải quyết được bài toán ô nhiễm môi trường. Đây là điều kiện thúc đẩy xây dựng nông thôn mới nâng cao trên địa bàn huyện.

Hiện nay, Thái Thụy đã có 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao là Thụy Chính, Thụy Liên, Thụy Ninh, Thụy Duyên, Thụy Thanh. Huyện đang tiếp tục triển khai các giải pháp phấn đấu có từ 3 xã (Thụy Dân, Thái Đô và Thái Thịnh) đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao trong năm 2025.

Tháo gỡ khó khăn cho người sản xuất

Để tiếp tục hoàn thành những mục tiêu trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, huyện Thái Thụy xác định, kinh tế thủy sản luôn là một trong những yếu tố quan trọng của nền kinh tế. Bởi thời gian qua, ngành nghề này luôn duy trì mức tăng trưởng khá, hàng năm chiếm gần 40% giá trị sản xuất ngành nông nghiệp.

Đây là kết quả của sự nỗ lực, cố gắng của các ngành, các địa phương cùng với cộng đồng ngư dân trong việc thực hiện các giải pháp để nâng cao hiệu quả khai thác xa bờ và nuôi trồng thủy sản bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương và thúc đẩy xây dựng nông thôn mới hiệu quả.

Tuy nhiên, nuôi trồng thủy sản còn bị phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên, ảnh hưởng bởi tính lên xuống của thị trường nên các nguyên liệu đầu vào phục vụ ngành nghề này còn bấp bênh, giá cao, làm ảnh hưởng đến nguồn thu của người dân, HTX.

Hay để nuôi tôm công nghệ cao đòi hỏi người dân, HTX phải có nguồn vốn lớn nhưng họ lại gặp khó khăn trong làm thủ tục thế chấp để vay vốn ngân hàng. Các ngân hàng vẫn còn e dè với việc cho người dân, HTX vay vốn đầu tư nuôi tôm, việc giải quyết cho vay còn khó khăn và cũng chỉ vay được rất ít, vài chục triệu đồng/hộ, tùy vào tài sản thế chấp.

Ngoài ra, công tác quản lý đất đầm nuôi trồng thủy sản còn nhiều bất cập. Đến nay, vẫn chưa có văn bản mới để người dân có điều kiện thuê lâu dài và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để làm cơ sở vay vốn phát triển nuôi tôm.

Chính vì vậy, theo các HTX nuôi trồng thủy sản, huyện cần tiếp tục tạo điều kiện, có cơ chế khuyến khích để ngư dân phát triển các đội tàu cá khai thác xa bờ, hiện đại hóa đội tàu cá để mở rộng ngư trường và nâng cao hiệu quả khai thác.

Đi liền với đó khuyến khích các dịch vụ hậu cần nghề cá, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ. Ngoài ra, cơ quan quản lý cần xem xét để để cho người dân, HTX tiếp cận các nguồn vốn, tạo thuận lợi cho ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật từ đó đưa ngành thủy sản địa phương từng bước phát triển theo các chuỗi giá trị bền vững. Có như vậy, hàng loạt các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới nâng cao như thu nhập, vệ sinh môi trường, sản phẩm OCOP, phát triển du lịch dựa vào thế mạnh thủy sản… mới đạt được kết quả cao.

Minh Nhương

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//mo-hinh/kinh-te-thuy-san-thuc-day-nong-thon-moi-vung-dat-ven-bien-1094929.html