Kinh tế trang trại góp phần xóa đói giảm nghèo

Những năm gần đây, kinh tế trang trại ở huyện vùng cao Tân Lạc (Hòa Bình) đã có bước phát triển ngày càng mạnh mẽ. Sự phát triển của các mô hình kinh tế trang trại không chỉ góp phần làm thay đổi cách nghĩ, cách làm của người nông dân mà còn giúp tạo nên sức bật mới trong nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp hàng hóa, thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương…

Các mô hình trang trại đã đưa nhiều mặt hàng nông sản của Tân Lạc đến với thị trường trong và ngoài tỉnh Hòa Bình (Ảnh: MH)

Các mô hình trang trại đã đưa nhiều mặt hàng nông sản của Tân Lạc đến với thị trường trong và ngoài tỉnh Hòa Bình (Ảnh: MH)

Được sự chỉ dẫn của Hội Nông dân tỉnh Hòa Bình, chúng tôi có mặt tại huyện Tân Lạc vào trung tuần tháng 10. Được tận mắt chứng kiến thành quả mà nhiều trang trại trên địa bàn huyện mang lại, đoàn công tác mới thấy rõ hơn những lợi ích của các mô hình kinh tế trang trại mang lại cho bà con nông dân Tân Lạc. Nhiều vùng đất đồi vốn khô cằn sỏi đá hay những khu vực trũng, ao tù sản xuất khó khăn nay đã được thay thế bằng những vườn cây trĩu quả, trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm với hiệu quả kinh tế cao. Những mô hình trang trại đó chính là thành quả của một quá trình dài với bao quyết tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương. Đồng thời cũng sự ghi nhận sự nỗ lực lao động sản xuất của những người nông dân dám nghĩ, dám làm, đầu tư vốn, công sức, áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi.

Nhằm khai thác tiềm năng thế mạnh từ đất đai, năm 2010, ông Bùi Văn Hào ở xóm Cộng 1, xã Quy Hậu, huyện Tân Lạc đã quyết tâm đầu tư xây dựng mô hình trang trại chăn nuôi dê núi trên diện tích rừng của gia đình. Để lấy ngắn nuôi dài, gia đình ông Hào còn trồng thêm sắn, sả, giềng... Đàn dê núi được ông tiêm phòng dịch bệnh và chăn thả ở khu vực riêng. Đến nay, trang trại của ông Hào đã có trên 100 con dê trưởng thành. Thu nhập bình quân mỗi năm của gia đình ông Hào sau khi trừ chi phí cũng có khoảng trên dưới 120 triệu đồng/năm. Chia sẻ về những định hướng trong phát triển kinh tế gia đình, ông Hào cho biết: Cùng với việc tiếp tục mở rộng đàn dê núi do đầu ra khá ổn định, thời gian tới gia đình tôi sẽ phát triển thêm việc chăn nuôi gà thả đồi và lợn bản địa.

Còn tại xóm Đồng Tiến, xã Đông Lai, ông Bùi Văn Vinh đã trở thành tấm gương sáng trong phong trào phát triển kinh tế gia đình của địa phương. Mười năm trước, gia đình ông Vinh mạnh dạn bắt tay vào cải tạo diện tích đất vườn rừng để trồng hơn 100 gốc bưởi đỏ. Vừa làm, ông còn học hỏi thêm kỹ thuật từ sách, báo, đến nay, trang trại bưởi đỏ đã mang lại cho gia đình ông Vinh nguồn thu nhập khá ổn định. Theo ông Vinh, do có thương hiệu nên bưởi đỏ Tân Lạc được thương lái về tận vườn thu mua. Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, trang trại nhà ông Vinh có cây bưởi cho đến trên 300 trái; trung bình các cây khác từ 150 – 200 trái. Với mô hình trang trại chuyên canh bưởi đỏ, gia đình ông Bùi Văn Vinh có thu nhập ổn định hơn 300 triệu đồng/năm. Ngoài bán quả, ông còn chiết cành và cung cấp giống cho bà con trong xã hoặc khu vực lận cận.

Một góc trang trại chuyên canh bưởi đỏ của gia đình ông Bùi Văn Vinh ở xã Đông Lai, huyện Tân Lạc (Ảnh: MH)

Tìm hiểu được biết, đây chỉ là hai trong số hàng chục mô hình kinh tế trang trại đang hoạt động có hiệu quả trên địa bàn huyện Tân Lạc. Trên cơ sở khai thác những tiềm năng sẵn có như đất đồi rừng, diện tích ao hồ, đồng cỏ tự nhiên…, các mô hình kinh tế trang trại trên địa bàn đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp tăng thu nhập, nâng cao đời sống người lao động; đồng thời, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hàng hóa phát triển theo hướng hiệu quả, bền vững. Với sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của cấp ủy, chính quyền các cấp cũng như sự sáng tạo, dám nghĩ dám làm của người dân, các mô hình trang trại ở Tân Lạc phát triển khá toàn diện bao gồm cả các trang trại chăn nuôi, trồng trọt và các mô hình trang trại tổng hợp kết hợp kinh tế rừng. Đến nay, số lượng các trang trại hoạt động có hiệu quả tập trung chủ yếu ở địa bàn các xã: Quy Hậu, Thanh Hối, Đông Lai, Mãn Đức, Ngọc Mỹ…

Đặc biệt, những năm gần đây, thực hiện chủ trương của tỉnh Hòa Bình, trên cơ sở tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, đến nay nhiều loại nông sản của các trang trại ở Tân Lạc đã có mặt tại các siêu thị, trung tâm thương mại lớn của Hà Nội. Điển hình như mặt hàng ngọn su su, bưởi da xanh, bưởi đỏ, thịt gà, trứng gà, rau quả hữu cơ... Hiệu quả sản xuất bảo đảm, khá nhiều trang trại đã chủ động đầu tư cơ sở, hệ thống máy móc, hệ thống tưới; xây dựng chuồng trại chăn nuôi kết hợp với hầm bể biogas bảo đảm vệ sinh môi trường, góp phần giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương, nâng cao năng suất và chất lượng nông sản; tăng sản lượng hàng hóa và góp phần xây dựng nông thôn mới.

Theo đồng chí Bùi Văn Nhỏ, Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Lạc, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong thực hiện chủ trương đẩy mạnh phát triển kinh tế trang trại, đến nay, kinh tế trang trại đã góp phần quan trọng vào việc xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống của nhân dân và phát triển kinh tế xã hội nhiều địa phương trong huyện. Thống kê cho thấy, tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm 2-3%, đến nay còn 22,3%, tổng giá trị sản xuất tăng bình quân ở mức 13,5%/năm, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, thu nhập bình quân đầu người năm 2018 ước đạt 38,46 triệu đồng, thu ngân sách nhà nước tăng bình quân 15%/năm… Những kết quả đó có sự đóng góp không nhỏ từ các mô hình kinh tế trang trại trên địa bàn toàn huyện.

Tuy nhiên, việc phát triển kinh tế trang trại ở Tân Lạc vẫn còn những khó khăn, hạn chế nhất định như quy mô trang trại cơ bản còn nhỏ; việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế do điều kiện vốn đầu tư hạn hẹp; việc liên kết trong phát triển các mô hình trang trại chưa được mở rộng… Được biết, mục tiêu của huyện Tân Lạc là đến năm 2025 sẽ có trên 100 trang trại; 100% số chủ trang trại được tập huấn về thông tin thị trường, kiến thức khoa học kỹ thuật và quản lý… Theo đó, thời gian tới, Tân Lạc sẽ đẩy mạnh việc thực hiện các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại và cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất hàng hóa; tiếp tục mở rộng diện tích sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp hàng hóa theo hướng bền vững; nhân rộng các mô hình trang trại có hiệu quả…

Phát huy vai trò tích cực, chủ động của người sản xuất gắn với những chính sách hỗ trợ của các cơ quan chức năng, hiệu quả kinh thu được từ các mô hình kinh tế trang trại sẽ sớm trở thành động lực quan trọng, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hàng hóa ở huyện miền núi Tân Lạc ngày càng phát triển./.

Bài, ảnh: Phạm Minh Hà

Nguồn Đảng Cộng Sản VN: http://cpv.org.vn/kinh-te/-kinh-te-trang-trai-gop-phan-xoa-doi-giam-ngheo-501493.html